Tổng quan về phân tích liên thị trường – Intermarket Analysis

[Overview] Tổng quan về phân tích liên thị trường – Intermarket Analysis

(Nguồn: http://phochungkhoan.vn)

Phân tích liên thị trường (Intermarket analysis) là một nhánh của phân tích kỹ thuật, nó dùng để kiểm tra các mối tương quan giữa các loại tài sản tài chính khác nhau: cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa và tiền tệ.
PHÂN TÍCH LIÊN THỊ TRƯỜNG LÀ GÌ ?
Trong cuốn sách kinh điển của John Murphy về Phân tích liên thị trường , ông lưu ý rằng những người phân tích đồ thị cũng có thể sử dụng các mối quan hệ để xác định các giai đoạn của chu kỳ kinh doanh và cải thiện khả năng dự báo của họ. Tồn tại mối quan hệ rõ ràng giữa các cổ phiếu và trái phiếu, trái phiếu và hàng hóa, hàng hóa và đồng đô la. Biết được những mối quan hệ có thể giúp những người phân tích đồ thị xác định giai đoạn của chu kỳ đầu tư, lựa chọn các kênh đầu tư tốt nhất và tránh các kênh đang diễn biến xấu. Phần lớn tài liệu cho bài viết này được lấy từ cuốn sách của John Murphy và cả những bài viết của ông về thị trường.
CÁC MỐI QUAN HỆ LẠM PHÁT
Các mối quan hệ liên thị trường phụ thuộc vào các mức độ của lạm phát hoặc giảm phát. Trong một môi trường lạm phát “bình thường”, cổ phiếu và trái phiếu có hệ số tương quan dương. Điều này có nghĩa là cả hai đều di chuyển theo cùng một hướng. Thế giới trong tình trạng lạm phát từ năm 1970 đến cuối năm 1990. Đây là những mối quan hệ liên thị trường quan trọng trong một môi trường lạm phát :
• Một mối quan hệ cùng chiều giữa trái phiếu và cổ phiếu
• Một mối quan hệ trái chiều giữa lãi suất và cổ phiếu
• Trái phiếu thường thay đổi hướng trước cổ phiếu
• Một mối quan hệ trái chiều giữa hàng hóa và trái phiếu
• Một mối quan hệ cùng chiều giữa hàng hóa và lãi suất
• Một mối quan hệ cùng chiều giữa cổ phiếu và hàng hóa
• Hàng hóa thường thay đổi hướng sau cổ phiếu
• Một mối quan hệ trái chiều giữa đồng đô la và chỉ số hàng hóa
Trong một môi trường lạm phát, chứng khoán tăng dẫn đến lãi suất giảm (tăng giá trái phiếu). Lãi suất thấp kích thích hoạt động kinh tế và tăng lợi nhuận của công ty. Như lãi suất giảm và nền kinh tế tăng cường, nhu cầu hàng hóa tăng và giá cả hàng hóa tăng. Hãy chú ý đó là một “môi trường lạm phát” không có nghĩa là lạm phát phi mã. Nó chỉ đơn giản có nghĩa là mức độ lạm phát hiện nay cao hơn so với mức độ giảm phát.
CÁC MỐI QUAN HỆ GIẢM PHÁT
Murphy lưu ý rằng thế giới chuyển từ một môi trường lạm phát sang giảm phát vào khoảng năm 1998. Nó bắt đầu với sự sụp đổ của đồng Baht Thái vào mùa hè năm 1997 và nhanh chóng lan sang các nước láng giềng và dẫn đến cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á. Ngân hàng trung ương châu Á tăng lãi suất để hỗ trợ đồng tiền của mình, nhưng lãi suất cao bóp nghẹt nền kinh tế và những vấn đề phức tạp khác. Các mối đe dọa tiếp theo của giảm phát toàn cầu đã đẩy tiền ra khỏi cổ phiếu và vào trái phiếu. Cổ phiếu giảm mạnh, trái phiếu kho bạc tăng mạnh và tỷ lệ lãi suất của Mỹ suy giảm. Điều này đánh dấu một sự tách biệt giữa cổ phiếu và trái phiếu có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm. Giảm phát tiếp tục kéo theo các sự kiện lớn như vỡ bong bóng chỉ số Nasdaq vào năm 2000, vỡ bong bóng nhà đất vào năm 2006 và khủng hoảng tài chính trong năm 2007.
Các mối quan hệ liên thị trường trong môi trường lạm phát và giảm phát phần lớn là giống nhau ngoại trừ một điều là cổ phiếu và trái phiếu tương quan nghịch trong một môi trường giảm phát. Điều này có nghĩa là cổ phiếu tăng lên khi trái phiếu giảm và ngược lại. Điều này cũng có nghĩa là cổ phiếu có mối quan hệ cùng chiều với lãi suất. Do đó, cổ phiếu và lãi suất cùng tăng hoặc sẽ cùng giảm.
Rõ ràng, giảm phát thay đổi toàn bộ các mối quan hệ giữa các sản phẩm tài chính. Giảm phát là ảnh hưởng xấu đối với cổ phiếu và hàng hóa, nhưng lại tốt đối với trái phiếu. Sự tăng giá và giảm lãi suất trái phiếu làm tăng nguy cơ giảm phát và điều này tạo áp lực lên cổ phiếu. Ngược lại, giảm giá và tăng lãi suất trái phiếu giảm mối đe dọa giảm phát và điều này là tích cực đối với cổ phiếu. Dưới đây là tóm tắt các mối quan hệ liên thị trường quan trọng trong một môi trường giảm phát.
• Một mối quan hệ trái chiều giữa trái phiếu và cổ phiếu
• Một mối quan hệ cùng chiều giữa lãi suất và cổ phiếu
• Một mối quan hệ trái chiều giữa hàng hóa và trái phiếu
• Một mối quan hệ cùng chiều giữa hàng hóa và lãi suất
• Một mối quan hệ cùng chiều giữa cổ phiếu và hàng hóa
• Một mối quan hệ trái chiều giữa đồng đô la và hàng hóa
CHỈ SỐ DOLLAR VÀ THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA
Đồng đô la và thị trường tiền tệ là một phần của phân tích liên thị trường. Cũng như những cổ phiếu được xem xét, khi đồng đô la yếu sẽ là sự suy giảm khi kèm theo một sự tăng vọt trong giá cả hàng hóa. Rõ ràng, khi giá các mặt hàng tăng vọt đồng nghĩa với việc lạm phát tăng và điều này dẫn đến trái phiếu chính phủ sẽ rớt giá. Từ đó chúng ta có hệ quả là khi đồng đô la suy yếu đồng thời giá trái phiếu chính phủ cũng giảm theo. Phá giá đồng đô la dẫn đến việc chính phủ bơm vào nền kinh tế bằng một gói kích thích và làm cho xuất khẩu cạnh tranh hơn. Điều này mang đến lợi ích lớn cho các cổ phiếu đa quốc gia mà lấy được một phần lớn doanh thu của họ ở nước ngoài.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi đồng đô la tăng giá? Đồng tiền quốc gia là sự phản ánh của nền kinh tế và bảng cân đối quốc gia. Các nước có nền kinh tế mạnh và bảng cân đối mạnh có đồng tiền mạnh hơn. Các nước có nền kinh tế yếu kém và gánh nặng nợ nần lớn với các đồng tiền yếu. Đồng đô la tăng tạo áp lực lên giá cả hàng hóa vì nhiều mặt hàng được định giá bằng đô la, chẳng hạn như dầu. Trái phiếu được hưởng lợi từ sự suy giảm trong giá cả hàng hóa, vì điều này làm giảm áp lực lạm phát. Cổ phiếu cũng có thể được hưởng lợi từ sự suy giảm trong giá cả hàng hóa, vì điều này làm giảm chi phí cho nguyên liệu thô.
CÔNG NGHIỆP KHAI THÁC KIM LOẠI VÀ TRÁI PHIẾU
Không phải tất cả hàng hóa được tạo ra đều như nhau. Cụ thể, giá dầu thường nhạy cảm với những cú sốc về cung. Tình trạng bất ổn tại các nước sản xuất dầu hoặc các khu vực thường là nguyên nhân giá dầu tăng. Mức giá tăng do một cú sốc cung ảnh hưởng xấu đối với cổ phiếu, nhưng tăng giá do nhu cầu tăng có thể là tốt đối với cổ phiếu. Điều này cũng đúng đối với kim loại công nghiệp, nó ít nhạy cảm với các cú sốc cung. Kết quả là, những người phân tích biểu đồ có thể xem giá kim loại công nghiệp để dự đoán về nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Giá cả tăng cao phản ánh nhu cầu gia tăng và một nền kinh tế tốt. Giá giảm phản ánh nhu cầu giảm và một nền kinh tế yếu kém. Biểu đồ dưới đây cho thấy rõ mối quan hệ cùng chiều giữa kim loại công nghiệp và chỉ số S&P 500.
Kim loại công nghiệp và trái phiếu tăng lên vì các lý do khác nhau. Kim loại di chuyển khi nền kinh tế đang phát triển và / hoặc khi áp lực lạm phát đang hình thành. Trái phiếu giảm trong những trường hợp này và tăng lên khi nền kinh tế yếu kém và / hoặc áp lực giảm phát đang hình thành. Tỷ lệ của cả hai có thể cho các nhà đầu tư có cái nhìn  sâu hơn vào độ mạnh/yếu hay lạm phát/giảm phát của nền kinh tế. Tỷ lệ của giá kim loại công nghiệp trên giá trái phiếu sẽ tăng lên khi nền kinh tế mạnh và lạm phát. Tỷ lệ này sẽ giảm khi kinh tế suy yếu và giảm phát đang thống trị.
CHU KỲ KINH TẾ
Biểu đồ dưới đây cho thấy các chu kỳ kinh doanh lý tưởng và các mối quan hệ liên thị trường trong một môi trường lạm phát bình thường. Biểu đồ chu kỳ này dựa trên một mối quan hệ trong liên thị trường theo đánh giá của Martin J. Pring (www.pring.com). Chu kỳ kinh doanh được thể hiện như sóng hình sin. Ba giai đoạn đầu tiên là một phần của suy giảm kinh tế (suy yếu, đáy, hồi phục ). Giai đoạn 3 cho thấy nền kinh tế trong giai đoạn co thắt, nhưng hồi phục sau khi tạo đáy. Khi sóng hình sin vượt qua trục giữa, nền kinh tế chuyển từ thu hẹp sang ba giai đoạn phát triển kinh tế (tăng trưởng , đỉnh và suy yếu). Giai đoạn 6 vẫn cho thấy nền kinh tế trong một giai đoạn mở rộng, nhưng nền kinh tế đã suy yếu ở giai đoạn này sau khi đạt đỉnh ở giai đoạn 5.
• Giai đoạn 1 cho thấy nền kinh tế thu hẹp và trái phiếu có xu hướng đi lên do lãi suất giảm. Suy yếu kinh tế dẫn đến việc chính phủ thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ và hạ thấp lãi suất, điều này làm tăng đối với trái phiếu.
• Giai đoạn 2 đánh dấu một đáy trong nền kinh tế và cả thị trường chứng khoán. Mặc dù điều kiện kinh tế đã ngừng xấu đi, nhưng nền kinh tế vẫn không ở giai đoạn mở rộng hoặc thực sự phát triển. Tuy nhiên, cổ phiếu được dự đoán một giai đoạn mở rộng của đáy trước khi kết thúc giai đoạn suy yếu [thị trường chứng khoán thường đi trước nền kinh tế 6-9 tháng].
• Giai đoạn 3 cho thấy một cải tiến lớn trong điều kiện kinh tế cũng như chu kỳ kinh doanh chuẩn bị bước vào một giai đoạn mở rộng. Cổ phiếu đã tăng lên và hàng hóa hiện tại dự đoán một giai đoạn mở rộng và giá có xu hướng đi lên.
• Giai đoạn 4 đánh dấu một giai đoạn phát triển đầy đủ. Cả cổ phiếu và hàng hóa đang tăng lên, nhưng trái phiếu lại đi xuống vì việc mở rộng làm tăng áp lực lạm phát. Lãi suất bắt đầu tăng cao hơn để chống lại áp lực lạm phát.
• Giai đoạn 5 đánh dấu một đỉnh cao trong tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán. Mặc dù việc mở rộng tiếp tục, nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ chậm hơn vì lãi suất tăng cao và giá cả hàng hóa tăng cao gây ra nhiều tổn thất. Cổ phiếu dự đoán một giai đoạn thu hẹp vì đã tạo đỉnh trước khi giai đoạn mở rộng thực sự kết thúc. Hàng hóa vẫn ở mức cao và tạo đỉnh sau thị trường chứng khoán.
• Giai đoạn 6 đánh dấu sự suy giảm trong nền kinh tế như các chu kỳ kinh doanh chuẩn bị để di chuyển từ một giai đoạn mở rộng sang một giai đoạn suy thoái. Cổ phiếu có xu hướng đi xuống và giá cả hàng hóa hiện tại cũng thấp hơn trước nhu cầu giảm từ các nền kinh tế đang xấu đi.
Hãy nhớ rằng đây là chu kỳ kinh doanh lý tưởng trong một môi trường lạm phát. Cổ phiếu và trái phiếu cùng đi lên trong giai đoạn 2 và 3. Tương tự như vậy, cả hai đều giảm trong giai đoạn 5 và 6. Điều này sẽ không phải là trường hợp trong một môi trường giảm phát, khi trái phiếu và cổ phiếu sẽ di chuyển theo hướng ngược nhau.
DỊCH CHUYỂN NGÀNH
Không có gì ngạc nhiên khi chu kỳ kinh doanh ảnh hưởng đến chuyển động của các lĩnh vực khác như thị trường chứng khoán và các nhóm ngành công nghiệp. Một số ngành hoạt đông tốt hơn so với những ngành khác trong các giai đoạn cụ thể của chu kỳ kinh doanh. Biết các giai đoạn của chu kỳ kinh doanh có thể giúp các nhà đầu tư xác định được vị trí của mình để đầu tư đúng vào những ngành sẽ tăng trưởng và tránh những ngành đang trong giai đoạn suy yếu.
Biểu đồ trên cho thấy chu kỳ kinh tế trong màu xanh lá cây, chu kỳ thị trường chứng khoán màu đỏ và những ngành đầu tư tốt nhất trong mỗi giai đoạn được thể hiện ở phần trên của biểu đồ. Đường trục giữa đánh dấu sự chuyển giao co lại/mở rộng nền kinh tế. Chú ý chu kỳ thị trường chứng khoán màu đỏ đi trước chu kỳ kinh tế. Thị trường lần lượt lên và vượt qua trục đối xứng trước khi chu kỳ kinh tế bắt đầu di chuyển. Tương tự như vậy, thị trường quay xuống và cắt xuống dưới đường tâm trước chu kỳ kinh tế.
Ngành hàng tiêu dùng, là ngành đầu tiên xác nhận đáy trong nền kinh tế và tiếp sau đó là cổ phiếu công nghệ. Hai nhóm này dẫn đầu vào đầu trong thị trường chứng khoán con bò.
Đầu chu kỳ thị trường được đánh dấu bằng sức mạnh tương đối trong ngành vật liệu và năng lượng. Các lĩnh vực được hưởng lợi từ sự gia tăng giá cả hàng hóa và sự gia tăng trong nhu cầu từ một nền kinh tế mở rộng. Điểm mấu chốt của thị trường chuyển từ năng lượng sang hàng tiêu dùng. Đây là một dấu hiệu cho thấy giá cả hàng hóa tăng quá cao và đang bắt đầu làm suy giảm nền kinh tế.
Đỉnh của thị trường và suy thoái được theo sau bởi sự co lại của nền kinh tế. Ở giai đoạn này, FED bắt đầu hạ lãi suất và tạo dốc đường cong lãi suất. Đường cong lợi suất dốc cũng cải thiện khả năng sinh lời của các ngân hàng và khuyến khích cho vay. Lãi suất thấp và dễ dàng vay tiền cuối cùng dẫn đến đáy của thị trường và chu kỳ lặp lại.
TỔNG KẾT
Phân tích liên thị trường là một công cụ có giá trị để phân tích dài hạn hoặc trung hạn. Bởi vì các mối quan hệ trong liên thị trường thường được xem xét trong thời gian dài, chúng có thể chủ để để bàn luận hoặc thời gian khi các mối quan hệ không còn đúng nữa. Các sự kiện lớn như cuộc khủng hoảng Euro hay cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ có thể khiến một số mối quan hệ giữa các sản phẩm tài chính không còn đúng như quy luật trong một vài tháng. Hơn nữa, các công cụ hiển thị trong bài viết này nên được sử dụng kết hợp với các kỹ thuật phân tích kỹ thuật khác. Biểu đồ tỷ lệ ngành kim loại công nghiệp/trái phiếu có thể là một phần của rổ chỉ số thị trường rộng lớn được thiết kế để đánh giá sức mạnh tổng thể của thị trường chứng khoán. Một chỉ số hoặc một mối quan hệ không nên được sử dụng riêng khi thực hiện một đánh giá sâu rộng điều kiện thị trường.

 


Tổng quan về phân tích liên thị trường – Intermarket Analysis

(Nguồn: http://intermarketanalysisblog.com)

  1. TIỀN ĐỀ, KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ PHÂN TÍCH LIÊN THỊ TRƯỜNG TRONG GIAO DỊCH TÀI CHÍNH

Trong phần trước chúng ta đã lần lượt đi qua các khái niệm cơ bản về thị trường tài chính và những bộ phận cấu thành nên thị trường tài chính. Như các bạn đã biết việc phân tích thị trường tài chính đòi hỏi phải có lượng kiến thức tốt, không chỉ riêng phân tích kỹ thuật mà đại bộ phận trader hiện nay vẫn đang áp dụng, mà nó còn là khả năng bao quát toàn cảnh thị trường, khả năng phân tích tin tức hay nói chung đó chính là phân tích cơ bản để thấy được những động lực thật sự đang chi phối thị trường. Trong những phương pháp tiếp cận với phân tích cơ bản đó thì phân tích liên thị trường được xem là một phương pháp khá mới mẻ. Nhưng sự hiệu quả của phương pháp này thì đã được kiểm chứng qua nhiều thế hệ trader cho đến ngày nay, tiền đề sự ra đời của phương pháp này là gì, chúng ta sẽ bắt đầu với những khái niệm cơ bản nhất trước khi đi sâu hơn nữa vào những mối tương quan.

LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ GIỚI THIỆU VỀ PHÂN TÍCH LIÊN THỊ TRƯỜNG (INTER-MARKET ANALYSIS – IA)

Năm 1990, sau khi John Murphy hoàn thành cuốn sách Inter-Market Technical Analysis, cuốn sách viết về chiến lược kinh doanh cho thị trường chứng khoán, hàng hóa và tiền tệ. Quan điểm trong cuốn sách đó của ông là mối quan hệ chặt chẽ giữa các thị trường với nhau, sự tương quan giữa giá cả và các sự kiện tài chính trong và ngoài phạm vi nước Mỹ. Trong cuốn sách đó ông nhấn mạnh những vấn đề liên quan đến phân tích kỹ thuật dựa trên sự tương quan giữa các thị trường, trong phương pháp đó của ông chỉ tập trung vào các biểu đồ và sau đó ông nhận ra ngoài sự tương quan thể hiện trên biểu đồ kỹ thuật thì không thể không nhắc đến các quy luật, những tác động từ các thông tin cơ bản, từ những sự kiện đang diễn ra, ông nhận ra rằng giá cả phản ảnh trên chart kỹ thuật là do những tác động từ những tin tức cơ bản, những tin tức đó sẽ chi phối lên tâm lý của con người, điều đó sẽ là động lực chính chi phối thị trường. Mặc dù ông đã nêu lên được những mối tương quan như phân tích thị trường chứng khoán có xét đến xu hướng hiện tại của đồng USD, hay thị trường hàng hóa và trái phiếu có sự tương quan rất mật thiết, ông đã sử dụng các chỉ số hàng đầu của các thị trường để nói lên rằng các thị trường có sự tác động lẫn nhau. Tuy nhiên những điều trên sẽ chưa đầy đủ. Bởi vì những điều ông nói trên chỉ mới tập trung vào phân tích kỹ thuật, như vậy sẽ có những thắc mắc liên quan tương tự như liệu mối quan hệ liên thị trường có tồn tại ở tất cả các thị trường hoặc các thị trường sẽ phản ứng ra sao nếu có một sự kiện nào đó khiến nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Sau hơn 10 năm phát triển phương pháp phân tích liên thị trường này thì vào năm 2004 John Murphy lại tiếp tục cho xuất bản thêm cuốn phân tích liên thị trường khác, trong cuốn này ngoài việc phân tích kỹ thuật liên thị trường thì ông đã nhấn mạnh tới sự tác động của những thông tin cơ bản, những sự kiện có tầm ảnh hưởng lên toàn cảnh thị trường tài chính, trong những gì ông nêu ra có các quy luật liên thị trường mà theo ông đó chính là những quy luật tổng quan nhất, dễ dàng nhận thấy nhất và mỗi khi có sự kiện tác động lên thị trường thì các biến động trên thị trường sẽ diễn ra thế nào, và tất nhiên trong mỗi biến động như vậy đều có một thị trường dẫn dắt các thị trường còn lại. Mãi sau này sau cuộc khủng hoảng năm 2008 ông lại tiếp tục tái bản cuốn Inter-Market Analysis thêm một lần nữa, điều này dễ dàng nhận thấy rằng phân tích cơ bản là muốn hình vạn trạng, các sự kiện liên tục thay đổi và hầu như không có cái nào giống cái nào, cùng một sự việc như vậy nhưng tâm lý con người không phải lúc nào cũng nghĩ sự kiện đó sẽ diễn ra như thế. Tôi có thể lấy một ví dụ ngay hiện tại: thời điểm thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ hồi tháng 6 vừa qua, mặc dù chính phủ Trung Quốc đã sử dụng rất nhiều biện pháp để trấn an lòng dân, thậm chí ngay cả khi GDP quý được công bố tăng trưởng 7% mà thị trường vẫn lao dốc không phanh, điều này thể hiện răng tâm lý lúc bấy giờ là hoang mang tột độ, khi nỗi sợ án ngữ trong mỗi nhà đầu tư thì việc họ mong muốn chỉ là làm sao thoát ra khỏi market một cách nhanh chóng nhất, các bạn tưởng tượng nhé khi ai cũng đang sợ số tiền của mình vơi đi quá nhanh, quá nhiều thì lúc này các bạn muốn làm gì nhất, cắn răng chấp nhận lỗ để thoát cho nhanh, nhưng nếu ai cũng bán mà không có người mua thì xảy ra cơ sự gì? Có phải người ta sẽ hạ mức giá bán xuống và càng hạ thì thị trường lại càng thê thảm hơn không. Thị trường luôn tồn tại hai thế cực, đó là Lòng Tham và Nỗi Sợ: Tham thì ai cũng có, con người từ sơ khai đến bây giờ, trải qua hàng ngàn năm lịch sử thế nhưng lòng tham thì lúc nào cũng tồn tại, mà đã đi kèm với Tham thì tất nhiên phải Sợ, người ta Sợ rằng sẽ phải chịu rủi ro, sợ mất tiền… Qua ví dụ trên chúng ta có thể hiểu là việc phân tích và tiên đoán xu hướng của thị trường cũng như đọc hiểu được tâm tư của phần lớn những người đang giao dịch trên thị trường vậy.

Tóm lại việc sử dụng phương pháp nào để phân tích cũng đều với một mục đích là tiên đoán xu hướng của thị trường cả. Xu hướng cũng có từng đợt, nó giống như những đợt sóng, và không có đợt sóng nào giống nhau, có những đợt sóng sẽ rất dài, có khi nó rất ngắn. Ở phần trước Tôi có nhắc đến Follow The Market tức là nương theo thị trường. Trong suốt chiều dài phát triển của thị trường tài chính đã có không ít anh tài vất vả đi tìm hai điểm cực trị của thị trường, nhưng tất cả đều vô vọng. Có thể trong cuộc đời trading của bạn sẽ may mắn một vài lần tìm được 2 điểm đó, nhưng Tôi chắc chắn sẽ không ai tồn tại trên thị trường với việc đi tìm 2 điểm cực đó được. Đỉnh và Đáy thường xuất hiện vào những thời điểm chúng ta không ngờ tới nhất, chỉ khi nó hoàn thành rồi thì chúng ta mới biết đó là đỉnh hay đáy. Nương theo thị trường không có nghĩa là bạn phải dự đoán được 2 điểm cực đó, bạn chỉ cần mua bán ở đoạn giữa thôi, làm được vậy lâu dài thì bạn cũng đủ giàu rồi.

Trước đây phân tích liên thị trường được xem là một nhánh của phân tích kỹ thuật và sau này khi nó dần phổ biến và các nhà đầu tư dần hiểu được rằng sự biến động của thị trường là có sự tương quan, gắn bó mật thiết với nhau. Bởi vì thị trường có thế nào đi nữa thì cũng chính là do con người tạo ra, do vậy mọi thay đổi, biến động trên thị trường cũng từ tâm lý mà thành. Việc nghiên cứu sự biến động trên tất cả bốn bộ phận cấu thành thị trường không nhất thiết đòi hỏi bạn phải thông thạo hết tất cả bốn bộ phận đó, nhưng việc bạn nắm vững được những sự tác động qua lại của chúng chính là chìa khóa để bạn có được cái nhìn tốt nhất trong những phân tích của mình. Thị trường tài chính là một trò chơi của tương lai – Trading is a future game. Đại ý câu này tức là tất cả những gì chúng ta học là để tiên đoán tương lai của giá, mà việc tiên đoán này có trở nên đơn giản hay không là phụ thuộc và khả năng đọc hiểu tâm tư thị trường của mỗi người. Vậy để có thể hiểu rõ hơn về phương pháp phân tích liên thị trường việc đầu tiên của chúng ta là tìm hiểu xem bốn bộ phận cấu thành thị trường là gì và giữa chúng có những mối tương quan nào.

TIỀN ĐỀ, KHÁI NIỆM VỀ PHÂN TÍCH LIÊN THỊ TRƯỜNG

Thị trường tài chính căn bản được cấu thành bởi bốn bộ phận chính, đó là bốn thị trường nhỏ hơn trong đó: Bond market (thị trường trái phiếu), Commodity market (thị trường hàng hóa), Currency market (thị trường trao đổi tiền tệ-ngoại hối) và Stock market (thị trường vốn/cổ phiếu). Ở mức độ tổng quát, có thể hiểu phân tích liên thị trường (Inter-market analysis – IA) là việc phân tích, tiên đoán diễn biến tương lai của một thị trường/món hàng dựa trên những vận động của thị trường/món hàng khác. Một khi có tin tức/sự kiện diễn ra thì chắc chắn sẽ có những biến động nhất định của thị trường, và trong những biến động đó sẽ có những thị trường/món hàng sẽ phản ứng mạnh nhất và nhanh nhất. Do vậy nếu chúng ta có thể hiểu và nhìn nhận được thị trường nào đang đóng vai trò dẫn dắt các thị trường còn lại trong sự kiện/tin tức đó thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều trong việc dự đoán xu hướng và nương theo thị trường. Nói tóm lại khi đã xác định được xu hướng đi của cả bộ phận thị trường mục tiêu mà chúng ta đã phân tích thì việc còn lại sẽ là đào sâu vào từng món hàng cụ thể trong đó để giao dịch.

  • Ghi chú: Theo Investopedia thì phân tích liên thị trường được định nghĩa là: “Việc xác định sức mạnh, yếu của thị trường tài chính hay lớp tài sản dựa trên việc phân tích nhiều hơn một lớp tài sản hay thị trường tài chính liên quan. Thay vì nhìn vào một thị trường or một lớp tài sản đơn lẻ, kiểu phân tích này xem xét một vài thị trường hay lớp tài sản tương quan chặt chẽ với nhau như cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa”.

“The original definition: The analysis of more than one related asset class or financial market to determine the strength or weakness of the financial markets or asset classes being considered. Instead of looking at financial markets or asset classes on an individual basis, this type of analysis looks at several strongly correlated markets or asset classes such as stocks, bonds and commodities”.

Tiền đề của phân tích liên thị trường là “ market is doesn’t trade in a vaccum” đại ý của câu này nói này có nghĩa là thị trường không vận động một cách đơn lẻ, độc lập mà nó vận động trong mối tương quan, liên hệ với các thị trường khác. Điều này hoàn toàn được lý giải một cách hợp lý trong các mối tương quan mà các bạn sẽ bắt gặp ngay trong thực tế đời thường, đó không phải là những ý kiến mang tính chủ quan mà nó được đúc rút ra từ cơ sở dữ liệu đã có từ hàng trăm năm trong lịch sử thị trường tài chính. Trong đó có một ví dụ điển hình mà ai cũng biết được đó là khi lạm phát gia tăng và đồng USD suy yếu thì vàng sẽ tăng rất cao. Mặc dù mối quan hệ này không phải lúc nào cũng đúng nhưng trong phần lớn thời gian mỗi khi đồng USD giảm thì vàng sẽ tăng và ngược lại. Đây chỉ là một ví dụ dễ nhận thấy nhất trong muôn vàn ví dụ thực tiễn trong quá trình phân tích thị trường tài chính.

Hinh 1.7 Moi quan he nghich dao giua vang va USD

Mặc dù các quy tắc liên thị trường là thật sự hiện hữu, nhưng có lẽ phần lớn các Trader vẫn còn đang tỏ vẻ hoài nghi về phương pháp phân tích này, và trong số đó không ít những định kiện rằng để có thể áp dụng phân tích liên thị trường là rất khó thực hành và không hiệu quả bởi vì họ phải thật sự hiểu biết sâu rộng trên tất cả bốn bộ phận cấu thành nên thị trường tài chính, trong khi thì trường mà họ giao dịch chỉ là một vài hàng hóa Commodity và thị trường trao đổi tiền tệ Currency. Thực ra những ý kiến trên hoàn toàn hợp lý khi phần lớn những người tham gia giao dịch trên thị trường tài chính không được đào tạo qua trường lớp đàng hoàng mà chủ yếu là họ tự tìm hiểu qua sách báo hay những thông tin không có bài bản trên mạng internet. Vì lý do như vậy nên họ rất khó tiếp cận được thật chi tiết và kiến thức chuyên sâu trong tất cả bốn bộ phận cấu thành này được, tuy nhiên là thực sự chúng ta không cần thiết phải biết hết tất cả, phần lớn chúng ta đang giao dịch với các loại hàng hóa như vàng, dầu, đồng… và các cặp tiền cho đến những chỉ số indices như S&P 500, DAX(GER30), JPN225, AUS200… Những món hàng được nêu ở trên để chúng ta tìm hiểu thật sự chuyên sâu là không hề khó khăn gì, nhưng để hiểu rõ được những mối tương quan thì việc cần thiết vẫn là nắm vững được các tác động qua lại giữa chúng và giữa các thị trường với nhau. Tôi có thể lấy ví dụ thế này: Khi các bạn giao dịch cặp tiền AUD/USD, việc đầu tiên là phải nắm vững những yếu tố tác động lên 2 đồng tiền AUD và USD, bằng những vốn kiến thức có được và khả năng tư duy về sự kiện đang diễn ra, chẳng hạn như là khi thị trường chứng khoán Trung Quốc bốc hơi hơn 50%, tiêu dùng và tăng trưởng trong nền kinh tế Trung Quốc là không tăng thì đương nhiên sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế Úc rồi (vì đơn giản Trung Quốc là bạn hàng, đối tác thương mại lớn nhất của Úc) và đặc biệt khi phân tích tình hình kinh tế Úc thì không thể không quan tâm tới các món hàng kim khoáng quặng (vàng, đồng, sắt…) bởi vì Úc là quốc gia khai thác khoáng sản lớn nhất nhì trên thế giới và phần lớn GDP của Úc đến từ việc xuất khẩu các món hàng này. Vậy thì khi những thứ hàng hóa đó giảm giá thì điều gì sẽ tác động đến đồng AUD, chắc chắn là AUD không thể tăng được. Qua ví dụ trên các bạn có thể thấy việc phân tích liên thị trường thực chất không quá khó như nhiều người vẫn nghĩ, công việc của chúng ta là nắm bắt được những yếu tố tổng quát và quan trọng nhất tác động đến món hàng chúng ta đang giao dịch.

Như vậy qua những ví dụ trên có thể thấy không nhất thiết phải am tường hết tất cả bốn bộ phận cấu thành thị trường, mà một IA-Trader (Trader áp dụng phương pháp phân tích liên thị trường) thật sự cần am tường đó là các mối quan hệ tác động qua lại giữa các thị trường với nhau. Các mối quan hệ này không quá khó để chúng ta ghi nhớ và áp dụng, nó là hữu hạn và hoàn toàn rất cụ thể.

Các bạn hãy thử tưởng tượng rằng mình đang là một nhà cầm quân, một vị tướng (cũng như đang chơi cờ vậy) khi ra chiến trận nếu mà có thể đứng ở trên cao, bao quát được toàn bộ tình hình thế trận, quan sát được địa hình thì đương nhiên là vị tướng đó có thể có cái nhìn tốt hơn về tính hình hiện tại, điều đó nghĩa là ông ta có thể đưa ra các cách bài binh bố trận một cách tốt hơn (biết địch biết ta trăm trận trăm thắng là như thế). Một khi ông ta nắm vững được tình hình và bài binh bố trận tốt thì tất nhiên khi cuộc chiến nổ ra thì ông ta sẽ hạn chế được những tổn thất cho quân đội của ông ta và đương nhiên là sẽ đánh được vào điểm yếu của đối phương, ắt phần thắng sẽ thuộc về ông ta. Cách ví von như thế này người Trader cũng giống như vị tướng khi ra chiến trận, một ví dụ tương đối thực tế để các bạn thấy rằng việc áp dụng phương pháp phân tích liên thị trường để có được những cái nhìn tốt hơn về xu hướng của dòng smart $ đang đổ về đâu, từ những tin tức và sự kiện diễn ra để từ đó mà có những quyết định nương theo thị trường hợp lý. Trải qua thời gian giao dịch trên thị trường Tôi nhận ra rằng việc quan sát được những giao động, thay đổi trên cả bốn bộ phận cấu thành market sẽ giúp tôi tự tin hơn trong những giao dịch của mình, thực sự khi đi sâu vào tìm hiểu phương pháp này và giờ đây biểu Tôi chỉ nhìn vào mỗi chart của món hàng tôi đang Trade thì Tôi không làm được. Việc xem xét cả bốn bộ phận cấu thành của thị trường tài chính trong lúc giao dịch không làm Tôi thấy khó khăn mà ngược lại nó giúp tôi hiểu được những món hàng Tôi đang giao dịch đang bị chi phối bởi sự kiện nào và thị trường nào đang dẫn dắt. Những dấu hiệu sớm từ thị trường đầu tàu, dẫn dắt những thị trường còn lại và những dấu hiệu sớm đó sẽ cảnh báo cho Tôi khả năng đảo chiều rất lớn sắp xảy ra mới món hàng Tôi đang chú ý, từ đó mà khi quyết định đặt tiền vào market Tôi không cảm thấy lo lắng và điều quan trọng là những mức Stop Loss giới hạn mà Tôi có thể chấp nhận là rất bé. Các bạn có thể hình dung, việc tham gia vào thị trường này thì Stop Loss là điều chắc chắn phải có, việc của chúng ta là làm sao hạn chế mức Loss là BÉ NHẤT có thể.

VAI TRÒ CỦA PHÂN TÍCH CƠ BẢN TRONG PHÂN TÍCH LIÊN THỊ TRƯỜNG

Cũng như trong ví dụ so sánh ở phía trên Trader cũng giống như vị tướng ra chiến trận. Thì bây giờ cũng có thể ví Phân Tích Cơ Bản trong giao dịch tài chính cũng như là tiềm lực của đội quân ông ta đang nắm, hay chính là một đội quân tinh nhuệ vậy, muốn đánh thắng trận ngoài việc bài binh bố trận, quan sát toàn cảnh chiến trường thì ắt hẳn phải có một đội quân tinh nhuệ, thiện chiến và đương nhiên đội quân đó phải có nền tảng tinh thông các cách đánh trận. Phân tích cơ bản đóng một vai trò cực kỳ quan trọng và là nền tảng cho mọi phân tích liên thị trường. Chắc hẳn sẽ có nhiều bạn thắc mắc rằng giữa phân tích cơ bản và phân tích liên thị trường có khác nhau chỗ nào? Cũng chính vì là nền tảng cho nên phân tích cơ bản (Fundamental Analysis – FA) và phân tích liên thị trường (IA) thường không có sự phân chia khác biệt, có thể hiểu được là Phân tích Cơ Bản là cần thiết và phải có trong bất cứ một bài phân tích liên thị trường nào. Trong quá trình lịch sử hàng trăm năm của thị trường tài chính thì sự ra đời của Phân tích Cơ Bản và Phân tích Kỹ Thuật (Technical Analysis – TA) đã có từ lâu, còn phương pháp phân tích Liên thị trường là mới được phát triển và chính thức được sử dụng rộng rãi trong các bài phân tích từ những năm đầu thập niên 90 khi mà John Murphy phát triển và viết ra thành sách (John Murphy – Cây đại thụ trong làng TA của thế giới, ông đã biến soạn cuốn sách Intermarket Technical Analysis (Phân tích Kỹ thuật Liên thị trường). Và cũng chính từ lúc ông xuất bản cuốn sách này mà phương pháp phân tích liên thị trường mới thật sự bùng nổ vào khoảng những năm 2000 cho mãi tới bây giờ.

Trong khi phân tích cơ bản là việc phân tích các sự kiện, số liệu của riêng món hàng/thị trường, tức là chỉ tập trung vào những cái cụ thể mà chúng ta muốn giao dịch, để định ra giá trị thật của nó, qua đó so sánh món hàng đó với giá trị thật để xem giá thành của nó như thế nào, nói chung là việc phân tích cơ bản trước đây chỉ tập trung vào những thông tin độc lập của thị trường/món hàng người trader đang giao dịch. Nhưng với phân tích liên thị trường lại không gói gọn trong phạm vi đơn lẻ của một thị trường/món hàng như vậy. Đây chính là điểm khác biệt giữa phân tích cơ bản đơn thuần và phân tích liên thị trường. Trong quan niệm của nhiều người, đặc biệt là những người giao dịch chứng khoán thì điều họ quan tâm là giá trị cổ phiếu họ đang giao dịch là mắc hay rẻ thì với cùng một món hàng đó những người theo quan niệm phân tích liên thị trường sẽ xem xu hướng của cổ phiếu đó là thế nào, trong tương lai nó sẽ tăng hay giảm. Tóm gọn lại trong quan niệm của những người phân tích liên thị trường thì mục đích của họ là tìm xem động lực nào đang chi phối cái họ đang giao dịch và trong tương lai món hàng đó sẽ tăng hay giảm để từ đó quyết định nương theo thị trường hợp lý.

Thêm một ví dụ nữa để hiểu được tầm quan trọng của phân tích cơ bản đối với phương pháp phân tích liên thị trường: Tôi sẽ lấy ví dụ gần đây nhất đó là sự kiện PBOC cắt giảm lãi suất, ngay sau khi PBOC quyết định cắt giảm lãi suất thì với một người phân tích cơ bản đơn thuần họ sẽ tìm đến những món hàng nào nhạy cảm với tin tức lãi suất của Trung Quốc nhất để giao dịch, đơn cử là sẽ chạy sang mua một vài cổ phiếu chẳng hạn vì họ sẽ nghĩ rằng chính phủ cắt giảm lãi suất tức là đang cố gắng kích cầu nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp giảm thiểu bớt gánh nặng và từng bước kéo nền kinh tế lên, từ đó chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng. Nhưng kỳ thực sau cú sụp đổ hơn 50% của thị trường chứng khoán thì dường như tâm lý của các nhà đầu tư vẫn chưa hết bàng hoàng, và lúc này đây trong số họ chắc chắn có nhiều người đã khuynh gia bại sản và nhiều người thậm chí không còn nhiều tiền để tiếp tục mạo hiểm, hay người ta có tiền nhưng lúc này tâm lý sợ hãi đã bao trùm cho nên họ không muốn tiếp tục mạo hiểm nữa, chính vì lẽ đó mà dù cho PBOC có cắt giảm lãi suất thì thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng chưa thể lên liền mà cần có thời gian vài ngày, vài tuần sau thì lòng tin của nhà đầu tư mới dần khôi phục. Nhưng với một nhà phân tích liên thị trường thì câu chuyện đó lại là cơ hội thật tốt để họ tiến đến những giao dịch trong tương lai (tức là cái sự kiện PBOC cắt giảm lãi suất đó tác động đến thị trường Trung Quốc là cái trade của hiện tại chứ không phải là cái trade của tương lai), tức là họ sẽ quay sang nhìn về kinh tế Nhật Bản và Australia chứ không phải tập trung vào kinh tế Trung Quốc nữa, bởi vì họ biết rằng thương mại giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Úc là rất lớn, một khi ngân hàng Trung ương Trung Quốc PBOC cắt giảm lãi suất để kích thích xuất khẩu thì họ nghĩ ngay đến việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) sẽ phải tiến hành những biện pháp nới lỏng hơn. Vì sao? Bản chất hai nền kinh tế Nhật Bản và Australia lấy xuất cảng và xuất khẩu làm trọng, và nó đóng góp vào GDP của 2 quốc gia này là rất lớn, do vậy để thúc đẩy xuất cảng thì BOJ và RBA sẽ buộc phải thực hiện nới lỏng để hạ tỉ giá của 2 đồng tiền JPY và AUD xuống. Như vậy thì với một nhà phân tích liên thị trường họ sẽ nhân cơ hội này và thật nhanh chóng họ tìm thời điểm tốt nhất để short 2 đồng tiền JPY và AUD.

Cũng chính vì FA là nền tảng trong hầu hết mọi phân tích liên thị trường, do vậy để có thể tiến hành phân tích liên thị trường một cách hiệu quả thì chắc chắn người Trader sẽ phải trang bị cho mình một nền tảng kiến thức cơ bản thật tốt và khả năng nhạy bén khi nhìn nhận các sự kiện diễn ra. Mặc dù không nhất thiết phải hiểu biết sâu sắc về tất cả các bộ phận cấu thành thị trường nhưng chắc chắn phải hiểu biết ở một mức độ nhất định. Phân tích liên thị trường sẽ trở nên đơn giản hơn nếu như bạn càng hiểu biết sâu rộng về phân tích cơ bản. Trong cuốn sách này Tôi sẽ cố gắng xâu chuỗi tất cả diễn biến cuộc khủng hoảng Dotcom cho đến cuộc khủng hoảng năm 2008 tới nay và những mối tương quan, sự kiện lớn diễn ra trong từng giai đoạn lịch sử để hệ thống lại cho các bạn những kiến thức cơ bản quan trọng nhất và cần thiết nhất trước khi tiến hành vào việc phân tích liên thị trường.

VAI TRÒ CỦA PHÂN TÍCH KỸ THUẬT TRONG PHÂN TÍCH LIÊN THỊ TRƯỜNG

Phân tích cơ bản đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình hình thành và phát triển của phân tích liên thị trường thì bên cạnh đó phân tích kỹ thuật cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của thị trường tài chính thì việc sử dụng phân tích kỹ thuật để khỏa lấp những thiếu sót trong kiến thức cơ bản của người trader, và cũng chính vì lẽ đó mà kiến thức và các công cụ phân tích kỹ thuật hiện nay rất phổ biến và có thể nói là rất nhiều, và phần lớn các trader vẫn đang miệt mài tìm kiếm một bộ công cụ, gọi tắt là hệ thống giao dịch Tốt Nhất, tuy nhiên có lẽ như trên thế giới này sẽ không bao giờ tìm ra được bộ công cụ nào như thế. Mặc dù tâm lý sợ hãi và lòng tham trong mỗi con người là không bao giờ thay đổi tuy nhiên là những thứ công cụ mang đậm chất Robot đó không thể nào thay thế con người để đo đếm được lúc nào con người vui, lúc nào buồn, khi nào họ sẽ tham lam và bao giờ họ thực sự sợ hãi… Chính vì vậy dù phân tích kỹ thuật có cao siêu đến đâu mà không hiểu được động lực thực chất chi phối tâm lý thị trường thì sẽ khó mà duy trì được xác xuất giành chiến thắng cao được. Nhưng bên cạnh đó nếu như phân tích cơ bản giỏi, thiệt giỏi nhưng không nắm vững được một số kiên thức kinh nghiệm về phân tích kỹ thuật thì cũng không thể nào giao dịch tốt được. Vậy nên không thể tách rời tầm quan trọng của phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản ra thành riêng lẻ được, mà thay vào đó chúng ta sẽ phải tìm cách kết hợp một cách nhuần nhuyễn nhất, tốt nhất giữa hai hình thức trên. Một ví von như thế này: Phân tích cơ bản được ví như nội công của một cao thủ võ lâm trong phân tích thị trường, thì phân tích kỹ thuật được xem như là chiêu thức giúp người đó thi triển được hết tố chất nội công sẵn có. Nói chung khi phân tích kỹ thuật nhuần nhuyễn thì mới phát huy được tối đa được vốn kiến thức mà phân tích cơ bản mang lại.

Phân tích kỹ thuật thì có muôn hình vạn trạng, trong số đó có không ít người sử dụng Price Action, một số lại sử dụng các mô hình Harmonic, người lại sử dụng các mô hình Chart Parttern, cũng không ít người phân tích dựa trên những công cụ chỉ báo như là MACD, Bolinger Band, Ichimoku, MA… Nhưng tựu chung lại mỗi thành phần đều có đặc điểm riêng và điều quan trọng là mỗi chúng ta phải tìm cho ra một số công cụ hữu hiệu nhất với mình. Theo thiển ý cá nhân Tôi thì dù phân tích kỹ thuật muôn hình vạn trạng thế nào đi chăng nữa thì cũng phải cần xác định Trend (xu hướng) của thị trường. Việc xác định Trend có thể có nhiều phương pháp, tuy nhiên xác định được trend rồi thì cũng phải cần dựa vào nến, bởi vì nến thể hiện tâm tư của người chơi và qua đó đoán biết được tâm lý thị trường, các mô hình chart parttern cũng được hình thành từ những thay đổi trong tâm tư của thị trường mà tựu chung đó là suy nghĩ của đại bộ phận trader đang giao dịch. Do vậy cá nhân Tôi nhận thấy việc nắm vững các mẫu nến cơ bản, mô hình chart parttern và sử dụng thật tốt một hay nhiều hơn một công cụ chỉ báo hỗ trợ (riêng cá nhân Tôi thường hay sử dụng Ichimoku và MACD để xác định xu hướng và xung lực của thị trường).

Trích Phần II – Chương I – Cuốn sách: Phân Tích Cơ Bản và Kỹ Thuật Liên Thị Trường Trong Giao Dịch Tài Chính

Ngọc Hải M.Pearlie

Source: B&B Investment – Inter-Market Analysis Blog

—————&&————-

Bình luận về bài viết này