Giải Nobel kinh tế 2021: Thí nghiệm tự nhiên giúp trả lời những câu hỏi quan trọng của xã hội – David Card, Joshua Angrist & Guido Imbens

Nobel kinh tế 2021: Thí nghiệm tự nhiên giúp trả lời những câu hỏi quan trọng của xã hội

(Nguồn: https://tiasang.com.vn/)

Một nửa giải Nobel kinh tế năm nay được trao cho David Card vì những đóng góp thực nghiệm cho kinh tế lao động, một nửa giải còn lại được trao cho Joshua Angrist và Guido Imbens vì đóng góp của họ vào việc phát triển phương pháp luận phân tích các mối quan hệ nhân quả dựa vào “thí nghiệm tự nhiên”.

Cách tiếp cận của ba nhà khoa học đã trở thành nền tảng, tạo ảnh hưởng rộng rãi sang các lĩnh vực khác và cách mạng hóa nghiên cứu thực nghiệm.


Từ trái sang: David Card, Joshua D. Angrist, Guido W. Imbens.

Nhiều câu hỏi lớn trong khoa học xã hội cần phải trả lời bằng việc chỉ ra mối quan hệ nhân – quả. Di cư ảnh hưởng đến mức lương và việc làm ở nơi đến như thế nào? Học vấn ảnh hưởng như thế nào đến thu nhập trong tương lai của một người? Những câu hỏi này rất quan trọng đối với việc đưa ra các khuyến nghị chính sách cho các nhà quản lý nhưng rất khó trả lời chính xác vì chúng ta không có được nhóm đối chứng hoàn hảo như trong nghiên cứu thí nghiệm. Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra nếu có ít người nhập cư hơn hoặc một người không tiếp tục học.

Từ những năm 1980, David Card chỉ ra rằng có thể trả lời những câu hỏi đó và những câu hỏi tương tự bằng thí nghiệm tự nhiên (natural experiments) là một đóng góp nền tảng trong nghiên cứu kinh tế học để giải quyết các vấn đề xã hội: giáo dục, lao động nhập cư, bất bình đẳng. David Card sử dụng phương pháp thực nghiệm để phân tích các tác động của mức lương tối thiểu, người nhập cư và giáo dục đến thị trường lao động để đưa ra các phân tích mới. Ví dụ ông chứng minh bằng thực nghiệm cho các tranh cãi về việc tăng lương tối thiểu có dẫn tới hệ quả là giảm việc làm hay không, cũng như vai trò của lao động nhập cư. Hoặc là nhờ các chứng minh quan hệ nhân quả đó bằng thực nghiệm mà chúng ta nhận thấy rằng các nguồn lực cho giáo dục quan trọng với việc tham gia thị trường lao động sau này lớn hơn so với những gì chúng ta nghĩ trước đây.

Thực ra để đánh giá tác động với các dữ liệu thực nghiệm là rất khó. Ví dụ, việc kéo dài thời gian giáo dục bắt buộc thêm một năm đối với một nhóm học sinh này (chứ không phải nhóm học sinh khác) sẽ không ảnh hưởng đến tất cả mọi học sinh theo cùng một cách. Dù sao đi nữa, một số học sinh vẫn tiếp tục học tập và đối với họ, giá trị của giáo dục thường không mang tính đại diện cho toàn bộ nhóm. Vậy có thể rút ra kết luận nào về tác dụng của một năm học thêm ở trường? Vào giữa những năm 1990, Joshua Angrist và Guido Imbens đã phát triển thêm các phương pháp ước lượng trong kinh tế lượng, nhấn mạnh tính nhân quả của nó, làm sáng tỏ về ước lượng biến công cụ (instrumental variable) trong đánh giá tác động của các nhân tố và chính sách trong kinh tế. 

“Các nghiên cứu của Card về các câu hỏi cốt lõi đối với xã hội, còn những đóng góp về phương pháp luận của Angrist và Imbens đã chỉ ra rằng các thí nghiệm tự nhiên là một nguồn kiến thức phong phú. Nghiên cứu của họ đã cải thiện đáng kể khả năng của chúng ta trong việc trả lời các câu hỏi quan trọng về nhân quả, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội”, Peter Fredriksson, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kinh tế cho biết.  

David Card sinh năm 1956 tại Guelph, Canada. Ông lấy bằng tiến sĩ năm 1983 tại đại học Princeton Đại học và hiện nay là giáo sư kinh tế học tại Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ.
Joshua D. Angrist sinh năm 1960 tại Columbus, Ohio, Hoa Kỳ. Ông lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Princeton và hiện nay là giáo sư kinh tế học tại Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Hoa Kỳ.
Guido W. Imbens sinh năm 1963 tại Hà Lan. Ông lấy bằng tiến sĩ năm 1991 tại Đại học Brown, Providence và là giáo sư kinh tế lượng tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ.

Bảo Như dịch

TS Nguyễn Việt Cường hiệu đính

Nguồn bài và ảnh: https://www.nobelprize.org/prizes/economic-sciences/2021/press-release/


Các thí nghiệm tự nhiên giúp trả lời những câu hỏi quan trọng

(Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com/)

Những người được giải năm nay – David CardJoshua Angrist và Guido Imbens – đã cho thấy rằng các thí nghiệm tự nhiên có thể được sử dụng để trả lời những câu hỏi trọng tâm về xã hội, chẳng hạn như mức lương tối thiểu và tình trạng di cư ảnh hưởng như thế nào đến thị trường lao động. Họ cũng đã làm rõ một cách chính xác những kết luận về nhân và quả có thể được rút ra bằng cách sử dụng cách tiếp cận nghiên cứu này. Cùng nhau, họ đã cách mạng hóa nghiên cứu thực nghiệm trong các khoa học kinh tế.

Nếu muốn đưa ra được những quyết định đúng đắn, chúng ta phải hiểu hệ quả của những sự lựa chọn của mình. Điều này áp dụng cho các cá nhân cũng như các nhà hoạch định chính sách công: những người trẻ đang đưa ra những sự lựa chọn về giáo dục muốn biết những sự lựa chọn này ảnh hưởng như thế nào đến thu nhập tương lai của họ; ví dụ, các chính trị gia đang cân nhắc một loạt những cải cách muốn biết những cải cách này ảnh hưởng ra sao đến việc làm và phân phối thu nhập. Tuy nhiên, việc trả lời những câu hỏi rộng lớn về nhân và quả không phải là dễ dàng, bởi vì chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được điều gì sẽ diễn ra nếu như chúng ta đưa ra một sự lựa chọn khác.

Một cách thức để thiết lập quan hệ nhân quả là sử dụng những thí nghiệm ngẫu nhiên, trong đó các nhà nghiên cứu phân bổ các cá nhân vào các nhóm được can thiệp bằng một cuộc rút thăm ngẫu nhiên. Phương pháp này được sử dụng để nghiên cứu tính hiệu quả của các loại thuốc mới, cùng với những thứ khác, nhưng không thích hợp để nghiên cứu nhiều vấn đề xã hội – ví dụ, chúng ta không thể làm một thí nghiệm ngẫu nhiên để xác định ai được đi học trung học phổ thông và ai thì không.

David Card (1956-)

Bất chấp những thách thức này, những người được giải đã chứng minh rằng nhiều câu hỏi lớn của xã hội có thể được trả lời. Giải pháp của họ là sử dụng các thí nghiệm tự nhiên – các tình huống phát sinh trong đời sống thực mà giống với các thí nghiệm ngẫu nhiên. Các thí nghiệm tự nhiên này có thể là do các biến thể ngẫu nhiên tự nhiên, các quy tắc thể chế hoặc các thay đổi chính sách tạo ra. Trong công trình mang tính tiên phong từ đầu những năm 1990, David Card đã phân tích một số vấn đề trọng tâm trong kinh tế học lao động – chẳng hạn như những tác động của mức lương tối thiểu, tình trạng di cư và giáo dục – sử dụng cách tiếp cận này. Kết quả của những nghiên cứu này đã thách thức sự hiểu biết thông thường và dẫn đến nghiên cứu mới, nghiên cứu mà Card tiếp tục có những đóng góp quan trọng. Nhìn chung, giờ đây chúng ta có một sự hiểu biết tốt hơn đáng kể về cách thị trường lao động vận hành so với cách đây 30 năm.

Các thí nghiệm tự nhiên khác với các thử nghiệm lâm sàng ở một cách thức quan trọng – trong một thử nghiệm lâm sàng, nhà nghiên cứu có toàn quyền kiểm soát đối với việc người nào được cung cấp một sự can thiệp và cuối cùng sẽ nhận được nó (nhóm được can thiệp) và người nào không được cung cấp một sự can thiệp và do đó không nhận được nó (nhóm đối chứng). Trong một thí nghiệm tự nhiên, nhà nghiên cứu cũng có quyền truy cập vào dữ liệu của các nhóm được can thiệp và nhóm đối chứng, thế nhưng, không giống như một thử nghiệm lâm sàng, các cá nhân có thể tự mình lựa chọn xem họ có muốn tham gia vào sự can thiệp đang được cung cấp hay không. Điều này khiến cho việc kiến giải các kết quả của một thí nghiệm tự nhiên trở nên khó khăn hơn nhiều. Trong một nghiên cứu cải tiến từ năm 1994, Joshua Angrist và Guido Imbens đã cho thấy những kết luận về quan hệ nhân quả có thể được rút ra từ các thí nghiệm tự nhiên, trong đó mọi người không thể bị ép buộc tham gia vào chương trình đang được nghiên cứu (cũng như không bị cấm làm như vậy). Khuôn khổ mà các tác giả này tạo ra đã thay đổi triệt để cách mà các nhà nghiên cứu tiếp cận các vấn đề thực nghiệm bằng cách sử dụng dữ liệu từ các thí nghiệm tự nhiên hoặc các thí nghiệm hiện trường ngẫu nhiên.

Một ví dụ về thí nghiệm tự nhiên

Chúng tôi sử dụng một ví dụ cụ thể để minh họa một thí nghiệm tự nhiên hoạt động như thế nào. Một câu hỏi có liên quan đến cả xã hội lẫn những người trẻ đang cân nhắc về tương lai của họ, đó là bạn sẽ kiếm được bao nhiêu tiền nếu bạn lựa chọn học tập lâu dài hơn. Một nỗ lực đầu tiên để trả lời câu hỏi này có thể liên quan đến việc xem xét dữ liệu về cách mà số tiền kiếm được từ lao động của con người có liên quan đến trình độ học vấn của họ. Trong mỗi bối cảnh có thể hình dung được, những người có số năm học tập nhiều hơn thì có các mức thu nhập cao hơn. Ví dụ, đối với nam giới sinh ra ở Hoa Kỳ trong những năm 1930, trung bình, cứ thêm một năm học tập thì số tiền kiếm được từ lao động sẽ cao hơn 7%.

Hình sử dụng dữ liệu của Angrist và Krueger (1991). Những người có 12 năm học tập có thu nhập cao hơn 12% so với những người có 11 năm học tập. Những người có 16 năm học tập có thu nhập cao hơn 65% so với những người có 11 năm học tập.

Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng cứ thêm một năm học tập thì sẽ làm tăng thêm 7% thu nhập của bạn hay không? Câu trả lời cho câu hỏi này là không – những người lựa chọn việc học tập dài hạn khác với những người lựa chọn việc học tập ngắn hạn, theo cách này hay cách khác. Ví dụ, một số người có thể tài giỏi trong học tập và trong làm việc. Những người này có khả năng sẽ tiếp tục học tập, nhưng họ vẫn có thể có thu nhập cao ngay cả khi họ không hề học tập. Tùy theo từng trường hợp, có những người lại lựa chọn học tập lâu dài hơn vì họ kỳ vọng việc học tập sẽ được tưởng thưởng.

Các vấn đề tương tự cũng xuất hiện nếu bạn muốn nghiên cứu xem thu nhập ảnh hưởng đến tuổi thọ như thế nào. Dữ liệu cho thấy rằng những người có thu nhập cao hơn thì sống lâu hơn – nhưng điều này có thực sự là do thu nhập của họ cao hơn không, hay là những người này có các thuộc tính khác mà những thuộc tính này có nghĩa là họ vừa sống lâu hơn vừa kiếm được nhiều tiền hơn? Thật dễ dàng để nghĩ ra nhiều ví dụ hơn nữa mà trong đó có lý do để đặt câu hỏi liệu rằng mối tương quan có thực sự hàm ý về một quan hệ nhân quả đích thực hay không.

Alan Krueger (1960-2019)

Như vậy, làm thế nào chúng ta có thể sử dụng một thí nghiệm tự nhiên để kiểm tra xem liệu số năm học tập tăng thêm có ảnh hưởng đến thu nhập trong tương lai hay không? Joshua Angrist và người cộng sự của ông, Alan Krueger (hiện đã qua đời) cho thấy điều này có thể được thực hiện như thế nào trong một bài báo mang tính bước ngoặt. Ở Hoa Kỳ, trẻ em có thể nghỉ học khi đủ 16 hoặc 17 tuổi, tùy thuộc vào tiểu bang nơi chúng học tập. Vì tất cả trẻ em sinh trong một năm dương lịch cụ thể đều bắt đầu đi học vào cùng một ngày, trẻ em sinh sớm hơn có thể nghỉ học sớm hơn trẻ em sinh muộn hơn trong cùng năm. Khi Angrist và Krueger so sánh những người sinh trong quý 1 và quý 4 của cùng một năm, họ thấy rằng nhóm đầu tiên, trung bình, dành ít thời gian hơn cho việc học tập. Những người sinh vào quý 1 cũng có thu nhập thấp hơn những người sinh vào quý 4. Khi trưởng thành, họ vừa ít học tập hơn vừa có thu nhập kém hơn những người sinh vào cuối năm.

Bởi vì số phận quyết định chính xác khi nào một người được sinh ra, Angrist và Krueger đã có thể sử dụng thí nghiệm tự nhiên này để thiết lập một mối quan hệ nhân quả cho thấy rằng học tập nhiều hơn dẫn đến số tiền kiếm được từ lao động sẽ cao hơn: tác động của thêm một năm học tập đối với thu nhập là 9%. Điều đáng ngạc nhiên là tác động này mạnh mẽ hơn mối liên hệ giữa giáo dục và thu nhập, vốn được tính là 7%. Nếu những người có khát vọng và thông minh có cả trình độ học vấn cao và thu nhập cao (bất kể giáo dục) thì kết quả lẽ ra phải ngược lại; mối tương quan lẽ ra phải mạnh hơn mối quan hệ nhân quả. Quan sát này đã đặt ra những câu hỏi mới về việc làm thế nào để giải thích kết quả của các thí nghiệm tự nhiên – những câu hỏi sau đó đã được Joshua Angrist và Guido Imbens trả lời.

Người ta có thể dễ dàng tin rằng những tình huống cho phép có được các thí nghiệm tự nhiên là rất bất thường, đặc biệt là những tình huống có thể được sử dụng để trả lời các câu hỏi quan trọng. Nghiên cứu được thực hiện trong hơn 30 năm qua đã chỉ ra rằng điều đấy không phải là những gì đã diễn ra: các thí nghiệm tự nhiên thường xuyên xuất hiện. Ví dụ, chúng có thể phát sinh do những thay đổi về chính sách ở một số vùng của một quốc gia, chỉ tiêu nhập học trong giáo dục đại học hoặc ngưỡng thu nhập trong hệ thống thuế và phúc lợi, có nghĩa là một số cá nhân bị can thiệp trong khi những cá nhân khác, cũng tương tự như vậy, thì không. Do đó, có sự ngẫu nhiên không được định trước chia con người thành các nhóm được can thiệp và nhóm đối chứng, tạo những cơ hội cho các nhà nghiên cứu khám phá các mối quan hệ nhân quả.

Hiểu về các thị trường lao động

Những tác động của một mức lương tối thiểu

Vào đầu những năm 1990, sự hiểu biết thông thường của các nhà kinh tế là tiền lương tối thiểu cao hơn dẫn đến việc làm thấp hơn vì việc tăng mức lương tối thiểu làm tăng chi phí tiền lương cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bằng chứng bổ trợ cho kết luận này lại không hoàn toàn có tính thuyết phục; thực sự là đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra một mối tương quan nghịch giữa mức lương tối thiểu và việc làm, nhưng điều này có thực sự có nghĩa là mức lương tối thiểu cao hơn dẫn đến thất nghiệp cao hơn hay không? Mối quan hệ nhân quả ngược thậm chí có thể là một vấn đề: khi thất nghiệp gia tăng, người sử dụng lao động có thể đặt ra mức lương thấp hơn, điều này, đến lượt nó, có thể dẫn đến các yêu cầu gia tăng mức lương tối thiểu.

Để nghiên cứu mức lương tối thiểu tăng lên ảnh hưởng như thế nào đến việc làm, Card và Krueger đã sử dụng một thí nghiệm tự nhiên. Vào đầu những năm 1990, mức lương tối thiểu theo giờ ở New Jersey đã được nâng từ 4,25 đô la lên 5,05 đô la. Chỉ nghiên cứu những gì đã xảy ra ở New Jersey sau sự gia tăng này không đưa ra được câu trả lời đáng tin cậy cho câu hỏi, vì nhiều nhân tố khác có thể ảnh hưởng đến chuyện tỷ suất có việc làm thay đổi như thế nào theo thời gian. Giống như trường hợp của các thí nghiệm ngẫu nhiên, cần có một nhóm đối chứng, tức là một nhóm mà mức lương không thay đổi nhưng tất cả các nhân tố khác đều giống như vậy.

Card và Krueger lưu ý rằng không có sự gia tăng [về mức lương tối thiểu] nào ở vùng lân cận, Pennsylvania. Tất nhiên, có sự khác biệt giữa hai bang, nhưng có khả năng là các thị trường lao động sẽ phát triển tương tự gần biên giới. Vì vậy, họ đã nghiên cứu những ảnh hưởng đến việc làm ở hai vùng lân cận – New Jersey và đông Pennsylvania – có thị trường lao động tương tự, nhưng mức lương tối thiểu đã gia tăng ở bên này của biên giới nhưng bên kia thì không. Chẳng có lý do rõ ràng nào để tin rằng bất kỳ nhân tố nào (chẳng hạn như tình hình kinh tế) ngoài việc tăng mức lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng theo cách khác nhau đến những xu hướng việc làm ở hai bên biên giới. Do đó, nếu có một sự thay đổi về số lượng người có việc làm ở New Jersey và thay đổi này là khác biệt với bất kỳ sự thay đổi nào ở bên kia biên giới, thì có một lý do tốt để kiến giải điều này như là một tác động của việc gia tăng mức lương tối thiểu.

Card và Krueger tập trung vào việc làm trong các nhà hàng thức ăn nhanh, một ngành mà việc trả mức lương thấp và lương tối thiểu là vấn đề quan trọng. Trái với nghiên cứu trước đó, họ phát hiện ra rằng việc tăng mức lương tối thiểu không ảnh hưởng đến số lượng người có việc làm. David Card đã đi đến kết luận tương tự trong một vài nghiên cứu vào đầu những năm 1990. Nghiên cứu mang tính tiên phong này đã dẫn đến một số lượng lớn các nghiên cứu theo sau. Kết luận chung là những tác động tiêu cực của việc tăng mức lương tối thiểu là nhỏ, và nhỏ hơn đáng kể so với những tác động từng được tin vào 30 năm trước.

Công trình do Card thực hiện vào đầu những năm 1990 cũng dẫn đến một nghiên cứu mới, nghiên cứu này nỗ lực để giải thích việc không có những tác động tiêu cực đến việc làm. Một cách giải thích khả dĩ là các công ty có thể chuyển các chi phí gia tăng sang cho người tiêu dùng dưới hình thức của các mức giá cả cao hơn mà không có sự cắt giảm đáng kể trong lượng cầu. Một cách giải thích khác là các công ty thống trị thị trường lao động địa phương của họ có thể giữ mức lương thấp; do đó, một mức lương tối thiểu tăng lên có nghĩa là có nhiều người muốn làm việc hơn, dẫn đến gia tăng việc làm. Khi các công ty có quyền lực như vậy đối với thị trường, chúng ta không thể xác định trước là việc làm sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi những thay đổi của mức lương tối thiểu. Nhiều nghiên cứu lấy cảm hứng từ công trình của Card và Krueger đã cải thiện đáng kể sự hiểu biết của chúng ta về thị trường lao động.

Nghiên cứu về tình trạng di cư và giáo dục

Fidel Castro (1926-2016)

Một vấn đề quan trọng khác là thị trường lao động chịu ảnh hưởng như thế nào bởi tình trạng di cư. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần biết điều gì sẽ diễn ra nếu không có bất kỳ cuộc di cư nào. Bởi vì những người di cư có xu hướng định cư ở các vùng có thị trường lao động đang tăng trưởng, chỉ đơn giản so sánh các vùng có và không có nhiều người di cư là không đủ để thiết lập một mối quan hệ nhân quả. Một sự kiện độc đáo trong lịch sử của Hoa Kỳ đã làm phát sinh một thí nghiệm tự nhiên, thí nghiệm mà David Card đã sử dụng để nghiên cứu xem tình trạng di cư ảnh hưởng như thế nào đến thị trường lao động. Vào tháng 4 năm 1980, Fidel Castro bất ngờ cho phép tất cả những người Cuba muốn rời khỏi đất nước được làm điều đó. Từ tháng 5 đến tháng 9, 125.000 người Cuba đã di cư sang Hoa Kỳ. Nhiều người trong số họ định cư ở Miami, kéo theo sự gia tăng lực lượng lao động ở Miami vào khoảng 7%. Để kiểm tra xem dòng chảy lao động khổng lồ này ảnh hưởng như thế nào đến thị trường lao động ở Miami, David Card đã so sánh những xu hướng về mức lương và việc làm ở Miami với sự phát triển của mức lương và việc làm ở bốn thành phố được đối chiếu.

Mặc dù nguồn cung lao động tăng mạnh, Card không tìm thấy những tác động tiêu cực nào đối với những cư dân Miami có trình độ học vấn thấp. Mức lương không giảm và thất nghiệp không tăng so với các thành phố khác. Nghiên cứu này đã tạo ra một lượng lớn công trình thực nghiệm mới, và giờ đây chúng ta đã hiểu rõ hơn về những tác động của tình trạng di cư. Ví dụ, các nghiên cứu theo sau đã chỉ ra rằng tình trạng di cư gia tăng có một tác động tích cực đến thu nhập đối với nhiều nhóm người sinh ra trong nước, trong khi những người di cư sớm hơn lại chịu ảnh hưởng tiêu cực. Một sự giải thích cho điều này là người bản xứ chuyển sang những công việc đòi hỏi kỹ năng sử dụng ngôn ngữ bản địa tốt, và ở những nơi mà họ không phải cạnh tranh về việc làm với những người di cư.

Card cũng đã có những đóng góp quan trọng liên quan đến tác động của các nguồn lực từ nhà trường đối với sự thành công trong tương lai của học sinh trên thị trường lao động. Một lần nữa, kết quả của ông đặt ra câu hỏi về sự hiểu biết thông thường – nghiên cứu trước đây đề xuất rằng mối quan hệ giữa các nguồn lực gia tăng và hiệu quả hoạt động của nhà trường, cũng như các cơ hội trên thị trường lao động sau này trong cuộc sống, là rất yếu. Tuy nhiên, một vấn đề đó là công trình trước đây đã không xem xét khả năng phân bổ nguồn lực bù đắp. Ví dụ, có khả năng những người ra quyết định sẽ đầu tư nhiều hơn vào chất lượng giáo dục ở những trường mà thành tích học tập của học sinh thấp.

Để kiểm tra xem liệu các nguồn lực của nhà trường có tác động đến sự thành công trên thị trường lao động trong tương lai của học sinh hay không, David Card và Alan Krueger đã so sánh lợi tức từ giáo dục đối với những người sống trong cùng một bang ở Hoa Kỳ, nhưng trước đó đã lớn lên ở các bang khác nhau – ví dụ: những người đã lớn lên ở Alabama hoặc Iowa, nhưng hiện sống ở California. Ý tưởng là có thể so sánh được những người đã chuyển đến California và có cùng trình độ học vấn. Nếu lợi tức của họ từ giáo dục là khác nhau, điều này có thể là do Alabama và Iowa đã đầu tư khác nhau vào hệ thống giáo dục của mỗi bang. Card và Krueger nhận thấy rằng các nguồn lực là rất quan trọng: lợi tức từ giáo dục tăng lên cùng với mật độ giáo viên tại các bang mà các cá nhân đã lớn lên.

Nghiên cứu này cũng truyền cảm hứng cho nhiều nghiên cứu mới. Hiện nay đã có những hỗ trợ thực nghiệm tương đối mạnh mẽ cho thấy rằng các khoản đầu tư vào giáo dục ảnh hưởng đến sự thành công sau này của học sinh trên thị trường lao động. Tác động này đặc biệt mạnh mẽ đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Một khuôn khổ mới cho các nghiên cứu về những mối quan hệ nhân quả

Trong tất cả các tình huống thực tiễn, tác động của một sự can thiệp – ví dụ, tác động của sự giáo dục tăng thêm ở nhà trường đối với số tiền kiếm được từ lao động – là khác nhau giữa mọi người. Hơn nữa, các cá nhân chịu ảnh hưởng khác nhau bởi một thí nghiệm tự nhiên. Cơ hội để rời khỏi nhà trường năm 16 tuổi sẽ hầu như không ảnh hưởng đến những người đã có kế hoạch học đại học. Các vấn đề tương tự phát sinh trong các nghiên cứu dựa trên các thí nghiệm thực tế, bởi vì chúng ta thường không thể buộc các cá nhân tham gia vào một sự can thiệp. Nhóm nhỏ những người mà đến cuối cùng lựa chọn tham gia [vào sự can thiệp] có lẽ bao gồm những cá nhân tin rằng họ sẽ được hưởng lợi từ các can thiệp. Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu chỉ biết được ai đã tham gia chứ không biết tại sao – không có thông tin về những người đã tham gia chỉ đơn thuần bởi vì họ được cung cấp cơ hội, nhờ vào thí nghiệm tự nhiên (hoặc thí nghiệm ngẫu nhiên), và những ai dù sao đi nữa cũng tham gia. Làm thế nào có thể thiết lập mối quan hệ nhân quả giữa giáo dục và thu nhập?

Joshua Angrist (1960-)
Guido W. Imbens (1963-)

Joshua Angrist và Guido Imbens đã giải quyết vấn đề này trong một nghiên cứu có tầm ảnh hưởng từ giữa những năm 1990. Cụ thể hơn, họ đã đặt ra câu hỏi sau: Trong điều kiện nào chúng ta có thể sử dụng một thí nghiệm tự nhiên để ước tính những tác động của một can thiệp cụ thể, chẳng hạn như một khóa học máy tính, khi các tác động là khác nhau giữa các cá nhân và chúng ta không hoàn toàn kiểm soát được ai là người tham gia? Làm thế nào chúng ta có thể ước tính tác động này và nó nên được kiến giải như thế nào?

Đơn giản hơn một chút, chúng ta có thể hình dung một thí nghiệm tự nhiên như thể nó chia ngẫu nhiên các cá nhân thành một nhóm được can thiệp và một nhóm đối chứng. Nhóm được can thiệp có quyền tham gia vào một chương trình trong khi nhóm đối chứng thì không. Angrist và Imbens chỉ ra rằng việc ước tính tác động của chương trình là khả dĩ bằng cách áp dụng quy trình hai bước (được gọi là phương pháp biến công cụ). Bước đầu tiên là nghiên cứu thí nghiệm tự nhiên ảnh hưởng như thế nào đến xác suất tham gia chương trình. Bước thứ hai sau đó là xem xét xác suất này khi đánh giá tác động của chương trình thực tế. Đưa ra một số ít giả định, mà Imbens và Angrist đã xây dựng và thảo luận chi tiết, nhờ đó, các nhà nghiên cứu có thể ước tính tác động của chương trình, ngay cả khi không có thông tin về việc những ai thực sự chịu ảnh hưởng bởi thí nghiệm tự nhiên. Một kết luận quan trọng là chỉ có thể ước tính tác động trên những người đã thay đổi hành vi của họ như một kết quả của thí nghiệm tự nhiên. Điều này hàm ý rằng kết luận của Angrist và Krueger về tác động đối với thu nhập của một năm học tập tăng thêm – mà họ ước tính là 9% – chỉ áp dụng được cho những người thực sự đã lựa chọn nghỉ học khi có cơ hội. Việc xác định những cá nhân nào được bao gồm trong nhóm này là điều không thể, thế nhưng chúng ta có thể xác định kích cỡ của nó. Tác động đối với nhóm này được đặt tên là tác động can thiệp trung bình cục bộ (local average treatment effect – LATE). 

Do đó, Joshua Angrist và Guido Imbens đã cho thấy chính xác những kết luận nào về nhân và quả có thể được rút ra từ các thí nghiệm tự nhiên. Phân tích của họ cũng phù hợp với các thí nghiệm ngẫu nhiên mà chúng ta không có toàn quyền kiểm soát đối với những ai tham gia vào sự can thiệp, đây là trường hợp của hầu hết các thí nghiệm hiện trường. Khuôn khổ do Angrist và Imbens phát triển đã được các nhà nghiên cứu làm việc với dữ liệu quan sát áp dụng rộng rãi. Bằng cách làm rõ các giả định cần thiết để thiết lập một mối quan hệ nhân quả, khuôn khổ của họ cũng đã làm tăng tính minh bạch – và do đó là tính đáng tin cậy – của nghiên cứu thực nghiệm.

Một cuộc cách mạng trong nghiên cứu thực nghiệm

Những đóng góp của những người được giải từ đầu những năm 1990 chứng minh rằng có thể trả lời các câu hỏi quan trọng về nhân và quả bằng cách sử dụng các thí nghiệm tự nhiên. Những đóng góp của họ bổ sung và củng cố lẫn nhau: những hiểu biết thấu đáo về phương pháp luận của Angrist và Imbens về các thí nghiệm tự nhiên và những ứng dụng của Card về cách tiếp cận này đối với những vấn đề quan trọng đã dẫn đường cho các nhà nghiên cứu khác. Giờ đây chúng ta có một khuôn khổ chặt chẽ mà, cùng với những khuôn khổ khác, có nghĩa là chúng ta biết được kết quả của những nghiên cứu như vậy nên được kiến giải như thế nào. Công trình của những người đạt giải đã cách mạng hóa nghiên cứu thực nghiệm trong các khoa học xã hội và cải thiện đáng kể năng lực của cộng đồng nghiên cứu trong việc trả lời những câu hỏi có tầm quan trọng lớn đối với tất cả chúng ta.

Phần đọc thêmThông tin bổ sung về giải thưởng năm nay, bao gồm nền tảng khoa học bằng tiếng Anh, có sẵn trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, www.kva.se, và tại www.nobelprize.org, nơi bạn có thể xem các đoạn phim của các buổi họp báo, các Bài giảng Nobel và nhiều thứ khác. Thông tin về các cuộc triển lãm và hoạt động liên quan đến Giải Nobel và Giải thưởng cho Khoa học Kinh tế có tại www.nobelprizemuseum.se

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao Giải thưởng của ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel năm 2021

với một nửa giải thưởng đề tặng cho

DAVID CARD

Sinh năm 1956 tại Guelph, Canada. Lấy bằng tiến sĩ năm 1983 từ Đại học Princeton, Hoa Kỳ. Giáo sư Kinh tế, Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ.

“Vì những đóng góp thực nghiệm của ông cho kinh tế học lao động”

và đồng đề tặng cho

JOSHUA D. ANGRIST

Sinh năm 1960 tại Columbus, Ohio, Hoa Kỳ. Lấy bằng tiến sĩ năm 1989 từ Đại học Princeton, Hoa Kỳ. Giáo sư Kinh tế, Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Hoa Kỳ.

GUIDO W. IMBENS

Sinh năm 1963 tại Eindhoven, Hà Lan, lấy bằng Tiến sĩ năm 1991 từ Đại học Brown, Providence, Hoa Kỳ. Giáo sư Kinh trắc học Ứng dụng và Giáo sư Kinh tế, Đại học Stanford, Mỹ.

“Vì những đóng góp về phương pháp luận của họ trong việc phân tích các mối quan hệ nhân quả”

Các tác giả bài báo

Biên tập viên Khoa học: Peter Fredriksson, Eva Mörk và Jakob Svensson, Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế tưởng nhớ Alfred Nobel

Dịch giả: Clare Barnes

Hình minh họa: © Johan Jarnestad / Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển

Biên tập: Eva Nevelius

© Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển

Nguyễn Thị Thanh Trúc dịch

NguồnNatural experiments help answer important questionsThe Nobel Prize, ngày 11 tháng 10 năm 2021

Vòng đời (giả thiết)

Vòng đời (giả thiết)

(Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com/)

Life cycle hypothesis

➜ Giải Nobel: BECKER, 1992 – FRIEDMAN, 1976 – HICKS, 1972 – MODIGLIANI, 1985

Giả thiết vòng đời, được kí hiệu là LCH (life-cycle hypothesis), là một mô hình liên thời gian về tiêu dùng và tiết kiệm của các hộ gia đình, của kinh tế học vi mô tân cổ điển (lựa chọn duy lí cá thể, thị trường cạnh tranhsở thích ổn định…). Ý tưởng tiên khởi cho rằng những quyết định đầu tư là tương đối tách biệt với những lựa chọn gia đình hay nghề nghiệp và, trong một chừng mực ít hơn, tách biệt với những lựa chọn cung lao động và lựa chọn danh mục đầu tư (tác nhân trước tiên chọn giá trị của di sản trước khi phân bổ di sản này giữa những tài sản hợp thành di sản). Hơn nữa, theo truyền thống fisherian, người ta chỉ quan tâm đến tổng khối lượng tiêu dùng ở mỗi thời kì (tổng giá trị thực tế).

Lí thuyết này đã mang lại cho tác giả nó, Franco Modigliani giải Nobel 1985. Theo đúng tư tưởng của Fisher (1930), thông điệp trung tâm của lí thuyết này xem tiết kiệm như việc hoãn tiêu dùng và không chỉ phụ thuộc vào thu nhập hiện hành mà còn phụ thuộc vào mức nguồn lực dự kiến có được trong dài hạn – hay vào “thu nhập thường xuyên”. Chính xác hơn, di sản, ban đầu được nhìn như một quĩ đồng nhất, được đồng hoá với một dự trữ tiêu dùng bị hoãn lại trong suốt cuộc đời; do đó LCH xét những tác nhân ích kĩ nhưng lo xa, mà điểm cuối của chân trời ra quyết định trùng khớp với điểm cuối của cuộc đời. Chính đặc tính này được xem là phân biệt LCH với “lí thuyết anh em”, tức mô hình thu nhập thường xuyên của Friedman (1957), được kí hiệu là PIH (permanent income hypothesis): đối với tác giả này, chân trời là mềm dẻo hơn, về mặt lí thuyết là không được xác định và trong thực tiễn ngắn hơn nhiều – cho dù không loại trừ những động cơ chuyển giao.

Roy F. Harrod (1900-1978)
John Hicks (1904-1989)

Do có chân trời đời sống này nên thật ra LCH là một mô hình tích luỹ trong dài hạn của cải không phải là con người – một kho hình thành nằm thoả mãn những nhu cầu tương lai (Hicks) – hơn là một lí thuyết tiêu dùng – vốn là một biến kì. Chức năng của di sản là làm trùng khớp ex post những kì hạn thu nhập và nhu cầu tiêu dùng không khớp nhau trong vòng đời. Hình dạng của những nhu cầu, đặc biệt là tuỳ thuộc vào kích cỡ của hộ gia đình và cương vị hoạt động của cha mẹ, là tương đối đều đặn. Do đó nhằm thu được việc san bằng liên thời gian mong muốn của tiêu dùng, hộ gia đình sử dụng di sản tích luỹ để chữa tạm những chênh lệch có hệ thống của thu nhập với tuổi tác, cũng như những dao động ngẫu nhiên trong ngắn hạn. Trong chừng mực mà biến thiên chính của những nguồn lực thu nhập liên quan đến sự sụt giảm của thu nhập sau khi về hưu nên hình dạng tích luỹ của di sản mong muốn theo hình lưng lừa: tích luỹ là yếu (thậm chí là âm) trong thời trẻ, tăng dần đến đỉnh điểm (tính theo giá trị thực tế) trước khi về hưu và sau đấy giảm dần đến không vào cuối đời. Kể từ Harrod (1948), hiện tượng tiết kiệm đặc trưng trong thời gian hoạt động, rồi thôi tiết kiệm khi về hưu được gọi là hump saving: hiện tượng này tương ứng với một động cơ tích luỹ đặc biệt, tích luỹ cho những ngày về già.

Đặc thù này, thậm chí tính nhập nhằng này, giải thích lộ trình đầy nghịch lí của LCH. Ra đời ba năm trước PIH, với bài viết của Modigliani và Brumberg (1954), giả thiết này trải qua một thời thơ ấu lặng lẽ, trước khi chiếm một vị trí thống trị, kể từ những năm 1970, trong nội bộ những lí thuyết về tiêu dùng. Quả thật là mục tiêu đầu của những nhà sáng lập giả thiết này chỉ là để cung cấp “một khuôn khổ phân tích chung cho việc nghiên cứu hàm tiêu dùng keynesian và việc khám phá những quan hệ ổn định đằng sau những sự kiện tản mạn quan sát được – một mục tiêu mà PIH đã thực hiện một cách đơn giản và hiệu quả hơn. Nhưng ngày nay, LCH là công cụ ưu tiên để phân tích tiêu dùng tổng gộp trong ngắn hạn hay mức tiết kiệm quốc gia lẫn những hình dạng tiêu dùng và tích luỹ cá thể, sự phân phối di sản hay tiến hoá của cơ cấu danh mục đầu tư trong suốt cuộc đời.

Angus Deaton (1945-)
‪Christopher D. Carroll‬

Như thế lí thuyết đã trở thành “không thể né tránh” trong lĩnh vực tiết kiệm, ngay cả đối với những nhà phê phán kịch liệt nhất lí thuyết này, và trở thành điểm qui chiếu của hầu hết những kiểm định thực nghiệm và hơn thế nữa của những cuộc tranh luận trong hai mươi năm qua trong lĩnh vực này. Tuy nhiên những kiểm định và tranh luận này đã làm thay đổi bản chất của LCH vì chúng đã dẫn đến việc nhân bội những biến thể hay mở rộng mà mối quan hệ với mô hình ban đầu, gọi là mô hình chuẩn, một mô hình giả định một thế giới chắc chắn và những thị trường vốn hoàn hảo, một cung lao động nội sinh và không có sự chuyển giao di sản (Kessler và Masson, ed., 1988) cần phải được làm rõ. Như thế vấn đề tiêu dùng khả dĩ của di sản trong những ngày về già (kiểm định hump saving) phải tính đến sự bất trắc về tuổi thọ, nguồn gốc của một tiết kiệm dự phòng làm giảm mạnh tiêu dùng này (Davies, 1981). Cuộc tranh luận về tác động suy giảm của lương hưu theo cơ chế phân phối đối với tiết kiệm của các hộ gia đình có sự can dự của hiệu ứng tuổi về hưu sớm do hệ thống dự phòng tập thể (induced retirement effect) gây nên, làm giảm bấy nhiêu hiệu ứng thay thế được chờ đợi (Feldstein, 1974). Cuộc tranh luận giữa Kotlikoff và Modigliani về tỉ trọng của tích luỹ di sản thừa hưởng từ những thế hệ trước (80% đối với Kotlikoff và 20% đối với Modigliani) vận dụng những mở rộng của LCH chấp nhận sự tồn tại của những di sản (quà tặng và gia tài) nhận được và được chuyển giao (Kessler & Masson, 1989). Cuối cùng, cuộc tranh luận mới đây về cách kiến giải những “chênh lệch” của động thái tiêu dùng so với mô hình LCH chuẩn đối lập hai phiên bản mở rộng của mô hình này: việc san bằng chỉ một phần tiêu dùng tỏ ra quá nhạy cảm với những biến thiên hiện hành (cũng như những biến thiên trong quá khứ) của thu nhập được một số tác giả gán cho tiết kiệm dự phòng trước những nguồn lực không chắc chắn và cho những ràng buộc thanh khoản (Carroll, 1992; Deaton, 1992) trong lúc một số tác giả khác lại gán cho sự thay đổi trong suốt vòng đời của những nhu cầu gắn với kích cỡ của gia đình và của cung lao động (Attnasio & Browning, 1995).

Lịch sử

Laurence Kotlikoff (1951-)

Đặt LCH trong tiến hoá của những lí thuyết và sự kiện dẫn đến việc xem xét hai lĩnh vực tương đối độc lập với nhau: di sản và hàm tiêu dùng. Đối với di sản, kinh tế học bao giờ cũng là “khoa học về của cải”. Nhưng các nhà cổ điển lớn (SmithSayRicardoMarx) quan tâm đến việc phân phối của cải giữa những nhân tố sản xuất khác nhau hay giữa các giai cấp hơn là đến cơ nghiệp của những cá thể. Tuy bác bỏ cách đặt vấn đề này, nhưng các nhà tân cổ điển (Marshall) nhìn tiết kiệm như một hành động có lợi vì là nguồn gốc của vốn sản xuất, và khuyến khích các cá thể dự trù cho những chân trời xa hơn, vượt quá chính sự tồn tại của bản thân. Keynes (1936) đưa vào một sự đoạn tuyệt tước đi cương vị đáng mong muốn của tiết kiệm: đơn giản chỉ là một phần của thu nhập hiện hành mà người tiêu dùng “nhịn chi tiêu tiêu dùng”, tiết kiệm chỉ là một số kết và là một “hành động tiêu cực” cần được phân biệt một cách triệt để với “hành động tích cực” của đầu tư, một hành động được lồng vào một cách nhìn dài hạn và trực thuộc vào những yếu tố giải thích khác.

Nicholas Kaldor (1908-1986)
Luigi Pasinetti (1930-)

Sự phân đôi keynesian này sẽ có một sự kế thừa phong phú. Phân đôi này tạo cảm hứng cho những mô hình hậu keynesian (Kaldor, Pasinetti) tổng hợp những trào lưu trước đó bằng cách đối lập hai loại tác nhân: người tiêu dùng-lao động, tác nhân thụ động thường bị thanh khoản ràng buộc, tiết kiệm ít và chủ yếu dưới dạng tiền mặt để giao dịch hay để dự phòng (và sản phẩm lâu bền); nhà tư bản-đầu tư tích luỹ vì những lí do khác nhau – vì quyền lực, lợi tức, uy tín hay để gia tài … –, mà phần lớn sản phẩm được truyền lại cho thế hệ sau. Công lao của LCH là đưa vào một khuôn mặt thứ ba, người tiết kiệm của vòng đời tích luỹ một cách có ý nghĩa nhưng chỉ cho riêng bản thân mình: nếu tuổi thọ là chắc chắn (LCH chuẩn) thì người tiết kiệm sẽ không để lại gì cả sau khi chết đi; trong thực tiễn, người này có thể để lại một di sản đáng kể tương ứng với tiêu dùng của người đó nếu được thượng đế cho sống lâu hơn – trong trường hợp này người ta nói đến di sản tai nạn hay di sản dự phòng. Dù sao đi nữa, có thể chỉ ra là những hướng mở rộng LCH biến giả thiết này thành một lí thuyết về sự tích luỹ di sản an toàn và hưởng thụ của những giai cấp trung lưu: lí thuyết này phân tích tốt sự kiện lịch sử là việc phổ biến rộng việc sở hữu (kể từ 1920 và nhất là từ 1945), dưới dạng những sản phẩm lâu bền, nhà ở, thanh khoản, cổ phần quần chúng hay quyền hưu trí (Masson, 1991).

Milton Friedman (1912-2006)
James Duesenberry (1918-2009)

Trong hầu hết các sách giáo khoa, việc trình bày những lí thuyết về hàm tiêu dùng, dành một chỗ không mấy vẻ vang cho LCH, sau khi điểm qua những bậc thầy: trước hết là Keynes và qui luật tâm lí cơ bản; rồi Duesenberry được coi là tác giả đã trình bày hai cách giải thích không liên quan đến những hành vi tiêu dùng, một cách dựa trên những hiệu ứng phô trương và bắt chước, và một cách (mà tác giả chia sẻ cùng với Brown) về những hiệu ứng bánh cóc và sức ì của thói quen; cuối cùng và nhất là Friedman, người được xem là đã cung cấp giải pháp dứt điểm với khái niệm thu nhập thường xuyên. Cương vị của LCH không được xác định rõ ràng: người ta nói đến hàm tổng tiêu dùng thu được – có dạng keynesian với một hiệu ứng của cải –, hay việc đưa vào sự phụ thuộc giữa tiết kiệm và tuổi tác, một điểm gần với mô hình của Friedman mà LCH chỉ là một phụ lục cồng kềnh …

Franco Modigliani (1918-2003)

Cách trình bày này che khuất hoàn toàn sự kiện là sự phân đôi keynesian giữa tiết kiệm và đầu tư vẫn là chỗ dựa cho hầu hết những lí thuyết về hàm tiêu dùng, kể cả PIH nhưng ngoại trừ LCH: tất cả hay hầu hết đều gán cho tiết kiệm một tính dư thừa. Sau sự đoạn tuyệt của Keynes, quả thật là LCH đánh dấu một đoạn tuyệt thứ hai, trong chừng mực là giả thiết này một cách rõ ràng đưa vào một động cơ đặc thù của việc tích luỹ – việc san bằng tiêu dùng trên toàn bộ vòng đời –, mà tiết kiệm cho những ngày về hưu là một trong những thành tố. Như thế LCH là mô hình giải thích duy nhất và nhất quán về mức tổng gộp của tỉ suất tiết kiệm. Trong phiên bản chuẩn của mô hình này, tỉ suất tiết kiệm này chủ yếu phụ thuộc theo cùng chiều vào tổng tỉ suất tăng trưởng, kinh tế và dân số của đất nước (ngược lại, kích cỡ của tổng thu nhập quốc gia không có ảnh hưởng). Hiện tượng hump saving giải thích kết quả này: trong một nền kinh tế dừng, tích luỹ di sản có thể là quan trọng nhưng tỉ suất tiết kiệm là bằng không, thôi tiết kiệm của người già bù đắp vừa đúng tiết kiệm của người trẻ, nếu có tăng trưởng thì tỉ suất tăng trưởng là dương, do hoặc là có nhiều người trẻ hơn, hoặc là do người trẻ có thu nhập và do đó có một tiết kiệm lớn hơn tiết kiệm của người già. Trong việc mở rộng LCH có sự can dự của nhiều nhân tố: tỉ suất tiết kiệm phụ thuộc cùng chiều với tỉ suất tiến bộ kĩ thuật, kì vọng sống, độ dài của hưu trí, những ràng buộc thanh khoản hay tiếp cận tín dụng, và phụ thuộc ngược chiều với sự ưa thích hiện tại (xem dưới đây) và bảo hiểm hưu trí – hiệu ứng của lãi suất là không rõ ràng (Modigliani, 1986; Deaton, 1992).

Nhưng LCH còn có một khác biệt thứ hai so với những lí thuyết khác về hàm tiêu dùng. Trong lúc Friedman (1957) vẫn còn thuộc về truyền thống thực nghiệm của thời đó, một truyền thống tập trung vào những đặc tính của những hàm cầu thì LCH lại dựa trực tiếp trên việc hình thức hoá tân cổ điển về việc tối đa hoá dưới ràng buộc một hàm lợi ích liên thời gian được chỉ định rõ ràng.

Hình thức hoá (mô hình chuẩn)

Dưới đây ta chọn một hình thức hoá với thời gian liên tục t, đơn giản hơn. Mô hình vòng đời chuẩn dựa trên bốn giả thiết: 1) những thị trường vốn hoàn hảo, cho phép tự do đầu tư hay đi vay theo cùng một lãi suất r (được giả định là không đổi); 2) sự tồn tại của những tương đương với sự chắc chắn (tính trung lập của rủi ro), đặc biệt là đối với tuổi thọ bằng với T; 3) những nguồn lực Y(t), thu nhập của lao động hay của những chuyển nhượng, ngoại sinh – những quyết định tiết kiệm được giả định là tách biệt với những lựa chọn cung lao động hay lựa chọn giáo dục của cá thể, cũng như tách biệt với những chuyển nhượng về vốn con người nhận được từ bố mẹ; 4) không có chuyển giao di sản nhận hay cho.

Trong khuôn khổ này, người tiêu dùng tối đa hoá một hàm lợi ích U chỉ phụ thuộc vào tổng khối lượng tiêu dùng, tức C(t) tại thời điểm t. Hơn nữa, những ràng buộc duy nhất người tiêu dùng phải đối mặt là những ràng buộc ngân sách tức thì, liên quan đến tiến hoá của tài sản thuần, A(t), mà đạo hàm đối với thời gian được kí hiệu là dA(t)/dt:

dA(t)/dt = rA(t) + Y(t) – C(t) = R(t) – C(t)       (1)

biến thiên (thực tế) của di sản tại thời điểm t bằng với tiết kiệm, số kết của tổng thu nhập (R(t)) và tiêu dùng. (Tuy nhiên trong thực tiễn, quan hệ này đòi hỏi những định nghĩa rất chính xác về các biến, được tính theo số hạng thực tế: C bao gồm cả dịch vụ của những sản phẩm lâu bền, A là số tiền của C, Y là thu nhập sử dụng (sau khi trừ thuế và đóng góp xã hội); r bao gồm lợi tức và lãi chuyển nhượng của di sản sau khi trừ thuế và khấu hao vốn…).

Hơn nữa, những ràng buộc ngân sách tức thì này có thể được tóm gọn thành một ràng buộc duy nhất, ràng buộc ngân sách sống còn buộc không được tiêu dùng nhiều hơn những gì ta có được trên toàn bộ vòng đời, tức là số tiền ban đầu của những nguồn lực W(0):

với A(t) = 0         (2)

Ta ghi nhận là cũng ràng buộc này có thể được viết ở thời điểm s, tuỳ theo những nguồn lực chưa được tiêu dùng W(s), liên quan đến phần còn lại của vòng đời, từ s đến T, và gồm có tài sản thuần A(s), và việc làm tăng giá trị của vốn con người.

Irving Fisher (1867-1947)
John M. Keynes (1883-1946)

Như thế trong mô hình chuẩn, người tiêu dùng tối đa hoá một hàm lợi ích liên thời gian, U[C(0)…, C(t)…, C(T)], chỉ dưới ràng buộc (2) thôi. Dạng được chọn của U bắt nguồn trực tiếp từ bốn đặc tính cơ bản do LCH (và bình thường là PIH) áp đặt cho hành vi tiêu dùng hay tiết kiệm. Hai đặc tính đầu đối lập với Duesenberry. Hành vi của người tiêu dùng là một hành vi tự chủ, trong chừng mực mà hành vi này chỉ phụ thuộc vào đặc điểm riêng của tác nhân chứ không phụ thuộc vào sở thích hay lựa chọn của tác nhân khác; đó là một hành vi thuần tuý hướng đến tương lai, do chỉ phụ thuộc vào những dữ liệu hiện nay và những dữ liệu dự kiến chứ không phụ thuộc vào lịch sử hay thói quen của tác nhân: tóm lại, cá thể không nhìn bên trái lẫn bên phải, cũng không nhìn lui mà chỉ nhìn tới trước. Đặc tính thứ ba, theo đó tiêu dùng hay tiết kiệm, một cách tiên nghiệm, là tỉ lệ với số tiền của những nguồn lực, W(0) hay W(s), đối lập LCH và NIP với tất cả những lí thuyết khác về hàm tiêu dùng cũng như đối lập với cả một truyền thống lâu đời (bao gồm Keynes và Fisher) rõ ràng xem tiết kiệm như một sản phẩm xa xỉ. Do đó giả thiết về tính tỉ lệ này giữ một vai trò chiến lược thiết yếu, cho dù Friedman cũng như Modigliani đều cho là nó không thuộc “hạt nhân rắn” của chương trình nghiên cứu của họ; song điều này chỉ có thể biện minh được nếu tiết kiệm quả thật là dự trữ tiêu dùng được hoãn lại (nhưng không biện minh được trong trường hợp mà chính bản thân của cải cung cấp một lợi ích hiện tại). Đặc tính cuối đòi hỏi là một hành vi hoàn toàn duy lí phải có tính nhất quán trong thời gian (trước sau như một), và điều này tương ứng với tính ổn định của hệ thống những sở thích liên thời gian nằm đằng sau: nếu mọi việc xảy ra như trù liệu thì tiêu dùng mà người tiêu dùng trù liệu tại thời điểm ban đầu cho thời điểm t, E0C(t), quả thật sẽ là tiêu dùng của tác nhân này tại thời điểm t: E0C(t) = C(t).

Về mặt kĩ thuật, bốn đặc tính này tương ứng với một hàm lợi ích, U[C(0)…, C(t)…, C(T)], vì tự có những đặc tính tách thời gian (chính xác hơn, tách yếu và đệ qui mạnh). Nếu ta chỉ xét một tập con của những hàm này bằng cách áp đặt tính tách mạnh, tức tính cộng thời gian của những sở thích, thì ta có công thức sau:

với a(0) = 1, a(1) = 0, giảm theo t;        (3)

ut(C) = u(C)= C (1/s)/ [1 – (1/s)];

s > 0 (s = 1; u logarithmique).               (4)

“Thị hiếu” của người tiêu dùng là không đổi và được biểu trưng bằng một hàm lợi ích tức thì, u, đồng co dãn, với là độ co dãn thay thế liên thời gian. Tham số tượng trưng cho hệ số hiện tại hoá (thời gian). Nói chung người ta thích sử dụng tỉ suất khấu hao của tương lai, d(t), tỉ suất này là, li lai dấu, đạo hàm lôga của hệ số hiện tại hoá; thường người ta chọn một tỉ suất không đổi và điều này tương ứng với một hiện tại hoá theo hàm mũ:

        d(t) = – [da(t)/d(t)]/a(t) = 0.

        tức là: a(t) = ed(t) nếu d(t) = d;       (5)

d càng cao thì người tiêu dùng càng “nôn nóng” (Fisher, 1930) và chân trời dự báo của tác nhân này càng ngắn (cho cùng một tuổi thọ T).

Như thế, hai tham số về sở thích, s và d, đủ để đặc trưng cho hành vi của người tiêu dùng. Giải chương tình tối đa hoá dưới ràng buộc (2) cho thấy là tỉ suất tăng trưởng tức thì của tiêu dùng, g(t), nghiệm đúng quan hệ:

       g(t) =[dC(t)/d(t)]/C(t) = s(r – d); s > 0      (6)

Tỉ suất tăng trưởng của tiêu dùng phản ứng ngược chiều, với một độ nhạy cảm được đo bằng độ co dãn s, với những biến thiên của hai tỉ suất hiện tại hoá: một gia tăng của lãi suất r khuyến khích hoãn lại tiêu dùng hiện nay để hưởng những lợi tức cao hơn của tiết kiệm, trong lúc một độ nôn nóng d cao hơn thúc đẩy tiêu dùng nhiều hơn ngay tức thì.

Còn hàm cầu được viết là:

C(t) = kt(r, d, T, s) W(t)

kt tăng dần với d, giảm dần với T.         (7)

Ngược lại tác động của lãi suất trên khuynh hướng tiêu dùng kt những nguồn lực sống còn là không rõ ràng, phụ thuộc vào giá trị của s: hiệu ứng thay thế này không được PIH xem xét. Thật ra hằng số kt tượng trưng cho giá trị khấu hao hàng năm của một đơn vị của cải. Khi s và d bằng không thì kt bằng (1/T – t): do đó có sự lạm dụng, đặc trưng cho Friedman, để xem 1/kt như là độ dài của chân trời ra quyết định của tác nhân bằng cách giả định rằng dạng tiêu dùng liên thời gian được tác nhân mong muốn là dẹp.

Dù sao đi nữa, quan hệ (7) tóm tắt tốt những đặc tính của mô hình LCH chuẩn. Tiêu dùng chỉ chỉ phụ thuộc vào tổng số tiền những nguồn lực hiện nay và sắp tới, theo một quan hệ tỉ lệ; do đó hành vi là hướng đến tương lai và việc san bằng tiêu dùng là hoàn hảo, do tiêu dùng không phụ thuộc chút nào vào lịch kì hạn của những nguồn lực. Và hiện tượng hump saving vẫn còn giá trị chừng nào những thu nhập hoạt động không tăng quá cao tuỳ theo tuổi và chừng nào tỉ suất khấu hao tương lai là bị giới hạn.

Những mở rộng của mô hình vòng đời sản phẩm

Tất cả, hay gần như hầu hết, những hướng mở rộng có thể của phiên bản chuẩn đã được khai thác, cho ra đời một kinh văn vô cùng phong phú. Kết luận (quá) tổng quát là những hướng mở rộng này có thể đặt thành vấn đề – ở những mức độ khác nhau – hầu như tất cả những tiên đoán của mô hình chuẩn …

Một số những phiên bản mở rộng này liên quan đến việc mở rộng tính duy lí: lợi ích của nhàn rỗi, dẫn đến một cung lao động ngoại sinh; động cơ chuyển giao dẫn đến những di sản tự nguyện … Những thay đổi phát sinh so với phiên bản chuẩn còn giới hạn một khi giả định là những lựa chọn khác nhau – nhàn rỗi và tiêu dùng, tiết kiệm vòng đời hay di sản – là tách bạch, để có thể còn tiếp tục nghiên cứu hành vi tích luỹ một cách độc lập.

Một số phiên bản khác, gần đây hơn, đặt thành vấn đề tính không đổi của những nhu cầu trong suốt cả vòng đời (mô hình chuẩn LCH dường như tương ứng với một người độc lập luôn còn trẻ). Lợi ích tức thì, u[C(t), Z(t)], không chỉ tuỳ thuộc vào tiêu dùng mà còn phụ thuộc vào những biến Z, thường là những biến dân số, vốn là một chỉ báo của biến thiên của nhu cầu: nhu cầu tăng với kích cỡ của gia đình, giảm khi tuổi cao … Như thế ta có thể tính đến một mức độ biến thiên nhất định của nhu cầu mà vẫn giữ logic hành vi của mô hình chuẩn (Attanasio & Browning, 1995).

Chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến những mở rộng đưa vào một môi trường thực tế hơn: bất trắc của thu nhập và của lãi suất (hay ngay cả của thị hiếu) tương lai, và bất trắc về tuổi thọ; tính không hoàn hảo của những thị trường vốn, đặc biệt là những hạn mức tín dụng và ràng buộc thanh khoản. Như thế, ta có thể giữ lại một hàm lợi ích liên thời gian U kiểu (3)-(4)-(5). Nếu cá thể tối đa hoá kì vọng lợi ích U của mình, (1/s) bằng – u²/u¢ nay tượng trưng cho mức độ ngại rủi ro tương đối và đặc biệt xác định những lựa chọn danh mục đầu tư. Hơn nữa, ràng buộc ngân sách tức thì (1), vốn có một vai trò then chốt, thường nghiệm đúng. Nhưng điều quan trọng cần ghi nhận là không còn giữ được quan hệ (2) và do đó cả quan hệ (7) nữa: tiêu dùng không chỉ phụ thuộc vào tổng những nguồn lực con người và không còn người mà còn phụ thuộc cả vào cơ cấu và lịch của những nguồn lực này; việc san bằng tiêu dùng chỉ là bộ phận và tất cả diễn ra như thể chân trời đã bị “rút ngắn”. Đặc biệt là của cải vật chất phải được cách biệt khỏi những thu nhập tương lai của vốn con người vì của cải này có những chức năng đặc thù của tiết kiệm dự phòng và dự trữ thanh khoản.

Friedman (1957) quả đã ý thức rằng sự bất trắc và tính không hoàn hảo của các thị trường khiến cho những điều chỉnh như thế trở nên cần thiết. Vấn đề là những điều chỉnh này là hoàn toàn không đủ (Zeldes, 1989). Đặc biệt là giả thiết những tương đương chắc chắn chỉ được giữ lại với một lợi ích toàn phương; giả thiết này hết đứng vững một khi tác nhân có một sự thận trọng dương – sự thận trọng là đạo hàm cấp ba của lợi ích, u¢² (Kimball, 1990). Với những sở thích đồng co dãn kiểu (4) thì phương sai dự kiến của thu nhập tương lai tạo thên một tiết kiệm dự phòng và làm tăng tỉ suất tăng trưởng của tiêu dùng (quan hệ (6)). Hơn nữa, những ràng buộc thanh khoản hay ràng buộc vay mượn củng cố đông cơ dự phòng này một cách phức tạp (các mô hình hết còn có nghiệm giải tích). Cuối cùng, tiết kiệm dự phòng phát sinh do có bất trắc của thời lượng khi không có (hay bị từ chối) những tô suốt đời có thể dẫn đến những di sản lớn và làm giảm nhiều nhịp độ tiêu dùng di sản vào cuối đời (Davies, 1981).

Triển vọng

Nếu quả là hoài công nếu lập luận đến bất tận về những công lao của Friedman và Modigliani thì dù sao đi nữa nguồn gốc chung và những nét gần nhau của hai lí thuyết fisherian này che khuất một tiến hoá thiết yếu. Những phát triển hiện nay của LCH đánh dấu một sự đoạn tuyệt quan trọng không chỉ đối với Keynes mà cả đối với PIH. Dựa trên một hình thức hoá tân cổ điển chặt chẽ, giả thiết vòng đời nay trở thành một mô hình kinh tế vi mô tổng quát về những quyết định tiêu dùng và tiết kiệm, và cả về những lựa chọn tài chính của các hộ gia đình. Nếu muốn phác hoạ những tương lai có thể của LCH thì những lí thuyết cạnh tranh nghiêm túc nhất ta có thể đối lập với LCH không phải là những lí thuyết về (hàm) tiêu dùng, mà lịch sử có vẻ là đã hoàn tất và khép lại.

Những phê phán nghiêm túc nhất ngày nay nhắm vào LCH thuộc một cấp độ khác. Một số phê phán rằng LCH cung cấp một mô tả những hành vi di sản chỉ áp dụng được cho những giai cấp trung lưu, và đặc biệt loại trừ những tầng lớp giàu nhất. Một số phê phán khác chĩa mũi dùi vào cách nhìn thuần tuý trong nội bộ của thế hệ của cá thể hay của hộ gia đình, cắt đứt khỏi những quan hệ gia đình, những quan hệ với song thân (gia tài thừa hưởng) cũng như với những người kế thừa (giáo dục và gia tài để lại cho con): những mô hình gia đình, được phát triển tiếp bước theo Becker (1991), bác bỏ LCH vì giả thiết độc lập của những lựa chọn tiết kiệm đối với những hành vi khác, có tính nghề nghiệp hay gia đình, và từ chối xem hộ gia đình như một đơn vị ra quyết định độc lập.

Robert Barro (1944-)

Một số phê phán khác nữa tập trung vào chân trời riêng của LCH, được giới hạn chính xác hơn bằng tuổi thọ của vòng đời: những phê phán này đòi hỏi chân trời quyết định là phải ngắn hơn hoặc dài hơn. Những mô hình buffer-stock (quĩ có điều kiện) vẫn giữ khuôn khổ lí thuyết của LCH, nhưng cuối cùng tìm cách tìm lại, một cách nhất quán, những trực giác ban đầu của Friedman. Vừa “thận trọng”, vừa “nôn nóng” (d cao hay thu nhập hoạt động tăng mạnh), người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm của mình, với số tiền hạn chế, chỉ như một tấm đệm (buffer) để làm giảm bớt những cú sốc ngẫu nhiên ảnh hưởng đến thu nhập của mình: việc san bằng những tiêu dùng chỉ có tính bộ phận và di sản hợp thành một dự trữ thanh khoản hay một tiết kiệm dự phòng trong trung hạn không thôi, không có bất kì hiện tượng hump saving nào cả (Carroll, 1992; Deaton, 1992). Ngược lại, những mô hình liên thế hệ vị tha, gán cho tác nhân một chân trời dòng họ dài hơn chân trời của LCH (Barro, 1974; Becker, 1991) bác bỏ ý cho rằng có thể tiết hành tiết kiệm chỉ riêng cho bản thân của tác nhân.

Tư bản

Tư bản

(Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com/)

Capital

➞ Giải Nobel: ALLAIS, 1988 – ARROW, 1972 – BECKER, 1992 – DEBREU, 1983 – HICKS, 1972 – MARKOWITZ, 1990 – MERTON, 1997 – SAMUELSON, 1970 – SCHOLES, 1997 – SCHULTZ, 1979 – SHARPE, 1990 – SOLOW, 1987 – TOBIN, 1981

Chắc chắn rằng tư bản là một trong những khái niệm khó nhất của kinh tế học và cũng là khái niệm gây nhiều bất đồng nhất. Thật vậy có điều gì chung giữa quan niệm của Marx về tư bản, một quan niệm nằm ở trung tâm của sự phê phán chủ nghĩa tư bản của ông và những lí thuyết đánh giá những tài sản rủi ro hay lí thuyết vốn con người? Những khó khăn và bất đồng là do tính nhiều hình thức của tư bản trong những nền kinh tế thị trường, do vai trò của tư bản trong việc hiểu động thái của những nền kinh tế và tính đa dạng của những cách tiếp cận về tư bản.

Lằn ranh phân biệt quan trọng nhất về tư bản nằm ở chỗ có thể nhìn tư bản theo một quan điểm thực tế hay theo một quan điểm tài chính. Trong trường hợp đầu, tư bản là một thuật ngữ chủng loại bao gồm toàn thể những phương tiện không phải là những nguyên vật liệu không sản xuất lẫn những dịch vụ lao động được triển khai cho việc sản xuất những sản phẩm và dịch vụ, và có thể được xem như những kho. Được hiểu như trên, tư bản là một khái niệm có khả năng được mở rộng gần như không giới hạn, tất cả hay gần như tất cả đều có khả năng là cần thiết cho việc sản xuất. Trong trường hợp thứ hai, tư bản có một nghĩa chính xác hơn: nó được định nghĩa như toàn thể những phương tiện tài chính chi phối việc thiết lập những quá trình sản xuất, ở cấp độ một công ti, một ngành hay cả toàn bộ nền kinh tế. Như thế tư bản được đo như một đại lượng tiền tệ.

Một lằn ranh phân biệt thứ hai, được biết đến nhiều trong kinh tế, nằm ở tầm nhìn kinh tế vĩ mô về tư bản hay ngược lại ở tầm nhìn kinh tế vi mô về vốn. Cuối cùng một số trào lưu gắn bó với một phân tích tĩnh về tư bản trong lúc một số trào lưu khác ưu tiên cho một viễn cảnh có tính thời gian. Việc có nhiều cách tiếp cận, tính đa dạng của những vấn đề gắn với hay tuỳ thuộc vào tư bản giải thích sự sống chung của nhiều trào lưu lí thuyết về tư bản.

Những lí thuyết về tư bản

Lí thuyết trọng thương

François Quesnay (1694-1774)
Richard Cantillon (1680-1734)

Những nhà trọng thương, tuy không sử dụng thuật ngữ tư bản, là những tác giả đầu tiên thừa nhận sự tồn tại và ích lợi của tư bản, trước hết dưới hình thức tài chính, rồi tiếp đấy như một nhân tố sản xuất. Cantillon (1755) rồi Quesnay (1776) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những khoản “ứng trước” trong quá trình sản xuất. Nhưng việc Quesnay nhấn mạnh rằng lí thuyết giá trị của ông đặt cơ sở trên nông nghiệp, và do đó trên đất đai ngăn cản ông phát triển một lí thuyết tổng quát hơn về sản xuất và do đó không làm cho khái niệm tư bản nổi lên như một tập hợp những phương tiện vật chất được huy động trong sản xuất. Turgot (1770) tìm cách khái quát hoá Quesnay bằng cách thừa nhận là thương mại và công nghiệp cũng sinh lời như nông nghiệp, thừa nhận rằng tư bản, như những khoản ứng trước, là cần thiết cho mọi hoạt động và chi phối hiệu quả của sản xuất. Chính xác hơn, sản xuất qui thành tiền, và do đó lợi nhuận thu được, được thừa nhận như là một hàm tăng của số tiền của những khoản ứng trước. Trong những điều kiện này, Turgot suy ra là những hoạt động khác nhau cạnh tranh với nhau để thu hút những khoản ứng trước này. Như thế ông có khả năng nhận ra lãi suất, thù lao trả cho những khoản ứng trước này, như một nhân tố điều tiết sự cạnh tranh.

Lí thuyết cổ điển

Adam Smith (1723-1790)

Jacques Turgot (1727-1781)Smith (1776) lấy lại những luận đề của Turgot cho rằng tư bản là cần thiết nếu không muốn nói là không thể thiếu cho sản xuất. Ông dễ dàng nhận ra tính đối ngẫu của tư bản, vừa là những sản phẩm hữu hình cần thiết cho sản xuất vừa là khối lượng tài chính sẵn sàng được đầu tư trong những hoạt động sản xuất do đó có khả năng sinh lời, và tìm cách tính đến điều này bằng cách phân biệt tư bản cố định và tư bản lưu động. Những phương tiện sử dụng trong sản xuất, những “máy móc”, tượng trưng cho một tư bản cố định cho phép thiết lập quá trình sản xuất: tư bản này “tạo điều kiện dễ dàng” cho sản xuất bằng cách làm cho lao động có năng suất hơn. Tư bản lưu động tượng trưng cho tư bản dưới hình thức tài chính. Bản thân tư bản lưu động này có tính nhập nhằng. Tư bản này vừa có tính lưu động vì là dưới hình thức tiền tệ và do đó có khả năng di chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác, đồng thời lại là cần thiết và gắn với một hoạt động đặc biệt vì đòi hỏi có những ứng trước, đặc biệt là trong quỹ lương và như thế bị giữ bất động (đọng vốn) như tư bản cố định.

David Ricardo (1772-1823)

Nhưng ở đây một lần nữa lí thuyết giá trị do Smith phát triển, chỉ dựa độc nhất trên lao động, ngăn cản ông nhận ra một đóng góp có tính sản xuất và độc lập của tư bản, hiểu như một tập những phương tiện vật chất được sử dụng trong sản xuất. Những người tiếp nối ông, đi đầu là Ricardo (1817), thừa nhận rằng tư bản hiểu như tư bản tài chính có một vai trò quan trọng, thậm chí là không thể thiếu trong việc thiết lập quá trình sản xuất. Nhưng họ nêu làm tiên đề rằng thước đo giá trị của một sản phẩm chỉ nằm trong lao động không thôi.

Trong những điều kiện này, trong lí thuyết cổ điển những thù lao của những nhân tố sản xuất không phải là những đối phần của những giá trị do những nhân tố sản xuất khác nhau tạo ra. Lợi nhuận, trả cho những tư bản do nhà tư bản ứng trước, đơn giản trở thành số dư của sản phẩm, một khi đã trả điạ tô và lương. Như thế các nhà cổ điển lấy lại luận chứng từng được Turgot nêu ra và thừa nhận là cạnh tranh giữa các nhà tư bản khiến cho tỉ suất lợi nhuận nổi lên từ những hoạt động sản xuất khác nhau là duy nhất, trong chừng mực mà những tư bản ứng trước hay được đầu tư là cơ động và có thể chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác.

Lí thuyết marxist

Karl Marx (1818-1883)

Tư bản và chủ nghĩa tư bản. – Về nhiều mặt, Marx (1867-1894) thuộc về truyền thống cổ điển của giá trị lao động. Nhưng ông tiếp nối truyền thống này một cách hoàn toàn độc đáo bằng cách phát triển hai điểm chủ yếu liên quan đến tư bản. Hai điểm này cho phép ông phê phán chủ nghĩa tư bản, một sự phê phán cho đến nay chưa có phê phán nào là tương đương về diện sâu rộng và tính nhất quán của phê phán của ông.

1) Điểm đổi mới đầu tiên của phân tích marxist về tư bản là lồng phân tích tư bản vào trong lịch sử và như thế xem tư bản như là một quan hệ xã hội chứ không phải như một yếu tố tự nhiên. Tự bản thân một tập những phương tiện kĩ thuật sản xuất, máy móc hay công cụ không phải là tư bản; tập này chỉ trở thành tư bản khi có sự phân công lao động và nhất là việc tách biệt giữa những người sở hữu và không sở hữu những tư liệu sản xuất này. Chỉ có tư bản khi có nhà tư bản và khi có sự hình thành một phân chia xã hội làm rạn nứt xã hội. Như thế những tư liệu sản xuất được lồng vào trong một quá trình sản xuất mà mục đích cuối cùng là lợi nhuận. Sự chia cắt xã hội này, gắn với việc sở hữu những tư liệu sản xuất và việc tìm kiếm lợi nhuận tối đa, cấu thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Đây là một phương thức sản xuất của cải và tái sản xuất xã hội đặc biệt. Không phải tất cả những xã hội từng tồn tại đều là những xã hội tư bản chủ nghĩa, và nhiều sắp xếp kinh tế xã hội khác đã được thử nghiệm. Tương tự như thế, nếu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là sản phẩm của lịch sử, xuất phát từ những phương thức sản xuất có trước nó, thì phương thức này không phải là phương thức sản xuất cuối cùng. Như thế Marx khẳng định là những mâu thuẫn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong dài hạn phải dẫn đến việc thay thế phương thức này bằng một xã hội không có giai cấp, xã hội cộng sản chủ nghĩa.

2) Điểm thứ hai là tiếp nối phân tích cổ điển về giá trị lao động và đề xuất rằng lao động là cơ sở duy nhất của giá trị. Tư bản như là “lao động chết”, nghĩa là lao động kết tinh trong những trang thiết bị và máy móc, hợp thành tư bản và do những người nắm giữ tư bản chiếm hữu là kết quả của việc bóc lột giá trị thặng dư của người “vô sản”. Do người lao động chỉ có “tự do” sử dụng sức lao động của bản thân để đảm bảo sự sinh tồn của bản thân, bị cách li khỏi việc chiếm hữu những tư liệu sản xuất khác nên họ buộc phải bán sức lao động của mình cho nhà tư bản, người kiểm soát quá trình sản xuất và có vốn cần thiết để ứng trước lương. Như thế, nhà tư bản có khả năng rút ra thặng dư từ nhân công họ sử dụng. Như vậy lợi nhuận chỉ là một phần của của cải do lao động tạo ra trong quá trình sản xuất.

Quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa. – Để hiểu quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, Marx lấy lại sự phân biệt của các nhà cổ điển giữa tư bản tài chính và tư bản như một tập những tư liệu sản xuất hữu hình. Đặc trưng của sản xuất tư bản chủ nghĩa là hướng đến việc tìm kiếm lợi nhuận tối đa. Điều này kéo theo việc đảo ngược quan hệ hàng hoá đối với vẻ bề ngoài của quan hệ này, trong đó việc nắm giữ tiền tệ chỉ là một thời khắc tạm thời cho phép tiền tệ giữ vai trò trung gian trao đổi. Một nhà tư bản có một tư bản tiền tệ M sử dụng số tiền này để mua những hàng hoá C, những hàng hoá này sẽ trở thành tư liệu sản xuất, và để ứng trước lương. Vốn được nhà tư bản ứng trước này cho phép nhà tư bản tiến hành việc cho chế tạo những hàng hoá C’ mà một khi bán được trên thị trường mang về cho nhà tư bản một số tiền M’. Hiệu của M’ và M là lợi nhuận của nhà tư bản. Nhưng đằng sau sự lưu thông tiền tệ, hàng hoá này và đằng sau kiến trúc phức tạp của những thị trường có vẻ như áp đặt qui luật của chúng và biện minh cho sự tồn tại của nhà tư bản, không được quên là thực tế của hiện tượng tư bản chủ nghĩa dựa trên sự bóc lột lao động.

Những cuộc xung đột do tư bản gây ra. – Như thế tư bản trong lí thuyết marxist là nguồn gốc của một xung đột kép. Một mặt những nhà tư bản không hợp thành một khối xã hội đồng nhất mà ngược lại cạnh tranh lẫn nhau, do logic hàng hoá. Quả thế mỗi nhà tư bản, do được việc tìm kiếm lợi nhuận tối đa thúc đẩy, tìm cách làm yếu đi, thậm chí loại trừ những đấu thủ của mình. Sự cạnh tranh này có khả năng sinh ra, thông qua tính vô tổ chức của những thị trường, những cuộc khủng hoảng ít nhiều nghiêm trọng ngắt nhịp tiến trình và đe doạ trong dài hạn sự sống còn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nhưng đó cũng là động cơ của sự phát triển của chủ nghĩa tư bản: mỗi doanh nhân tìm cách tăng năng suất của những người lao động của mình bằng những sắp xếp kĩ thuật và đổi mới qui trình sản xuất hay bằng cách mở ra những thị trường mới. Kết quả là vừa có một sự giàu lên của toàn xã hội được phân phối không bình đẳng vừa có những mất cân bằng tiềm tàng nghiêm trọng hơn, do đó có những nhân tố của khủng hoảng. Mặt khác, hệ quả của việc tách biệt những tư liệu sản xuất với sự bóc lột tư bản chủ nghĩa người lao động là sự tồn tại của một cuộc xung đột giữa những nhà tư bản và người vô sản: thật vậy quyền lợi của hai bên là triệt để đối lập nhau và không thể hình dung bất kì sự dung hoà nào được. Cuộc xung đột này có thể che giấu bởi vẻ bề ngoài của sự vật cho thấy những cá thể hợp đồng một cách tự do trên những thị trường mở, trên đó chỉ có hàng hoá trao đổi với nhau.

Lí thuyết tân cổ điển: tư bản như một nhân tố sản xuất

Philip Wicksteed (1844-1927)

Chính với các nhà tân cổ điển thì tư bản mới được đặt ngang hàng với lao động và đất đai (nguyên vật liệu) trong phân tích sản xuất, trong chừng mực mà chúng được bao hàm trong khái niệm “nhân tố sản xuất” và những qui luật sử dụng chúng được đồng nhất hoá thông qua một phân tích việc lựa chọn tổ hợp sản xuất tối ưu. Trong những năm 1870 các nhà tân cổ điển đã đoạn tuyệt với lí thuyết giá trị lao động được các nhà cổ điển trình bày. Với những luận điểm được phát triển về sản xuất, sự đoạn tuyệt càng sâu rộng hơn và tìm thấy sự nhất quán của nó trong chừng mực mà phân tích tân cổ điển về quá trình sản xuất cho phép trang bị một cơ sở mới cho lí thuyết phân phối không vay mượn gì từ những lí thuyết tân cổ điển.

Một khi nói xong điều này rồi thì không thể xem lí thuyết tân cổ điển như một lí thuyết được những tác giả chia sẻ một học thuyết được nhận dạng rõ ràng, huống hồ là một học thuyết thống nhất, phát triển một cách đều đặn.

Hàm sản xuất và tư bản. – Cái lõi của lí thuyết tân cổ điển nằm trong biểu trưng hình thức và tổng quát về quá trình sản xuất thông qua một hàm sản xuất mà sáng kiến được gán cho P. H. Wicksteed (1894). Sản lượng của một sản phẩm được giả định là một hàm của những lượng “nhân tố sản xuất” khác nhau được sử dụng:

q = f(x1xi )

với xi biểu trưng cho lượng của nhân tố sản xuất thứi được sử dụng. Không cần làm rõ tính hữu hình hay không của yếu tố này: có thể đó là lao động (và ngay cả một loại lao động), một nguyên vật liệu hay một sản phẩm hữu hình đã được sản xuất rồi, do đó là một yếu tố của “tư bản”. Tất cả những nhân tố sản xuất được xử lí một cách đối xứng và có tương quan, tất cả đều góp phần vào sản xuất, vấn đề giá trị đã được tách khỏi nền tảng hữu hình, thông qua khái niệm lợi ích và sở thích chủ quan. Như thế có thể đánh giá năng lực đóng góp của mỗi nhân tố thông qua khái niệm năng suất, và nhất là khái niệm năng suất cận biên của một nhân tố.

Và ngược lại, từ nay có thể hợp nhất cách xử lí giá của sản phẩm với cách xử lí giá của những nhân tố sản xuất. Cùng một thiết kế logic cho phép xây dựng những thị trường sản phẩm cũng như những thị trường nhân tố sản xuất. Giá của sản phẩm lẫn của nhân tố sản xuất đều là kết quả, dưới những giả thiết thông dụng, của cân bằng giữa cung và cầu của sản phẩm và/hay nhân tố được xem xét. Viện đến một sản phẩm thước đo chung, ta dễ dàng có được giá trị của tư bản được đưa vào sản xuất, cho dù ở cấp độ doanh nghiệp hay ở cấp độ toàn thể nền kinh tế, bằng cách cộng giá trị của những nhân tố sản xuất khác nhau không phải là lao động cũng không phải là nguyên vật liệu. Hai hình thức của tư bản được hệ thống giá cả làm cho tương thích.

Frank Knight (1885-1972)
John M. Keynes (1883-1946)

Tuy nhiên sự phân biệt giữa hai hình thức của tư bản, hay đúng hơn những phương thức sử dụng hai hình thức này, tiếp tục biểu trưng một vấn đề nằm bên dưới lí thuyết tân cổ điển chỉ lộ diện thật sự với cuộc tranh luận giữa hai trường đại học Cambridge sẽ được đề cập dưới đây. Tiếp theo Wicksteed, Clark (1899) có thể phân biệt những sản phẩm tư bản được sử dụng trong sản xuất với tư bản tiền tệ, một phần của của cải của một tác nhân được dùng để mua những sản phẩm tư bản. Nhưng như thế là tạo điều kiện cho việc lẫn lộn hai hình thức của tư bản và cho phép nói đến “tư bản” như một nhân tố sản xuất không lôi thôi gì nữa. Chính điều này đã diễn ra từ từ và trở thành phổ biến như cách làm của Knight (1933) hay của Keynes (1936), để chỉ nhắc đến những tên tuổi nổi tiếng, đề cập đén tư bản như một nhân tố sản xuất. Xu thế này được những biểu trưng tổng gộp đầu tiên về quá trình sản xuất củng cố thêm, đặc biệt là việc Cobb và Douglas năm 1928 sáng tạo một phiên bản gộp của hàm sản xuất có hai nhân tố sản xuất là “lao động” và “tư bản”, cho phép tính “tỉ phần của tư bản” trong tổng sản phẩm. Với cuộc tranh luận giữa hai trường đại học Cambridge, dưới đây ta sẽ thấy là sự nhập nhằng giữa tư bản như một tập những tư liệu sản xuất hữu hình không đồng nhất và tư bản như là giá trị tiền tệ của việc đọng vốn hữu hình dành cho việc sản xuất tiếp tục được những tác giả tân cổ điển duy trì, và chỉ tương đối gần đây thì những khó khăn nan giải của sự nhập nhằng này mới bộc lộ rõ.

Nhưng cũng trong thời gian đó, tổng hợp của Hicks (1939) nhắc nhở ta bản chất kinh tế vi mô của lí thuyết tân cổ điển và báo trước việc thiết kế lí thuyết hiện đại về cân bằng chung của Arrow và Debreu, một lí thuyết cho phép hợp nhất dứt điểm những quá trình sản xuất với lí thuyết về tính duy lí của những lựa chọn cá thể.

Böhm-Bawerk (1851-1914)

Friedrich Hayek (1899-1992)

Lí thuyết Áo về tư bản. – Lí thuyết của Clark hay của Knight, gắn với hàm sản xuất, là một lí thuyết tĩnh: không cần phải giả định là có một khoảng cách thời gian giữa lúc sử dụng những nhân tố sản xuất và lúc có được sản phẩm của quá trình sản xuất. Điều này cho phép coi nhẹ những phần tạm ứng được các nhà cổ điển nhấn mạnh để tập trung vào tính không đồng nhất của những sản phẩm tư bản. Việc từ bỏ chiều kích thời gian này giải thích là có một hướng phân tích khác về tư bản trong sản xuất được khai phá. Böhm-Bawerk (1889) nằm ở cội nguồn của điều sau này sẽ trở thành lí thuyết Áo về tư bản. Nền tảng của phân tích của ông, và sẽ là cơ sở của tất cả những công trình sau này tự nhận thuộc trào lưu Áo, là quá trình sản xuất tốn thời gian và chỉ có thể quan niệm là quá trình này diễn ra trong thời gian. Như vậy, phù hợp với quan điểm cổ điển, việc thiết lập một quá trình sản xuất đòi hỏi phải có những khoản “ứng trước” mà ta có thể đồng nhất với tư bản. Böhm-Bawerk thừa nhận là “đường vòng sản xuất” càng dài, nghĩa là việc rút bớt những sản phẩm tiêu dùng để tập trung vào cho sản xuất, thì quá trình này càng sinh lời. Mặt khác, quá trình sản xuất càng tốn kém khi đường sản xuất càng dài vì chính độ dài của quá trình sau chi phối thời gian đọng vốn và điều này gây nên một sự thiếu thu nhập được đo bằng lãi suất hiện hành. Do đó cơ chế tư bản chủ nghĩa qui lại là chọn lọc những quá trình sản xuất sinh lợi lớn nhất có thể, tuỳ theo lãi suất. Lãi suất càng thấp càng cho phép có những quá trình sản xuất dài và do đó sinh lời nhiều hơn. Như thế, Böhm-Bawerk báo trước lí thuyết những lựa chọn liên thời gian sau này được Fischer (1930) phát triển.

Những luận điểm của Böhm-Bawerk được Hayek lấy lại trong những năm 1930 để cung cấp một giải thích về những cuộc khủng hoảng, nhưng sau đó lí thuyết Áo vắng bóng trong một thời gian dài trước khi được Hicks (1973) phát hiện trở lại và tiếp nối.

Những cuộc tranh luận gần đây về khái niệm tư bản

Chính ngay việc có nhiều lí thuyết đã là một minh chứng cho những cuộc tranh luận diễn ra xung quanh khái niệm tư bản. Người ta chờ đợi là những lí thuyết này cạnh tranh lẫn nhau và công việc của các nhà kinh tế là đánh giá công trạng khác nhau của những lí thuyết này. Như thế cuộc tranh luận phải là một cuộc đối mặt giữa những lí thuyết này, mỗi lí thuyết phát triển theo một logic riêng và cố gắng ngày càng tính đến tốt hơn những hiện tượng kinh tế. Thế mà, tuy việc đối chiếu những lí thuyết không bị coi nhẹ song khái niệm tư bản đã chủ yếu sinh ra những cuộc tranh luận nhằm vào tính chính đáng về mặt logic của mỗi họ lí thuyết và tính chặt chẽ nội tại của khái niệm tư bản của mỗi trào lưu. Những người bảo vệ một truyền thống lí thuyết chủ yếu tìm cách tước đi giá trị lí thuyết đối lập bằng cách chỉ ra những kẽ hở lí thuyết và những khó khăn nan giải của lí thuyết đối lập này.

Những cuộc tranh luận trong nội bộ lí thuyết marxist

Đối với Marx, điều thiết yếu là đặt lí thuyết tư bản trên cơ sở của thặng dư, và do đó trên tỉ suất lợi nhuận như là biểu hiện của sự bóc lột lao động. Để làm điều này, ông phải tiến hành một phân tích quá trình sản xuất được xây dựng trên một kế toán bằng thời gian lao động, mặc dù không quan sát được thời gian lao động này. Đằng sau không gian những giá biểu kiến, cần phải thấy không gian giá trị, gắn với lao động. Khi xác lập một sự đối ngẫu như thế, Marx được sự trợ giúp của hai tiền lệ: một mặt, các nhà cổ điển đã thừa nhận là những giá thị trường (được quan sát) “xoay xung quanh” những giá bình thường (không quan sát được) sao cho những giá thị trường được xác lập độc lập với những nhiễu loạn tạm thời và thứ yếu; mặt khác, truyền thống triết học hegelian trong đó ông được đào tạo dạy rằng đằng sau thực tế của những vẻ bề ngoài còn có một hiện thực khác, hiện thực của lí tính. Tuy nhiên, để đảm bảo là lí thuyết của ông về lợi nhuận đặt cơ sở trên giá trị thặng dư, ông còn phải chứng minh rằng tỉ suất lợi nhuận của các nhà tư bản phụ thuộc vào kế toán thời gian lao động, trong lúc bề ngoài tỉ suất này có vẻ gắn với giá của những hàng hoá. Nói cách khác, ông phải chứng minh vai trò hàng đầu của tỉ suất lợi nhuận trên hệ thống giá: nếu hệ thống giá cả phụ thuộc vào tỉ suất lợi nhuận thì tỉ suất lợi nhuận tuỳ thuộc vào tỉ suất bóc lột lao động. Thế mà mưu toan của Marx trong việc chuyển hoá giá trị thành giá sản xuất tỏ ra là sai lầm, như Bortkiewwicz (1907) đã chứng minh.

Thất bại của Marx qui về vấn đề xác định một thước đo bất biến của giá trị, một vấn đề Ricardo đã vấp phải và sẽ được Sraffa (1960) hơn một thế kỉ sau đề cập lại với nhiều thành công hơn. Nhưng những điều kiện để xác định thước đo này là cực kì mong manh và ít vững chắc.

Những cuộc tranh luận trong nội bộ lí thuyết tân cổ điển

Joan Robinson (1903-1983)
Paul Samuelson (1915-2009)

Nhưng các nhà kinh tế quan tâm nhất đến lí thuyết tân cổ điển về tư bản, mối quan tâm này gây ra, trong hai thập kỉ tiếp sau bài viết không coi trọng truyền thống của Joan Robinson (1953), cuộc tranh luận nổi tiếng nhất trong số những cuộc tranh luận kinh viện mà khoa học kinh tế từng biết đến. Nếu lí thuyết tân cổ điển đã nổi lên dần dần, không phải một cách hoàn chỉnh từ bộ óc của một nhà tư tưởng thiên tài, nhưng được thiết kế từng bước nhờ những đóng góp của nhiều nhà nghiên cứu, thì vào giữa thế kỉ trước (Samuelson cho xuất bản Những cơ sở của phân tích kinh tế) lí thuyết tân cổ điển về sản xuất và tư bản hiện ra như một lí thuyết vững chắc, tổng quát và gọn gàng. Như đã thấy, lí thuyết này dựa trên những nguyên lí kinh tế vi mô do học thuyết cận biên thiết lập và cho phép đề xuất hai mệnh đề cơ bản, được xem như là đã được đa số các nhà kinh tế chấp nhận. Trong những điều kiện thông dụng của cạnh tranh, không có hiệu suất theo qui mô và không có bất trắc, 1) tiền trả cho tư bản được một doanh nghiệp triển khai bằng với năng suất cận biên của tư bản này, và năng suất này là một hàm giảm của lượng vốn được sử dụng; 2) tư bản là một nhân tố sản xuất kết hợp với những nhân tố khác như lao động và việc kết hợp tối ưu những nhân tố sản xuất tuỳ thuộc vào tỉ số giá của những nhân tố này: khi giá của một nhân tố càng tăng so với giá của những nhân tố khác thì lượng tương đối của nhân tố này dùng trong tổ hợp tối ưu những nhân tố sản xuất càng giảm.

Một cách ngầm ẩn, ở đây tư bản là tên chủng loại gán cho một nhân tố sản xuất đặc biệt được doanh nghiệp sử dụng và hợp thành bởi một sản phẩm hữu hình đối lập với lao động hay với một nguyên vật liệu. Đối với doanh nghiệp này, đó có thể là những cần cẩu, đối với một doanh nghiệp khác đó có thể là ammoniac. Do đó hai mệnh đề trên chỉ là cơ sở của lí thuyết lựa chọn những nhân tố sản xuất được giảng dạy trong kinh tế học vi mô.

Thế mà chính hai mệnh đề này sẽ trở thành đối tượng của điều được biết trong lịch sử của khoa học kinh tế như là cuộc “tranh luận của hai đại học Cambridge”. Cuộc tranh luận không nhằm vào điểm là hai khẳng định này có thể là sai về mặt thực nghiệm hay không: tất cả các tác giả đều thừa nhận là chúng tương ứng với một khuôn khổ giả thiết cố ý được đơn giản hoá đến cực kì và do đó có thể là không quan sát được chúng. Điều gây tranh cãi là ý nghĩa phải gán cho hai khẳng định này và, trong khuôn khổ của những giả thiết được chọn, chúng có đúng hay không về mặt logic.

Knut Wicksell (1851-1926)

Thước đo tư bản. – Cuộc tranh luận đầu tiên nhằm vào việc phải hiểu thế nào là “tư bản”. Những nhà kinh tế tân cổ điển, tiếp sau Böhm-Bawerk (1889) và J. B. Clark (1899) không chờ đợi lâu để hiểu vốn theo một nghĩa rộng và để gán cho hai mệnh đề này một ý nghĩa kinh tế vĩ mô. Thật vậy, hai mệnh đề trên cho phép xây dựng một lí thuyết về tỉ suất lợi nhuận khác với lí thuyết cổ điển và lí thuyết marxist: lợi nhuận của tư bản, được hiểu như toàn bộ những tư liệu sản xuất khác hơn là lao động và nguyên vật liệu, được xác định bởi năng suất cận biên của tư bản này và một gia tăng của tỉ suất lương trong nền kinh tế có hệ quả là khuyến khích các doanh nhân sử dụng tương đối nhiều tư bản và ít lao động hơn. Tỉ suất lợi nhuận phản ảnh đóng góp có tính sản xuất của tư bản vào sản xuất và do đó là thù lao “công bằng” của nhà tư bản. Vấn đề là kết luận này là một lập luận loại suy hơn là một chứng minh. Wicksell (1901) là người đầu tiên lưu ý đến những nguy cơ khi chuyển từ một lập luận được xác lập bằng những khái niệm sản phẩm hữu hình sang một lập luận dựa trên tư bản, được ước lượng bằng giá trị để đồng nhất hoá những sản phẩm hữu hình khác nhau được dùng trong sản xuất, và như thế được đồng hoá với một nhân tố sản xuất. Ông nhấn mạnh đến tính luẩn quẩn của lập luận vì, để xây dựng tư bản bằng giá trị, phải thông qua hệ thống giá cho phép đồng nhất hoá những sản phẩm khác nhau và rằng bản thân hệ thống này tuỳ thuộc vào chính tư bản được sử dụng và tiền trả cho tư bản này, tức vào tỉ suất lợi nhuận. Đặc biệt Wicksell chỉ ra là lãi suất, được các nhà tân cổ điển khá dễ dãi đồng hoá với tỉ suất lợi nhuận, có thể là không bằng với năng suất cận biên của tư bản, vì lãi suất phụ thuộc vào việc đánh giá lại tư bản, tiếp sau một thay đổi trong sự phân phối, và do đó là một thay đổi của hệ thống giá (hiện tượng này từ đó được biết dưới tên “hiệu ứng Wicksell”).

Cuộc tranh luận bùng cháy trở lại sau thế chiến thứ hai dưới một hình thức có tính kĩ thuật hơn, xung quanh những phương thức gộp. Năm 1953, Robinson, một tác giả giảng dạy tại đại học Cambridge (Anh) khơi lên lại cuộc tranh luận khi nêu lên là không thể có được một thước đo vật thể của tư bản, được hiểu như việc gộp những sản phẩm hữu hình được dùng trong sản xuất. Thế mà, nếu tư bản không được đo đúng đắn thì ta khó thấy bằng cách nào có thể đo được năng suất của tư bản. Champernowne (1953-1954) là người đầu tiên sử dụng một lí thuyết hình thức, dựa trên những chỉ số, để thu được một thước đo của tư bản, nhưng đòi hỏi những giả thiết cực kì nghiêm ngặt. Vấn đề càng trở nên ngày càng gay gắt hơn trong chừng mực mà việc sử dụng một hàm sản xuất “kinh tế vĩ mô”, với một trong những agumen là “tư bản” được phổ biến rộng trong những năm này và cho phép R. Solow (1956) đặt cơ sở cho lí thuyết tân cổ điển về tăng trưởng đồng thời đặt nền móng cho lí thuyết thương mại quốc tế. Do đó việc được thua của cuộc tranh luận là quan trọng.

Piero Sraffa (1898-1983)
Robert Solow (1924-)

Tái chuyển đổi kĩ thuật. – Phê phán thứ nhất này đối với lí thuyết tân cổ điển tiếp đấy được mở rộng bằng một phê phán thứ hai nhằm vào mệnh đề tân cổ điển thứ nhì nêu ở trên. Một hệ quả tức thì của mệnh đề này là không thể nào cùng một tổ hợp những nhân tố tương ứng với hai tỉ số giá (của những dịch vụ) của những nhân tố sản xuất. Kết quả này bị một nhà kinh tế cho đến lúc bấy giờ được ít người biết, P. Sraffa, một nhà cambridgian khác, trong tác phẩm xuất bản năm 1960, tước mất hiệu lực. Sraffa công bố trong đó những kết quả của một công trình tri thức đáng ngạc nhiên: việc đặt lại cơ sở của lí thuyết cổ điển (có cảm hứng ricardian) trên những nền móng hình thức chặt chẽ, không vay mượn gì cả đến những lập luận cận biên được các nhà tân cổ điển phát triển. Đối với mối quan tâm của chúng ta ở đây, thách thức là đề xuất một lí thuyết sản xuất trong một hệ thống kinh tế đầy đủ, không cần viện đến công cụ hàm sản xuất gộp, và do đó không xem “tư bản” như một nhân tố sản xuất gộp. Nguyên lí cơ bản của lập luận của Sraffa là những hàng hoá được sản xuất bằng những hàng hoá và bằng lao động.

Ta đặt mình vào trường hợp đơn giản nhất khi không có bất trắc và không có sản xuất kết hợp, với một lao động đồng nhất, và chấp nhận là có n sản phẩm phải sản xuất. Có nhiều cách kết hợp hàng hoá với lao động để sản xuất hàng hoá. Một tổ hợp đặc biệt được gọi là một kĩ thuật sản xuất. Những hàng hoá được sử dụng trong sản xuất là bất động trong một thời kì và việc bất động này được trả một lợi nhuận. Một tổ hợp đặc biệt cấu thành một kĩ thuật và được biểu trưng bằng một ma trận A kiểu đầu vào-đầu ra chỉ định những hệ số kĩ thuật cần thiết, và bằng một vectơ l những lượng lao động cần thiết. Thách thức đầu tiên của Sraffa là chứng minh sự tồn tại của một hàng hoá thước đo mà giá là bất biến với những biến thiên của tỉ suất lợi nhuận. Do đó hàng hoá này có thể dùng làm thước đo để thể hiện giá của tất cả những hàng hoá. Với mỗi kĩ thuật sản xuất, ta có thể liên kết một hệ phương trình để có được những giá:

p = (1 + rAp + wl

với p là vectơ giá, r là tỉ suất lợi nhuận và w là lương đơn vị. Do đó hệ thống này có n + 1 phương trình (có tính luôn qui ước chuẩn hoá giá của hàng hoá thước đo bằng 1) và n + 2 biến (n giá và những biến phân phối) và ta có thể, dưới những điều kiện thông dụng, rút ra một quan hệ nối kết hai biến phân phối cho kĩ thuật được xem xét:

w = W(r)

Quan hệ này là giảm đơn điệu và phi tuyến, trừ trường hợp đặc biệt.

Do đó xét những đường biểu diễn tương ứng với hai kĩ thuật a và b. Hai đường này có thể cắt nhau nhiều hơn một lần. Như vậy kĩ thuật a có lợi hơn kĩ thuật b ở những mức lương thấp cũng tỏ ra là có lợi hơn ở những mức lương cao hơn: có hiện tượng tái chuyển đổi kĩ thuật vì cùng một kĩ thuật sản xuất được ưa chuộng ở những mức lương rất khác nhau. Đây là một kết quả đối lập với hai mệnh đề tân cổ điển ở trên: thể theo phiên bản kinh tế vĩ mô của lí thuyết tân cổ điển, một tổ hợp tối ưu những nhân tố tương ứng với một tỉ số những giá các nhân tố nhất định và gia tăng của lương đơn vị làm tăng tỉ số tư bản, nghĩa là trên một đơn vị lao động. Do đó không thể nào cùng một tỉ số tư bản, được hiểu như cùng một kĩ thuật, có thể tương ứng với hai mức lương khác nhau. Như thế bằng cách nói ngược lại lập luận này, Sraffa đánh đổ toàn bộ lí thuyết phân phối tân cổ điển và chỉ ra tất cả những nguy cơ của việc sử dụng một hàm sản xuất gộp có tư bản là một agumen.

Do đó cuộc tranh luận nổ ra sau đó là gay gắt và rất được quan tâm. Những nhà tân cổ điển mà hiện thân là Samuelson, một tác giả giảng dạy ở MIT tại Cambridge, ngoại ô của Boston (Mĩ) tìm cách chứng minh là có thể xác định một “hàm sản xuất gộp giả” (Samuelson, 1962) mà vẫn duy trì được tính không đồng nhất của những đầu vào hữu hình. Nhưng thiết kế này dựa trên giả thiết những tỉ lệ đầu vào bằng nhau cho việc sản xuất mỗi sản phẩm, với một kĩ thuật nhất định; điều này thật ra qui lại là giả định rằng có một sản phẩm tư bản hỗn hợp duy nhất và do đó thiết kế này không có được tính khái quát của thiết kế của Sraffa. Tiếp đó, Levhari (1966) tìm cách chỉ ra rằng không thể có sự tái chuyển đổi kĩ thuật, nhưng khẳng định của ông bị chứng minh là sai lầm. Kết luận của cuộc tranh luận là không thể tìm thấy sai sót trong lập luận của Sraffa và không thể loại trừ khả năng việc tái chuyển đổi kĩ thuật nhưng đưa thêm vào một số giả thiết làm cho không thể có được sự tái chuyển đổi kĩ thuật (Bruno, Burmeister và Sheshinski, 1966). Như thế các nhà tân cổ điển nghi ngờ giá trị thực nghiệm của việc tái chuyển đổi này.

John Hicks (1904-1989)

Điều cuộc tranh luận này cho thấy là không thể có được một cách đọc kinh tế vĩ mô tức thì bằng những khái niệm “tư bản” và “lao động” của lí thuyết kinh tế vi mô tân cổ điển về việc lựa chọn những kĩ thuật sản xuất, như cách làm dễ dãi của các nhà kinh tế tân cổ điển tiếp sau Böhm-Bawek và Clark. Không thể vận dụng lập luận loại suy đơn giản và việc phân tích một hệ thống sản xuất trong tổng thể của nó đặt ra những vấn đề đặc thù, độc lập với những vấn đề của phân tích những quyết định của một “doanh nhân”. Nỗ lực đáng kể nhất để mở một hướng mới cho phân tích về tư bản tiếp sau đóng góp của Sraffa là công trình của Hicks, tác giả đề xuất, trong Value and Capital [Giá trị và Tư bản] (1973) một mô hình hoá những lí thuyết tân Áo về tư bản như một đường vòng sản xuất.

Đánh giá cuộc tranh luận. – Làm thế nào đánh giá cuộc tranh luận này giữa những nhà tân cổ điển và những nhà tân ricaridan? Ngày nay có một điều chắc chắn là phê phán của Cambridge là có cơ sở và vấn đề đặt ra là tìm hiểu tầm quan trọng của phê phán này.

Vấn đề đặt ra là phải chăng nên từ bỏ lí thuyết tân cổ điển, một lí thuyết hoàn toàn dựa trên khái niệm năng suất cận biên, để trở về với lí thuyết cổ điển. Một tuyến phòng thủ thứ nhất của các nhà tân cổ điển là nhận xét rằng phân tích của Sraffa dựa trên việc nghiên cứu những hệ thống ở trạng thái dừng và khái niệm tái chuyển đổi kĩ thuật không tương ứng với những gì các nhà tân cổ điển nghĩ đến, nghĩa là một biến thiên của lựa chọn sản xuất tiếp sau một biến thiên của giá của những nhân tố sản xuất.

Frank Hahn (1925-2013)
Gérard Debreu (1921-2004)

Nhưng có lẽ cách phòng vệ tân cổ điển tốt nhất là cho rằng việc khái quát hoá thật sự những công cụ kinh tế vi mô của phép tính cận biên áp dụng vào sản xuất trong việc phân tích một hệ thống sản xuất đầy đủ không nằm ở việc mở rộng phân tích bằng những khái niệm đại lượng tổng gộp nhưng lại nằm trong phân tích của cân bằng chung liên thời gian có sản xuất (Arrow-Debreu, 1954). Lí thuyết cân bằng chung đặt ra nhiều vấn đề đặc biệt (tính ổn định, tính đầy đủ của những thị trường, v.v.) nhưng trong một khuôn khổ đơn giản thì tính không đồng nhất của những nhân tố sản xuất là không thành vấn đề vì không đòi hỏi có bất kì phương thức gộp nào cả: không có bất kì tính toán nào, bất kì quyết định nào của bất kì tác nhân nào dựa trên một đại lượng gộp cả. Điều quan trọng là những chu cấp hữu hình của những tác nhân cá thể. Nhưng hiển nhiên là do mỗi nhân tố sản xuất hữu hình, ở thế cân bằng, được đặc trưng bằng năng suất cận biên của riêng nó, nên mỗi nhân tố rút ra thù lao từ năng suất này. Từ đó không thể suy ra bất kì tỉ suất lợi nhuận nào với việc cố định danh nghĩa một đơn vị nguồn lực sản xuất trong một thời kì. Khái niệm lợi nhuận mất đi ích lợi của nó, và ngay cả ý nghĩa. Hahn (1982) đã dựa trên lập luận này để phê phán lại phân tích của Sraffa. Đối với Hahn, phân tích của Sraffa tượng trưng cho một trường hợp đặc biệt của cân bằng chung, trong đó có thể xác định một “tỉ suất lợi nhuận” đồng đều.

Luigi Pasinetti (1930-)

Chắc chắn là vì tính nhất quán triệt để của lí thuyết tân cổ điển nằm ở chỗ khác hơn là nơi các nhà tân ricardian nhìn thấy tính này nên những phê phán của họ cuối cùng ít được lấy lại và những cuộc tranh luận xung quanh khái niệm tư bản dần dần tàn lụi. Hiện nay, những khuyến nghị của Samuelson được tuân thủ: cho dù công cụ hàm sản xuất tổng gộp là khiếm khuyết về mặt logic song nó tượng trưng cho một đơn giản hoá chấp nhận được để nghiên cứu những hiện tượng kinh tế vĩ mô quan trọng như tăng trưởng, hay những vấn đề ứng dụng, và điều này giải thích vì sao hàm này vẫn còn được sử dụng rộng rãi.

Phải chăng như thế nỗ lực của những nhà tân ricardian là hoài công? Tất nhiên là không! Phân tích của Sraffa, Pasinetti và của những môn đồ của họ tượng trưng cho một phương pháp có yêu cầu cao và đã mở đường cho một nỗ lực làm rõ cần thiết những khái niệm gắn với khái niệm tư bản mà tất cả những nhà kinh tế đều hưởng lợi bằng cách nâng cao mức yêu cầu logic của mọi lí thuyết kinh tế.

Những thị trường của tư bản

Nếu, trong sản xuất, tư bản có dạng những hàng hoá hay những nhân tố sản xuất đặc thù thì, trong trao đổi, tư bản nhất thiết là tư bản tài chính: chính thông qua những chuyển động vốn giữa các tác nhân mà những tư liệu sản xuất được huy động và có khả năng sản xuất. Do đó vai trò của những thị trường tài chính là thiết yếu cho một nền kinh tế trao đổi dựa trên sở hữu tư nhân. Và như mọi thị trường, những thị trường tài chính có ba vai trò: chúng cho phép đánh giá những sản phẩm được trao đổi, đảm bảo việc chuyển nhượng quyền sở hữu, và làm nổi lên những tín hiệu động viên để từ đấy các tác nhân ra những quyết định đầu tư hay cắt giảm đầu tư, qua đấy ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất chung của một nền kinh tế. Đương nhiên là có nhiều loại thị trường vốn, tuỳ theo loại tài sản được xem xét. Nhưng điểm quan trọng là những thị trường tài chính này phụ thuộc lẫn nhau: việc đánh đổi của một tác nhân khiến tác nhân này can thiệp vào những thị trường tài chính khác nhau do tác nhân thay đổi cơ cấu của di sản của mình.

Một tài sản tài chính được định nghĩa một cách tổng quát như việc chuyển nhượng bằng hợp đồng một số tiền do một tác nhân nắm giữ cho một tác nhân khác để tác nhân này sử dụng, trong một thời kì được nêu rõ trong hợp đồng, mà đối phần là việc trả một thù lao và nếu có dịp là những nghĩa vụ của hai tác nhân đối với nhau theo những điều kiện cũng được xác định bằng hợp đồng. Tài sản tài chính quan trọng nhất là cổ phiếu nối kết vốn được coi như di sản của một tác nhân với vốn mà nhờ đấy một doanh nghiệp hoạt động. Một cổ phiếu là một chứng từ sở hữu trên vốn của một công ti cổ phần, tương ứng với số tiền được giao cho những nhà quản lí công ti để họ quản lí đồng tiền này để sinh lời. Gắn với chứng từ sở hữu này là khả năng can thiệp trong việc xác định chiến lược của doanh nghiệp và việc tuyển chọn những nhà quản lí doanh nghiệp, thông qua quyền bầu cử tại đại hội cổ đông. Thù lao theo hợp đồng của một cổ đông được đảm bảo bằng một phần của tiền lời được doanh nghiệp phân phối tuỳ theo tỉ phần của tổng số vốn của doanh nghiệp mà cổ đông nắm giữ. Điều quan trọng là cổ phần có thể được người nắm giữ nó chuyển nhượng cho một nhà đầu tư khác, thế vào chỗ nhà đầu tư đầu tiên trong mọi nghĩa vụ pháp định gắn với cổ phần. Thị trường cổ phiếu đảm bảo việc phát hành cổ phiếu của một doanh nghiệp, và cả việc bán lại cổ phiếu này. Việc bán lại cổ phần là dịp có những lãi hay lỗ chuyển nhượng về vốn, những lãi (lỗ) này như thế là một nguồn thu nhập (âm trong trường hợp lỗ) thứ hai của cổ đông. Đối với một doanh nghiệp, khả năng đầu tư lại một phần tiền lời là một cách né tránh để khỏi cầu viện đến những thị trường tài chính, nhưng không thể né tránh việc bị những thị trường trường này kiểm soát hay đánh giá chiến lược, và qua đó đánh giá vốn của doanh nghiệp.

Họ tài sản lớn thứ hai được hợp thành bởi những trái phiếu. Một trái phiếu được đồng nhất với một khoản cho vay của một cá thể cho một doanh nghiệp, trong một thời kì nhất định, gắn với một lãi suất danh nghĩa cố định. Tài sản tài chính này cũng có thể chuyển nhượng được trên thị trường. Nhưng trong thực tế, có một số rất lớn những tài sản tài chính đa dạng làm chỗ tựa cho tiết kiệm. Thật vậy, ngày nay những thị trường tài chính được đặc trưng bằng một sáng tạo đáng nể của những điểm tựa mới, khác nhau tuỳ theo những điều kiện hợp đồng gắn với những điểm tựa này. Bản thân tính đa dạng này phản ảnh tính không đồng nhất ngày càng lớn của những người tiết kiệm mà những nhu cầu và thái độ đối với rủi ro gắn với tiết kiệm biến đổi rất lớn. Sự phức tạp của những tài sản là một cách đáp ứng tốt hơn tính không đồng nhất này, và do đó dẫn đến một phân bổ tốt hơn những nguồn lực, bằng cách cho phép một đáp trả cá thể tốt hơn đối với rủi ro. Một đổi mới đặc biệt quan trọng và giải thích được nhiều những phát triển gần đây của những thị trường tài chính là những quỹ đầu tư tài chính hỗ tương (mutual funds ở Mĩ, SICAV và FCP ở Pháp) qua đấy một tập thể những người tiết kiệm ủy quyền cho những trung gian tài chính chuyên nghiệp việc quản lí tiết kiệm của mình.

Irving Fisher (1867-1947)

Về mặt đầu tư tài chính, do đó về mặt cam kết trên những thị trường tài chính, những tác nhân phải lấy hai quyết định: quyết định đầu tiên là phải biết đầu tư bao nhiêu, quyết định thứ hai là phải biết đầu tư vào tài sản nào. Câu hỏi đầu qui về vấn đề trung tâm đối với kinh tế vĩ mô, đặc biệt là vấn đề những nhân tố quyết định tiết kiệm, câu hỏi thứ hai qui về vấn đề lựa chọn cơ cấu của một danh mục tài sản tài chính, một vấn đề nằm ở trung tâm của kinh tế học tài chính.

Vấn đề đầu đã được I. Fisher (1930) khai phá, người đã khai thác ý cho rằng việc lựa chọn giữa tiêu dùng và tiết kiệm, tại một thời điểm nhất định, thật ra qui lại là một lựa chọn giữa tiêu dùng hôm nay và tiêu dùng ngày mai do tiết kiệm tượng trưng cho tạm thời hoãn tiêu dùng và cho phép có được một tiêu dùng cao hơn ngày mai, nhờ thù lao tiết kiệm mang về được. Như thế ông đã có thể ứng dụng lí thuyết cận biên về những lựa chọn giữa những sản phẩm khác nhau vào vấn đề lựa chọn liên thời gian, lãi suất giữ vai trò của những giá tương đối giữa các tiêu dùng.

Harry M. Markowitz (1927-)
James Tobin (1918-2002)

Vấn đề thứ hai mới được nghiên cứu gần đây, trong mối quan hệ với một nhân tố chúng tôi vừa nói đến một cách bóng gió: rủi ro gắn với tính không chắc chắn của những lợi tức tài chính. Thật vậy, đổi mới chủ yếu gần đây của lí thuyết tư bản là đã hợp nhất tính chất rủi ro của đầu tư tài chính vào trong phân tích hành vi của tác nhân kinh tế. Nếu từ rất sớm rủi ro của người tiết kiệm, và tổng quát hơn người nắm giữ tư bản, phải gánh chịu đã được các nhà kinh tế bàn đến thì chỉ với những công cụ hiện đại của lí thuyết xác suất các nhà kinh tế mới đề xuất được những lí thuyết hoá chính xác về khái niệm chấp nhận rủi ro và gắn liền khái niệm chấp nhận rủi ro này với việc “lựa chọn danh mục đầu tư”. Do lợi tức của một tài sản tất yếu là không chắc chắn (do chỉ xảy ra trong tương lai) nên một tài sản phô bày người nắm giữ nó trước một rủi ro, được nhận diện bằng tính biến thiên của lợi tức của tài sản. Do đó các tác nhân phải cơ cấu danh mục đầu tư chứng khoán của mình, nghĩa là quyết định họ muốn nắm giữ tài sản dưới một hình thức nhất định theo một tỉ trọng nào trong di sản của mình. Để đề cập đến vấn đề ra quyết định cá thể này, Markowitz (1952) rồi Tobin (1958) đặt giả thiết là lợi tức của một tài sản có rủi ro được phân bố theo một phân phối xác suất sao cho lợi tức trung bình được cho bởi kì vọng toán của lợi tức và phương sai của lợi tức đo độ biến thiên của lợi tức. Với một số giả thiết bổ sung về tính chuẩn của phân phối và nỗi ngại tương đối đối với rủi ro bất biến (Prattt, 1963; Arrow, 1964), và với giả định rằng lựa chọn là giữa một tài sản không rủi ro và một tài sản có rủi ro, thì ta có thể chứng minh là tỉ phần của tài sản có rủi ro trong danh mục đầu tư là một hàm tăng của lợi tức kì vọng và là một hàm giảm của phương sai của lợi tức kì vọng này (Sharpe, 1964). Những phát triển sau này của cách tiếp cận này cho phép khái quát hoá kết quả này và tiếp đấy dẫn đến những mô hình đánh giá những tài sản có rủi ro (Black, Scholes, 1973; Merton, 1973).

Như vậy những thị trường tài chính, do chúng cho phép những tác nhân cá thể quản lí tốt hơn rủi ro của mình, và đảm bảo một cách tập thể sự gặp gỡ của những tác nhân có những nhu cầu đi vay và đầu tư cực kì đa dạng, có một vai trò thiết yếu trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, nghĩa là của một nền kinh tế trao đổi dựa trên một sở hữu phần lớn là tư nhân những tư liệu sản xuất.

Nhưng đồng thời chúng cũng đặt ra vấn đề tính cơ động của tư bản. Tư bản có một quan hệ phức tạp với khái niệm tính cơ động. Một mặt những tư liệu sản xuất là bất động, ít ra là trong một thời kì nhất định, khác với những nhân tố sản xuất khác như những dịch vụ lao động: không chỉ vì việc sử dụng những tư liệu sản xuất diễn ra trên nhiều thời kì mà còn vì sản phẩm của đầu tư phải có thời gian mới hoàn thành. Do đó một tập những tư liệu sản xuất triển khai tại thời điểm t không thể thích nghi với những điều kiện sau này và trên quan điểm này hiện ra như là bất động. Thế mà, tư bản có vẻ là nhân tố sản xuất cơ động nhất, có khả năng dịch chuyển từ ngành này sang ngành khác, thậm chí từ nước này sang nước khác, tuỳ theo những thay đổi trong khả năng sinh lời tương đối quan sát được.

Giải pháp cho nghịch lí biểu kiến này nằm trong những thị trường tài chính. Chính xác hơn, tư bản bị những thị trường tài chính biến thành cơ động vì những người nắm giữ tư bản có thể dễ dàng huy động, nghĩa là với chi phí thấp, tài sản của mình và như thế đầu tư những tài sản này vào một hoạt động khác hay vào những thị trường khác. Do đó những chuyển động này về tư bản dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau của những thị trường tài chính và chất lượng của việc đánh đổi giữa những hình thức tài sản. Cấu trúc các thị trường càng phức tạp và càng hữu hiệu, thì lại càng dễ tiến hành việc phân bổ lại những danh mục đầu tư, và do đó làm cho tư bản thêm cơ động.

Thông qua việc tái phân bổ tài chính này, chính là việc có thể tiến hành phân bổ lại bản thân những tư liệu sản xuất, và do đó là những điều kiện của trao đổi trở nên khả thi. Từ đó ta hiểu được là tính cơ động quốc tế của tư bản có một vai trò thiết yếu trong những lí thuyết về thương mại quốc tế.

Vốn con người

Khái niệm tân cổ điển về tư bản xem đây là một nhân tố sản xuất như một nhân tố sản xuất khác với hệ quả là định nghĩa theo đó tư bản là một tài sản thực tế hay không mà giá trị của nó là một nguồn sản phẩm và dịch vụ hiện tại hay tương lai, và do đó là một nguồn thu nhập là đáng chú ý trong chừng mực mà khái niệm này có thể được khái quát hoá theo nhiều cách và cho phép áp dụng những nguyên lí hình thành và quản lí tư bản vào những đối tượng khác hơn là những trang thiết bị và máy móc đơn giản được sử dụng trong sản xuất.

Đặc biệt định nghĩa này có thể dễ dàng được thích nghi với những năng lực sản xuất gắn với lao động của những cá thể. Một cá thể có khả năng lao động vì có những năng lực sản xuất gắn với bản thân cá thể đó, về mặt khéo léo và tri thức. Những năng lực sản xuất này là một kho (biến điểm) có khả năng sinh ra những sản phẩm và dịch vụ trong hiện tại và tương lai, một khi được đưa vào trong một quá trình sản xuất và do đó có thể được phân tích như một tư bản. Việc những năng lực sản xuất này gắn liền với một con người cho phép nói đến vốn con người một cách tự nhiên.

Hệ quả của điều này là một cách xử lí song song chặt chẽ hơn nữa về lao động và vốn trang thiết bị. Vốn con nguời là có thể tích luỹ được vì đây là một khái niệm kho: do đó một cá thể có thể đầu tư vào vốn con người. Vốn con người có thể trở thành lỗi thời và mất giá trị với thời gian. Cuối cùng, thù lao của lao động có thể được đồng hoá với thù lao của một tư bản: do đó những cá thể tính những tỉ suất lợi tức của những đầu tư đối chọn của họ từ những lương họ có thể nhận được và do đó tính được chính sách đầu tư tối ưu.

Tuy nhiên có một điểm thiết yếu phân biệt vốn con người với những hình thức khác của tư bản. Vốn con người về thực chất gắn với một cá thể và không thể chuyển nhượng cho một cá thể khác. Do đó không có thị trường vốn con người, cho dù có thể có những thị trường đào tạo vốn con người. Điều này có những hệ quả quan trọng. Vì vốn con người là không thể khách quan hoá được nên nó không thể được dùng để thế chấp. Do không thể nắm bắt vốn con người trong lúc vốn này sinh ra những rủi ro quan trọng về việc không mang đến lợi tức nên vốn con người không có được cùng những khả năng vay mượn giống như những yếu tố của di sản hữu hình. Do đó những cá thể không có vốn hữu hình phải đối mặt với những ràng buộc thanh khoản ngặt hơn những cá thể khác, và điều này khiến họ ít đầu tư vào hình thức tư bản mà họ hiện có.

Về mặt lịch sử, hiển nhiên là ý tưởng cho rằng trình độ nghiệp vụ có một vai trò trong quá trình sản xuất là một ý tưởng rất xưa. Adam Smith (1776) trong Của cải các dân tộc đã nêu rằng việc cải thiện hiểu biết là một nhân tố của tiến bộ kinh tế. Nhiều nhà kinh tế khác (ví dụ Marshall) đã lấy lại ý này. Nhưng cho đến nửa sau thế kỉ XX chưa có một cách xử lí có hệ thống nào về trực giác này cả.

Theodore Schultz (1902-1998)
Edward F. Denison (1915-1992)

Trên bình diện kinh tế vĩ mô, luận điểm theo đó những đặc điểm của lao động cũng quan trọng không kém chất lượng lao động đã được phát triển sau thế chiến thứ hai với việc nghiên cứu định lượng sự tăng trưởng và những “nguồn gốc” của tăng trưởng. Thật vậy việc gia tăng con số những nhân tố sản xuất tổng gộp tỏ ra bất lực trong việc giải thích những tỉ suất tăng trưởng của sản phẩm tổng gộp. Một giải pháp, do Denison (1962) và Schultz (1961) đề xuất, là nêu lên những cải thiện về mặt chất lượng của những nhân tố sản xuất, và đặc biệt là chất lượng của lao động: gia tăng của mặt bằng tri thức chung và cả việc “bảo dưỡng” tốt hơn lao động (sức khoẻ, điều kiện sống, v.v.) khiến cho lao động có hiệu quả hơn, sinh lợi nhiều hơn.

Gary Becker (1930-2014)

Nhưng chính trên bình diện kinh tế vĩ mô khái niệm vốn con người mới chứng tỏ được tất cả tính xác đáng và phong phú của khái niệm này. Công trình tạo lập là của Becker (1964). Becker là tác giả đầu tiên vận dụng một cách triệt để những công cụ của hạch toán kinh tế vào vấn đề hình thành và tiếp thu tri thức của một cá thể. Trình độ chuyên môn của một người lao động là vốn con người của cá thể này và được hình thành hoặc là ở bên ngoài công việc làm hoặc là ngay tại chỗ làm thông qua thực tiễn nghề nghiệp (learning by doing). Bỏ sang một bên khả năng thứ hai và hãy gọi bằng “hệ thống học đường” nơi đào tạo lao động đặc thù: thời gian và nỗ lực một cá thể bỏ vào hệ thống học đường hợp thành đầu tư vào “vốn con người” của người này. Đầu tư này là kết quả của một lựa chọn liên thời gian, mà nội dung là việc hụt thu nhập hôm nay và những triển vọng thu nhập ngày mai gắn với việc tích luỹ vốn con người, và do đó có thể được phân tích bằng những công cụ của hạch toán kinh tế vi mô liên thời gian. Cũng bằng lập luận này, ta có thể tính tỉ suất lợi tức của đầu tư vào vốn con người. Logic của lựa chọn giữa nhiều hình thức vốn khác nhau buộc là tỉ suất lợi tức của vốn con người cũng vào khoảng của tỉ suất lợi tức vốn hữu hình. Một hệ quả đáng ngạc nhiên khác của lí thuyết đơn giản về vốn con người là những cá thể phải bàng quan trước thời gian bỏ ra trong hệ thống học đường, vì thu nhập có thêm được gắn với việc cải thiện trình độ chuyên môn vừa bù đắp đủ việc thiếu thu hoạch do thời gian học tập. Việc điều này không được xác thực trong thực nghiệm cho thấy lợi ích và tầm quan trọng của những nghiên cứu về vốn con người.

Michael Spence (1943-)

Lí thuyết của Becker và những công trình lấy cảm hứng từ lí thuyết này dưạ trên ý cho rằng quả thật là trình độ chuyên môn có tính sản xuất. Một luận điểm đối nghịch đã được Spence (1973) phát triển, và cho ra đời một trào lưu nghiên cứu quan trọng thứ hai về vốn con người. Đối với Spence (1973), một cá thể đầu tư vào vốn con người tìm cách giải quyết một vấn đề thông tin không hoàn hảo: người lao động có “năng khiếu” (nghĩa là có năng suất cao) bằng việc đầu tư vào vốn con người tìm cách thông báo cho những nhà tuyển dụng tiềm tàng năng lực sản xuất của bản thân mà những người này không thể quan sát trực tiếp được.

Tóm lại, những viễn cảnh được những lí thuyết vốn con người mở ra là quan trọng và liên quan đến những lĩnh vực đa dạng. Có ba điểm đáng để ghi nhận: 1) Vốn con người chiếu những tia rọi mới vào quá trình sản xuất và vào việc tìm kiếm những tổ hợp nhân tố tối ưu. Đầu tư vào vốn con người và sự đa dạng của những nguyên nhân của đầu tư này cho thấy tính phức hợp của những chiến lược được những người cung lao động lẫn những doanh nhân triển khai. Lí thuyết tín hiệu, dù cho có vẻ cực đoan, là một minh chứng. Cũng trong chiều hướng này, khả năng nghiên cứu những đặc tính của những hệ thống đào tạo đối chọn đã được mở ra. 2) Như đã thấy, trên bình diện tổng gộp, trong một tầm nhìn dài hạn, nghiên cứu đồng thời tăng trưởng và những trình độ chuyên môn có thể cho thấy những tương tác phức tạp: vốn con người có thể mang tính sản xuất ít hay nhiều tuỳ theo những thời kì, sinh ra những giai đoạn tăng trưởng khác nhau, có những nguồn gốc khác nhau, v.v.. Đặc biệt vốn con người tỏ ra là một vectơ ưu tiên của tăng trưởng nội sinh. 3) Cuối cùng sự phát triển của những nền kinh tế thị trường cho thấy rõ ràng là sự phân đoạn xã hội ngày càng phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của nghiệp vụ. Do đó một trong những thách thức của những lí thuyết vốn con người lấy những trình độ này làm đối tượng nghiên cứu là phải biết được rằng những trình độ này có giúp ta hiểu tốt hơn những bất bình đẳng xã hội hay không. Do những lí thuyết vốn con người dựa trên những lợi tức tương đối của những đầu tư vào trình độ chuyên môn nên chúng được nối khớp với cấu trúc những thù lao và do đó với việc phân phối thu nhập và di sản.

Hubert KEMP

Giáo sư đại học Panthéon-Sorbonne (Paris 1)

Nguyễn Đôn Phước dịch

➞ Marx; Sản xuất (Lịch sử của khái niệm); Tân cổ điểnThị trường tài chínhThời gian; Tiết kiệm; Vốn con ngườiNhân tố sản xuất.

Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry (đồng chủ biên), PUF, Paris, 2001.

Tư bản và phân phối

Tư bản và phân phối

(Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com/)

Capital and Income Distribution

➜ Giải Nobel: ARROW, 1972 – DEBREU, 1983

Quan hệ giữa tư bản và phân phối dẫn đến việc nối khớp lí thuyết sản xuất (gắn với tư bản) và lí thuyết thù lao của những tác nhân và lí thuyết phân phối thu nhập. Việc nối khớp này không chỉ là thiết yếu đối với lí thuyết kinh tế nhưng những hàm ý xã hội, chính trị và đạo đức của việc kết nối này là hiển nhiên đến độ là vấn đề này bắt buộc phải là đối tượng của nhiều cuộc tranh luận. Nhiều cuộc tranh luận đã chấm dứt, song vẫn còn đó những cuộc tranh luận khác, một số khác lại nảy sinh, ví dụ như chung quanh khái niệm “thu nhập tối thiểu phổ quát”. Những cuộc tranh luận này thường được những nhận định lí thuyết đối lập nhau nuôi dưỡng. Như thế mối liên hệ giữa sản xuất và phân phối đã là một điểm thiết yếu trong sự phát triển của lí thuyết kinh tế.

Lí thuyết cổ điển

Adam Smith (1723-1790)
David Ricardo (1772-1823)

Lí thuyết cổ điển, được Smith và Ricardo phát triển, rồi vào thế kỉ XX được Sraffa lấy lại, dựa trên một bất đối xứng triệt để giữa ba yếu tố góp phần vào sản xuất: lao động, đất đai và tư bản. Điểm mấu chốt là những qui luật xác định những điều kiện để cho một trong những yếu tố này chiếm hữu một phần của tổng sản phẩm là không đồng nhất, nhưng ngược lại có tính đặc thù riêng cho mỗi yếu tố. Sản phẩm có thể được chia thành hai phần: một phần cho phép tái sản xuất sức lao động và đảm bảo điều được coi là “cần thiết” cho sự sinh tồn của người lao động, phần còn lại, “thặng dư”, cho phép trả thù lao cho hai nhân tố kia.

Phần của thặng dư trả cho đất đai, một nhân tố cố định, được xác định bởi năng suất của đơn vị đất được khai thác sau cùng, và do đó là đơn vị ít sinh lợi nhất, và như thế ấn định giá của “lúa” mà mọi đơn vị lúa sẽ được bán. Như vậy, mọi đơn vị đất phì nhiêu hơn đơn vị có sức sinh lợi kém nhất được khai thác có được một tô, hiệu giữa chi phí sản xuất “lúa” mà đơn vị này sản xuất ra và giá của “lúa”.

Một khi trừ đi khỏi tổng sản phẩm phần trả dưới dạng lương cho người lao động và phần trả cho địa chủ, thì phần còn lại cấu thành tổng lợi nhuận trả cho tư bản của nhà tư bản. Như thế lợi nhuận hiện ra như phần dư thừa và tỉ suất lợi nhuận, cũng không khác gì lương thực tế, không phải là kết quả của một cân bằng giữa cung và cầu. Số dư này có thể thay đổi tuỳ theo những điều kiện sản xuất, và do đó theo những trang thiết bị sẵn có. Chìa khoá của sự phân phối có vẻ phụ thuộc vào lương thực tế. Những qui luật của thị trường và của cạnh tranh không làm gì khác hơn là đảm bảo tính đơn nhất của tỉ suất lợi nhuận cho tất cả các nhà tư bản tham gia vào việc sản xuất sản phẩm và cạnh tranh lẫn nhau.

Karl Marx (1818-1883)

Lương thực tế bình thường “cần thiết” cho sự sinh tồn của người lao động là một khái niệm phức tạp. Lương này không chỉ được xác định bởi những nhận định về mặt sinh lí trong việc duy trì sức lao động mà còn phụ thuộc vào “phong tục của đất nước”, để lấy lại một thành ngữ của Smith. Do đó không có giá trị khách quan nào làm cơ sở cho lương thực tế, nhưng dù sao đi nữa, đây là một nhân tố hàng đầu và không tuỳ thuộc vào những điều kiện của thị trường. Cách nhìn không thuần tuý có tính sinh lí về lương của các nhà cổ điển tạo cho lí thuyết của họ một sự mềm dẻo nhưng mở ra một trường rộng lớn cho những tra vấn về những phương thức xác định lương. Đặc biệt Marx sẽ phát triển điểm này.

Trong một thế giới có một sản phẩm, “lúa”, được Ricardo sử dụng, và không tính đến điạ tô, từ điểm trên suy ra một quan hệ ngược chiều giữa tỉ suất lợi nhuận và lương đơn vị. Điều này chỉ rõ sự đối kháng giữa giai cấp sở hữu và giai cấp những người lao động. Trong một thế giới có nhiều hàng hoá, vấn đề trở thành phức tạp hơn và khó làm rõ quan hệ ngược chiều này. Thật vậy, những giá tương đối của sản phẩm trở thành cần thiết để xác định giá trị của tư bản được một nhà tư bản đưa vào sử dụng và tính ra tỉ suất lợi nhuận của nhà tư bản này. Nhưng chính ngay những giá tương đối này phụ thuộc vào toàn bộ tư bản hiện có trong nền kinh tế, do đó phụ thuộc vào tỉ suất lợi nhuận, một khi chấp nhận sự san bằng của lãi suất trong nền kinh tế. Những thay đổi trong việc phân phối sản phẩm và thặng dư do đó ảnh hưởng đến những giá tương đối chi phối phép tính tỉ suất lợi nhuận. Sự luẩn quẩn về mặt logic như thế khiến cho việc làm rõ quan hệ giữa lương thực tế và tỉ suất lãi suất trở nên khó khăn. Phải đợi đến Sraffa (1960) mới có được một giải pháp thích hợp cho vấn đề này, và quả thật là ta thu được một quan hệ ngược chiều giữa tỉ suất lợi nhuận và lương thực tế trong một thế giới có những sản phẩm và tư bản không đồng nhất.

Piero Sraffa (1898-1983)

Từ hạt nhân cứng này của lí thuyết cổ điển, các nhà cổ điển tất nhiên thừa nhận tính đối ngẫu giữa (tỉ suất) lợi nhuận và lãi (suất), phản ảnh sự phân biệt giữa tư bản hữu hình và tư bản tài chính. Đoán trước những phát triển của lí thuyết tài chính sẽ diễn ra một thế kỉ sau, Ricardo (1817), đưa vào một phần trả cho “rủi ro” của nhà tư bản chịu trách nhiệm một quá trình sản xuất. Trong những điều kiện này, điều được công nhận là những tỉ suất lợi nhuận thật sự của những nhà tư bản khác nhau có thể khác nhau, tuỳ theo những rủi ro được nhà tư bản này hay nhà tư bản khác gánh chịu. Còn lãi suất quả thật là phần trả cho việc cho vay tiền, và do đó là giống nhau đối với tất cả những người cho vay. Nhưng các nhà cổ điển khó phát triển sự phân biệt này giữa lợi nhuận và lãi suất và không cung cấp được một lí thuyết đầy đủ hơn.

Thomas Malthus (1766-1834)

Cuối cùng, Ricardo có một tầm nhìn động về sự xung đột giữa lợi nhuận, điạ tô và lương trong việc phân chia sản phẩm. Đối với ông, tích luỹ tư bản phải dẫn đến sụt giảm của tỉ suất lợi nhuận cho đến khi biến mất, và điều này có nghĩa là sự kết thúc của tích luỹ tư bản và việc đạt đến một trạng thái dừng trong dài hạn. Thật vậy, phát triển kinh tế kéo theo việc sử dụng đồng thời ngày càng nhiều trang thiết bị (tư bản) và ngày càng có nhiều đất đai được khai thác. Còn tăng trưởng của dân số bị những cơ chế điều tiết theo kiểu Malthus giới hạn. Trong những điều kiện này, lương thực tế là một biến không điều chỉnh được theo chiều giảm và việc khai thác những đất đai ngày càng ít phì nhiêu kéo theo một gia tăng không thể tránh khỏi của địa tô. Mặt khác, thặng dư đơn vị giảm do năng suất giảm dần của trang thiết bị và của lao động. Do đó kết quả là một sụt giảm của tỉ suất lợi nhuận, có thể cản trở sụt giảm này trong ngắn hạn bằng những biện pháp khác nhau.

Lí thuyết marxist

Marx (1867-1894) nằm trong sự tiếp nối của các nhà cổ điển và đặc biệt lấy lại ý cho rằng có một sự không đối xứng giữa tư bản và lao động (coi nhẹ hoàn toàn đất đai, một nhân tố không còn quan trọng vào giữa cuộc cách mạng, thời gian mà Marx xây dựng lí thuyết của ông) nhưng mở rộng đáng kể chiều kích xung đột giữa hai khái niệm này, đặc biệt là về mặt phân phối. Ngoài một cách nhìn độc đáo về lịch sử kinh tế, trong đó chủ nghĩa tư bản chỉ hiện ra như một phương thức tổ chức xã hội, Marx sẽ đổi mới trên hai điểm: một mặt, ông sẽ phát triển một quan niệm mới về giá trị, mặt khác phân tích của ông về động thái của chủ nghĩa tư bản, kết hợp những cuộc khủng hoảng và tiến hoá dài hạn, có tham vọng hơn và đầy đủ hơn lí thuyết cổ điển. Mối quan hệ giữa hai điểm này được cơ chế phân phối và đặc biệt là tiến hoá của tỉ suất lợi nhuận đảm nhận.

Đối với Marx, xung đột về sự phân phối sản phẩm tổng gộp đặc trưng cho chủ nghĩa tư bản chỉ là kết quả của một xung đột còn rõ nét hơn về sự phân phối nhằm vào những tư liệu sản xuất và việc sở hữu những tư liệu này. Chủ nghĩa tư bản đặt cơ sở trên một sự phân phối triệt để giữa những người nắm giữ một cách tự do về mặt pháp lí sức lao động của bản thân và những người nắm giữ những tư liệu sản xuất khác, được nhập chung dưới thuật ngữ tư bản. “Tư bản”, trong nghĩa “góp vốn” của các nhà tư bản, như thế gồm có một tập những hàng hoá được sản xuất, do đó xuất phát từ một quá trình sản xuất trước đó. Hàm chứa lao động “kết tinh”, tư bản này giữ nguyên giá trị của nó trong quá trình sản xuất (bằng cách coi nhẹ vấn đề khấu hao và lỗi thời, hay vấn đề mất giá trị trong quá trình hàng hoá) và do đó cấu thành tư bản “bất biến” c (được tính bằng giá trị lao động). Yếu tố thứ hai là việc ứng vốn cần thiết để trả tiền công và tượng trưng cho tư bản “khả biến” v. Khác với các nhà cổ điển, Marx đề xuất tiên đề mấu chốt theo đó duy chỉ lao động được triển khai trong quá trình sản xuất mới sản xuất ra giá trị. Do đó các “nhà tư bản” nắm giữ “tư bản”, không có nguồn gốc giá trị nào khác cho họ có được những quyền chính đáng trên một phần của sản xuất nhưng lại nắm độc quyền làm chủ quá trình sản xuất và đặc biệt là việc tuyển dụng và sử dụng sức lao động. Như thế một nhà tư bản có khả năng trả tiền công cho người lao động, bù đắp nỗ lực bỏ ra trong thời gian lao động và cho phép tái tạo lại sức lao động, nhưng sức này chỉ là một phần của giá trị thật sự do lao động tạo ra trong khoảng thời gian này. Sai biệt này là lao động thặng dư hay thặng dư s bị nhà tư bản chiếm hữu, chủ sở hữu về mặt pháp lí của kết quả của quá trình sản xuất. Một từ tóm tắt quan hệ bất bình đẳng giữa nhà tư bản và người lao động: đó là từ “bóc lột”. Người lao động, tự do về mặt pháp luật, trong thực tế không có phương tiện đề kháng nào vì không có cách đảm bảo sinh kế hàng ngày nào khác hơn là lao động làm công ăn lương do chỉ có sức lao động không thôi, và sức này chỉ sinh lợi khi được kết hợp với tư bản bất biến.

Như vậy, tỉ suất lợi nhuận được định nghĩa như tỉ số s/(c + v) trong lúc tỉ suất bóc lột được cho bởi tỉ số s/v (tất cả những số hạng đều tính theo giá trị lao động). Như vậy các nhà tư bản có nhiều cách để làm tăng tỉ suất lợi nhuận: họ có thể tăng thặng dư trên mỗi đơn vị được sản xuất bằng cách giảm tiền công (bần cùng hoá tuyệt đối) hay bằng cách tăng thời gian lao động (bóc lột tuyệt đối); họ cũng còn có thể, giữ nguyên tiền công và thời gian lao động, cải thiện năng suất của tư bản khả biến bằng những phương pháp sản xuất mới hay triển khai những trang thiết bị hiệu quả hơn. Nhưng mặt khác, tiền công đơn vị bằng giá trị không được ấn định như với các nhà cổ điển. Tiền công này có thể bị những khả năng kháng cự của người lao động hay những chính sách do quyền lực chính trị triển khai, có thể do dưới áp lực của quần chúng, làm thay đổi. Nói cách khác, tại chỗ mà các nhà cổ điển trông thấy một đối kháng của việc nắm giữ những thu nhập khác nhau thì Marx nhìn thấy một xung đột giai cấp về những điều kiện của việc phân phối.

Xung đột này nối khớp với một cuộc xung đột khác, trong nội bộ của giai cấp tư sản. Thật vậy, các nhà tư bản chia rẽ nhau và cạnh tranh lẫn nhau. Lợi nhuận của một nhà tư bản, thậm chí sự sống còn của bản thân người này, phụ thuộc vào sự suy yếu, thậm chí sự biến mất, của một nhà tư bản khác. Điều được Marx gọi là tính vô chính phủ của thị trường do đó là sự bất lực của những nhà tư bản thoả thuận với nhau và để cùng nhau giải quyết những điều kiện của cạnh tranh và sự sống còn của họ. Mỗi nhà tư bản nghĩ đến sự tồn tại của bản thân bằng cách tích luỹ tư bản để có tính cạnh tranh hơn những đối thủ của mình. Trên bình diện tập thể, việc tích luỹ tư bản này dẫn đến những cuộc khủng hoảng thừa khiến cho một phần tư bản đã đầu tư mất giá trị và một số nhà tư bản yếu nhất biến mất. Hơn nữa, đối phần của sự tích luỹ không ngừng nghỉ này là “xu hướng” giảm xuống của tỉ suất lợi nhuận. Sụt giảm này chỉ có tính xu hướng chứ không phải là thực tế, trong chừng mực mà gia tăng của c, như đã thấy, có thể được những nhân tố khác (gia tăng năng suất, tăng tỉ suất bóc lột, v.v.) bù đắp. Nhưng đấy là ràng buộc, qui luật chi phối hành vi của các nhà tư bản và ràng buộc những quyết định, cá thể và tập thể, của họ.

Vấn đề quản lí sức lao động, một phần gắn với mức tiền công, do đó có tính quyết định trong động thái của chủ nghĩa tư bản. Một sụt giảm của tiền công bằng cách thất nghiệp và sự hình thành một “đội quân trừ bị” sẽ cải thiện tỉ suất lợi nhuận trên mỗi đơn vị bán ra, nhưng đồng thời thu hẹp thị trường và tạo nên những điều kiện của một cuộc khủng hoảng. Do đó lợi nhuận bị sự gia tăng của tiền công cũng như bị những cuộc khủng hoảng chu kì của động thái của chủ nghĩa tư bản đe doạ. Có một con đường hẹp cho phép có được một “tái sản xuất mở rộng”, nhưng những điều kiện của “tái sản xuất mở rộng” là quá hạn hẹp và đòi hỏi một sự phối hợp quá chặt giữa các nhà tư bản để cho giải pháp này là hiện thực. Như vậy chủ nghĩa tư bản không thể tránh được những cuộc xung đột về phân phối và không đảm bảo là việc những nhà tư bản quản lí khéo léo những xung đột này cho phép thoát khỏi sự gia tăng của những mâu thuẫn nội tại của hệ thống. Như thế trong dài hạn, dưới mắt Marx chủ nghĩa tư bản không đứng vững được.

Paul A. Baran (1909-1964)
Paul Sweezy (1910-2004)

Do đó một cách tự nhiên những lí thuyết gia marxist đã suy nghĩ nhiều đến qui luật có xu hướng giảm xuống của tỉ suất lợi nhuận, tìm cách làm rõ những nhân tố khả dĩ ngăn cản xu hướng này. Ví dụ Lenine (1917) nhìn thấy trong chủ nghĩa đế quốc, nghĩa là việc hợp nhất, bắt buộc hay không, những lãnh thổ trong đó phương thức tư bản chủ nghĩa chưa được thiết lập trong nền kinh tế hàng hoá, một cách để giảm chi phí lao động và đảm bảo những thị trường mới cho những sản phẩm công nghiệp. Một hướng khác, hướng hình thành một chủ nghĩa tư bản độc quyền, cũng đã được nghiên cứu nhiều, đặc biệt là bởi các nhà marxist Mĩ Baran và Sweezy (1966). Tính độc đáo ở đây là suy nghĩ về những điều kiện của cạnh tranh và do đó đến cấu trúc các thị trường. Kết hợp những chủ đề thông dụng của lí thuyết tân cổ điển về tình thế độc quyền với lí thuyết marxist, Baran và Sweezy nhìn thấy trong sức mạnh độc quyền một khả năng làm tăng thặng dư.

John Roemer (1945-)

Như vậy phân tích của Marx là đặc biệt phức tạp và phong phú. Một cách nhìn qui giản về vấn đề phân chia sản phẩm và về cuộc đối đầu của hai giai cấp được đồng nhất với những quyền lợi không dung hoà nhau được tất yếu dẫn đến việc tiêu diệt chủ nghĩa tư bản để thay thế bằng chủ nghĩa xã hội đã được những chế độ toàn trị của thế kỉ XX tự nhận theo chủ nghiã Mác-Lênin phát triển và ủng hộ một cách dễ dãi. Nhưng đối lập với cách đọc giáo điều và vụ lợi trên về Marx, nhiều nhà phân tích đã tìm cách hiểu những đột biến không ngừng của chủ nghĩa tư bản, trong đó có một số đột biến đi ngược với chính những dự báo của Marx, bằng cách hợp nhất vai trò của Nhà nước, việc tái sản xuất xã hội và phân biệt hoá xã hội trong việc xử lí những cuộc xung đột về phân phối giữa tư bản và lao động. Cuối cùng những phân tích cực kì tinh vi (Roemer), dựa trên những công cụ hình thức từng được lí thuyết tân cổ điển sử dụng, đã tìm cách đặt nền tảng của lí thuyết marxist trên một cách tiếp cận mới về khái niệm bóc lột.

Lí thuyết tân cổ điển

Những nguyên lí của lập luận tân cổ điển

Lí thuyết tân cổ điển, cơ sở của những lập luận của phần lớn những nhà kinh tế đương đại, có một tính chặt chẽ logic đáng chú ý về vấn đề phân phối. Có hai loại thu nhập: một số thu nhập là thù lao của một dịch vụ sản xuất và một số thu nhập khác không phải là thù lao của một dịch vụ sản xuất và được gọi là “tựa tô” để qui chiếu về khái niệm cổ điển về địa tô. Tính nhất quán này dựa trên ba cột trụ: 1) một mặt cùng những nguyên lí giống nhau được vận dụng để giải thích sự hình thành của mọi thù lao, ngược lại với những luận điểm cổ điển và marxist; 2) mọi thù lao là đối phần của việc sử dụng một đầu vào được dùng trong quá trình sản xuất, còn được gọi là “nhân tố sản xuất” và chính xác hơn gắn liền với hiệu quả của nhân tố này; 3) không thể không tính đến những điều kiện của cạnh tranh để hiểu thù lao của những nhân tố sản xuất khác nhau.

Điểm cuối này là đặc biệt quan trọng. Đối với lí thuyết tân cổ điển, thù lao của những nhân tố sản xuất được xác định bởi cơ chế cung cầu trên những thị trường các nhân tố sản xuất vì những điều kiện sử dụng những nhân tố này là đối tượng của những giao dịch. Do đó lí thuyết tân cổ điển về các thù lao hiện ra như một trường hợp đặc biệt của lí thuyết tổng quát về giá cả: cùng những lập luận giống nhau được vận dụng. Đặc biệt là những nguyên lí lựa chọn “ở bên lề” (hay những nguyên lí “cận biên”) cho phép hiểu được hành vi của những người cung lẫn hành vi của một người cầu một nhân tố sản xuất và do đó hiểu được thù lao gắn với hành vi này. Tính đồng nhất hình thức này, đi cùng với một mức độ trừu tượng hoá cao, cho phép ví dụ nói đến những “nhân tố sản xuất” và hàm sản xuất thay vì phải mô tả đầu ra này hay đầu ra khác và/hoặc phải làm rõ những điều kiện sử dụng của những nhân tố này khiến cho lí thuyết tân cổ điển là cực kì dễ vận dụng, có khả năng xử lí, bằng cách lần lượt mở rộng, nhiều vấn đề kinh tế. Nhưng lí thuyết này cũng ở cội nguồn của nhiều sự nhập nhằng và lẫn lộn mà minh hoạ tốt nhất là việc áp dụng lí thuyết này vào khái niệm tư bản và lợi nhuận.

Sự phát triển của lí thuyết tân cổ điển

Alfred Marshall (1842-1924)
Irving Fisher (1867-1947)

Lí thuyết tân cổ điển về phân phối, đặc biệt áp dụng vào tư bản, được phát triển chậm và tiếp tục là đối tượng của những nghiên cứu sôi động, đặc biệt là trong kinh tế học công nghiệp và trong kinh tế học tài chính. Những thành tố cấu thành lí thuyết này có thể đã được nhiều tác giả khác nhau thấy trước (Jean Baptiste Say, 1814, với ý cho rằng những qui luật hình thành thù lao của đất đai, của tư bản và của lao động là đồng nhất; Longfield, 1834, rồi Jevons, 1871, cho việc áp dụng lập luận cận biên vào lí thuyết lãi suất hay vào lí thuyết lao động), nhưng chỉ đến cuối thế kỉ XIX thì những lí thuyết tổng hợp về thù lao của những nhân tố sản xuất dựa trên khái niệm năng suất cận biên mới được Alfred Marshall (1890) và John Bates Clark (1899) độc lập phát triển. Irving Fisher (1930) áp dụng những nguyên lí cận biên vào vấn đề tiết kiệm, được hiểu như sự hình thành tư bản trong một viễn cảnh liên thời gian để nối kết lí thuyết này với lí thuyết lãi suất. Cùng thời gian đó, Cobb và Douglas (1928) đề xuất một công thức cho hàm sản xuất tổng gộp mà những agumen là một đại lượng gộp về tư bản và một đại lượng gộp về lao động. Cách hình thức hoá này cho phép họ biện minh tính không đổi (xấp xỉ) của thành phần “lao động”, và do đó của thành phần tư bản trong sản phẩm tổng gộp. Vài năm sau, Frank Knight (1933) đề xuất một cách xử lí sâu sắc mối quan hệ giữa thù lao của tư bản với rủi ro (liên quan đến những biến cố tương lai không chắc chắn nhưng xác suất hoá được) và với bất trắc (liên quan đến những biến cố không chắc chắn và không xác suất hoá được), mở đường cho việc nghiên cứu thù lao của rủi ro gắn với đầu tư. John M. Keynes (1936) sẽ lấy cảm hứng từ ý tưởng này để nhấn mạnh tính không duy lí của những dự kiến về thu nhập của tư bản và coi đó là một nguyên nhân có thể của sự thiếu đầu tư, và do đó của sự thiếu hụt cầu thực tế. Những phát triển kinh tế vĩ mô khác nhau này sẽ rơi vào “sự phê phán của Cambridge”, nghĩa là việc không thể suy tỉ suất lợi nhuận của một tư bản tổng gộp, một điều đòi hỏi phải biết trước hệ thống giá cả để đồng nhất hoá những sản phẩm tư bản, do đó phải biết trước giá của những nhân tố và tỉ suất lợi nhuận.

Gérard Debreu (1921-2004)
Kenneth Arrow (1921-2017)

Như thế việc củng cố lí thuyết tân cổ điển đã được tiến hành thông qua việc xử lí rõ ràng tính không đồng nhất của những sản phẩm tư bản và của những người nắm giữ những tư bản này, trong khuôn khổ của lí thuyết cân bằng chungArrow và Debreu (1954) đã chứng minh sự tồn tại của một cân bằng như thế, khi những sản phẩm khác nhau có thể được sản xuất từ những nguyên vật liệu các tác nhân kinh tế được chu cấp, nghĩa là bằng một hệ thống giá cả bao gồm thù lao của những nhân tố sản xuất, tất cả những thù lao này là không âm, đảm bảo cân bằng đồng thời trên tất cả các thị trường. Định nghĩa thuần tuý hình thức của những lí thuyết gia của cân bằng chung về những sản phẩm được sử dụng cho phép họ khái quát hoá lập luận và kết quả về sự tồn tại của cân bằng vào trường hợp một nền kinh tế liên thời gian, và ngay cả với sự có mặt của bất trắc, nhờ khái niệm “sản phẩm có điều kiện”. Nhưng đối phần của lập luận cực kì hình thức này, ngoài sự biến mất của những khái niệm “tư bản” và “tỉ suất lợi nhuận”, là sự khó khăn trong việc áp dụng một cách hoàn toàn chặt chẽ lí thuyết này vào những tình thế kinh tế cụ thể. Điều này giải thích sự phát triển trong kinh tế học vi mô của những công trình về kinh tế học công nghiệp và kinh tế học tài chính, trong đó những khái niệm tư bản và thù lao của tư bản vẫn còn hiệu lực và có sự nhấn mạnh đến tính không hoàn hảo của cạnh tranh hay của thông tin.

Do đó lí thuyết tân cổ điển được xây dựng dần dần nhờ những đóng góp của nhiều lí thuyết gia, chịu dấu ấn của những cách đào tạo, cách tiếp cận và của những mối quan tâm khác nhau.

Lí thuyết tân cổ điển trong trường hợp cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo

Lí thuyết tân cổ điển, bằng việc lí thuyết này phân tích quá trình sản xuất và phân biệt giữa sự sở hữu những nhân tố sản xuất với việc quản lí doanh nghiệp, nghĩa là tổ hợp sản xuất của những nhân tố này, cho phép phân biệt rõ ràng thù lao trả cho tư bản, với lãi suất và lợi nhuận doanh nghiệp. Mặt khác lí thuyết tân cổ điển về sản xuất đã được áp dụng vào nhiều cấp độ khác nhau: công ti, ngành, quốc gia, thậm chí thế giới. Ở mỗi một cấp này, “tư bản” mang một ý nghĩa đặc biệt, có tính gộp cao hay thấp. Ta thử đặt mình ở cấp độ một công ti và trong trường hợp của cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo trên tất cả các thị trường, không có bất trắc. Hơn nữa, giả sử rằng sản xuất là tức thì, những sản phẩm và nhân tố là hoàn toàn chia nhỏ được và hàm sản xuất là khả vi liên tục, và có những hiệu suất theo qui mô không đổi. Như thế, “tư bản” được hợp thành bởi toàn bộ những tư liệu sản xuất hữu hình được doanh nghiệp sử dụng và có thể được biểu trưng bằng một vectơ x gồm có n phần tử. Những tư liệu sản xuất này do những tác nhân nắm giữ, những tác nhân này có thể được gọi là “nhà tư bản” trong lúc công ti do một nhà quản lí hay một doanh nhân (bản thân doanh nhân này có thể là một nhà tư bản) lãnh đạo. Phần tử xi chỉ lượng của nhân tố thứ i được sử dụng trong sản xuất. Lượng y của sản phẩm được sản xuất được cho bởi hàm sản xuất: f(x).

Như vậy hàm sản xuất cho phép xác định một cách hình thức năng suất cận biên của nhân tố thứ i với một giá trị nhất định của vectơ x, như là đạo hàm của hàm sản xuất đối với agumen thứ ifi(x). Do đó năng suất cận biên tương ứng với một gia tăng của sản xuất gắn với một gia tăng tuỳ tiện nhỏ (“một” đơn vị) của lượng nhân tố thứ i được sử dụng, lượng những nhân tố khác không đổi. Nói rằng năng suất cận biên của yếu tố thứ i xác định thù lao đơn vị trả cho người sở hữu yếu tố này là không đúng. Thù lao này là giá pi làm tổng cung và tổng cầu trên thị trường của nhân tố thứ i này bằng nhau. Nhưng quả thật là tổng cầu của nhân tố này được xác định bởi những năng suất cận biên của nhân tố trong những công ti khác nhau mà nhân tố này được hoặc có thể được sử dụng. Mỗi doanh nhân, theo một hành vi tối đa hoá lợi nhuận, yêu cầu một lượng nhân tố thứ i sao cho sản phẩm cận biên vừa bằng chi phí cận biên gắn với việc sử dụng nhân tố này. Trong tình thế cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo chi phí cận biên này bằng với giá pi. Bản thân sản phẩm cận biên bằng với tích của của giá sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất nhân với năng suất cận biên. Như thế cầu cá thể của một doanh nghiệp là sao cho p.fi(x) = pi hay còn là sao cho fi(x) = pi/p. Điều này còn có nghĩa là cầu của nhân tố thứ i là một hàm của giá của nhân tố đối với giá của sản phẩm được sản xuất. Khi chấp nhận rằng năng suất cận biên là một hàm giảm của lượng của nhân tố thứ i được doanh nghiệp sử dụng thì ta có được một hàm tổng cầu của nhân tố này giảm với với giá của nhân tố. Ở thế cân bằng, đẳng thức trên đây giữa năng suất cận biên và giá tương đối của sản phẩm tất nhiên là được tôn trọng. Khái quát hoá lập luận, ở thế cân bằng, việc doanh nhân chọn tổ hợp tối ưu những nhân tố cho thấy rõ là, ở thế tối ưu, tỉ số giữa những năng suất cận biên của một cặp nhân tố sản xuất bằng với tỉ số của giá của những nhân tố này. Từ đó suy ra là một nhân tố càng được yêu cầu so với một nhân tố khác nếu giá của nó là thấp so với giá của nhân tố thứ hai.

Joan Robinson (1903-1983)
Luigi Pasinetti (1930-)

Như thế lập luận này, khi được mở rộng ra cho toàn bộ nền kinh tế, cho phép nối kết lí thuyết sản xuất và lí thuyết phân phối. Được tiến hành trên một cơ sở kinh tế vi mô, lập luận này chuyển sang bình diện kinh tế vĩ mô bằng cách vận dụng hàm sản xuất kinh tế vĩ mô, mà những agumen là những “nhân tố sản xuất gộp”, như “tư bản” hay “lao động” (gộp). Chính cách dịch chuyển lập luận này đã bị các nhà “Cambridgian”, như Joan Robinson, Luigi Pasinetti và Pierro Sraffa, phê phán một cách chính đáng.

Hiệu giữa sản phẩm tính theo giá trị của doanh nghiệp (p.y) và tổng những thù lao trả cho những người nắm giữ những số lượng của các nhân tố sản xuất khác nhau được doanh nghiệp sử dụngvới lj là số lượng lao động kiểu thứ j được sử dụng và wj là lương đơn vị trả cho người lao động thuộc kiểu j) được doanh nghiệp giữ lại và hợp thành lợi nhuận doanh nghiệp. Wicksteed (1894) là người đầu tiên chỉ ra rằng một hàm sản xuất với hiệu suất theo qui mô không đổi và có tính linh hoạt hoàn toàn của toàn bộ những nhân tố sản xuất và không có bất kì sức mạnh thị trường nào đối với giá cả kéo theo một lợi nhuận doanh nghiệp bằng không.

Cuối cùng cần ghi nhận là lập luận trên nhắm vào việc sử dụng một tư bản hiện có (những tư liệu sản xuất đã có) và tức thì sản xuất được. Ngược lại, giả sử là việc sản xuất kéo theo việc đọng vốn những tư liệu sản xuất hữu hình. Thế thì cần phải trả giá cho việc đọng vốn trong thời gian những tư liệu sản xuất này: một phần thù lao gắn với một nhân tố sản xuất sẽ được làm đối phần để trả cho việc đọng vốn này và cấu thành “tiền lãi”. Như thế lí thuyết tân cổ điển có thể khép kín lập luận và gắn một cách nhất quán thù lao của tư bản, lãi suất và hình thành tư bản, mặt khác giải thích sự tồn tại có thể của “lợi nhuận doanh nghiệp”.

Những phát triển và mở rộng

Joseph Schumpeter (1883-1950)

Phương thức cạnh tranh và phần trả cho tư bản. – Việc viện đến lí thuyết giá thị trường để giải thích sự hình thành thù lao của những nhân tố sản xuất cho phép lí thuyết tân cổ điển nghiên cứu những trường hợp khác hơn là trường hợp của cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo. Tính “không hoàn hảo” của cạnh tranh có thể nhằm vào những thị trường sản phẩm cũng như chính ngay những thị trường những nhân tố sản xuất. Trong mọi trường hợp, kết quả theo đó, ở thế cân bằng, năng suất cận biên của nhân tố i bằng với giá tương đối pi/p không còn đứng vững nữa nhưng cũng những nguyên lí phân tích dựa trên logic lựa chọn bên lề đó vẫn được vận dụng. Đặc biệt Schumpeter (1912) nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lợi nhuận độc quyền thu được trên những thị trường sản phẩm trong việc tích luỹ tư bản và của tăng trưởng: một trong những mục tiêu của một doanh nghiệp và của những người chủ doanh nghiệp trong những quyết định đầu tư là đạt được một tình thế độc quyền trong một thời gian ngắn dài ít nhiều nhằm rút ra những lợi nhuận tương ứng với tình thế đó. Do đó lợi nhuận độc quyền hiện ra như một chất kích thích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và đổi mới, có khả năng mang lại cho công ti một bước đi trước về công nghệ. Thể theo cùng một logic này, những tình thế độc quyền gắn với những bằng sáng chế, và do đó với những thù lao gắn liền với những bằng sáng chế này được biện minh bằng sự cần thiết khuyến khích các tác nhân tiến hành đầu tư và triển khai.

Lợi nhuận và lợi nhuận doanh nghiệp. – Sự phân biệt do lí thuyết tân cổ điển xác lập giữa doanh nhân và người nắm giữ tư bản là không thực tế. Hiện thực của những nền kinh tế thị trường, dựa trên sự tồn tại của những “công ti nặc danh”, cho thấy là những người nắm giữ tư bản tài chính, những cổ đông, lựa chọn và kiểm soát (quả thật là ít nhiều chặt chẽ) các nhà quản lí và chiếm hữu lợi nhuận doanh nghiệp. Trong những điều kiện này lợi nhuận doanh nghiệp có thể được giải thích như là tiền trả cho tài năng kinh doanh, và như thế được đồng hoá với một nhân tố sản xuất vô hình, hay như là kết quả của những tính kinh tế theo qui mô có trong doanh nghiệp.

Lí thuyết tân cổ điển và công bằng

Lí thuyết tân cổ điển đã kéo theo một sự đoạn tuyệt quan trọng với những lí thuyết cổ điển và marxist. Bằng cách đề xuất sự giống nhau giữa những qui luật với những hành vi chi phối những “nhân tố sản xuất”, và như thế đặt tư bản và lao động ngang hàng với nhau, lí thuyết này bác lại ý tưởng có một sự đối lập triệt để giữa hai nhân tố này. Thế mà sự đối kháng này đã nuôi dưỡng ở những nhà kinh tế cổ điển cũng như ở những nhà kinh tế marxist những cách nhìn chuẩn tắc, có những hệ quả chính trị tức thì, về nền kinh tế thị trường và sự phát triển của nền kinh tế này. Lí thuyết tân cổ điển, khi đặt lợi nhuận ngang hàng với lương, cả hai biến này đều là đối phần của một đóng góp sản xuất, làm cho không thể tiếp tục lập luận như trên được. Lí thuyết còn hiện ra như là “biện minh” cho lợi nhuận, và ở cương vị này được những nhà kinh tế marxist xem như một vũ khí ý thức hệ được dùng để ủng hộ chủ nghĩa tư bản. Và quả thật là những nhà kinh tế tự do đã sử dụng nhiều những đặc tính hình thức được lí thuyết tân cổ điển gán cho trường hợp của cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo với hiệu suất theo qui mô không đổi để bảo vệ ý cho rằng thù lao của mỗi người là một đối phần công bằng của lợi ích sản xuất của bản thân và do đó những bất bình đẳng về thu nhập chỉ thể hiện những khác biệt trong đóng góp sản xuất của những cá thể.

Thật ra, lí thuyết tân cổ điển là trung lập về mặt các giá trị và không thể được dùng như vậy để biện minh cho (hay phê phán) hệ thống kinh tế thị trường. Về mặt này, ba điểm cần được nhấn mạnh. 1) Một mặt, những chu cấp sản xuất của các tác nhân, và ví dụ việc là một số tác nhân có được “tư bản” được xem là cho trước và không được giải thích một cách khoa học. 2) Mặt khác, lí thuyết tân cổ điển là khá phong phú về mặt hình thức để nghiên cứu những trường hợp khác hơn là trường hợp của cạnh tranh thuần tuý và hoàn hảo, những trường hợp này mở ra khả năng có một khác biệt giữa thu nhập và năng lực sản xuất, và một lần nữa đặt ra vấn đề công bằng xã hội. 3) Cuối cùng, những nguyên lí do lí thuyết tân cổ điển phát triển cho phép phân tích cách quản lí tư bản công cộng, nghĩa là những phương tiện sản xuất do những cộng đồng công cộng nắm giữ và nếu cần có thể cung cấp những giải pháp đáng mong muốn về mặt xã hội cho những vấn đề gắn với việc quản lí này.

Ngày nay khái niệm chiếm hữu của một cá thể trên một phần của sản phẩm của một xã hội như là đối phần của việc nắm giữ tư bản hết còn bị đặt thành vấn đề nữa, ít ra là khái niệm này là một điều cực chẳng đã, do trong thực tiễn không thể quản lí tập trung một cách hữu hiệu và công bằng một hệ thống kinh tế hiện đại. Nhưng vấn đề tầm quan trọng của đối phần này và sự cần thiết, hay không, để khuôn đối phần này lại bằng những biện pháp công cộng vẫn còn là đối tượng của những cuộc bàn luận quan trọng, những cuộc tranh luận này, cuối cùng, qui về vấn đề ám ảnh dai dẳng của sự xung đột giữa tính hiệu quả và tính công bằng, cũng như vấn đề khả năng của một hệ thống những thị trường tự do trong việc đảm bảo một phân bổ tối ưu những nguồn lực trong không gian và trong thời gian.

Hubert KEMPF

Giáo sư đại học Panthéon-Sorbonne (Paris 1)

Nguyễn Đôn Phước dịch

➜ Cạnh tranh; Chu kì kinh tế; Hiệu quả đối lại công bằng; Phân phối thu nhập.

Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry (đồng chủ biên), PUF, Paris, 2001.

Giải Nobel kinh tế 2020: Cải tiến lý thuyết và phát minh ra những định dạng mới trong đấu giá – Paul R. Milgrom & Robert B. Wilson

GIẢI “NOBEL KINH TẾ” ĐƯỢC TRAO CHO CÁC NHÀ “ĐẤU GIÁ”

(Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com/)

Christophe Alix

Ngày 12 tháng 10 năm 2020

Ban giám khảo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố những người nhận giải Nobel kinh tế, vào hôm thứ Hai. Ảnh Anders Wiklund. Reuters

Các công trình của hai nhà kinh tế học người Mỹ từ Đại học Stanford, Paul Milgrom và Robert Wilson, đã giúp họ nhận được giải thưởng vào hôm thứ hai: họ đã phát triển một mô hình đấu giá để phân bổ các nguồn lực công khan hiếm như các tần số mạng 5G. Một sự tôn vinh các cơ chế thị trường, trong khi giải thưởng năm 2019 thưởng cho các công trình của Esther Duflo về cuộc chiến chống đói nghèo.

Các cuộc đấu giá hoàn hảo có tồn tại theo nghĩa có lợi cho cả người bán, người mua và người nộp thuế hay không? Có, các nhà kinh tế học người Mỹ, Paul Milgrom và Robert Wilson, đều ủng hộ trả lời khẳng định có. Vào hôm thứ hai, họ đã được trao giải Nobel kinh tế vì đã “cải tiến lý thuyết và phát minh ra những định dạng mới”, theo lời của ban giám khảo của Học viện Hoàng gia Khoa học Thụy Điển. Cặp đôi này, làm việc tại Đại học Stanford ở California, đặc biệt nổi tiếng là ở đầu nguồn việc thích nghi khái niệm nói trên trong việc bán các nguồn lực khan hiếm hoặc hạn chế, chẳng hạn như các dải băng tần viễn thông bên kia Đại Tây Dương, hoặc việc phân bổ các đường rãnh cất cánh và hạ cánh – các slots trong biệt ngữ tiếng Anh – ở các sân bay. Một đóng góp về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, theo lời tôn vinh của ban giám khảo, nhấn mạnh đến việc “các định dạng mới này phục vụ cho xã hội trên toàn thế giới”.

Các cuộc đấu giá được sử dụng để bán rất nhiều loại sản phẩm, từ các tác phẩm nghệ thuật đến các nguyên liệu thô, qua quảng cáo trực tuyến và có thể khoác lên nhiều đặc điểm khác nữa: chúng có thể được tổ chức theo hình thức mở – mọi người đều nhìn thấy được – hoặc đóng, liên quan đến những hàng hóa có giá trị chuẩn hóa rất cao, chẳng hạn như dầu hỏa, hoặc một món hàng có giá trị mang tính chủ quan rất lớn, chẳng hạn như các tác phẩm nghệ thuật. Người đấu giá có thể nhận được thông tin bình đẳng hay không, và trong trường hợp sau người ta gọi là thông tin không đối xứng, v.v.. Bấy nhiêu sự chênh lệch càng phải đấu tranh chống lại​​ khi các cuộc đấu giá này liên quan đến các nguồn lực công khan hiếm như các tần số mạng 5G.

“Lời nguyền của người thắng”

Robert Wilson, 83 tuổi, là người đầu tiên “kiến tạo một khung chung” cho kiểu đấu giá này, chứng minh rằng, trong số nhiều kiểu đấu giá khác, người đấu giá “duy lý” có xu hướng đưa ra mức giá thấp hơn tình huống tối ưu, vì lo sợ hớ giá. Điều mà ông gọi là “lời nguyền của người thắng”.Tại cuộc họp báo ngay sau khi công bố giải thưởng, ông cho biết chưa từng tham gia một cuộc đấu giá nào. “Bản thân tôi, tôi chưa từng tham gia một cuộc đấu giá nào. […] Vợ tôi lưu ý tôi rằng chúng tôi có những đôi giày trượt tuyết được mua trên mạng eBay, tôi đoán đó là một cuộc đấu giá”, ông nói đùa với cử tọa. Paul Milgrom, 72 tuổi, học trò của Wilson, về phần mình đã xây dựng một lý thuyết tổng quát hơn về đấu giá. Lý thuyết này đặc biệt cho thấy một cuộc đấu giá có thể tạo ra một mức giá cao hơn, khi người mua có được thông tin về các mức chào giá được dự kiến của những người đấu giá khác trong cuộc đấu giá.

Các công trình của họ đã giúp cải tiến hệ thống đấu giá của FCC, cơ quan viễn thông liên bang của Mỹ. Trong khi cho đến năm 1993, cơ quan này đã cấp các giấy phép sóng điện từ [hertz] cho các nhà khai thác, hoặc dưới hình thức bốc thăm, hoặc dưới hình thức các quá trình điều trần dai dẳng – các cuộc thi sắc đẹp và vận động hành lang, theo lời chế nhạo của họ -, giờ thì cơ quan này đã áp dụng hệ thống mà Wilson và Milgrom đã phát triển. Tức là, các cuộc đấu giá đồng thời theo nhiều vòng với một hệ thống đơn giản đủ sức để tất cả người mua hiểu được trên cơ sở bình đẳng và đủ sức khuyến khích để giúp FCC thu được thu nhập tối đa từ đó. Một hệ thống đã được thử thách và đã được sử dụng trên toàn thế giới để phân bổ các tần số vô tuyến (Canada, Anh, Tây Ban Nha, v.v.). Đây cũng là trường hợp mới vài tuần trước đối với mạng 5G ở Pháp, nơi các cuộc đấu giá đã mang về cho Nhà nước 2,786 tỷ euro.

Sự điều tiết nền kinh tế theo hướng tân tự do

Esther Duflo (1972-)
Abhijit Banerjee (1961-)

Trong khi giải Nobel kinh tế năm ngoái được trao cho các công trình về xóa đói giảm nghèo của nhà kinh tế người Mỹ gốc Pháp Esther Duflo và nhà kinh tế người Mỹ gốc Ấn Abhijit Banerjee (hiện là vợ chồng), thì giải Nobel kinh tế năm 2020 nối lại với cách tiếp cận cổ điển hơn về kinh tế học bằng cách một lần nữa đánh giá cao vai trò trung tâm của thị trường. Giống như năm ngoái, giải thưởng đã tưởng thưởng cách tiếp cận rất thực dụng dựa trên quan sát về hành vi của con người – trong một trường hợp là hành vi của những người đấu giá, và trong một trường hợp khác là cách thức mà người nghèo phản ứng lại với việc thực hiện các biện pháp thử nghiệm được cho là giúp họ. Lần này bằng cách chứng minh cho thấy một sự đối đầu không bị bóp méo về cung cầu giúp đạt được một mức giá hợp lý có lợi cho tất cả các bên liên quan (các doanh nghiệp, người tiêu dùng, Nhà nước). Một giải thưởng phù hợp với ý tưởng về một sự điều tiết nền kinh tế theo hướng tân tự do có thể tỏ ra là rất hiệu quả, và kết thúc một mùa 2020, qua đó các mối quan tâm về xã hội và y tế không bị lãng quên trong năm đại dịch này.

Trước khi giải Nobel kinh tế lần thứ52 kết thúc mùa phát giải của Viện Hàn lâm Thụy Điển, giải Nobel Hòa bình đã được trao, vào cuối tuần trước, cho Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ, một chương trình mang đến sự hỗ trợ hàng ngày cho gần 100 triệu người bị đói trên thế giới.

Christophe Alix

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

NguồnLe “Nobel” d’économie adjugé aux “enchères”Liberation, ngày 12/10/2020.

———————-&&&———————

Luồng và kho

Luồng và kho

(Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com/)

Stocks and Flows

® Giải Nobel: HICKS, 1972

Một kho (biến điểm) là một đại lượng được đo tại một thời điểm nhất định (lượng nước của một hồ) và một luồng (biến kì) là một đại lượng theo đơn vị thời gian (lưu lượng của một dòng sông). Trong khi một kho là một ảnh chụp tại một thời điểm (lượng tiền M của một nền kinh tế) thì những luồng không thể tách được với khái niệm khoảng thời gian. Nếu, ví dụ, C là một tiêu dùng không đổi trong một đơn vị thời gian, thì luồng tiêu dùng trong một khoảng thời gian Dt bằng với CDt. Khi  không thể tính trực tiếp một kho thì kho này đôi lúc được ước tính từ một luồng: 600.000 hợp đồng đoàn kết[*] cho một thời gian trung bình là tám tháng tương đương với một kho hàng năm trung bình bằng với 400.000 (600.000 x 8/12).

Việc phân biệt kho-luồng là cơ bản trong kế toán. Kế toán di sản được thiết lập bằng những khái niệm kho. Bản tổng kết tài sản của một doanh nghiệp là hình chụp ở một thời điểm nhất định về những của cải (bên có) và những khoản nợ của doanh nghiệp. Ngược lại kế toán quản lí vạch ra những luồng: kết quả của tài khoá là hiệu giữa những sản phẩm và những chi phí. Một kết quả dương làm tăng tình thế ròng của doanh nghiệp phù hợp với nguyên lí theo đó biến thiên của một kho là một luồng. Hệ thống tài khoản quốc gia Pháp, xoay quanh việc tính toán sản xuất, đo đạc những những thành tố của cầu và phân phối tổng thu nhập, ưu tiên cho cách nhìn dưới góc độ luồng do ảnh hưởng keynesian và do những vấn đề thông tin thống kê. Tuy nhiên những tài khoản di sản cũng được dần dần đưa vào.

▶ BUSHAW D. W. & CLOWER R. J., “Price Determination in a Stock-flow Economy”, Econometrica, July 1954, vol. 22, p. 32-343. – HICKS J. R., Capital and Growth, London, Oxford University Press, 1965 (chương 8-11, p. 84-127). – SHONE R., Economic Dynamics, Cambridge, Cambridge University Press, 1997.

Jean-Marie Lepage

Giáo sư đại học Angers

Nguyễn Đôn Phước dịch

® Của cải; Kế toán; Tài khoản quốc gia; Thời gian.

Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001.

Chú thích:

[*] hợp đồng đoàn kết (contrat solidarité) là một hợp đồng lao động dành cho người thất nghiệp trong chương trình chống thất nghiệp của Pháp (ND).

————————&&&————————

Đẳng thức đối lại đồng nhất thức

Đẳng thức đối lại đồng nhất thức

(Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com)

Equality vs Identity

Jacques Lecaillon (1925-2014)

Trong kinh tế học, khái niệm đẳng thức gắn chặt với khái niệm cân bằng. Ví dụ, người ta nói là một thị trường ở thế cân bằng khi cung và cầu bằng nhau; trong trường hợp này không có dư cung lẫn dư cầu khiến cho có thể đạt đến một giá cân bằng; giá cân bằng là giá duy nhất có thể được duy trì lâu dài; ở giá này mỗi tác nhân trao đổi những lượng sản phẩm mình muốn. Ngược lại, mọi bất đẳng thức, trong chiều này hay chiều khác, giữa những lượng được cung và được cầu kéo theo sự hụt hẫng của một số tác nhân và việc khởi động của những lực, mà trên nguyên tắc, sẽ lập lại giá cân bằng. Quá trình này thường đòi hỏi thời gian cho nên các giá chênh lệch ít hay nhiều khỏi mức giá cân bằng của chúng.

Tuy nhiên, trong tất cả mọi trường hợp, nếu có diễn ra những cuộc trao đổi, tất yếu ta sẽ nhận thấy sự bằng nhau giữa giá trị những mua sắm và giá trị những bán buôn được thực hiện; người ta nói là có một đồng nhất thức và điều này không kéo theo sự tồn tại của một tình thế cân bằng của thị trường. Nói cách khác, khái niệm đồng nhất thức thể hiện một sự tương đương thường xuyên, đo được hay có tính kế toán, giữa hai đại lượng, trong lúc đẳng thức kinh tế của hai đại lượng này chỉ là kết quả của một quá trình điều chỉnh những sở thích hay những dự án của các tác nhân có liên quan. Sự phân biệt giữa đẳng thức và đồng nhất thức có nhiều ứng dụng quan trọng trong kinh tế học vi mô lẫn kinh tế học vĩ mô.

Léon Walras (1834-1910)

Lí thuyết walrasian về cân bằng chung dựa trên sự tương đương giữa giá trị của toàn bộ những mua sắm và giá trị của toàn bộ những bán buôn được hoàn thành, một tương đương được gọi một cách chính xác là “đồng nhất thức Walras” và nghiệm đúng với bất kì hệ thống giá cả nào, để chứng minh rằng nếu có cân bằng trên (N – 1) thị trường thì sẽ tự động có cân bằng trên thị trường thứ N. Do đó cân bằng chung được mô tả bởi (N – 1) phương trình, phương trình thứ N là dôi thừa. Về phần những ẩn số, số ẩn số có thể rút xuống còn (N – 1) bằng cách chia những N giá với giá của một trong những N sản phẩm được xem xét và được coi như sản phẩm thước đo. Những ẩn số là giá của (N – 1) sản phẩm chia cho giá của sản phẩm thước đo. Do giả định là không có cuộc trao đổi nào được tiến hành một khi những giá này chưa được xác định nên đồng nhất thức Walras được lồng trong một hệ thống mô tả việc thực hiện đồng thời của cân bằng trên một tập những thị trường phụ thuộc lẫn nhau.

Tuy nhiên, giả thiết cân bằng chỉ có tính thực tế khi giá cả là hoàn toàn linh hoạt, ví dụ như trên những thị trường chứng khoán. Khi không có bất kì tác nhân nào được giao nhiệm vụ tìm ra giá cân bằng thì hầu hết những giao dịch được tiến hành ở ngoài thế cân bằng; tất cả những trao đổi mong muốn không thể hoàn thành được và một số tác nhân sẽ bị hạn mức.

Lí thuyết kinh tế hiện đại nghiên cứu việc xác định những cung và cầu thực tế và việc lan truyền những mất cân bằng (những bất đẳng thức giữa cung và cầu mong muốn) từ thị trường này sang thị trường khác. Nhưng tất nhiên là những giao dịch thực hiện nghiệm đúng những đồng nhất thức kế toán truyền thống. Về phần mình lí thuyết keynesian xác định cân bằng kinh tế vĩ mô bằng đẳng thức tiết kiệm và đầu tư. Đẳng thức này giả định là số tiền đầu tư được các doanh nghiệp dự kiến khớp với số tiền tiết kiệm mà các hộ gia đình dự kiến tích luỹ để đầu tư. Nếu điều này không xảy ra thì các nhà đầu tư hay tiết kiệm thất vọng vì thấy sự hoàn thành không hoàn hảo của những kế hoạch của bản thân sẽ hành động sao cho họ khởi động một chuyển dịch trở về thế cân bằng; nhưng chuyển động này đòi hỏi thời gian.

Ngược lại, đẳng thức kế toán của tiết kiệm và đầu tư nghiệm đúng ở mọi thời điểm hay mọi thời kì. Nếu ta không tính đến tài chính công và những quan hệ với nước ngoài thì có một đồng nhất thức giữa giá trị của sản xuất theo giá hiện hành và tổng giá trị của những bán buôn sản phẩm tiêu dùng và sản phẩm đầu tư (miễn là phải xem việc tích luỹ có thể của tồn kho không bán được như một dạng đầu tư). Mặt khác có đồng nhất thức giữa giá trị của sản xuất và tổng những thu nhập được phân phối; những thu nhập này có thể được tiêu dùng bằng việc mua sắm sản phẩm tiêu dùng hay được tiết kiệm. Kết quả là có một đồng nhất thức giữa những thành tố của tổng cầu (tiêu dùng + đầu tư) và những phân bổ của tổng thu nhập (tiêu dùng + tiết kiệm) và do đó, giữa tiết kiệm và đầu tư. Đồng nhất thức này vẫn đúng ngay cả khi thu nhập không ở mức cân bằng vì, theo định nghĩa, tiết kiệm và đầu tư kế toán thật ra chỉ là hai biểu thức của cùng một đại lượng: hiệu giữa thu nhập và tiêu dùng.

Jacques LECAILLON

Giáo sư ưu tú đại học Panthéon-Sorbonne (Paris 1)

Nguyễn Đôn Phước dịch

® Cân bằngKinh tế học vĩ mô; Hệ thống tài khoản quốc gia.

NguồnDictionnaire des sciences économiques, Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry (đồng chủ biên), PUF, Paris, 2001.

———————-&&&————————

Giải Nobel kinh tế 2019: Tiếp cận thực nghiệm để giảm nghèo toàn cầu – Abhijit Banerjee, Esther Duflo & Michael Kremer

Nghiên cứu để giúp đỡ người nghèo trên thế giới

(Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com)

Đâu là cách tốt nhất để thiết kế các biện pháp giảm nghèo trên toàn cầu? Với những nghiên cứu tiên tiến dựa trên các thí nghiệm thực địa, Abhijit BanerjeeEsther Duflo và Michael Kremer đã đặt nền móng để trả lời câu hỏi sống còn này của nhân loại.

Trải qua hai thập kỉ, mức sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. An sinh kinh tế (tính theo GDP bình quân đầu người) tăng gấp đôi ở các nước nghèo nhất từ năm 1995 đến 2018. Tỉ lệ tử vong ở trẻ em đã giảm một nửa so với năm 1995 và Tỉ lệ trẻ em đi học đã tăng từ 56% đến 80%.

Bất chấp những tiến bộ này, nhiều thách thức khổng lồ vẫn hiện hữu. Còn hơn 700 triệu người vẫn sống trên mức thu nhập cực thấp. Hàng năm, 5 triệu trẻ em chết trước lần sinh nhật thứ 5, thường là do các bệnh có thể được ngăn ngừa hoặc được chữa khỏi bằng các phương pháp điều trị tương đối rẻ tiền và đơn giản. Một nửa số trẻ em trên thế giới khi rời ghế nhà trường mà không có kĩ năng đọc viết và làm toán cơ bản.

Một cách tiếp cận mới để giảm nghèo trên toàn cầu

Để chống lại đói nghèo trên toàn cầu, chúng ta phải xác định các cách thức hành động hiệu quả nhất. Những người đoạt giải năm nay đã chỉ ra rằng chúng ta có thể giải quyết được vấn đề này bằng việc chia nhỏ nó thành một số câu hỏi nhỏ hơn — nhưng chính xác hơn — ở cấp độ cá nhân hoặc nhóm. Sau đó họ trả lời từng câu hỏi một bằng cách sử dụng thí nghiệm thực địa (field experiment) được thiết kế đặc biệt. Chỉ trong hơn 20 năm, phương pháp này đã hoàn toàn tái định hình cách thức chúng ta nghiên cứu trong lĩnh vực được biết đến dưới tên gọi là kinh tế học phát triển. Nghiên cứu mới này hiện đang cung cấp một dòng kết quả cụ thể ổn định, góp phần giảm bớt các vấn đề của nghèo đói trên toàn cầu.

Phần lớn cách biệt về năng suất lao động giữa nước có thu nhập thấp và nước có thu nhập cao là do những cách biệt trong bản thân các nước có thu nhập thấp.

Từ lâu chúng ta đã nhận thức được những cách biệt khổng lồ về năng suất trung bình giữa nước giàu và nước nghèo. Tuy nhiên, như Abhijit Banerjee và Esther Duflo lưu ý, năng suất cách biệt đáng kể, không chỉ giữa nước giàu và nước nghèo mà còn trong các nước nghèo. Một số cá nhân hoặc công ty sử dụng các công nghệ mới nhất, trong khi những cá nhân hoặc công ty khác (sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự) sử dụng các phương tiện sản xuất lỗi thời. Năng suất trung bình thấp phần lớn là do một số cá nhân và công ty chững lại phía sau. Liệu điều này có phản ánh sự thiếu tín dụng, chính sách được thiết kế kém hay do mọi người thấy khó đưa ra được một quyết định đầu tư hợp lí? Phương pháp nghiên cứu được thiết kế bởi các nhà nghiên cứu đoạt giải năm nay liên quan đến chính xác những loại câu hỏi này.

Các thí nghiệm ban đầu trong trường học

Các nghiên cứu ban đầu của những nhà nghiên cứu đoạt giải đã xem xét cách xử lí các vấn đề liên quan đến giáo dục. Cách can thiệp nào giúp nâng cao đầu ra giáo dục với chi phí thấp nhất? Ở các nước có thu nhập thấp, sách giáo khoa thì khan hiếm còn trẻ em thường đi học với bụng đói. Kết quả học tập của học sinh sẽ được cải thiện hơn nếu chúng có thêm nhiều sách giáo khoa? Hay nếu ở trường có những bữa ăn miễn phí? Vào giữa những năm 1990, Michael Kremer và các đồng nghiệp đã quyết định chuyển một phần nghiên cứu từ các trường đại học ở miền Đông Bắc Hoa Kì đến vùng nông thôn phía tây Kenya để trả lời các loại câu hỏi này. Họ thực hiện một số thí nghiệm thực địa hợp tác với một tổ chức phi chính phủ (NGO) địa phương.

Trong các thí nghiệm thực địa của các nhà nghiên cứu đoạt giải, sách giáo khoa và các bữa ăn miễn phí tại trường có ảnh hưởng nhỏ, trong khi trợ giúp đặc biệt cho các học sinh yếu giúp cải thiện đáng kể đầu ra giáo dục.

Tại sao các nhà nghiên cứu chọn sử dụng các thí nghiệm thực địa? Vâng, nếu bạn muốn kiểm tra ảnh hưởng của việc có nhiều sách giáo khoa hơn lên kết quả học tập của học sinh, thì một phép so sánh đơn giản giữa kết quả của các trường học với nguồn sách giáo khoa khác nhau không phải là một cách tiếp cận thực tế. Các trường học có thể khác nhau theo nhiều cách: những gia đình giàu có thường mua nhiều sách hơn cho con cái, điểm số do đó có thể sẽ tốt hơn ở ngôi trường có ít học sinh thực sự nghèo, v.v.. Một cách để vượt qua những trở ngại này là đảm bảo rằng các trường được so sánh có cùng các đặc điểm trung bình. Có thể làm điều này bằng cách xếp ngẫu nhiên các trường vào các nhóm khác nhau để so sánh — một nhận thức sâu cổ xưa vốn là nền tảng của các thử nghiệm trong khoa học tự nhiên và y học. Trái ngược với thử nghiệm lâm sàng truyền thống, những nhà nghiên cứu đoạt giải đã sử dụng các thí nghiệm thực địa, trong đó họ nghiên cứu cách thức các cá nhân hành xử trong môi trường hàng ngày của họ.

Kremer và các đồng nghiệp của ông đã lấy một số lượng lớn các trường học cần hỗ trợ đáng kể và chia ngẫu nhiên họ vào các nhóm khác nhau. Các trường trong các nhóm này đều nhận được thêm các nguồn lực, nhưng ở các hình thức khác nhau và tại các thời điểm khác nhau. Trong một nghiên cứu, một nhóm được tặng thêm sách giáo khoa, trong khi một nghiên cứu khác xem xét hiệu quả của những bữa ăn tại trường miễn phí. Bởi vì sự ngẫu nhiên quyết định trường nào được cái gì, ở đây không có sự khác biệt trung bình giữa các nhóm khác nhau khi thí nghiệm bắt đầu. Các nhà nghiên cứu, do đó, có thể một cách đáng tin liên kết sự khác biệt trong kết quả học tập sau này với các hình thức hỗ trợ khác nhau. Các thí nghiệm cho thấy rằng dù là có nhiều sách giáo khoa hay có bữa ăn miễn phí ở trường cũng không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nếu sách giáo khoa có bất kì tác động tích cực nào, thì điều này chỉ đúng cho những học sinh giỏi nhất mà thôi.

Các thí nghiệm thực địa về sau đã chỉ ra rằng vấn đề chính ở nhiều nước có thu nhập thấp không phải là thiếu nguồn lực. Thay vào đó, vấn đề lớn nhất là việc dạy học thiếu thích hợp với nhu cầu của học sinh. Trong những thí nghiệm đầu tiên trong số này, Banerjee, Duflo và các cộng sự đã nghiên cứu các chương trình học gia sư cho học sinh ở hai thành phố của Ấn Độ. Các trường học ở Mumbai và Vadodara đã có thêm những người trợ giảng mới, những người sẽ hỗ trợ các học sinh có nhu cầu đặc biệt. Những trường học này được phân vào các nhóm khác nhau một cách khéo léo và ngẫu nhiên, cho phép các nhà nghiên cứu đo lường một đáng tin cậy tác dụng của trợ giảng. Thí nghiệm rõ ràng cho thấy rằng trợ giảng cho những học sinh yếu nhất là một biện pháp hiệu quả trong ngắn hạn và trung hạn.

Theo sau những nghiên cứu ban đầu ở Kenya và Ấn Độ, nhiều thí nghiệm mới ở các quốc gia khác đã được thực hiện, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như sức khỏe, tiếp cận tín dụng và áp dụng tiến bộ công nghệ. Ba nhà nghiên cứu đoạt giải đã đi đầu trong nghiên cứu này. Nhờ các công trình của họ, thí nghiệm thực địa đã trở thành phương pháp tiêu chuẩn của các nhà kinh tế phát triển khi nghiên cứu tác dụng của các biện pháp trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Các thí nghiệm thực địa kết hợp cùng lí thuyết

Các thí nghiệm được thiết kế tốt có độ tin cậy rất cao — chúng có tính hợp lệ bên trong/tính hợp thức nội tại của phương pháp nghiên cứu (internal validity)[1]. Phương pháp này đã được được sử dụng rộng rãi trong các thử nghiệm lâm sàng truyền thống trên các dược phẩm mới, vốn có những người tham gia được tuyển chọn đặc biệt. Câu hỏi chính thường là liệu một phương pháp điều trị cụ thể có tác động đáng kể về mặt thống kê không.

Các thí nghiệm được thiết kế bởi những nhà nghiên cứu đoạt giải năm nay có hai tính chất đặc biệt. Đầu tiên, những người tham gia đưa ra quyết định thực sự trong môi trường hàng ngày của họ, trong cả nhóm được xử lí và trong nhóm đối chứng. Điều này có nghĩa là kết quả thử nghiệm một biện pháp chính sách mới, lấy ví dụ, thường có thể được áp dụng trên hiện trường.

Thứ hai, những nhà nghiên cứu đoạt giải dựa vào nhận thức sâu nền tảng rằng phần lớn những gì chúng ta muốn cải thiện (chẳng hạn như đầu ra giáo dục) phản ánh nhiều quyết định cá nhân (ví dụ của các học sinh, phụ huynh và giáo viên). Do đó, các cải tiến bền vững đòi hỏi một sự hiểu biết về lí do tại sao mọi người ra quyết định — các động lực thúc đẩy ẩn sau các quyết định của họ. Banerjee, Duflo và Kremer không chỉ kiểm tra xem liệu một can thiệp nào đó có hiệu quả (hay không), mà còn trả lời câu hỏi tại sao.

Để nghiên cứu các khuyến khích, hạn chế và thông tin thúc đẩy quyết định của người tham gia, những nhà nghiên cứu đoạt giải [năm nay] đã sử dụng lý thuyết hợp đồng và kinh tế học hành vi, đây cũng là hai lĩnh vực được trao Giải thưởng Khoa học Kinh tế [để tưởng nhớ Nobel] năm 2016 và 2017.

Khái quát hóa các kết quả

Một vấn đề mấu chốt là liệu các kết quả của thí nghiệm có tính hợp lệ bên ngoài/tính hợp lệ của đối tượng nghiên cứu (external validity)[2] hay không — nói cách khác, liệu các kết quả có áp dụng được trong các bối cảnh khác không. Có thể khái quát hóa kết quả của thí nghiệm ở các trường học của Kenya đến các trường ở Ấn Độ không? Liệu có khác biệt nào giữa một NGO chuyên biệt hay một cơ quan công quyền quản lí một can thiệp cụ thể được thiết kế để cải thiện sức khỏe [người dân]? Điều gì xảy ra nếu một can thiệp mang tính thử nghiệm được nhân rộng từ một nhóm nhỏ các cá nhân lên bao gồm nhiều người hơn? Liệu can thiệp này có ảnh hưởng đến các cá nhân bên ngoài nhóm can thiệp, khi họ bị loại ra không được tiếp cận với các tài nguyên khan hiếm hay khi đối mặt với giá cả cao hơn?

Những nhà nghiên cứu đoạt giải cũng đã đi đầu trong nghiên cứu về vấn đề tính hợp lệ bên ngoài/tính hợp lệ của đối tượng nghiên cứu [hay tính khái quát hóa – ND] và đã phát triển phương pháp mới xem xét các hiệu ứng lấn át (crowding-out effect)[3] và các hiệu ứng lan tỏa (spillover effect) khác. Liên kết chặt chẽ các thí nghiệm với lí thuyết kinh tế cũng làm tăng khả năng khái quát hóa các kết quả, bởi các khuôn mẫu hành vi cơ bản thường vẫn hợp lệ trong các bối cảnh lớn hơn.

Các kết quả cụ thể

Dưới đây, chúng tôi cung cấp một vài ví dụ về các kết luận cụ thể được rút ra từ loại nghiên cứu được khởi xướng bởi những nhà nghiên cứu đoạt giải, với sự nhấn mạnh vào các nghiên cứu riêng của họ.

Giáo dục: Giờ đây chúng ta đã có một quan điểm rõ ràng về các vấn đề cốt lõi của nhiều trường học của các nước nghèo. Chương trình giảng dạy và cách giảng dạy không phù hợp với nhu cầu của học sinh. Tỉ lệ vắng mặt của giáo viên cao và các thể chế giáo dục nhìn chung là yếu.

Nghiên cứu được đề cập ở trên của Banerjee, Duflo và các cộng sự cho thấy việc hỗ trợ đặc biệt cho học sinh yếu có tác động tích cực mạnh mẽ, kể cả trong trung hạn. Nghiên cứu này là sự khởi đầu của một quá trình mang tính tương tác, trong đó kết quả nghiên cứu mới đi đôi với các chương trình quy mô ngày càng lớn để hỗ trợ học sinh. Các chương trình này hiện đã vươn đến hơn 100.000 ngôi trường ở Ấn Độ.

Các thí nghiệm thực địa khác điều tra sự thiếu vắng các khuyến khích và trách nhiệm rõ ràng cho giáo viên, vốn được phản ánh qua mức độ vắng mặt cao. Một cách để thúc đẩy động lực cho giáo viên là sử dụng các hợp đồng ngắn hạn mà có thể được gia hạn nếu họ đạt kết quả tốt. Duflo, Kremer và cộng sự đã so sánh tác dụng của tuyển dụng giáo viên với các điều khoản này với việc giảm tỉ lệ học sinh-giáo viên bằng cách xếp ít học sinh hơn cho mỗi giáo viên làm việc lâu dài. Họ tìm ra rằng học sinh có giáo viên làm việc theo hợp đồng ngắn hạn có kết quả kiểm tra tốt hơn đáng kể, nhưng xếp ít học sinh hơn cho mỗi giáo viên làm việc lâu dài không có tác dụng đáng kể.

Nhìn chung, nghiên cứu mới dựa trên thực nghiệm này về giáo dục ở các nước có thu nhập thấp cho thấy rằng bổ sung nguồn lực, nói chung, có ảnh hưởng hạn chế. Song cải cách giáo dục sao cho thích hợp việc dạy với học nhu cầu của học sinh mang lại giá trị to lớn. Cải thiện quản trị trường học và đòi hỏi trách nhiệm từ những giáo viên không làm tròn nhiệm vụ cũng là biện pháp có hiệu quả về mặt chi phí.

Sức khỏe: Một vấn đề quan trọng là liệu thuốc và chăm sóc sức khỏe có nên tính phí hay không và nếu có thì đến mức nào. Một thí nghiệm thực địa của Kremer và đồng tác giả đã điều tra xem nhu cầu về thuốc tẩy giun khi nhiễm kí sinh trùng bị ảnh hưởng như thế nào bởi giá cả. Họ thấy rằng 75% cha mẹ cho con họ uống những viên thuốc này khi thuốc miễn phí, so với 18% khi chúng có giá thấp hơn một đô-la Mỹ, vốn đã được trợ cấp rất nhiều. Sau đó, nhiều thí nghiệm tương tự có kết quả y hệt: người nghèo cực kì nhạy cảm với giá cả liên quan đến các khoản đầu tư vào chăm sóc y tế mang tính phòng ngừa.

Dịch vụ khả dụng hơn và khuyến khích mạnh mẽ hơn cải thiện tỉ lệ tiêm chủng

Chất lượng dịch vụ thấp là một lời giải thích khác tại sao các gia đình nghèo đầu tư quá ít cho các biện pháp phòng ngừa. Một ví dụ là nhân viên tại các trung tâm y tế chịu trách nhiệm tiêm chủng thường nghỉ việc. Banerjee, Duflo và các cộng sự điều tra liệu các trạm y tế tiêm chủng di động — nơi nhân viên chăm sóc luôn có mặt — có thể khắc phục vấn đề này. Tỉ lệ tiêm chủng tăng gấp ba lần ở các ngôi làng được chọn ngẫu nhiên để đón các phòng khám này, ở mức 18% so với 6%. Con số này tăng hơn nữa, lên 39%, nếu các gia đình nhận được một túi đậu lăng như một phần quà khi họ tiêm chủng con cái. Bởi vì trạm y tế di động có chi phí cố định cao, tổng chi phí trên mỗi lần tiêm chủng thực sự giảm một nửa, dù tính cả chi phí bổ sung của đậu lăng.

Tính duy lí hạn chế: Trong nghiên cứu về tiêm chủng, các ưu đãi và sự chăm sóc tốt hơn không giải quyết hoàn toàn vấn đề, vì 61% trẻ em vẫn chỉ được tiêm chủng một phần. Tỉ lệ tiêm chủng thấp ở nhiều nước nghèo có thể có những nguyên nhân khác, một trong số đó là do người dân không phải lúc nào cũng hoàn toàn duy lí. Lời giải thích này cũng có thể là chìa khóa cho các quan sát khác mà, ít nhất là ban đầu, có vẻ khó hiểu.

Một quan sát như vậy là nhiều người miễn cưỡng áp dụng công nghệ hiện đại. Trong thí nghiệm thực địa được thiết kế khéo léo, Duflo, Kremer và các cộng sự tìm hiểu lí do tại sao các hộ sản xuất nhỏ — đặc biệt là ở vùng Châu Phi Hạ Sahara — không áp dụng những đổi mới tương đối đơn giản, như phân bón nhân tạo, mặc dù chúng sẽ cung cấp những lợi ích tuyệt vời. Một lời giải thích là sự thiên về hiện tại trong nhận thức (present bias) — nhận thức về hiện tại chiếm phần lớn trong nhận thức của mọi người, vì vậy họ có xu hướng trì hoãn các quyết định đầu tư. Khi ngày mai đến, họ một lần nữa đối mặt với quyết định tương tự, và một lần nữa chọn trì hoãn đầu tư. Kết quả có thể là một vòng tròn luẩn quẩn trong đó các cá nhân không đầu tư vào tương lai mặc dù họ có lợi ích lâu dài khi làm vậy.

Tính duy lí hạn chế có ý nghĩa quan trọng trong thiết kế chính sách. Nếu các cá nhân thiên về hiện tại trong nhận thức, thì trợ cấp tạm thời tốt hơn trợ cấp lâu dài: một đề xuất chỉ áp dụng ở đây và ngay bây giờ làm giảm động cơ trì hoãn đầu tư. Đây chính xác là những gì Duflo, Kremer và các cộng sự phát hiện được trong thí nghiệm của họ: trợ cấp tạm thời có tác dụng lớn hơn đáng kể trong việc sử dụng phân bón so với trợ cấp lâu dài.

Tín dụng vi mô: Các nhà kinh tế phát triển cũng sử dụng các thí nghiệm thực địa để đánh giá các chương trình đã được thực hiện trên quy mô lớn. Một ví dụ là việc phát hành hàng loạt các khoản vay nhỏ lẻ ở nhiều quốc gia khác nhau, tạo ra sự lạc quan tuyệt vời.

Banerjee, Duflo và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu ban đầu về một chương trình tín dụng vi mô tập trung vào người nghèo các hộ gia đình ở thành phố lớn Hyderabad của Ấn Độ. Thí nghiệm thực địa của họ cho thấy một tác động tích cực khá khiêm tốn lên đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ hiện có, song họ không tìm thấy ảnh hưởng nào lên tiêu dùng hoặc các chỉ số phát triển khác, kể cả trong 18 hay 36 tháng. Các thí nghiệm thực địa tương tự, ở các nước như Bosnia-Herzegovina, Ethiopia, Morocco, Mexico và Mông Cổ, đã cho ra kết quả tương tự.

Tác động lên chính sách

Công trình của những nhà nghiên cứu đoạt giải đã có tác động rõ ràng lên chính sách, cả trực tiếp và gián tiếp. Đương nhiên, ta không thể đo lường chính xác tầm quan trọng của nghiên cứu của họ trong việc định hình chính sách của các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, đôi khi ta có thể vẽ một đường thẳng từ nghiên cứu đến chính sách.

Một số nghiên cứu chúng tôi đề cập ở trên đã thực sự có tác động trực tiếp đến chính sách. Các nghiên cứu về việc dạy kèm cuối cùng tạo bệ phóng cho các chương trình hỗ trợ quy mô lớn hiện đã vươn đến hơn năm triệu trẻ em Ấn Độ. Các thí nghiệm tẩy giun không chỉ cho thấy tẩy giun mang lại lợi ích sức khỏe rõ ràng cho học sinh, mà còn chỉ ra các bậc phụ huynh rất nhạy cảm về giá. Phù hợp với các kết quả này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng thuốc cần được phân phát miễn phí cho hơn 800 triệu học sinh sống ở những khu vực mà hơn 20% trong đó nhiễm một loại giun kí sinh cụ thể.

Cũng có những ước tính xấp xỉ về việc những kết quả nghiên cứu này đã tác động lên bao nhiêu người. Một ước tính như vậy xuất phát từ mạng lưới nghiên cứu toàn cầu mà hai trong số những người đoạt giải giúp thành lập (J-PAL); các chương trình đã được nhân rộng sau khi được các nhà nghiên cứu trong mạng lưới đánh giá lên đến hơn 400 triệu người. Tuy nhiên, điều này rõ ràng không đánh giá trọn vẹn tổng các tác động của nghiên cứu, bởi vì không phải mọi nhà kinh tế phát triển đều liên kết với J-PAL. Làm việc để đấu tranh chống nghèo đói cũng bao gồm việc không ném tiền vào các biện pháp không hiệu quả. Chính phủ và các tổ chức đã đổ các nguồn lực quan trọng cho các biện pháp hiệu quả hơn bằng cách đóng cửa nhiều chương trình được đánh giá không hiệu quả bằng các phương pháp đáng tin cậy.

Nghiên cứu của những người đoạt giải cũng có ảnh hưởng gián tiếp, bằng cách thay đổi cách các cơ quan công cộng và tổ chức tư nhân làm việc. Để đưa ra quyết định tốt hơn, ngày càng nhiều các tổ chức chống đói nghèo trên toàn cầu bắt đầu một cách có hệ thống đánh giá các biện pháp mới, thường là với các thí nghiệm thực địa.

Những nhà nghiên cứu đoạt giải năm nay đã đóng vai trò quyết định trong tái định hình nghiên cứu trong kinh tế học phát triển. Chỉ sau 20 năm, chủ đề này đã trở thành một lĩnh vực thành công, chủ yếu mang tính thực nghiệm, trong kinh tế học dòng chính. Nghiên cứu dựa trên thực nghiệm mới này vốn đã giúp giảm nghèo trên toàn cầu và đồng thời sở hữu tiềm năng lớn để tiếp tục cải thiện cuộc sống của những người nghèo nhất trên hành tinh này.

Thông tin thêm

Esther Duflo trong một bài TED nói về nghiên cứu của mình: Thực nghiệm xã hội để chống lại nghèo đói.

Michael Kremer trong một bài giảng trên YouTube: Nguồn gốc và sự phát triển của các Thí nghiệm Ngẫu nhiên trong Phát triển.

ĐỌC THÊM

Thông tin bổ sung về giải thưởng năm nay, bao gồm một nền tảng khoa học bằng tiếng Anh, có sẵn trên web của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, www.kva.se, và tại www.nobelprize.org, bao gồm các video họp báo, các Bài giảng Nobel và nhiều hơn nữa. Thông tin về triển lãm và hoạt động liên quan đến giải thưởng Nobel và Giải thưởng Khoa học Kinh tế có sẵn tại www.nobelprizemuseum.se.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel 2019 cho

ABHIJIT BANERJEE

Ông sinh vào năm 1961 tại Mumbai, Ấn Độ. Lấy bằng Tiến sĩ vào năm 1988 từ Đại học Harvard, Cambridge, Hoa Kì. Hiện đang là Giáo sư Quốc tế Quỹ Ford về Kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Hoa Kì.

ESTHER DUFLO

Bà sinh vào năm 1972 tại Paris, Pháp. Lấy bằng Tiến sĩ vào năm 1999 từ Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Hoa Kì. Hiện đang là Giáo sư Abdul Latif Jameel về Giảm nghèo và Kinh tế Phát triển tại Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Hoa Kì.

MICHAEL KREMER

Ông sinh vào năm 1964. Lấy bằng Tiến sĩ vào năm 1992 từ Đại học Harvard, Cambridge, Hoa Kì. Hiện đang là Giáo sư Gates về Phát triển Xã hội tại Đại học Harvard, Cambridge, Hoa Kì.

“cho cách tiếp cận thực nghiệm của họ để giảm nghèo trên toàn cầu”

Các nhà biên tập khoa học: Jakob Svensson, Peter Fredriksson và Torsten Persson, Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel

Người vẽ ảnh minh họa: ©Johan Jarnestad/Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển

Người dịch [từ tiếng Thụy Điển ra tiếng Anh]: Clare Barnes

Người biên tập: Eva Nevelius

©The Royal Swedish Academy of Sciences

GIẢI THƯỞNG KHOA HỌC KINH TẾ [ĐỂ TƯỞNG NHỚ NOBEL] 2019 “VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC HOÀNG GIA THỤY ĐIỂN” WWW.KVA.SE

Đoàn Trọng Sang  Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: Research to help the world’s poorNobel Prize, Oct 14, 2019.

Chú thích của người dịch:

[1] Tính hợp lệ bên trong/tính hợp thức nội tại của phương pháp nghiên cứu (Internal validity) gắn chặt với các phương pháp đo lường được sử dụng trong nghiên cứu. Phương pháp đo lường có độ chính xác (accuracy) và độ tin cậy cao (reliability) là yếu tố cần thiết để nâng cao giá trị khoa học của một nghiên cứu.

[2] Tính hợp lệ bên ngoài/tính hợp lệ của đối tượng nghiên cứu (External validity) [còn gọi là tính khái quát hoá] thường gắn chặt với các tiêu chuẩn tuyển chọn đối tượng cho nghiên cứu. Những đặc điểm của đối tượng nghiên cứu có liên quan đến tính khái quát hóa của kết quả nghiên cứu cho một tổng thể lớn hơn.

[3] Hiệu ứng lấn át (crowding out effect) là sự suy giảm chi tiêu cho đầu tư của khu vực tư nhân khi chính phủ tăng chi tiêu.

Xem thêm: https://vietnamfinance.vn/hieu-ung-lan-at-la-gi-20180504224210452.htm

——————–&&&——————-

Thị trường tranh chấp được

Thị trường tranh chấp được

(Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com)

Contestable market

➨ Giải Nobel: STIGLER, 1982

Mọi thị trường còn đón nhận được những nhà sản xuất mới có khả năng cạnh tranh về mặt kĩ thuật trên một thế hoàn toàn bình đẳng với những nhà sản xuất đã có mặt trước đó, là một thị trường “tranh chấp được”, nghĩa là một thị trường trên đó giá không thể được xác lập lâu dài trên mức chi phí cận biên, miễn là mỗi bên tham gia cũng có thể rút ra khỏi thị trường mà không phải gánh chịu những chi phí được gọi là “không thu hồi được” (sunk costs).

Bằng cách chứng minh là, trong những điều kiện trên, cường độ của cạnh tranh không tất yếu phụ thuộc vào số những doanh nghiệp đối thủ, không thể phủ nhận là W. Baumol, J. C. Panzar và R. Willig (sau đây được viết tắt là BPW) đã góp phần làm phong phú phân tích lí thuyết về hoạt động của các thị trường và đẩy mô hình của lí thuyết tân cổ điển truyền thống xuống hàng trường hợp đặc biệt của một cách tiếp cận tổng quát hơn của lí thuyết tĩnh về cạnh tranh. Nếu, tất nhiên, thiết kế tri thức này không tránh được nhiều phê phán nghiêm trọng thì nó cũng cung cấp được nhiều điểm mốc cho những giới chức, trong hầu hết những nước phát triển, được giao trách nhiệm theo dõi việc duy trì một mức độ cạnh tranh đủ trên các thị trường.

▶ ANDREW P. W. S., “Industrial analysis in economics with special reference to Marshallian doctrine”, Oxford Studies in the Price Mechanism, 1951. – BAUMOL W., & WILLIG R.,Contestability: Development since the Book in Structural Behavior and Industrial Competition, Oxford University Press, 1986. – BAUMOL W., & KUY SIK LEE, “La théorie des marchés contestables”, Problèmes économiques, n0 2243 du 2 occtobre 1991. – BAUMOL W., PANZARR J. C. & WILLIG, Contestable Markets amd the Theory of Industry Structure, Harcourt Brace, 1982. – ENCAOUA D. & MOREAUX M., “L’analyse théorique des problèmes de tarification et d’allocation des coûts dans les télécommunications”, Revue économique, vol. 28, n0 2, mars 1997. – GAFFARD  L.,  Économie industrielle et de linnovation, Paris, Dalloz, 1990. – GLAIS M., Économie industrielle, Paris, Litec, 1992. – HAY D. & MORRIS D., Industrial Economics and organisation, Oxford University Press, 1991. – JACQUENIN A., Sélection et pouvoir dans la nouvelle économie industrielle, Paris, Economica/Cabay, 1985. – SCHWARTZ M., “The nature and scope of contestability theory”, Oxford Economic Papers, 28, 1986 (supplement 37-57). –SHEPHERD W. G., “Contestability and competition”, American Economic Review, 74, 1984. –SPENCE A. M., “Contestable markets and the theory of industry structure: a review article”,Journal of Economic Literature, 21, 1983.

Michel Glais

Giáo sư đại học Rennes 1

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001

➨ Cạnh tranh; Tự do (học thuyết); Đổi mới; Kinh tế học công nghiệp; Luật cạnh tranh; Marshall; Phi qui định hoá.

————————&&&————————

 

Hàm sản xuất và Big Data

Hàm sản xuất và Big Data

(Tác giả: Lê Hồng Giang)

Kinh tế học sử dụng khái niệm hàm sản xuất rất phổ biến. Đại loại một nền kinh tế hay một doanh nghiệp được coi như một cỗ máy sử dụng đầu vào là vốn (K) và nhân công (L) để tạo ra sản phẩm (Y ). Viết thành công thức toán là Y = f(K,L). Một hàm sản xuất (hay một nền kinh tế) thường có đặc tính “constant returns to scale”, nghĩa là nếu tăng cả vốn lẫn nhân công lên gấp đôi thì sản lượng cũng tăng lên gấp đôi: f(2*K, 2*L) = 2*Y.

Nhiều lý thuyết/ý tưởng trong kinh tế xoay quanh hàm sản xuất này. Có thể kể đến Thomas Malthus cho rằng Y = f(K,L,R), R là các loại tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, khoáng sản, không thể tăng lên mãi. Do đó hàm f sẽ trở thành “diminishing returns to scale” dẫn đến Y (mà Malthus chỉ đề cập đến lương thực) không thể tăng kịp với dân số (L). Karl Marx cho rằng K và L do 2 nhóm người khác nhau sở hữu và sản phẩm Y làm ra được phân chia không đồng đều cho 2 nhóm này. Những người sở hữu tư bản được hưởng nhiều hơn so với phần đóng góp của K trong hàm f, do đó giới lao động L bị bóc lột.

Gần đây hơn Paul Romer, người vừa được giải Nobel kinh tế năm rồi, cho rằng thực ra hàm sản xuất phải là Y = f(K, AL), trong đó AL là augmented labour, nghĩa là không chỉ đơn thuần là số lượng nhân công (hay số giờ làm) mà bao gồm cả trình độ/năng suất lao động của họ (thông qua công nghệ). Một lập luận quan trọng của Romer là hàm sản xuất này có tính chất “increasing returns to scale”, nghĩa là nếu K và AL tăng lên gấp đôi thì sản lượng Y tăng lên nhiều hơn thế (thông qua một feedback loop). Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc giáo dục và R&D cho tăng trưởng.

Ý tưởng mới nhất liên quan đến hàm sản xuất nói trên là đưa một biến số (đầu vào) mới: dữ liệu (lớn). Nôm na là Y = f(K, L, D), trong đó data là dữ liệu. Đến giờ này không còn ai nghi ngờ data là một “nguyên liệu” quan trọng cho hầu hết các doanh nghiệp (cả sản xuất lẫn dịch vụ). Lưu ý data ở đây khác với technology là thứ đã được các nhà kinh tế trước đây đưa vào hàm sản xuất. Data chỉ là “nguyên liệu” đầu vào, technology là thuật toán để phân tích/xử lý chúng.

Một điểm đặc biệt của thứ “nguyên liệu” mới này doanh nghiệp/nền kinh tế có thể tự tạo ra chúng, tương tự như tích lũy tư bản K trước đây. Và cũng tương tự như vấn đề chủ sở hữu tư bản (K) “bóc lột” người lao động (L) trước đây, phần phân bổ sản phẩm cho D sẽ rơi hết vào tay chủ sở hữu K. Nhưng khác với K vs L, vấn đề sở hữu của data vẫn còn bỏ ngỏ. Google/Facebook có “sở hữu” data của bạn hay không? Ngay cả nếu bạn chấp nhận mình là sản phẩm chứ không phải khách hàng của họ liệu những lợi ích (free search, free social network) họ cho bạn sử dụng có đủ để bù đắp cho việc bạn từ bỏ data của mình hày không?

Một vấn đề nữa là monopoly power của các doanh nghiệp lớn như Google hay Facebook. Họ có nhiều data nên đưa ra các sản phẩm tốt, thu hút được nhiều người tiêu dùng và do vậy thu thập được càng nhiều data hơn nữa. Hàm sản xuất f(K,L,D) trong trường hợp cũng có tính chất “increasing returns to scale” như của Romer. Nhưng khác với Romer, dù kinh tế phát triển tốt hơn liệu bạn có muốn các big brothers đó thu thập hết các dữ liệu liên quan đến cuộc đời của bạn hay không?

Còn rất nhiều câu hỏi phải trả lời, nhưng trước hết phải xây dựng lý thuyết cho hàm sản xuất mới Y = f(K,L,D) đã. Ai sẽ là người được giải Nobel kinh tế cho lý thuyết mới này?

———————–&&&—————————–