Tác động của các yếu tố toàn cầu đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời kỳ đại dịch Covid-19

Tác động của các yếu tố toàn cầu đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời kỳ đại dịch Covid-19

(Nguồn: https://tapchinganhang.gov.vn/)

Tóm tắt:

Bài viết này kiểm tra phản ứng của giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước các cú sốc toàn cầu như hoạt động kinh tế thế giới, chênh lệch lợi suất trái phiếu và giá chứng khoán Mỹ trong giai đoạn từ tháng 7/2012 đến tháng 12/2021 dưới ảnh hưởng của biến ngoại sinh là số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới. Sử dụng mô hình vector tự hồi quy cấu trúc (SVAR) cho dữ liệu theo ngày, nghiên cứu đã tìm thấy sự phản ứng mạnh mẽ hơn của chỉ số VN-Index trước các cú sốc gây ra bởi hoạt động kinh tế toàn cầu, chênh lệch lợi suất trái phiếu và thị trường chứng khoán Mỹ dưới ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 so với điều kiện bình thường. Cụ thể, giá cổ phiếu Việt Nam tăng gấp 1,5 lần khi có cú sốc do thị trường chứng khoán Mỹ gây ra và giảm gấp 3 lần khi xảy ra cú sốc liên quan đến chênh lệch lợi suất trái phiếu trên thị trường Mỹ dưới ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Từ khóa: Covid-19, thị trường cổ phiếu, các nhân tố toàn cầu, hoạt động kinh tế thế giới.

IMPACTS OF GLOBAL FACTORS TO STOCK PRICES IN THE VIETNAMESE STOCK MARKET IN THE PANDEMIC COVID-19 

Abstract:

This article examines the reaction of stock prices in the Vietnamese stock market to global shocks such as world economic activity, bond yield differentials and US stock prices in the period from July 2012 to December 2021 under the influence of the exogenous variable is the number of Covid-19 infections worldwide. Using the structural vector autoregression (SVAR) model for daily data, the study found a stronger response of the VN-Index to shocks caused by global economic activity, difference in yields on US bonds and stock markets under the influence of the Covid-19 epidemic compared to normal conditions. Specifically, Vietnamese stock prices increase 1.5 times when there is a shock caused by the US stock market and decrease 3 times when there is a shock related to the difference in bond yields in the US market under the influence of the Covid-19 epidemic.

Keywords: Covid-19, stock market, global factors, economic activities. 

1. Mở đầu

Dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện vào tháng 12 năm 2019 tại Thành phố Vũ Hán – Trung Quốc đã nhanh chóng lây lan sang các nước lân cận và toàn thế giới trong chưa đầy một tháng, lấy đi sinh mạng của hơn 6,2 triệu người1. Sự xuất hiện của dịch bệnh này kéo theo các chiến dịch phong tỏa, cách ly, hạn chế đi lại… ở hầu hết các quốc gia, điều này tạo ra sự bất ổn đáng kể trong hoạt động kinh tế toàn cầu (Baldwin & Di Mauro, 2020) và thị trường tài chính trên toàn thế giới (Cao và cộng sự, 2021). Sau công bố đầu tiên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về Covid-19, chỉ số S&P500 từ mốc 3370 điểm vào tháng 02/2020 rớt xuống chỉ còn 2237 điểm vào đầu tháng 03/2020, tương ứng với số ca nhiễm và tử vong tăng chóng mặt trên toàn thế giới. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh và tín hiệu tiêu cực từ thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới khi chỉ số VN-Index chỉ còn ở mức 659 điểm (giảm hơn 33% so với mức chỉ số vào đầu thời điểm công bố dịch bệnh). Do đó, dù là một cuộc khủng hoảng y tế hay khủng hoảng phi kinh tế, Covid-19 đã tạo ra sự tàn phá nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế toàn cầu cũng như trên thị trường tài chính.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng trở nên nhạy cảm đối với tình hình kinh tế thế giới

Tác động của thị trường chứng khoán Mỹ cũng như những biến động trong chính sách kinh tế của thế giới luôn là những yếu tố có tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là thị trường cổ phiếu (Lê Hồ An Châu và cộng sự, 2018). Tuy nhiên, với sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19, sự tác động này đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, cụ thể là thị trường cổ phiếu, sẽ là lớn hơn hay không khi những tín hiệu thực tế cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam có những thay đổi bất ngờ với mức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn các khủng hoảng do dịch bệnh trước đây. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về tác động của đại dịch như SARS hay vi-rút Ebola…, tuy nhiên, đại dịch Covid-19 lại hoàn toàn khác biệt do tính lây lan cao, gây ra nhiều bất ổn trong nền kinh tế thực và thị trường tài chính (Albulescu, 2020). Việc xác định vai trò của dịch bệnh Covid-19 trong mối quan hệ tác động của các yếu tố toàn cầu như hoạt động kinh tế và thị trường tài chính thế giới đến thị trường chứng khoán Việt Nam là một vấn đề quan trọng không những đối với các nhà hoạch định chính sách mà còn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bài viết này sẽ nghiên cứu phản ứng của giá cổ phiếu trên thị trường Việt Nam trước những cú sốc liên quan đến yếu tố toàn cầu như hoạt động kinh tế thế giới cũng như chênh lệch lợi suất trái phiếu dài hạn và thị trường chứng khoán thế giới với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn từ tháng 07/2012 đến tháng 12/2021. Mặc dù các yếu tố kinh tế khu vực và tác động lan truyền giữa các thị trường chứng khoán châu Á cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của cổ phiếu trên thị trường Việt Nam, bài viết chỉ xem xét các yếu tố toàn cầu trong nghiên cứu này. 

2. Lược khảo các nghiên cứu

Ảnh hưởng của các yếu tố toàn cầu lên thị trường chứng khoán đã nhận được sự quan tâm đáng kể từ các nhà nghiên cứu hàn lâm, các nhà quản lý rủi ro danh mục đầu tư và các nhà hoạch định chính sách. Trong đó, hoạt động kinh tế toàn cầu và các yếu tố thị trường tài chính thế giới luôn là mấu chốt quan trọng. Có nhiều bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa hoạt động kinh tế toàn cầu và thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường cổ phiếu. Campa và Fernandes (2006) cho rằng, lợi nhuận của quốc gia phản ánh mối quan hệ giữa hoạt động kinh tế quốc gia và hoạt động kinh tế toàn cầu. Bakshi và cộng sự (2010) sử dụng chỉ số BDI (Baltic Dry Index) đại diện cho hoạt động kinh tế toàn cầu và tìm thấy mối quan hệ tích cực và có ý nghĩa thống kê giữa tốc độ tăng trưởng BDI với tỷ suất lợi nhuận cổ phiếu toàn cầu. Graham và cộng sự (2016) cũng cho thấy rằng sự gia tăng trong hoạt động kinh tế toàn cầu làm cho tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu ở thị trường mới nổi cao hơn. Tuy nhiên, tác giả lập luận rằng, những thay đổi trong hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ tác động khác biệt đến lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong khu vực, tùy thuộc vào độ mở của một quốc gia hoặc khu vực với yếu tố này.

Hoạt động kinh tế toàn cầu có thể được đại diện bởi nhiều biến số khác nhau. Tuy nhiên, đa số các nghiên cứu lựa chọn chỉ số BDI làm đại diện cho biến số này (Isserlis, 1938; Klovland, 2002; Qiu và cộng sự, 2012). Chỉ số BDI được Sở Giao dịch Baltic phát triển vào năm 1985 như một chỉ số chung, bao gồm chủ yếu các mặt hàng thô như ngũ cốc, than đá, quặng sắt, đồng và các nguyên liệu thô khác… Chỉ số BDI được thiết lập dựa trên giá trung bình của 23 tuyến đường vận chuyển khác nhau trên thế giới được tổng hợp hàng ngày. Kể từ khi thành lập, BDI đã trở thành một trong những chỉ số quan trọng nhất về chi phí vận chuyển và một phong vũ biểu quan trọng về khối lượng hoạt động thương mại và sản xuất trên toàn thế giới. 

Các yếu tố toàn cầu khác liên quan đến thị trường tài chính thế giới, đại diện là những tác nhân đến từ quốc gia lớn nhất thế giới – Mỹ, cũng là những yếu tố gây ra ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán các nước, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển. Đầu tiên, phải đề cập tới tác động lan tỏa của thị trường chứng khoán toàn cầu. Mollah và cộng sự (2016) đã kiểm tra các chỉ số hàng ngày của MSCI (Morgan Stanley Capital International) từ 55 thị trường chứng khoán bằng cách sử dụng mô hình DCC-GARCH và phát hiện ra rằng, có sự lây lan từ thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sang một số thị trường chứng khoán khác trên thế giới trong các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khu vực đồng Euro. Naser (2016) lại tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của tích hợp ngắn hạn giữa thị trường chứng khoán ở các nước mới nổi và các nước phát triển thông qua mô hình đồng liên kết và sửa lỗi (Dynamic Model Averaging – DMA). Sugimoto và cộng sự (2014) đã áp dụng phương pháp tiếp cận chỉ số lan tỏa và phát hiện ra rằng các thị trường chứng khoán châu Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi sự lan tỏa từ các thị trường chứng khoán toàn cầu.

Richards (2005) cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài và các điều kiện bên ngoài có tác động lớn hơn đến các thị trường châu Á mới nổi. Bằng cách sử dụng mô hình BEKK bất đối xứng và mô hình GARCH (Kim và cộng sự, 2015); Li và Giles (2015) cũng cho thấy sự lan tỏa cú sốc và biến động một chiều đáng kể từ thị trường Hoa Kỳ sang các thị trường châu Á mới nổi. Bên cạnh đó, kỳ vọng trong tương lai của nền kinh tế lớn nhất thế giới như Hoa Kỳ cũng ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chứng khoán tại các nước đang phát triển. Cụ thể, khi kinh tế Mỹ phục hồi tốt và lãi suất tại Mỹ tăng, dòng vốn đầu tư có thể dịch chuyển về Mỹ và khiến cho thị trường chứng khoán các nước đang phát triển bị ảnh hưởng tiêu cực. Nghiên cứu của Petkova (2006), Chen và cộng sự (1986) cho rằng, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 10 năm và lãi suất quỹ liên bang ở Mỹ không chỉ phản ánh phần bù kỳ hạn (giữa lãi suất dài hạn và ngắn hạn) mà còn cả những kỳ vọng trong tương lai trong nền kinh tế Mỹ.

3. Cơ sở dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Bài viết nghiên cứu tác động của các yếu tố toàn cầu đến giá cổ phiếu trên thị trường Việt Nam, có xem xét đến yếu tố ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là số ca nhiễm trên phạm vi toàn cầu. Mô hình SVAR với các biến nội sinh và ngoại sinh được xây dựng dựa trên nghiên cứu của Yilmazkuday (2021). Các biến sử dụng trong mô hình bao gồm hoạt động kinh tế toàn cầu (BDI), chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và lãi suất quỹ liên bang (SPREAD), giá chứng khoán nước ngoài (SP500), giá chứng khoán Việt Nam (VNINDEX) và số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới (COVID19).

Mô hình SVAR của n biến viết rút gọn như sau:

• Yt: Vector (n x 1) của n biến nội sinh với Yt = (BDIt, SPREADt, SP500t, VNINDEXt)’

• A: Ma trận không suy biến (n x n) hệ số tác động cùng thời điểm của các biến nội sinh;

• βo: Vector (n x 1) của hệ số chặn; 

• βi (i = 1, 2, 3…p): Ma trận (n x n) hệ số tác động của các biến nội sinh trễ; 

• Yt-1: Ma trận (n x n) các biến nội sinh trễ; 

• p: Số bậc trễ;

ct: ma trận (n x 1) các biến ngoại sinh với 

ct = COVID19t

• ut: Vector (n x 1) sai số

Nhân hai vế của (1) với nghịch đảo của ma trận A (Aa-1), ta được:

Trong đó:

Cấu trúc của mô hình SVAR với ma trận hệ số nhân tác động cấu trúc    có cấu trúc đệ quy, đồng thời thứ tự các biến nội sinh được sử dụng trong ước lượng là . Theo đó, các cú sốc lên SPREADt, SP500t và VNINDEXt không có tác động đến BDIt – là biến đại diện cho hoạt động kinh tế toàn cầu, trong khi cú sốc lên BDIt có tác động đồng thời lên cả SPREADt, SP500t và VNINDEXt. Vì mục tiêu chính của bài viết là để kiểm tra tác động của các yếu tố bên ngoài đến giá cổ phiếu trên thị trường Việt Nam nên VNINDEXt được xếp thứ tự cuối cùng trong khuôn khổ này.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu hàng ngày trong giai đoạn từ tháng 07/2012 đến tháng 12/2021. Dữ liệu hàng ngày về BDI được lấy từ trang web của Sàn Giao dịch Baltic; dữ liệu hàng ngày về Chỉ số S&P 500 và chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và lãi suất quỹ liên bang ở Mỹ được lấy từ dữ liệu kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang (FED Chi nhánh St. Louis); dữ liệu về giá chứng khoán Việt Nam hàng ngày được tính bằng cách lấy logarit của chỉ số VN-Index đóng cửa cuối mỗi ngày so với ngày hôm trước từ Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và dữ liệu hàng ngày về các trường hợp mắc Covid-19 trên thế giới được lấy từ website của WHO, theo đó ca nhiễm đầu tiên được phát hiện là vào ngày 23/01/2020. Với mục đích ước tính, ngoại trừ biến Covid-19 được biểu diễn dưới dạng logarit, các biến còn lại trong mô hình đều được biểu diễn với dạng phần trăm thay đổi hàng ngày để đảm bảo tính dừng.

4. Kết quả nghiên cứu

Bảng 1: Kết quả kiểm định tính dừng theo ADF test

                                                  *** Cho biết ý nghĩa thống kê ở mức 1%

                                                           Nguồn: Tác giả tính toán

Tính dừng của các biến được kiểm tra dựa trên kiểm định Augmented Dickey Fuller (ADF test). Kết quả được trình bày ở Bảng 1, theo đó chỉ có biến SPREAD dừng ở sai phân bậc 1, các biến còn lại trong mô hình đều dừng ở bậc 0. Theo kết quả này, biến SPREAD được sử dụng để ước lượng trong mô hình dưới dạng sai phân bậc 1, các biến khác là BDI, SP500, VNINDEX và COVID19 sẽ được dùng với trạng thái dữ liệu ban đầu.

Mô hình SVAR trong phương trình (2) được ước lượng với độ trễ là 8 dựa trên tiêu chuẩn AIC và SIC, thêm vào đó, với độ trễ này các mô hình đều có tính ổn định cao do giá trị nghịch đảo nghiệm đặc trưng đều nằm trong vòng tròn đơn vị.

Phản ứng của giá cổ phiếu Việt Nam đối với các cú sốc gây ra bởi yếu tố toàn cầu trước và sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra được làm rõ thông qua hàm phản ứng đẩy. Cụ thể, tác động của các cú sốc gây ra bởi các biến BDI, SPREAD và SP500 đến biến VNINDEX khi chưa xem xét đến ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 được trình bày trong Hình 1. Theo đó, kết quả cho thấy rằng giá cổ phiếu trên thị trường Việt Nam đều bị tác động bởi chênh lệch lợi suất trái phiếu và thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng không bị ảnh hưởng bởi chi phí vận tải biển. Khi có cú sốc liên quan đến chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kì hạn 10 năm và lãi suất quỹ liên bang sẽ làm cho giá cổ phiếu trên thị trường Việt Nam giảm (khi SPREAD tăng 1% thì VNINDEX giảm 0,0006%), phản ứng nghịch chiều này có ý nghĩa thống kê từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 8 sau cú sốc. Kết quả nghiên cứu này là phù hợp với thực tế khi khoảng cách chênh lệch lợi suất giữa các loại trái phiếu dài hạn và lãi suất quỹ liên bang được nới rộng sẽ làm suy yếu sức mua của cổ phiếu, làm giảm sức hấp dẫn của dòng tiền đầu tư vào loại tài sản này. Thêm vào đó, đường cong lợi suất được nới rộng cũng cho thấy kỳ vọng về kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn, kinh tế Mỹ phục hồi tốt. Điều này khiến dòng vốn đầu tư có thể dịch chuyển về Mỹ để tận dụng lợi thế lãi suất cao, khiến thị trường cổ phiếu Việt Nam có sự sụt giảm nhất định.

Hình 1: Phản ứng của giá cổ phiếu Việt Nam 

trước các cú sốc

Ngoài ra, phản ứng tích lũy của giá cổ phiếu trên thị trường Việt Nam khá mạnh mẽ và cùng chiều dưới tác động của thị trường chứng khoán Mỹ. Cụ thể, khi có 1% mức tăng trên thị trường chứng khoán Mỹ dẫn đến mức tăng tích lũy khoảng 0,0011% chỉ sau 1 ngày và tăng đến 0,0021% sau 9 ngày sau khi cú sốc xảy ra. Điều này cho thấy mối tương quan khá rõ giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và thị trường chứng khoán Mỹ. Kết quả nghiên cứu này tương đồng với các nghiên cứu trước (Mollah và cộng sự, 2016; Naser, 2016).

Khi xem xét các cú sốc toàn cầu dưới ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến giá cổ phiếu trên thị trường Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy phản ứng mạnh hơn một cách rõ rệt (Hình 2). Cụ thể, giá cổ phiếu Việt Nam bị tác động bởi cả 3 yếu tố đang xem xét trong mô hình là hoạt động kinh thế thế giới, chênh lệch lợi suất trái phiếu và thị trường chứng khoán Mỹ. Thêm vào đó, mức độ tác động mạnh mẽ hơn khi có sự xuất hiện của Covid-19 trên toàn thế giới, biểu hiện thông qua các ca nhiễm ngày một gia tăng.

Hình 2: Phản ứng của giá cổ phiếu Việt Nam 

trước các cú sốc với ảnh hưởng của dịch Covid-19

Hoạt động kinh tế toàn cầu – đại diện bởi chi phí vận tải biển cũng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường Việt Nam trong thời kỳ xảy ra đại dịch Covid-19. Khi xảy ra cú sốc về chi phí vận tải biển, giá cổ phiếu trên thị trường Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ, phản ứng có ý nghĩa thống kê vào ngày thứ 4 đến ngày thứ 5 sau cú sốc. Cụ thể, với 1% mức tăng trong chi phí vận tải biển làm giá cổ phiếu Việt Nam tăng cao nhất ở mức 0,0017% vào ngày thứ 4 sau khi cú sốc xảy ra. Tuy nhiên, mức tăng là không đáng kể và có khuynh hướng giảm dần. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu trước đây (Bakshi và cộng sự, 2010) khi hoạt động kinh tế toàn cầu tăng lên là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, phần lớn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam tập trung vào hoạt động vận tải hàng rời, thêm vào đó, trong thời kỳ xảy ra Covid-19, các doanh nghiệp này chỉ thực sự chứng kiến xu thế tăng mạnh của giá cước từ quý 1/2021, hơn nữa một số doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận các khoản lợi nhuận đột biến từ thanh lý tàu cũ và tái cơ cấu nợ vay tài chính nên chỉ số BDI tăng là một lợi thế phát triển đối với Việt Nam trong thời gian này.

Mức độ tác động của lãi suất và thị trường chứng khoán toàn cầu đến giá cổ phiếu Việt Nam thể hiện mạnh hơn với sự xuất hiện của Covid-19 (Hình 3). Cụ thể, một mức tăng tích lũy 1% của chênh lệch lợi suất làm giá cổ phiếu Việt Nam giảm mạnh nhất vào ngày thứ 7 ở mức 0,0019%, cao gấp 3 lần so với mức giảm 0,006% khi không có Covid-19. Bên cạnh đó, khi giá chứng khoán Mỹ tăng 1% cũng làm thị trường chứng khoán Việt Nam tăng đến 0,0018% ngay sau 1 ngày khi cú sốc xảy ra, đạt mức cao nhất ở ngày thứ 9, tại mức 0,0032% – gấp 1,5 lần so với khi không xem xét tới dịch bệnh Covid-19 trong mô hình. 

Hình 3: So sánh phản ứng của giá cổ phiếu Việt Nam trước các cú sốc

(Ghi chú: Đường kẻ liền thể hiện phản ứng khi có ảnh hưởng của Covid-19)

Tóm lại, mức độ tác động của các biến số trong mô hình cao gấp từ 1,5 đến 3 lần so với khi không xem xét ảnh hưởng của Covid-19, điều này chứng tỏ rằng, trong thời kỳ xảy ra khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, các biến số toàn cầu có tác động mạnh mẽ hơn đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

5. Kết luận và hàm ý chính sách

Nghiên cứu thực hiện kiểm tra phản ứng của giá cổ phiếu trên thị trường Việt Nam trước các cú sốc toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 07/2012 đến tháng 12/2021 dưới ảnh hưởng của biến ngoại sinh là số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới. Sử dụng mô hình vector tự hồi quy cấu trúc cho dữ liệu theo ngày, nghiên cứu đã tìm thấy sự phản ứng mạnh mẽ hơn của chỉ số VN-Index trước các cú sốc gây ra bởi hoạt động kinh tế toàn cầu, chênh lệch lợi suất trái phiếu và thị trường chứng khoán Mỹ dưới ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Sự xuất hiện của dịch Covid-19 làm mức độ ảnh hưởng của giá cổ phiếu trở nên mạnh hơn khi có các cú sốc bên ngoài xảy ra. Cụ thể, giá cổ phiếu Việt Nam tăng gấp 1,5 lần khi có cú sốc do thị trường chứng khoán Mỹ xảy ra và giảm gấp 3 lần khi xảy ra cú sốc liên quan đến lợi suất trái phiếu trên thị trường này.

Kết quả nghiên cứu này đã gợi mở một số hàm ý chính sách quan trọng đối với các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cũng như các nhà đầu tư nói chung. 

Thứ nhất, phản ứng mạnh hơn của VN-Index trước các cú sốc toàn cầu cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng trở nên nhạy cảm đối với tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là sau giai đoạn tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, NHNN cần yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, hạn chế mở rộng tín dụng sang những lĩnh vực tăng trưởng nóng như chứng khoán, bất động sản.

Thứ hai, giá cổ phiếu trên thị trường Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ khi chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ghi nhận mức tăng cao, đặc biệt là các loại trái phiếu dài hạn. Gần đây, FED đã dừng chương trình mua tài sản. Hơn nữa, ngày 16/3/2022, FED quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 0,25% – 0,5%… để kiềm chế lạm phát. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam khi dòng vốn tại đây không còn hấp dẫn, nhà đầu tư nên thận trọng với những tín hiệu trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng như chính sách tiền tệ thắt chặt của nước này. Mặt khác, UBCKNN cần đưa ra các khuyến nghị hoặc quy định về hạn mức giao dịch ký quỹ của các cổ phiếu tăng trưởng nóng trên thị trường hiện nay để đảm bảo ổn định cho toàn hệ thống.

Thứ ba, hoạt động kinh tế toàn cầu cũng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán Việt Nam với tín hiệu tích cực nhưng mức độ nhỏ và có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của những biến chủng SARS-CoV-2 mới, các chính sách ngăn chặn như cách ly, cấm nhập cảnh, thông quan, kiểm soát hàng hóa ra vào… vẫn được một số nước trên thế giới áp dụng chặt chẽ hơn khiến chi phí vận tải biển và các chi phí kho bãi tăng. Điều này sẽ là tín hiệu xấu đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi chi phí đầu vào tăng, giá nguyên liệu thô tăng nhưng không phải do nhu cầu tăng mà là do chi phí vận tải. Bên cạnh đó, việc Nga tiến hành “hoạt động quân sự đặc biệt” tại Ukraine từ 24/2/2022 đến nay, gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng một lần nữa, lạm phát thế giới gia tăng nhanh.Với tình hình trên, các nhà đầu tư nên thận trọng hơn khi phân bổ tài sản quá nhiều vào thị trường chứng khoán hiện nay, tránh bị lôi kéo và cuốn theo các luồng thông tin trên mạng xã hội khi mua bán cổ phiếu. Bên cạnh đó, những nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ cần phải phân tích và tìm hiểu về thị trường và các doanh nghiệp, nên phân bổ tài sản vào các cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng hoạt động tốt.

1 Số liệu của WHO ngày 14/4/2022.

ThS. Nguyễn Thị Mai Huyên 
ThS. Ngô Sỹ Nam 

Khoa Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh

Bình luận về bài viết này