Định lý Gödel

Định lý Gödel

(Nguồn: https://trithucvn.org/)

Định lý Gödel và những bài toán vượt quá tầm với của khoa học

Năm 1931, Kurt Gödel công bố Định lý Bất toàn (Theorem of Incompleteness), trong đó chỉ ra rằng:

● Trong toán học luôn luôn tồn tại những sự thật không thể quyết định được (không thể chứng minh và cũng không thể bác bỏ).

● Toán học không thể tự chứng minh mình là một hệ thống nhất quán (phi mâu thuẫn).

Tóm lại, toán học là bất toàn.

Nếu hệ logic mạnh nhất như toán học mà bất toàn thì suy ra mọi hệ logic khác đều bất toàn –  mọi hệ thống nhận thức duy lý nói chung đều bất toàn. Ngay từ thế kỷ 17, nhà toán học và triết học lỗi lạc Blaise Pascal đã nhìn thấy điều đó. Ông nói:

“Bước cuối cùng của lý lẽ là nhận ra rằng có vô số thứ ở phía bên kia tầm với của lý lẽ” (La dernière démarche de la raison est de reconnaître qu’il y a une infinité de choses qui la surpassent).

Khoa học càng tiến lên càng cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy Pascal và Gödel hoàn toàn đúng. Sau đây là vài thí dụ:

● Năm 1878, George Cantor nêu lên Giả thuyết Continuum (CH – Continuum Hypothesis): Không tồn tại một tập hợp nào có lực lượng lớn hơn lực lượng của tập số tự nhiên và nhỏ hơn lực lượng của tập số thực.

Năm 1900, trong Hội nghị toán học quốc tế tại Paris, David Hilbert đã liệt kê một loạt bài toán thách thức thế kỷ 20, trong đó Giả thuyết Continuum được xếp ở vị trí số 1. Năm 1940, Kurt Gödel đã chứng minh CH không thể bác bỏ được. Năm 1963, Cohen (một học trò của Gödel) chứng minh CH không thể chứng minh được.

● Trong khoa học máy tính, Greg Chaitin, một nhà toán học thuộc Viện Watson của tổ hợp IBM, khám phá ra số Omega – một số thực nhưng không thể tính được (uncomputable)[2]. Cộng sự của Chatin tiếp tục chỉ ra những số siêu Omega,… Dựa trên những công trình về số Omega và siêu Omega, nhà toán học John Casti thuộc Viện Santa Fe ở tiểu bang New Mexico của Mỹ kết luận: “Công trình của Chaitin chỉ ra rằng phạm vi những bài toán có thể giải được chỉ giống như một hòn đảo nhỏ trên một đại dương bao la của các mệnh đề không thể quyết định được”[3].

● Số Omega của Chaitin là sự phát triển của Sự cố Dừng (The Halting Problem) do Alan Turing khám phá ra từ năm 1936, trong đó nói rằng không thể đoán trước một chương trình máy tính sẽ chạy mãi mãi hay bỗng nhiên bị dừng.

● Bài toán số 10 của Hilbert: Tìm một thuật toán tổng quát để xác định xem một phương trình Diophantine f(x1, x2,….xn) = 0 có nghiệm nguyên hay không. Bài toán này đã được chứng minh là tương đương với Sự cố Dừng, và do đó, câu trả lời là không thể tìm được một thuật toán nào như thế.

● Trong vật lý lượng tử, tương tác ma quái (Spooky Interaction) là một hiện tượng “ma quái” không thể giải thích được, mặc dù hiện nay nó đã và đang được nghiên cứu ứng dụng để truyền thông tin tức thời. Để hiểu rõ điều này, xin đọc bài báo “Bước đột phá trong vật lý lượng tử: chuyển thông tin tức thời”[4] của Phạm Việt Hưng trên VnExpress ngày 01/07/2002.

>> Dịch chuyển tức thời: Vật chất có thể di chuyển nhanh hơn ánh sáng?

● Lý thuyết nguồn gốc sự sống của thuyết tiến hóa đang bị bế tắc trước câu hỏi: “Nguồn mã DNA là gì?”. Theo Lý thuyết Thông tin, thông tin không phải là vật chất, nó độc lập với vật chất, không bắt nguồn từ vật chất, và luôn luôn bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh. Mã DNA là thông tin của sự sống, vậy mã DNA phải bắt nguồn từ một trí tuệ thông minh. Thuyết tiến hóa không chấp nhận sự tồn tại của một Nguồn trí tuệ thông minh trong Vũ trụ, do đó họ bị bế tắc trước câu hỏi về nguồn mã DNA. Độc giả có thể tìm hiểu kỹ vấn đề này trong cuốn “Định lý Gödel – Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại”, của Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức 2019, Chương 5: Lý thuyết nguồn gốc sự sống dưới ánh sáng của Định lý Gödel, trang 231.

● Các nhà vũ trụ học cũng bế tắc trước câu hỏi về nguồn gốc của “nguyên tử nguyên thủy” và “vụ nổ lớn” trong Lý thuyết Big Bang. Để tránh phải thừa nhận Chúa sáng tạo ra “nguyên tử nguyên thủy” và kích thích vụ nổ lớn, các nhà vật lý theo chủ nghĩa tự nhiên (naturalism) đã bịa ra Thuyết đa vũ trụ (Multiverse), trong đó họ tưởng tượng có nhiều vũ trụ vật lý khác nhau, và khi hai vũ trụ va chạm vào nhau sẽ gây ra vụ nổ lớn. Mặc dù được hỗ trợ bằng các phương trình toán học, nhưng Thuyết đa vũ trụ mang tính chất hoang tưởng rõ rệt. Nó bị chính các nhà khoa học hàng đầu của chủ nghĩa tự nhiên bác bỏ, vì không thể kiểm chứng được. Điều này cũng đã được trình bày trong cuốn sách nói trên, Chương 3: Tác động của Định lý Gödel đối với vật lý học, mục “Câu hỏi lớn của Lý thuyết Big Bang”, trang 152.

● Tuy nhiên, bài toán khó nhất đối với khoa học là câu hỏi về bản chất và nguồn gốc của ý thức.

Bản chất và nguồn gốc của ý thức

Khoa học vĩnh viễn sẽ không bao giờ trả lời được câu hỏi ý thức là gì và ý thức từ đâu đến. Tại sao? Vì hai lý do:

Thứ nhất , câu hỏi ấy rơi vào nghịch lý tự quy chiếu[5]

Thật vậy, tham vọng dùng khoa học để giải thích bản chất của ý thức thực chất là dùng ý thức để giải thích ý thức, tức là rơi vào nghịch lý tự quy chiếu (self-referential paradox). Đó là một nội dung cơ bản của Định lý Gödel.

Từ lâu Max Planck, cha đẻ của Thuyết lượng tử, cũng khẳng định không thể giải thích được ý thức. Ông không hề nhắc đến Định lý Gödel, nhưng ý kiến của ông mang đậm mầu sắc của định lý này. Ông nói:

“Tôi coi ý thức là nền tảng căn bản… Chúng ta không thể biết được những gì đằng sau ý thức. Mọi thứ chúng ta bàn đến, mọi thứ mà ta coi là đang tồn tại, đều do ý thức mặc nhận”.

Erwin Schrödinger, cha đẻ của phương trình sóng trong cơ học lượng tử, cũng nói điều tương tự:

“Ý thức không thể giải thích được bằng những thuật ngữ mang tính vật chất. Vì ý thức là khái niệm gốc rễ, không thể giải thích được bằng những thuật ngữ của bất cứ cái gì khác”.

Thứ hai, ý thức là một hiện thực phi vật lý

Ngay từ thế kỷ 17, nhà toán học và triết học lừng danh René Descartes từng nhấn mạnh rằng ý thức không tuân thủ bất cứ một định luật vật lý nào cả, và do đó nó phải là một cái gì đó do Chúa truyền cho chúng ta.

Các nhà khoa học theo chủ nghĩa tự nhiên không tán thành với Descartes, nhưng sau 400 năm, không ai có thể chứng minh ý thức là vật chất, mặc dù người ta thấy rõ ràng rằng ý thức có quan hệ gắn bó với vật chất, thậm chí ý thức có thể tác động tới vật chất. Mọi nỗ lực chứng minh ý thức là một dạng vật chất  nào đó [của không gian hiện hữu này] đều thất bại. Tạp chí Scientific American ngày 18/08/2016 đã công khai thừa nhận khoa học không thể phá vỡ bí mật của ý thức.

>> Vật chất và ý thức là một thể thống nhất

Vậy làm thế nào để thỏa mãn khát vọng hiểu biết của con người về những hiện tượng liên quan với ý thức?

Chúng ta chỉ có một lựa chọn: Từ bỏ con đường quy giản ý thức về vật chất, thừa nhận sự hiện hữu độc lập của ý thức như một tiên đề. Từ đó xây dựng một khoa học mới về ý thức theo phương pháp tiên đề:

Xây dựng một hệ tiên đề về ý thức

Từ hệ tiên đề ấy, xây dựng các định lý về ý thức.

Kết hợp những trải nghiệm của Tesla và những kết luận của “Tuyên ngôn vì một nền khoa học hậu duy vật” (Manifesto for a Post-Materialist Science), do một nhóm các nhà khoa học hàng đầu thế giới công bố năm 2014, xin nêu lên một hệ tiên đề cho một khoa học mới về ý thức như sau:

Tiên đề 1: Thế giới vật chất không phải là thành phần chủ yếu hoặc duy nhất của thế giới hiện thực. Bên cạnh thành phần vật chất, tồn tại những thành phần phi vật chất như thông tin, ý thức. Những thành phần này tồn tại độc lập với nhau và có quan hệ với nhau.

Tiên đề 2: Tồn tại một trung tâm ý thức trong vũ trụ (cái mà Tesla gọi là trung tâm cốt lõi của vũ trụ).

Tiên đề 3: Bộ não không phải là cỗ máy sản xuất ra ý thức, mà là cỗ máy tiếp nhận và xử lý thông tin phát đi từ trung tâm ý thức trong vũ trụ.

Tiên đề 4: Sự sống không chỉ là một cỗ máy hóa học, mà còn là một cỗ máy thông tin và một cỗ máy có ý thức.

Hệ tiên đề nói trên có được chấp nhận hay không, điều này tùy thuộc vào những thử thách mà nó phải chịu đựng. Nếu hệ tiên đề đó giúp chúng ta giải thích được các hiện tượng liên quan đến ý thức thì nó sẽ đứng vững. Nếu không nó sẽ bị thay thế bởi những tiên đề khác.

Có thể còn quá sớm để khẳng định hệ tiên đề nói trên được mọi người chấp nhận. Nhưng ngoài phương pháp tiên đề, không có một hướng nghiên cứu nào khác khả dĩ, bởi ý thức không thể giải thích được bằng các phương pháp của khoa học truyền thống, tức khoa học vật chất.

Nguồn: https://trithucvn.org/khoa-hoc/bi-mat-cua-y-thuc-thach-do-lon-nhat-trong-khoa-hoc.html?fbclid=IwAR21Zk4mGu7fAlLmK74h0SiD9s4W3bEcQpdLDzhfa9MtG-oH5WFGclrM32Q

Bình luận về bài viết này