Ứng dụng của tài chính định lượng

Ứng dụng của tài chính định lượng

(Nguồn: http://tapchicongthuong.vn/)

ThS. Lê Thị Ngọc Hạnh (Bộ môn Toán – Thống kê, Khoa Kinh tế – Luật, Trường Đại học Tài chính – Marketing)

TÓM TẮT :

Tài chính định lượng là việc sử dụng những công cụ của khoa học tự nhiên vào ngành Tài chính, giúp đưa ra các quyết định tài chính dựa trên những con số cụ thể. Người làm trong lĩnh vực tài chính định lượng cần có kiến thức rộng, hiểu rõ cơ chế của thị trường và khả năng ứng dụng của các công cụ định lượng, đặc biệt là các kiến thức về xác suất, thống kê cơ bản và những kỹ thuật trong xử lý dữ liệu. Bài viết giới thiệu khái niệm về tài chính định lượng, đồng thời nêu rõ những ứng dụng của tài chính định lượng trong thị trường tài chính và chứng khoán cũng như ứng dụng của mô hình định lượng trong cuộc sống.

Từ khóa: tài chính, tài chính định lượng, mô hình định lượng ứng dụng.

1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây, tài chính định lượng được xem như một chuyên ngành mới trong lý thuyết, cũng như thực tiễn ở Việt Nam. Về mặt lý thuyết,  nhiều trường đại học mở các chuyên ngành đào tạo tài chính định lượng, các cơ sở nghiên cứu cũng tham gia vào lĩnh vực này. Về mặt thực tiễn, nhiều ngân hàng, quỹ đầu tư, các công ty tài chính, bảo hiểm,… bắt đầu tuyển các nhân viên thành thạo về kỹ thuật tài chính định lượng.

Tài chính định lượng là một chuyên ngành mới trên thế giới, chỉ bắt đầu từ hơn 30 năm và thực sự phát triển từ 15 năm trở lại đây. Ban đầu, tài chính định lượng được nhắc đến như là ứng dụng của toán học trong việc định giá những sản phẩm phái sinh rất phức tạp, đó cũng là ứng dụng lớn nhất của tài chính định lượng. Tuy nhiên càng về sau, tài chính định càng có nhiều ứng dụng khác trong cuộc sống, sản xuất – kinh doanh, quản trị, quân sự, xây dựng, giao thông, công nghệ thông tin, marketing, trong khoa học và cả trong kinh tế. Những công cụ của  tài chính định lượng cũng rất đa dạng, từ những kiến thức cơ bản đến kiến thức nâng cao. Như vậy, tài chính định lượng là việc sử dụng những công cụ của khoa học Tự nhiên được ứng dụng trong ngành Tài chính giúp chúng ta đưa ra các quyết định tài chính dựa trên những con số cụ thể.

2. Nội dung

2.1. Giới thiệu về tài chính định lượng

Tài chính định lượng là sử dụng công cụ toán học nhằm mục đích dự báo, định giá giá trị sàn chứng khoán, quản trị hạng mục góp vốn đầu tư, mô hình hóa các sản phẩm, giao dịch trong thị trường tài chính,… đồng thời phân tích, triển khai và vận hành các mô hình này sao cho hoạt động đầu tư đạt lợi nhuận như mong muốn với rủi ro có thể kiểm soát được.

Chữ “định lượng” ở đây phân biệt ngành này với các ngành khác trong kinh tế, tài chính. Chuyên viên tài chính định lượng là những người sử dụng các công cụ toán học để giải quyết các bài toán đặt ra trong đầu tư tài chính. Các chuyên viên phân tích định lượng đang được nhiều công ty tuyển dụng “săn đón”, vì thị trường chứng khoán của Việt Nam đang phát triển theo hướng đa dạng hóa và phức tạp hơn. Các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư đang tìm kiếm những chuyên viên phân tích với khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp trong hoạt động tư vấn và đầu tư, nhằm tối ưu hóa việc ra quyết định và quản lý danh mục đầu tư. Để đảm nhiệm các vị trí này, các chuyên viên phân tích thường được yêu cầu phải thông thạo nhiều kỹ năng khác nhau, như: thống kê, phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, lập trình mô phỏng và phân tích định lượng. Trong bối cảnh sinh viên ngành Tài chính, Quản trị kinh doanh ra trường hầu như không có kiến thức lập trình và thống kê, phải đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu công việc, thì lĩnh vực phân tích định lượng đang có lợi thế rất lớn khi cung cấp nền tảng vững chắc về các nguyên tắc tài chính.

Việc áp dụng toán học và xác suất thống kê dựa trên các số liệu được lưu trữ, đo lường các biến số, các yếu tố ảnh hưởng đến một biến kết quả, một sự kiện đang được nghiên cứu cho chúng ta các mô hình định lượng. Từ đó giúp giải quyết các bài toán dự báo, tối ưu nguồn lực, quản trị rủi ro, các chiến lược tối ưu để tạo ra lợi ích và lợi nhuận bằng các con số cụ thể kèm theo một mức độ tin cậy xác suất nhất định.

Xu hướng trên thị trường lao động ở các nước có thị trường chứng khoán sôi động cho thấy, các công ty tài chính khi tuyển chuyên viên tài chính thường yêu cầu nhân sự phải có 3 khối kiến thức và kỹ năng, đó là: toán – thống kê, tài chính, và kỹ năng lập trình. Nghề này yêu cầu khá cao về độ phức tạp về mặt kỹ thuật và xử lý số liệu nên vị trí kỹ sư tài chính đòi hỏi cần phải có sự đào tạo bài bản. Đây là nền tảng quan trọng để tạo dựng nghề nghiệp vững chắc cho tương lai. Tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, với các bạn trẻ yêu thích toán học và mong muốn nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn với vị trí chuyên viên phân tích định lượng hoặc kỹ sư tài chính thì ngành Tài chính định lượng là một sự lựa chọn đúng đắn.

2.2. Các ứng dụng của ngành Tài chính định lượng

2.2.1. Ứng dụng của Tài chính định lượng trong thị trường tài chính và chứng khoán

Thứ nhất, định giá sản phẩm phái sinh. Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính có giá trị phụ thuộc vào các tài sản cơ sở. Bản thân chứng khoán phái sinh không có giá trị nội tại. Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể được chia thành 2 dạng chính: Hàng hóa như thực phẩm, nông sản hoặc công cụ tài chính như lãi suất, cổ phiếu, trái phiếu. Sản phẩm chứng khoán phái sinh là sản phẩm giao dịch, dựa vào đó nhằm phòng ngừa rủi ro hoặc tìm kiếm thêm lợi nhuận dựa trên giá trị của tài sản cơ sở. Dựa vào loại sản phẩm chứng khoán phái sinh, các nhà đầu tư sẽ có các hoạt động giao dịch khác nhau để gia tăng hiệu quả đầu tư. Định giá là một công việc vô cùng quan trọng trong ngành Tài chính ngân hàng, đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán. Kết quả của định giá có liên quan trực tiếp tới chiến lược, mục tiêu, quyết định đầu tư. Do đó, định giá chính xác giá trị thực của các loại chứng khoán có vai trò quyết định kết quả của việc đầu tư. Nghiên cứu tài chính định lượng với những công cụ và mô hình mạnh mẽ đã được sử dụng để định giá chứng khoán, đặc biệt là chứng khoán phái sinh. Tài chính định lượng cũng có thể thiết kế các thuật toán, sử dụng các phương pháp số nhằm tạo ra các sản phẩm phái sinh phức tạp, đa dạng hóa sản phẩm phái sinh nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Nền tảng cơ bản của định giá chứng khoán là các công cụ toán học như giải tích ngẫu nhiên, giải tích học kết hợp với toán tài chính để thiết kế các mô hình định giá cũng như tính toán rủi ro của sản phẩm.

Thứ hai, quản trị danh mục đầu tư. Quản lý danh mục đầu tư định lượng là lựa chọn các chứng khoán bao gồm danh mục đầu tư của mình dựa trên dữ liệu thống kê và phương pháp số học. Dữ liệu này sau đó được đưa vào các mô hình dựa trên dữ liệu quá khứ và xác suất thống kê để xác định lựa chọn đầu tư và thời gian mua bán tốt nhất. Các nhà phân tích danh mục đầu tư định lượng, hay còn được gọi là quants, cũng đánh giá mức độ rủi ro gắn liền với mỗi cơ hội đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro thua lỗ của danh mục. Ngoài ra, phân tích định lượng giúp loại trừ vấn đề tâm lý của con người trong việc lựa chọn danh mục đầu tư, nhất là khi thị trường xảy ra thay đổi bất ngờ. Lý thuyết được sử dụng để quản lý danh mục như kinh tế tài chính, kế toán, tài chính hành vi và đi kèm các mô hình, công cụ toán học là một đặc thù không thể thiếu của mảng định lượng. Yếu tố thường được sử dụng để định lượng như là giá, động lượng hay rủi ro. Các mô hình của quản trị danh mục đầu tư tập trung vào việc dự báo lợi nhuận, mô hình tối ưu đa yếu tố, mô hình phi tuyến, mô hình dựa trên yếu tố thời gian và điều khiển quay vòng danh mục hay định giá Monte Carlo giá trị doanh nghiệp.

Thứ ba, thống kê tài chính. Sử dụng các phương pháp định lượng như thống kê, kinh tế lượng, nghiên cứu các vấn đề chung hoặc các hành vi nổi bật trong thị trường tài chính, nền kinh tế. Mô phỏng cơ chế thị trường tài chính hay nền kinh tế bằng các mô hình phi tuyến tính.

Thứ tư, quản trị rủi ro định lượng. Việc xác định các mức độ thua lỗ tối đa của một danh mục hoặc một số cổ phiếu trong một khoảng thời gian là quản trị rủi ro danh mục đầu tư. Rủi ro tài chính là những rủi ro có liên quan đến sự giảm giá tài chính và rủi ro từ việc thực hiện các quyết định tài chính làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Rủi ro cùng với lợi nhuận là hai biến số quan trọng nhất trong ngành Tài chính ngân hàng. Nếu như trước đây rủi ro được các nhà quản trị nhìn nhận ở vị thế bị động chính là một mối đe dọa và nhiệm vụ của họ là giảm thiểu đến mức tối đa tác động của nó, thì ngày nay, rủi ro vừa là một đe dọa vừa là một cơ hội để kinh doanh, rủi ro được nhìn nhận tích cực và chủ động hơn. Công cụ để hiểu và quản trị rủi ro tốt nhất là toán học và ứng dụng của tin học được các nhà quản trị tài chính sử dụng. Điều đó đã hình thành xu hướng phát triển của ngành Tài chính định lượng với 2 nhiệm vụ chính là phân tích định lượng và mô hình hóa rủi ro. Các mô hình và công cụ mạnh mẽ nhất như mô phỏng Monte Carlo, các mô hình dự báo, phân tích hồi quy và chuỗi thời gian, tối ưu hóa,…

Thứ nămđịnh giá các hợp đồng tương lai, chứng quyền. Các sản phẩm phái sinh dựa trên một tài sản cơ sở được sử dụng các mô hình toán học để xác định giá của một loại tài sản phái sinh, hợp đồng tương lai, chứng quyền, quyền chọn. Khác với các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, phương pháp định giá các loại tài sản này hoàn toàn phụ thuộc vào các mô hình định lượng, mô hình toán.

Thứ sáu, xác định giá đấu hợp lý. Việc thu thập thông tin trong các hoạt động đấu giá lịch sử để thực hiện dự báo giá đấu cho các kỳ đấu giá tiếp theo là một tiếp cận của mô hình định lượng. Sử dụng lý thuyết cân bằng Nash giải quyết bài toán tối ưu đấu giá với nhiều đối thủ là bình đẳng và người chơi hoàn toàn hiểu được các phương pháp tốt nhất mà các đối thủ còn lại chọn, xác định mức giá hợp lý tương ứng với một mức xác suất xác định.

2.2.2. Ứng dụng của mô hình định lượng trong đời sống

Thứ nhấtvề lĩnh vực thiên văn học. Mô tả hình thành vũ trụ dựa trên sự thu thập số liệu nghiên cứu chuyển động của các ngôi sao, hành tinh, thiên hà và bức xạ nền của vũ trụ.

Thứ hai, về lĩnh vực khoa học Trái đất. Mô phỏng các hiện tượng tự nhiên thông qua số liệu đo đạc thực hiện dự báo cường độ, mức độ ảnh hưởng đến các sự kiện diễn ra trên bề mặt Trái đất; Tính toán các yếu tố chu kỳ động đất, sóng thần, núi lửa hoạt động,…

Thứ ba,về lĩnh vực y học. Dựa trên việc thu thập mẫu máu và kết quả xét nghiệm của tập dữ liệu hàng triệu bệnh nhân, từ đó dự báo khả năng ung thư sớm của bệnh nhân.

Thứ tư, về lĩnh vực nhân chủng học, khảo cổ. Thu thập cơ sở dữ liệu xác định niên đại của các mẫu vật, mô phỏng quá trình tiến hóa của các giống loài.

Thứ năm, về lĩnh vực công nghệ thông tin. Sử dụng các bài toán tối ưu để tối ưu hóa đường truyền, cải thiện tối ưu các thiết bị vi xử lý, tối ưu hóa việc sắp xếp lưu trữ dữ liệu.

Thứ sáu, về lĩnh vực công nghiệp. Thông qua việc lưu trữ cơ sở dữ liệu các yếu tố chi phí quá khứ, từ đó giải quyết bài toán tối ưu, giảm tối thiểu chi phí sản xuất.

Thứ bảy, về lĩnh vực giao thông. Từ các bài toán tối ưu hóa đường đi, giảm chi phí vận chuyển, đo lường mật độ giao thông sẽ đưa ra dự báo thời gian di chuyển trên một cung đường trong các thời điểm.

Thứ tám, về lĩnh vực marketing. Điều tra hành vi khách hàng, sử dụng các số liệu hành vi, từ đó dự báo nhu cầu mua sắm của khách hàng và khả năng chấp nhận các sản phẩm mới.

Thứ chín, về lĩnh vực du lịch. Chúng ta thường mất khá nhiều thời gian cho việc hành khách phải chờ đợi, xếp hàng và tìm chỗ ngồi trên mỗi chuyến bay. Việc sử dụng các bài toán mô phỏng ngẫu nhiên cho kết quả rút ngắn thời gian chờ đợi trước mỗi chuyến bay.

Thứ mười, về lĩnh vực hành chính. Việc số hóa thông tin các thành phố, tiến đến việc quản lý các thành phố thông minh, thực hiện tối ưu hóa các nguồn lực xã hội. Quản lý số liệu mật độ dân cư nhằm thực hiện dự báo các nguồn lực phúc lợi, an ninh trật tự và đầu tư phát triển mới.

3. Kết luận

Tài chính định lượng là một ngành mới mẻ ở các nền kinh tế mới nổi, mặc dù nó đã có lịch sử hơn 30 năm ở Mỹ. Ngành này cũng mới xuất hiện ở Việt Nam thời gian gần đây, do nhu cầu của thị trường đang đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ phân tích, dự báo, đánh giá và xây dựng các mô hình tài chính. Đây là một ngành đòi hỏi sự đam mê, kỹ năng tư duy về toán học tốt, cũng như nhiều kỹ năng khác thiên về tính kỹ thuật. Cử nhân ngành Tài chính định lượng có khả năng làm việc ở các cơ quan, viện nghiên cứu liên quan đến tài chính, như: ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính, công ty bảo hiểm, các tổ chức hoạt động kinh doanh độc lập chuyên phân tích và quản lý rủi ro tài chính,…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Giới thiệu ngành Tài chính định lượng. Truy cập tại: https://scue.vn/gioi-thieu-nganh-tai-chinh-dinh-luong/
  2. vn (2014). Tài chính định lượng – Nghề phối hợp giữa toán học và tài chính. Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/tai-chinh-dinh-luong—nghe-phoi-hop-giua-toan-hoc-va-tai-chinh-629659.htm

THE APPLICATIONS OF QUANTITATIVE FINANCE

Le Thi Ngoc Hanh

Department of Mathematics – Statistics, Faculty of Economics – Law

 University of Finance – Marketing

ABSTRACT:

Quantitative finance is the use of natural scientific tools to make financial decisions based on specific numbers. It is necessary for people working in the quantitative financial sector to have a broad knowledge, clearly understand the market mechanism and smoothly use quantitative tools, especially probability, basic statistics and data processing techniques. This paper presents the concept of quantitative finance, highlights the applications of quantitative finance in the financial market and stock market, and also the applications of quantitative models in life.

Keywords: finance, quantitative finance, quantitative model.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2022]

10 nhà đầu tư “thông minh nhất thế giới” mách nước cách xây dựng danh mục hoàn hảo

10 nhà đầu tư “thông minh nhất thế giới” mách nước cách xây dựng danh mục hoàn hảo

(Nguồn: https://cafef.vn/)

Điểm mấu chốt là nhà đầu tư cần tìm được tài sản có độ tương quan thấp so với tài sản khác, để khi 1 tài sản biến động không nhất thiết kéo theo tài sản khác cũng biến động mạnh.

Liệu có tồn tại thứ gọi là “danh mục hoàn hảo” cho nhà đầu tư?

Tờ MarketWatch đã đặt ra câu hỏi này cho 10 nhân vật nổi tiếng có thể nói là được kính trọng nhất trong cộng đồng đầu tư hiện nay. 6 người đã từng đạt giải Nobel Kinh tế: Harry Markowitz, cha đẻ của Lý thuyết danh mục hiện đại; William Sharrpe, người tạo ra mô hình định giá tài sản CAPM và chỉ số beta đã làm thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về rủi ro và phần thưởng trên thị trường tài chính; Eugene Fama, người đã phát triển Lý thuyết thị trường hiệu quả; Myron Scholes và Robert Merton, 2 nhân vật đồng sáng tạo ra mô hình định giá quyền chọn Black-Scholes/Merton và Robert Shiller, nhà kinh tế học hành vi đã thay đổi quan điểm của chúng ta về thị trường hiệu quả.

4 nhân vật còn lại là các nhà quản lý, nhà đầu tư nổi tiếng và tác giả những cuốn sách đã bán được hàng triệu bản. Đó là Jack Bogle, nhà sáng lập quỹ Vanguard; huyền thoại trái phiếu Marty Leibowizt; “người đàn ông thông thái nhất phố Wall” Charles Ellis và “phù thủy Wharton” Jeremy Siegel.

Không có gì đáng ngạc nhiên, câu trả lời của họ không hề đồng thuận. Dựa trên nền tảng và kinh nghiệm khác nhau của mỗi người, góc nhìn của họ cũng khác nhau và điều đó cũng phản ánh sự phức tạp của công việc quản lý danh mục đầu tư. Không có hình mẫu nào vừa vặn với tất cả mọi người.

Theo Markowitz, điều đầu tiên và quan trọng nhất là cần đa dạng hóa danh mục. Chỉ tập trung vào danh mục gồm những tài sản được dự đoán sẽ đem lại mức lợi suất cao nhất trên một mức rủi ro đã xác định trước. Tôn chỉ này cũng áp dụng với các tài sản khác như trái phiếu, bất động sản và hàng hóa.

Điểm mấu chốt là nhà đầu tư cần tìm được tài sản có độ tương quan thấp so với tài sản khác, để khi 1 tài sản biến động không nhất thiết kéo theo tài sản khác cũng biến động mạnh.

Trong khi đó danh mục hoàn hảo của Sharpe giống như những gì ông đã đưa ra trong mô hình CAPM: hãy đầu tư vào những thứ như quỹ chỉ số để cover toàn bộ thị trường.

Fama đã phát triển 1 mô hình lấy CAPM làm cơ sở và thêm vào 2 yếu tố. Thứ nhất là sự khác biệt về lợi suất giữa cổ phiếu giá trị và cổ phiếu tăng trưởng, thứ hai là sự khác biệt giữa nhóm vốn hóa nhỏ và các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn. Theo Fama, 1 danh mục đầu tư đa dạng nên hướng về các cổ phiếu giá trị và các công ty có giá trị vốn hóa nhỏ. Cả 2 loại này đều có xu hướng diễn biến tốt trong dài hạn.

Trên cương vị là người tạo ra quỹ tương hỗ chỉ số đầu tiên trên thế giới, đương nhiên danh mục hoàn hảo của Bogle tập trung vào các quỹ chỉ số, ví dụ như quỹ ETF theo dõi chỉ số S&P 500 của Vanguard. Tôn chỉ của ông là hãy hạ thấp chi phí bằng cách sử dụng quỹ chỉ số và không thực hiện những hành động có thể phá hủy giá trị. Đôi lúc tất cả những gì bạn cần làm là “Không làm gì cả, đứng yên ở đó!”.

Còn đối với Scholes, 1 danh mục hoàn hảo cần chú trọng đến việc quản lý rủi ro. Thành công sẽ phụ thuộc nhiều nhất vào việc bạn tránh được “rủi ro đuôi” (tail risk) – là những sự kiện hiếm khi xảy ra nhưng sẽ khiến thị trường sụt giảm nghiêm trọng như khủng hoảng tài chính 2008 hay đại dịch Covid-

Để làm được điều này, cần chú ý đến các chỉ số đo lường mức độ biến động của thị trường như chỉ số VIX. Ví dụ, khi VIX ở dưới mức trung bình lịch sử, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi tăng tỷ trọng đầu tư vào những cổ phiếu rủi ro.

Merton cho rằng trước tiên 1 danh mục hoàn hảo phải bao gồm những tài sản phi rủi ro, ví dụ như trái phiếu chính phủ được bảo vệ trước lạm phát. Đối với mục tiêu kiếm tiền cho thời kỳ hưu trí, lý tưởng nhất là bạn nên tiết kiệm dần dần và mua những loại như bảo hiểm để có dòng thu nhập đều đặn hàng năm.

Đối với Leibowitz, danh mục hoàn hảo chính là mức độ rủi ro mà bản thân bạn có thể chịu đựng. Hãy xem xét đến mọi trường hợp có thể xảy ra (bao gồm cả những sự kiện quan trọng trong đời) và cả các khoản thuế. Ngoài cổ phiếu, nên đầu tư cả trái phiếu để giảm mức độ biến động của danh mục. Cần có 1 kế hoạch dự phòng khẩn cấp để đối phó với những sự kiện bất ngờ nhưng nghiêm trọng và có thể đảo ngược tất cả.

Shiller đặc biệt coi trọng tính đa dạng của danh mục, không chỉ đa dạng bằng nhiều loại tài sản khác nhau mà còn đa dạng về địa lý, có cả tài sản trong nước và tài sản quốc tế.

Ellis, một trong những người đi tiên phong của trường phái đầu tư bị động, cho rằng danh mục hoàn hảo tất nhiên phải có quỹ chỉ số, đặc biệt nếu bạn muốn có cơ hội lọt top 20% quỹ có hiệu suất cao nhất trong 20 năm tới. Bạn nên đầu tư vào các quỹ chỉ số trái phiếu và quỹ chỉ số quốc tế có chi phí thấp, ví dụ như MSCI EAFE (châu Âu, Australia và viễn Đông). Ngoài ra cần chú ý đến số thuế cần phải nộp.

Siegel khuyến khích nhà đầu tư đưa ra mức kỳ vọng hợp lý dựa trên lịch sử tài chính của bản thân. Càng đầu tư dài hạn thì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục sẽ càng lớn. Nên xem xét đến cổ phiếu ở các nước đang phát triển. Đối với trái phiếu, trái phiếu chính phủ có bảo vệ trước lạm phát là lựa chọn hợp lý.

Cuối cùng, hãy chú ý tới mức độ chấp nhận rủi ro, thu nhập hiện tại, mong ước của bản thân về tài sản trong tương lai và dự kiến những nhu cầu tài chính của bản thân ở cả hiện tại và tương lai.

Tham khảo Marketwatch

Rủi ro

Rủi ro

(Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com/)

➞ Giải Nobel: ALLAIS, 1988 – ARROW, 1972 – MARKOWITZ, 1990 – MERTON, 1997 – SCHOLES, 1997 – SHARPE, 1990

Khái niệm rủi ro tức thì hiện lên khi ta phân tích hành vi của các cá thể trong tình thế không chắc chắn. Định nghĩa và thước đo của một tình thế rủi ro sẽ được đề cập trong phần đầu. Tiếp đấy phần hai quan tâm đến việc nhận thức rủi ro của các tác nhân kinh tế. Cuối cùng, phần ba được dành cho trường hợp đặc biệt của những thị trường tài chính.

Định nghĩa và thước đo

Trong bối cảnh của phân tích kinh tế, khái niệm rủi ro rất gần với khái niệm bất trắc. Trong lúc trong ngôn ngữ hàng ngày tính từ “rủi ro” có hàm nghĩa hơi tiêu cực và cho biết là kết cục của hành động được xem xét có thể là xấu đối với những ai khởi xướng hành động này thì trong kinh tế học, tính từ này đơn giản là đồng nghĩa với sự không chắc chắn: một tình thế rủi ro là một tình thế mà kết cục không do người khởi xướng tình thế này làm chủ và bởi thế có thể dành cho người này những ngạc nhiên tệ hại cũng như êm ấm. Tuy nhiên F. Knight đã có một phân biệt quan trọng giữa hai khái niệm này. Ông đề nghị gọi bằng “rủi ro” những tình thế mà kết cục không được biết chắc hoàn toàn nhưng tất cả những kịch bản có thể của kết cục này là được biết trước một cách tiên nghiệm và có thể gán một xác suất để cho mỗi kịch bản xảy ra. Thuật ngữ “bất trắc” như thế được dành cho những tình thế mà tương lai là không biết được hoặc ít ra là không xác suất hoá được.

Frank Knight (1885-1972)

Một tình thế càng rủi ro khi nó có thể là nguồn gốc của những hệ quả rất khác nhau: nếu một nhà đầu tư có khả năng với thời gian có những thu hoạch từ 0,1 đến 2 triệu € thìđương nhiên đây là một dự án rủi ro hơn một đầu tư khác cùng một giá trị nhưng mang lại trong cùng một kì hạn những thu hoạch từ 0,8 đến 1,2 triệu €. Do đó một cách tiên nghiệm có thể đo mức độ rủi ro bằng một chỉ báo phân tán của toàn thể những kịch bản mà rủi ro có thể dẫn tới. Có thể sử dụng phương sai hay độ lệch tiêu chuẩn của phân phối của những kịch bản này làm chỉ báo phân tán. Tuy nhiên việc đơn thuần so sánh sự phân tán của những kịch bản không đủ để khẳng định một tình thế là rủi ro hơn một tình thế khác; thật vậy ta có thể bị dẫn đến việc so sánh những tình thế không thể so sánh với nhau được. Cũng còn phải đảm bảo là theo trung bình hai tình thế đều dẫn đến những trạng thái giống nhau. Do đó một vũ trụ được gọi là rủi ro hơn một vũ trụ khác với điều kiện là chỉ báo phân tán của toàn bộ những khả năng vũ trụ này dẫn đến là cao hơn và theo trung bình tình thế của tác nhân được xem xét với thời gian sẽ giống với trạng thái tác nhân đó đạt đến trong vũ trụ kia.

Nhận thức rủi ro

Trong tình thế bất trắc, các cá thể đặc biệt đối lập nhau về thái độ ham muốn đối với rủi ro. Về mặt lí thuyết có thể có ba thái độ: tìm kiếm rủi ro, tránh rủi ro hay bàng quan với rủi ro. Trong trường hợp đầu, tác nhân nhận thức rủi ro như một cơ hội có những thu hoạch quan trọng và nhanh chóng, trong trường hợp thứ hai, tác nhân nhận thức rủi ro như nguồn gốc của những mất mát tiềm tàng, và trong trường hợp thứ ba, đối với tác nhân bất trắc không đồng nghĩa với cơ may lẫn với những bất tiện.

Xét một xổ số có thể mang đến cho người chơi một thu hoạch G (đã trừ đi giá của vé xổ số) hay một mất mát P (thật ra là giá mua vé). Thu hoạch can dự với một xác suất p và do đó xác suất của mất mát là (1 – p). Một cách tiên nghiệm, kì vọng thu hoạch của người chơi do đó là:

E(L) = pG + (1 – p)P

Một cá thể bàng quan với rủi ro là một cá thể bàng quan giữa việc chơi xổ số và việc chắc chắn nhận được một số tiền bằng với E(L). Một cá thể ngại rủi ro sẵn sàng trả để tránh một tình thế không chắc chắn. Như thế cá thể này bao giờ cũng thích nhận một cách chắc chắn hơn là chơi xổ số; hay nếu muốn nói cách khác, cá thể này bàng quan giữa việc chắc chắn nhận được (1 – ⍺)E(L) hay chơi xổ số, với 0 <  < 1E(L) tượng trưng cho giá cá thể này sẵn sàng trả để tránh rủi ro, nghĩa là cuối cùng để tự bảo hiểm. Một cá thể thích rủi ro sẵn sàng trả để chơi xổ số. Cá thể này bao giờ cũng thích tham gia xổ số hơn là chắc chắn nhận được E(L) và nếu bàng quan giữa việc chơi và nhận (1 + ꞵ)E(L) thì đối với cá thể này E(L) là giá của trò chơi.

Kenneth Arrow (1921-2017)
John W. Pratt (1931-)

Điều thường được thừa nhận là các tác nhân kinh tế thể hiện nỗi ngại rủi ro. Tuy nhiên mức độ ngại rủi ro này có thể ít nhiều cao thấp. K. Arrow và J. Pratt đề xuất một thước đo mức ngại rủi ro. Để làm điều này điều cần thiết là phải biết hàm lợi ích U của tác nhân được xem xét. Hệ số ngại tuyệt đối rủi ro được định nghĩa như tỉ số giữa đạo hàm cấp hai với đạo hàm cấp một của hàm lợi ích tại điểm được xem xét (tức A):

ρA = – U(A)/U(A)

Người ta chứng minh là hệ số này tuỳ thuộc vào giá mà cá thể sẵn sàng trả để tránh một đơn vị rủi ro.

Trường hợp những thị trường tài chính

Tất nhiên các thị trường tài chính không có độc quyền về bất trắc vốn là điểm chung của toàn thể các thị trường. Tuy nhiên một trong những chức năng chủ yếu của những thị trường này là cho phép trao đổi những đơn vị rủi ro, nghĩa là đối với một số người là tự bảo hiểm và đối với một số người khác là đầu cơ. Như thế rủi ro là một thành tố cấu thành cơ bản của những thị trường tài chính và việc phân tích rủi ro trên những thị trường này được đặc biệt phát triển.

Những thị trường tài chính có hai nhóm chứng khoán chủ yếu: một mặt, những cổ phiếu và những phái sinh của chúng và mặt khác, những trái phiếu và những phái sinh của chúng.

a) Trước hết ta xét một thị trường hợp thành bởi những cổ phiếu và trái phiếu của Nhà nước. Dưới giả thiết phân phối chuẩn của tỉ suất lợi tức của các cổ phiếu, vấn đề lựa chọn danh mục đầu tư của người tiêu dùng tìm cách tối đa hoá lợi ích của bản thân qui về một bài toán tối ưu hoá đối với hai tham số, trung bình và phương sai của những tỉ suất lợi tức. Như thế, ta biến đổi vấn đề tối đa hoá một kì vọng lợi ích thành một vấn đề tối ưu hoá cổ điển tuỳ theo những đặc điểm của những cổ phiếu được xem xét. Phân tích cho thấy là trong số tất cả những danh mục đầu tư có thể duy chỉ một số nhỏ có thể được các nhà đầu tư thật sự chọn tuỳ theo mức độ ngại rủi ro lớn nhỏ cuả họ. Trong một mặt phẳng với độ lệch tiêu chuẩn của tỉ suất lợi tức của những danh mục trên trục hoành và trung bình của chúng trên trục tung ta có thể biểu diễn “đường biên những danh mục đầu tư có hiệu quả”, vốn là những danh mục duy nhất đáng đầu tư.

Việc đưa một cổ phiếu không rủi ro (những trái phiếu Nhà nước) càng giới hạn thêm số những danh mục có thể. Thật vậy, người ta dễ dàng chứng minh là một nhóm cổ phiếu sẽ có được cặp khả năng sinh lời/rủi ro tốt nhất và quyền lợi của các nhà đầu tư là chọn nhóm này trong chiến lược đầu tư của họ bằng cách dành một chỗ ít nhiều quan trọng (thậm chí bằng không) cho những trái phiếu Nhà nước tuỳ theo mức độ ngại rủi ro của họ. Tất cả các tác nhân kinh tế đầu tư vào trong cùng một nhóm cổ phiếu nên phần cổ phiếu của thị trường tài chính chỉ có nhóm cổ phiếu này. Đến độ là tất cả các tác nhân kinh tế đầu tư vào điều được gọi là “danh mục của thị trường” và vào những trái phiếu Nhà nước (theo những tỉ lệ riêng cho mỗi tác nhân). Do đó trong mặt phẳng rủi ro/khả năng sinh lời trên, tất cả các nhà đầu tư sẽ nằm trên một đường thẳng kết hợp danh mục thị trường với những trái phiếu Nhà nước. Như thế đường biên những danh mục hiệu quả biến thành đường thị trường.

Việc phân tích quá trình đa dạng hoá một danh mục cổ phiếu trao cho kết luận trên một khía cạnh tương đối có tính cụ thể. Thật vậy hệ quả chính của việc đa dạng hoá một danh mục đầu tư là làm giảm rủi ro của doanh nghiệp này: việc nhân bội số chứng khoán làm giảm trọng lượng tương đối của mỗi chứng khoán và do đó làm giảm rủi ro riêng của mỗi chứng khoán khiến cho danh mục chỉ còn hợp nhất có rủi ro xuất phát từ sự tương tác của các cổ phiếu nghĩa là trên quan điểm thống kê, rủi ro phụ thuộc vào hiệp phương sai của các chứng khoán với nhau. Rủi ro này, một rủi ro mà ta không thể làm giảm bằng việc đa dạng hoá, được gọi là “có hệ thống” và là riêng cho mỗi thị trường chứng khoán. Thế mà, phân tích thống kê chỉ ra là không cần phải đưa vào trong danh mục tất cả các chứng khoán có mặt trên thị trường tài chính để có được việc giảm rủi ro mong muốn: một danh mục gồm có một số giới hạn chứng khoán (khoảng hai mươi trên thị trường chứng khoán Pháp) cho phép giảm rủi ro tới mức rủi ro có hệ thống.

Từ đó những kết luận của đoạn trên có một khía cạnh cụ thể hơn: thật vậy, lí thuyết tài chính dạy chúng ta là, nếu không tính đến những trái phiếu của khu vực tư nhân, thì quyền lợi của các nhà đầu tư là nên đầu tư, theo những tỉ suất riêng của bản thân, vào một danh mục cổ phiếu (ví dụ một SICAV) đa dạng hoá và vào những trái phiếu Nhà nước (OAT, BTAN); mọi lựa chọn khác chỉ có thể đưa đến những cặp khả năng sinh lời/rủi ro không tối ưu, trừ khi nhà đầu tư có một thông tin ưu đãi. Khi không có một thông tin như thế thì không thể, trong dài hạn, thắng được thị trường.

William F. Sharpe (1934-)

Đối với một doanh nghiệp, điều quan trọng là phải biết mức thù lao các nhà đầu tư đòi hỏi để chấp nhận mua những cổ phiếu của doanh nghiệp mình. Mức thù lao này, mà doanh nghiệp bắt buộc sẽ phải trả, hợp thành chi phí của vốn tự có của doanh nghiệp và việc biết mức thù lao này cho phép doanh nghiệp thiết lập tốt hơn những kế hoạch và ngân sách dự toán của mình. Trên đây ta đã thấy là việc đưa thêm một cổ phiếu vào trong một danh mục đầu tư làm thay đổi rủi ro của danh mục này theo một tỉ lệ của hiệp phương sai giữa cổ phiếu này và toàn bộ những cổ phiếu khác của danh mục. Do đó gia tăng tương đối của rủi ro của danh mục đầu tư phụ thuộc vào tỉ số giữa hiệp phương sai này và tổng hiệp phương sai của tỉ suất lợi tức của danh mục đầu tư. Tiền thưởng rủi ro các nhà đầu tư đòi hỏi cho chứng khoán này, so với tiền thưởng đòi hỏi cho toàn bộ danh mục đầu tư tuỳ thuộc vào gia tăng này của rủi ro tương đối. Mô hình định giá tài sản vốn được W. Sharpe và J. Lintner xác lập cho thấy rằng quan hệ này là tuyến tính:

E(Ri) – Rf = E(Rm Rf * (COVi,m /VARm)

với:

E(Ri) là lợi tức của chứng khoán i được thị trường dự kiến;

E(Rm) là lợi tức dự kiến của toàn bộ thị trường;

Rf là lãi suất của những trái phiếu Nhà nước;

COVi,m là hiệp phương sai trung bình của chứng khoán i với toàn bộ những chứng khoán của thị trường;

VARm là phương sai của tỉ suất lợi tức của thị trường.

Số hạng COVi,m thật ra là một thước đo tế nhị. Thường thì người ta đánh giá trực tiếp biểu thức (COVi,m/VARm), được kí hiệu là i, bằng một hồi qui tuyến tính của tiền thưởng rủi ro của chứng khoán i trên tiền thưởng rủi ro của thị trường.

b) Rủi ro của những trái phiếu của khu vực tư nhân có bản chất khác với bản chất của các cổ phiếu. Đối với những chứng khoán với lãi suất cố định, ngẫu nhiên ít nhắm vào giá trị của thù lao mà vào việc là tiền có được trả hết vào đúng thời điểm qui định lúc ban đầu không. Rủi ro không được thanh toán thường đồng nghĩa với rủi ro phá sản của người phát hành trái phiếu. Rủi ro này được đo bằng những kĩ thuật truyền thống của phân tích tài chính và có thể được những công ti chuyên trách đánh giá (các công ti đánh giá hay “rating”) bằng một thang điểm (AAA, AA, v.v.). Rủi ro mất khả năng thanh toán quan trọng được thể hiện trên các thị trường tài chính bằng một chênh lệch (thuật ngữ Anh spread thường được dùng) của tỉ suất sinh lời cao so với những trái phiếu Nhà nước.

Philippe Raimbourg

Giáo sư đại học Panthéon-Sorbonne (Paris 1)

Nguyễn Đôn Phước dịch

➞ Dự kiếnHỗn độnHợp đồng; Lí thuyết lựa chọn cơ cấu danh mục đầu tư; Lí thuyết ra quyết định; Ngẫu nhiên đối lại hầu tuần hoàn; Thị trường tài chính.

Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry (đồng chủ biên), PUF, Paris, 2001.

5 bài học của Jim Simons – Nhà giao dịch định lượng thành công nhất trong lịch sử!

5 bài học của Jim Simons – Nhà giao dịch định lượng thành công nhất trong lịch sử!

(Nguồn: https://dubaotiente.com/)

Hẳn bạn đã từng nghe danh Jim Simons, một nhà quản lý quỹ vĩ đại nhất trong lịch sử? Bạn có muốn học hỏi các bí kíp của ông?

Jim Simons
Jim Simons

Jim Simons là một trong những nhà quản lý quỹ đầu cơ thành công nhất trong lịch sử. Ông là một nhà toán học và nhà giao dịch định lượng, người sáng lập của Renaissance Technologies. Quỹ đầu cơ của ông chuyên về giao dịch hệ thống đa dạng bằng cách sử dụng các mô hình định lượng riêng lẻ lấy từ các phân tích thống kê về dữ liệu giá lịch sử. Các model của ông đi theo chiến thuật nhận diện mô hình giá. Jim Simons là giáo sư toán học từ năm 1968 đến năm 1978, và chủ nhiệm khoa toán học tại Đại học Stony Brook. Ông bắt đầu tham gia lĩnh vực đầu cơ vào năm 1982. Giá trị tài sản ròng của ông hiện xấp xỉ 23.5 tỷ USD.

Renaissance Technologies là một trong những quỹ hoạt động tốt nhất trong lịch sử về cả độ lớn cũng như độ ổn định lợi nhuận. Quỹ của ông kiếm tiền tốt như thế nào? Nó tốt đến mức họ đã từng phải đóng quỹ Medallion cho các nhà đầu tư mới bên ngoài do số vốn được huy động cao đến mức họ gặp khó khăn trong việc mở rộng tín hiệu trên các thị trường, và không thể kiểm soát được độ dịch chuyển của giá khi họ vào lệnh.

“Kể từ năm 1988, quỹ Medallion đã tạo ra lợi nhuận trung bình hàng năm lên tới 66% trước khi tính phí nhà đầu tư, và sau khi khấu trừ phí, con số này là 39%, thu về hơn 100 tỷ USD. Không ai trong thế giới đầu tư có thể tiệm cận con số này. Warren Buffett, George Soros, Peter Lynch, Steve Cohen và Ray Dalio đều thua ông ta”, theo cuốn sách “Người đàn ông tìm được lời giải trên thị trường” của Gregory Zuckerman 2019.

Dưới đây là 5 bài học trong giao dịch của Jim Simons:

Định lượng lợi thế của bạn thông qua backtest.

“Thông qua dữ liệu lịch sử, chúng tôi tìm kiếm các mô hình giá bất thường mà chúng tôi không mong đợi xảy ra một cách ngẫu nhiên.” – Jim Simons

Việc backtest dữ liệu giá lịch sử trong quá khứ có thể mang lại cho bạn lợi thế trong giao dịch với price action hiện tại. Thị trường được giao dịch và đầu tư bởi những người có cảm xúc và ý kiến, những người tạo ra các khuôn mẫu. Các hành động giá có thể lặp lại, hãy học cách giao dịch các mô hình giá đó.

Giao dịch hệ thống của bạn với kỷ luật.

“Chúng tôi không phá vỡ các hệ thống.” – Jim Simons

Sau khi bạn tạo ra một hệ thống giao dịch có lợi thế, bạn phải giao dịch nó một cách nhất quán với kỷ luật. Không có hệ thống giao dịch nào sẽ hoạt động nếu nó không được tuân thủ đủ lâu để nó phát huy tác dụng và sinh lời. Tất cả các hệ thống đều vô ích và khiến bạn thua lỗ, ngay cả những hệ thống được sử dụng bởi quỹ Medallion, nếu bạn phá vỡ kế hoạch giao dịch của mình, thậm chí Jim Simons đã làm điều này một vài lần. Về lâu dài, tất cả các giao dịch sinh lời đều đòi hỏi kỷ luật.

Giao dịch một danh mục đa dạng để có nhiều cơ hội hơn.

“Chúng tôi có ba tiêu chí để chấp nhận giao dịch một loại tài sản: Nếu nó được giao dịch công khai, có tính thanh khoản và có thể xây dựng mô hình.” – Jim Simons

Hãy sẵn sàng tìm kiếm các tín hiệu giao dịch trên tất cả các loại tài sản thanh khoản. Một lưu ý nhỏ là, hãy tránh các cổ phiếu, quyền chọn, hợp đồng tương lai và tiền điện tử kém thanh khoản do nguy cơ mất tiền bởi chênh lệch giá mua/bán lớn, không thể giao dịch với khối lượng lớn cũng như ra, vào lệnh dễ dàng khi bạn muốn.

Giao dịch các loại tín hiệu khác nhau trên một danh mục đa dạng gồm các loại hình đầu tư như cổ phiếu và forex mà có kết quả backtest tốt có thể tăng cơ hội kiếm tiền của bạn trong các thị trường khác nhau.

Bạn không cần tỷ lệ thắng cao để tạo ra lợi nhuận lớn.

“Chúng tôi chỉ đúng với tỷ lệ 50.75%, nhưng chúng tôi biết chắc chắn 100% rằng chúng tôi đúng 50.75%”, trích từ cuốn “Người đàn ông tìm được lời giải trên thị trường”

Các mô hình Jim Simmons không cần tỷ lệ thắng cao để kiếm lời. Nếu bạn có tỷ lệ R:R đạt 1:2 hoặc 1:3, bạn có thể tạo ra lợi nhuận ổn định miễn là bạn không có bất kỳ khoản lỗ nào quá lớn.

Ví dụ, nếu bạn có tỷ lệ thắng 50%, bạn duy trì tỷ lệ R:R đạt 1:2, khi đó, mỗi 10 lệnh, bạn sẽ có 5 lệnh thắng, 5 lệnh thua. Mỗi lệnh thua bạn mất 50,trongkhibạnthuvề50,trongkhibạnthuvề100 cho mỗi lệnh thắng, khi đó bạn sẽ có trung bình 250lợinhuậnsau10lệnh!NếuR:Rcủabạnlà1:3,mỗilệnhthắnggiúpbạncó250lợinhuậnsau10lệnh!NếuR:Rcủabạnlà1:3,mỗilệnhthắnggiúpbạncó150 lợi nhuận, khi đó bạn sẽ thu về $500 sau mỗi 10 lệnh.

Lợi nhuận của mỗi lệnh thắng và tần suất thắng thua là hai yếu tố quyết định khả năng sinh lời chứ không chỉ riêng tỷ lệ thắng. Một lệnh với lợi nhuận nhỏ có thể giúp bạn kiếm được nhiều tiền trong dài hạn miễn là bạn tối thiểu hóa các khoản lỗ.

Có những nguyên tắc chung về giao dịch có lãi.

“Những điều chúng tôi đang làm sẽ không biến mất. Chúng ta có thể có những năm hoạt động kém, đôi khi chúng ta có thể có một năm tồi tệ. Nhưng các nguyên tắc mà chúng tôi đã khám phá ra là hợp lý” – Jim Simons.

Không có hệ thống giao dịch nào hoạt động hiệu quả mọi thời điểm trên mọi thị trường nhưng các nguyên tắc giao dịch có lãi vẫn có hiệu lực. Giao dịch có lợi nhuận phụ thuộc vào toán học, phép toán quản lý rủi ro, phép toán xác định khối lượng vị thế để tránh nguy cơ “cháy tài khoản”, mô hình hóa hệ thống giao dịch với giá trị kỳ vọng dương, cùng với việc đặt ra các mức cắt lỗ và chốt lời hợp lý.

Bài học lớn nhất từ Jim Simmons là giao dịch có lãi được xây dựng trên nền tảng của toán học nhưng con người phải có kỷ luật tuân theo phép toán mà không cho phép những cảm xúc xấu làm mất tác dụng của một hệ thống tốt.

NewTraderU

7 lý thuyết về đầu tư gây tranh cãi nhất mọi thời đại

7 lý thuyết về đầu tư gây tranh cãi nhất mọi thời đại

(Nguồn: http://cafef.vn)

Mặc dù rất hữu ích khi biết những lý thuyết này, nhưng cũng cần nhớ rằng không có lý thuyết thống nhất nào có thể giải thích được thế giới tài chính. Trong những khoảng thời gian nhất định, một lý thuyết dường như chỉ giữ được ảnh hưởng nhất định, và sau đó lại không còn đúng nữa.

Khi nhắc đến đầu tư, sẽ thật thiếu sót nếu không đề cập những lý thuyết ra đời nhằm giải thích cho những xu hướng và chuyển động của thị trường. Hai trường phái lớn nhất Phố Wall được phân chia bởi lý thuyết thị trường hiệu quả: một bên nhất mực ủng hộ và những người còn lại thì tin rằng thị trường có thể bị đánh bại. Đây chỉ là một sự phân chia cơ bản. Tồn tại rất nhiều lý thuyết khác cố gắng giải thích và gây ảnh hưởng lên thị trường, cũng như chi phối hành động của các nhà đầu tư trên thị trường.

1. Lý thuyết thị trường hiệu quả (Efficient Market Hypothesis)

Rất ít người có thái độ trung lập đối với thuyết thị trường hiệu quả (EMH). Bạn có thể tin tưởng 100% vào nó và tuân thủ các chiến lược đầu tư thị trường thụ động; hoặc ghét nó và tập trung vào việc lựa chọn cổ phiếu dựa trên tiềm năng tăng trưởng và tài sản bị định giá thấp.

EMH chỉ ra rằng rằng giá cả thị trường của cổ phiếu là sự kết tinh và phản ánh mọi thông tin về cổ phiếu đó. Điều này có nghĩa là cổ phiếu được định giá chính xác cho đến khi một sự kiện xảy ra trong tương lai thay đổi định giá đó. Bởi vì tương lai là một điều không chắc chắn, một người tuân thủ EMH nên sở hữu một lượng lớn cổ phiếu và thu lợi nhuận từ sự tăng trưởng chung của thị trường.

Những người phản đối EMH đã lấy Warren Buffett và một số nhà đầu tư thành công khác làm ví dụ điển hình – những người đã liên tục đánh bại thị trường bằng cách tìm ra mức giá hời trong thị trường chung.

2. Nguyên tắc 50% (Fifty – Percent Principle)

Nguyên tắc 50% dự đoán rằng một xu hướng đã được quan sát sẽ trải qua sự điều chỉnh từ một nửa đến hai phần ba trong giá trước khi tiếp tục tăng lên. Điều này có nghĩa là nếu một cổ phiếu đang có xu hướng tăng và tăng 20%, nó sẽ giảm khoảng 10% trước khi tiếp tục tăng. Đây là một ví dụ cực đoan, vì hầu hết các quy tắc này được áp dụng cho các xu hướng ngắn hạn mà các nhà phân tích kỹ thuật và đầu cơ áp dụng để mua và bán.

Sự điều chỉnh này được cho là một phần tất yếu của xu hướng, vì nó thường được gây ra bởi các nhà đầu tư nóng vội mong muốn thu về lợi nhuận sớm để tránh bị cuốn vào một sự đảo chiều thực sự của xu hướng sau này. Nếu sự điều chỉnh vượt quá 50% thay đổi về giá, đó được coi là dấu hiệu cho thấy xu hướng đã thất bại và sự đảo chiều sẽ nhanh chóng xuất hiện.

3. Lý thuyết kẻ ngốc hơn (Greater Fool Theory)

Thuyết kẻ ngốc hơn cho biết bạn có thể thu lợi từ đầu tư chừng nào vẫn còn có một kẻ ngốc hơn bạn sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho khoản đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc bạn vẫn có thể kiếm tiền từ một cổ phiếu có giá quá cao, miễn là người khác sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua nó từ bạn.

Cuối cùng, những kẻ ngu ngốc dần biến mất khi thị trường trở nên quá nóng. Đầu tư theo thuyết kẻ ngốc hơn tức là là bỏ qua việc định giá, báo cáo thu nhập và tất cả các dữ liệu khác. Bỏ qua dữ liệu cũng nguy hiểm tương đương với việc chú ý quá nhiều vào nó, và vì vậy những người bị gán là “kẻ ngốc hơn” thường bị bỏ lại sau khi thị trường hoàn tất điều chỉnh.

4. Lý thuyết lô lẻ (Odd Lot Theory)

Lý thuyết lô lẻ sử dụng việc bán các lô lẻ – khối lượng cổ phiếu nhỏ do các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ – như một chỉ báo về thời điểm mua vào của cổ phiếu. Các nhà đầu tư theo lý thuyết lô lẻ mua vào khi các nhà đầu tư nhỏ bán ra hết. Giả định chính ở đây là những nhà đầu tư nhỏ thường ra quyết định sai.

Lý thuyết lô lẻ là một chiến lược đối lập dựa trên một hình thức phân tích kỹ thuật rất đơn giản – đo lường khối lượng lô lẻ bán ra. Sự thành công của các nhà đầu tư hoặc đầu cơ theo lý thuyết này phụ thuộc rất nhiều vào việc anh ta có đánh giá các chỉ số căn bản của công ty mà lý thuyết hướng tới hay chỉ đơn giản là mua vào một cách mù quáng.

Các nhà đầu tư nhỏ có lúc đúng, có lúc sai; và do đó, điều quan trọng nhất là phải phân biệt giữa khối lượng lô lẻ xuất hiện với mức độ chấp nhận rủi ro thấp với khối lượng lô lẻ bán ra kèm theo rủi ro cao. Các nhà đầu tư cá nhân thường linh động hơn các quỹ lớn, và do đó có thể phản ứng kịp thời hơn trước những tin tức nghiêm trọng, và do đó, khối lượng lô lẻ thực sự có thể là một chỉ báo cho việc bán tháo quy mô lớn của một cổ phiếu thất bại hơn là một sai lầm của các nhà đầu tư nhỏ.

5. Lý thuyết triển vọng (Prospect Theory)

Lý thuyết triển vọng còn có một tên gọi khác là “lý thuyết ngại thua lỗ”. Lý thuyết triển vọng chỉ ra rằng nhận thức của mọi người về lãi và lỗ là sai lệch, bởi hầu hết đều sợ mất mát hơn là được khích lệ khi thu về. Nếu mọi người được lựa chọn hai triển vọng khác nhau, họ sẽ chọn triển vọng mà cho rằng ít có cơ hội kết thúc trong thua lỗ, thay vì triển vọng mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Giả sử bạn cung cấp cho một người hai khoản đầu tư, một khoản mang lại 5% mỗi năm, và một khoản mang lại 12%, mất 2,5% và mang lại 6% trong cùng một năm, người đó sẽ chọn khoản đầu tư 5% vì anh ta đã quan trọng hóa một cách phi lý vào tổn thất đơn lẻ, trong khi bỏ qua các mức tăng trưởng lớn hơn. Trong ví dụ trên, cả hai lựa chọn thay thế đều tạo ra tổng lợi nhuận ròng sau ba năm.

Lý thuyết triển vọng rất quan trọng đối với các chuyên gia tài chính và nhà đầu tư. Mặc dù sự đánh đổi rủi ro/lợi nhuận cho thấy một bức tranh rõ ràng về rủi ro mà nhà đầu tư phải gánh chịu để đạt được lợi nhuận mong muốn, lý thuyết triển vọng cho chúng ta biết rằng rất ít người có thể nhận thức về lý trí khi bị cảm xúc chi phối.

Đối với các chuyên gia tài chính, thách thức ở đây là phù hợp hóa rủi ro và lợi nhuận khách hàng sẽ nhận được. Đối với các nhà đầu tư, thách thức chính là vượt qua những dự đoán đáng thất vọng của lý thuyết triển vọng và trở nên đủ can đảm để đạt mức lợi nhuận đã đề ra.

6. Lý thuyết kỳ vọng hợp lý (Rational Expectations Theory)

Lý thuyết kỳ vọng hợp lý nói rằng những người tham gia một nền kinh tế sẽ hành động theo những gì họ mong đợi một cách hợp lý trong tương lai. Bởi vậy, một người sẽ đầu tư, chi tiêu, v.v. theo những gì người đó tin tưởng, một cách hợp lý, sẽ xảy ra trong tương lai. Bằng cách đó, người đó tạo ra một lời tiên tri tự hoàn thành (self-fulfilling prophecy) và góp phần tạo ra các sự kiện trong tương lai.

Mặc dù lý thuyết này đã trở nên khá quan trọng đối với kinh tế, nhưng nhiều người vẫn còn hoài nghi về lợi ích thực sự nó đem lại. Ví dụ, một nhà đầu tư nghĩ rằng một cổ phiếu sẽ tăng giá và bằng cách mua nó, hành động này thực sự khiến cổ phiếu tăng giá. Giao dịch tương tự khác có thể nằm ngoài lý thuyết kỳ vọng hợp lý. Một nhà đầu tư nhận thấy rằng một cổ phiếu bị định giá thấp, mua nó và chờ đợi các nhà đầu tư khác nhận thấy điều tương tự để đẩy giá lên đến giá trị thị trường thích hợp. Điều này nhấn mạnh vấn đề chính về lý thuyết kỳ vọng hợp lý: Nó có thể được thay đổi để hợp lý hóa mọi thứ, nhưng nó không cho chúng ta biết bất kỳ thứ gì.

7. Thuyết tổng khối lượng bán khống (Short Inyterest Theory)

Thuyết tổng khối lượng bán khống giả định khối lượng bán khống cao là tín hiệu cho sự tăng giá của cổ phiếu, và nếu thoạt nhìn thì dường như là không có cơ sở. Thông thường cho thấy rằng một cổ phiếu có khối lượng bán khống cao tức là một sự điều chỉnh về giá sắp xảy ra.

Lý do của hiện tượng trên là bởi tất cả những thương nhân, hàng ngàn chuyên gia và cá nhân nghiên cứu kỹ lưỡng từng mẩu dữ liệu thị trường, chắc chắn không thể sai. Họ có thể đúng ở một mức độ nào đó, nhưng giá cổ phiếu thực sự có thể tăng do bị thiếu hụt. Người bán, cuối cùng sẽ phải tự phòng vệ bằng cách mua cổ phiếu mà họ thiếu. Do đó, áp lực mua được tạo ra bởi những người bán ngắn bao trùm vị thế của họ sẽ đẩy giá cổ phiếu lên cao.

Điểm mấu chốt

Chúng tôi đã đề cập đến một loạt các lý thuyết, từ các lý thuyết giao dịch kỹ thuật như thuyết tổng khối lượng bán khống và lý thuyết lô lẻ, cho đến lý thuyết kinh tế như kỳ vọng hợp lý và lý thuyết triển vọng. Mỗi lý thuyết là một nỗ lực nhằm “đóng khung” cho các hoạt động mua và bán diễn ra hàng ngày.

Mặc dù rất hữu ích khi biết những lý thuyết này, nhưng cũng cần nhớ rằng không có lý thuyết thống nhất nào có thể giải thích được thế giới tài chính. Trong những khoảng thời gian nhất định, một lý thuyết dường như chỉ giữ được ảnh hưởng nhất định, và sau đó lại không còn đúng nữa. Trong thế giới tài chính, sự thay đổi là hằng số thực sự duy nhất.

Mỹ Linh

Theo Trí thức trẻ/Investopedia

—————-&&&—————

Thị trường tiền tệ

Thị trường tiền tệ

(Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com/)

Money Market

Về mặt lí thuyết, thị trường tiền tệ là một thị trường phát hành và lưu thông trái quyền ngắn hạn. Trong thực tiễn, đó là một thị trường phi vật thể và phi tập trung trên đấy tất cả các bên tham gia phát hành, giao dịch hay trao đổi những trái quyền có kì hạn hơn hai mươi bốn tiếng, với đối phần là thanh khoản. Như thế thị trường tiền tệ là không thể tách biệt với việc điều hành chính sách tiền tệ.

Những nguồn gốc của cuộc cải cách thị trường tiền tệ

Cho đến 1985, thị trường tiền tệ Pháp là dành riêng cho những tổ chức tín dụng và một số nhỏ những tác nhân phi ngân hàng (ENBABM, tức là những doanh nghiệp phi ngân hàng được quyền tham gia vào thị trường tiền tệ). Hơn nữa thị trường này tách biệt với những thị trường tài chính khác, đặc biệt là với những thị trường thế chấp và thị trường chứng khoán trên đấy những trái quyền dài hạn hơn lưu thông. Sự tách biệt này nằm trong vòng kiểm soát chung của chính quyền đối với những kênh tài trợ. Tín dụng của các cá nhân và các doanh nghiệp kể từ 1972 phải chịu một hạn mức số lượng và những lãi suất bị quản chế. Với một sự trung gian hoá ngân hàng bị kiểm soát và một thị trường chứng khoán chật hẹp nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu những ràng buộc tài chính bất kể là cho kì hạn nào đi nữa. Như thế đạo luật ngày 14 tháng mười hai 1985 cho phép tạo ra những trái quyền lưu thông đi kèm với một chuyển động chung hơn gạt bỏ những bức ngăn cách, phi qui định hoá và phi trung gian hoá những kênh tài chính ở Pháp. Đạo luật này khởi động một cuộc cải cách thị trường tiền tệ nhằm ba mục tiêu: mở rộng gam và chất lượng những công cụ tài chính ngắn hạn phục vụ người cho vay và người đi vay; cải thiện tính thanh khoản trong ngắn hạn của những thị trường tài chính bằng cách mở cửa thị trường tiền tệ cho toàn thể các tác nhân kinh tế; cho phép triển khai chính sách tiền tệ mà những công cụ ưu tiên là những lãi suất.

Những công cụ của thị trường tiền tệ và việc tài trợ trong ngắn hạn nền kinh tế

Đã từng được một báo cáo của Marjolin, Sadrin và Wormser gợi ý năm 1969, việc mở cửa thị trường tiền tệ chỉ được tiến hành kể từ 1985. Những tổ chức tín dụng, Nhà nước và các doanh nghiệp được quyền phát hành những trái quyền lưu thông được (TCN) ngắn và dài hạn để thoả mãn nhu cầu tài trợ ngày càng tăng của mình. Tên gọi của những trái quyền này tuỳ thuộc vào chất lượng của người phát hành chúng: chứng chỉ kí thác đối với các ngân hàng; trái phiếu của những thể chế và công ti tài chính đối với những thể chế tài chính chuyên môn, những công ti tài chính và công ti chứng khoán; trái phiếu Kho bạc đối với Nhà nước và hối phiếu đối với những doanh nghiệp phi tài chính. Nếu những chứng chỉ kí thác đầu tiên xuất hiện vào tháng ba 1985 và trái phiếu của những thể chế tài chính thì những trái phiếu Kho bạc, những hối phiếu và trái phiếu của các thể chế tài chính được tạo ra vào tháng mười hai 1985. Vào tháng năm 1986, những công ti tài chính rồi những công ti chứng khoán vào tháng ba 1987 đã có thể phát hành những trái phiếu của họ.

Khi được tạo ra, những chứng khoán trên có một gam kì hạn chung, từ mười ngày đến bảy năm. Vào tháng hai 1992, ngưòi ta phân biệt hai khoang: một mặt, một khoang ngắn hạn trong đó những TCN nguyên thuỷ với kì hạn dưới một năm (kì hạn tối đa hai năm rút xuống còn một năm cho các ngân hàng, thể chế và tổ chức tài chính vào tháng chín 1994) được trao đổi, và mặt khác, một khoang ngắn hạn trong đó những chứng khoán mới, những trái phiếu ngắn hạn lưu thông (BMTN) với kì hạn cao hơn một năm có thể được tất cả những người phát hành nguyên thuỷ các TCN phát hành, được trao đổi.

Những trái quyền lưu thông được này có những đặc điểm chung. Tất cả các tác nhân kinh tế (kể cả các tổ chức đầu tư chứng khoán và các hộ gia đình) đều có thể mua bán những trái quyền này: mệnh giá đơn vị tối thiểu của chúng là một triệu quan và có thể có mệnh giá bằng quan hay bằng ngoại tệ, chịu cùng một chế độ thuế; việc phát hành và lưu thông chúng được đặt dưới sự kiểm soát của Ngân hàng (trung ương) Pháp. Ngoại trừ đối với những trái phiếu Kho bạc, chúng đều có chung những điểm sau: lãi suất cố định, có thể được xét lại đối với những trái quyền có kì hạn cao hơn một năm. Kì hạn của chúng là từ mười ngày đến một năm, ngoại trừ đối với những BMTN không có qui định về kì hạn tối đa. Chúng có thể được phát hành theo một giá khác với mệnh giá. Mọi phát hành đầu tiên đều phải đi kèm với việc đăng kí ở Ngân hàng Pháp một bản thông tin được cập nhật mỗi năm. Một số TCN có những đặc điểm riêng. Như thế những hối phiếu và những BTMN có thể được tự do hoàn trả trước kì hạn, trong lúc điều này lại bị nghiêm cấm đối với những CD và những trái quyền của các thể chế tài chính.

Thị trường tiền tệ đã có vai trò nào từ khi được thành lập? Câu trả lời phụ thuộc vào chứng khoán nào được xem xét. Hai bộ phận đã phát triển nhanh chóng và tập trung phần chủ yếu của những phát hành và giao dịch, đó là thị trường những trái phiếu Kho bạc lưu thông (BTN) và thị trường những chứng chỉ kí thác (CD).

Cho đến gần đây được nâng đỡ bởi sự tăng trưởng của những thâm hụt công cộng, thị trường trái phiếu Kho bạc đã nhảy từ tổng số dư nợ là 374 tỉ quan Pháp năm 1986 lên 1208,9 tỉ quan Pháp năm 1997. Trái phiếu Kho bạc được phát hành bằng đấu giá theo một lịch hàng quí được xác định trước. Đến cuối 1997, chúng bằng 47% tổng số dư nợ của TCN. Những chứng chỉ kí thác (CD) khởi động một cách ì ạch hơn và tăng trưởng được kích thích bởi việc giảm các kì hạn tối thiểu (từ sáu tháng xuống còn mười ngày). Có khoảng 350 nhà phát hành tham gia thị trường CD và tổng số dư nợ được phát hành vào năm 1997 là 624,6 tỉ quan Pháp (so với 64,4tỉ quan Pháp), tức bằng 24% tổng số dư nợ của những TCN.

Ngược lại, thị trường hối phiếu (BT) là khiêm tốn so với những thị trường anglosaxon tương đương. Đến cuối 1997, khoảng một trăm doanh nghiệp phát hành những BT với tổng số dư nợ là 219,4 tỉ quan Pháp, tức 8% của tổng số dư nợ của những TCN. Những lãi suất là cố định và phản ảnh chất lượng của người phát hành. Cũng giống như thị trường thứ cấp của những CD, thị trường thứ cấp của những BT vẫn còn nhỏ, do thiếu những sản phẩm chuẩn hoá.

Thị trường liên ngân hàng và những sự can thiệp của Ngân hàng trung ương. – Thị trường liên ngân hàng là một bộ phận đặc biệt của thị trường tiền tệ, dành cho những tổ chức tín dụng và những thể chế của điều 8 của luật ngân hàng năm 1984. Chính trên thị trường này mà thanh khoản ngân hàng được trao đổi và Ngân hàng Nhà nước can thiệp.

Những trung gian. – Nếu tất cả những tổ chức tín dụng đều được chấp nhận trên thị trường liên ngân hàng thì có ba loại trung gian hoạt động: nhân viên môi giới của những thị trường liên ngân hàng (AMI), những công ti tái chiết khấu và những người tác nghiệp chính của thị trường (OPM). AMI là những nhà môi giới, hưởng thù lao bằng huê hồng, mà vai trò là nối kết quan hệ giữa bên cho vay và bên đi vay. Những công ti tái chiết khấu, đối tác độc quyền của Ngân hàng Pháp trước cuộc cải cách của thị trường tiền tệ, vay và cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Khác với những AMI, những công ti này trực tiếp giao dịch thay mặt khách hàng và được trả theo tỉ suất. Ngày nay khoảng ba tổ chức tín dụng được Ngân hàng Pháp công nhận là những OPM. Các OPM cam kết niêm yết giá và thông báo cho Ngân hàng Pháp tính chất và khối lượng những hoạt động của mình. Là những đối tác độc quyền của Ngân hàng Pháp cho những cuộc gọi thầu và những thoả thuận mua lại từ năm đến mười ngày, các OPM hành động cho bản thân hay thay mặt những công ti khác. Ngược lại, cho những giao dịch liên ngân hàng khác, các các OPM là những đối tác thông thường nhưng không độc quyền.

Hình thức của những giao dịch. – Những giao dịch trên thị trường liên ngân hàng được đặc trưng bằng những chỗ dựa và những kĩ thuật đa dạng. Một số giao dịch được tiến hành tay không, nghĩa là người cho vay không nhận được bất kì đảm bảo nào cả.

Thường những khoản vay được tiến hành đổi lấy chứng khoán, dù cho đó là những TCN hay những chỗ dựa đặc biệt của thị trường liên ngân hàng. Ngân hàng Pháp bao giờ cũng triệt để đòi hỏi một đối phần cho những sự can thiệp của mình. Những chứng khoán đặc biệt là những chứng khoán được quản lí trong tài khoản vãng lai tại Ngân hàng Pháp (trái phiếu Kho bạc, trái phiếu của những tổ chức bán công) và cả những trái khoán tư nhân tượng trưng cho những tín dụng, những chứng chỉ liên ngân hàng và những lệnh phiếu lưu thông.

Có hai kĩ thuật giao dịch đổi lấy chứng khoán: giao dịch chắc chắn và thoả thuận mua lại. Trong trường hợp đầu, người đi vay bán hay phát hành một trái phiếu cho người cho vay để đổi lấy thanh khoản cần thiết. Giao dịch này là có tính dứt khoát, người cho vay trở thành chủ sở hữu của trái phiếu. Tuy nhiên kĩ thuật được sử dụng nhất vẫn là thoả thuận mua lại mà tính pháp lí và những phương thức được ấn định trong nghị định ngày 4 tháng năm 1994. Thoả thuận mua lại (mà tương đương anglo-saxon là repo) là một chuyển nhượng chứng khoán theo một giá thoả thuận, hai bên dứt khoát cam kết kết thúc giao dịch ở một thời điểm và theo một giá được xác định lúc kí hợp đồng. Cho tới kì hạn đã định, người đi vay vẫn là chủ sở hữu của những chứng khoán được thoả thuận mua lại; tuy nhiên, về mặt kế toán, người nhượng vẫn giữ lấy những chứng khoán bên phiá có và ghi bên phiá nợ khoản nợ tượng trưng cho số tiền người cho vay giao.

Cuối cùng, thị trường liên ngân hàng xử lí tất cả các kì hạn. Trong thực tế, hơn hai phần ba các giao dịch (ngoại trừ những giao dịch với Ngân hàng Pháp) đều được tiến hành mỗi ngày một, dưới 5% những giao dịch xử lí những kì hạn cao hơn ba tháng.

Hành động của Ngân hàng trung ương Pháp. – Hội đồng chính sách tiền tệ “xác định những giao dịch của Ngân hàng và đặc biệt là những phương thức mua và bán, cho vay và đi vay, chiết khấu, bảo lãnh, thoả thuận mua hay bán lại trái quyền và phát hành trái phiếu có lãi”(điều 7 của luật ngày 4 tháng 8 1993).

Khi những tổ chức tín dụng có thặng dư tiền ngân hàng trung ương không thể cung cấp đủ thanh khoản cho những tổ chức đi vay thì thị trường liên ngân hàng được gọi là “nằm trong Ngân hàng” (en Banque). Thật vậy, sự can thiệp của ngân hàng trung ương là cần thiết để đảm bảo việc tái tài trợ cho những ngân hàng bị thâm hụt. Kể từ 1986 do không còn phương thức tái chiết khấu, nên Ngân hàng Pháp vận dụng hai phương thức can thiệp chính thức, những thoả thuận mua lại bằng đấu thầu và những thoả thuận mua lại do các ngân hàng chủ động. Khi cần thiết, hai phương thức chính thức này được bổ sung bằng những sự can thiệp theo những điều kiện của thị trường, được gọi là can thiệp bằng nghiệp vụ thị trường mở (open market).

Mỗi thứ hai và thứ năm, Ngân hàng Pháp tiến hành mời những tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu những thoả thuận mua lại các chứng khoán công cộng hay tư nhân trong vòng bảy ngày. Lãi suất và tổng khối lượng số dư nợ do Ngân hàng ấn định và thông báo chính thức trước. Lãi suất mời gọi thầu là lãi suất chủ đạo sàn của chính sách tiền tệ, thường là thấp hơn lãi suất trung bình gia quyền của những giao dịch hàng ngày. Nếu cầu tiền ngân hàng trung ương là ổn định thì những thoả thuận mua lại đủ để thoả mãn những tổ chức bị thâm hụt.

Tuy nhiên, đôi lúc có những tổ chức tín dụng có những nhu cầu bất ngờ về tiền ngân hàng trung ương mà thị trường không thể thoả mãn được. Qua trung gian một OPM, tổ chức này có thể bất cứ lúc nào và không giới hạn khối lượng, thoả thuận mua lại với Ngân hàng Pháp những chứng khoán công cộng hay tư nhân trong một kì hạn từ năm đến mười ngày. Lãi suất của những thoả thuận này hợp thành lãi suất chủ đạo trần của ngân hàng trung ương. Do đây là một phương thức rất mềm dẻo đối với bên đi vay, nên điều bình thường là bên này phải trả một lãi suất cao hơn lãi suất thị trường, từ 1 đến 1,5 điểm. Trong thực tiễn, hiếm khi lãi suất thị trường vượt quá lãi suất những thoả thuận mua lại trong vòng năm đến mười ngày, đặc biệt là khi các tác nhân bị thâm hụt không muốn vay lâu hơn hai mươi bốn tiếng đồng hồ (ví dụ, họ dự kiến một sụt giảm của những lãi suất chủ đạo). Cuối cùng ta ghi nhận là không có phương thức đối xứng, khi có dư thừa thanh khoản trên thị trường, và Ngân hàng Pháp dành quyền đóng quày thoả thuận mua lại trong vòng năm đến mười ngày trong trường hợp có căng thẳng quá đáng trên thị trường tiền tệ.

Ngay cả khi lãi suất thị trường nằm giữa hai cận được xác định bởi lãi suất gọi thầu và lãi suất thoả thuận mua lại trong vòng năm đến mười ngày, thì Ngân hàng Pháp vẫn can thiệp mỗi ngày trên thị trường tiền tệ. Ngân hàng Pháp mua trái phiếu Kho bạc để cung cấp thanh khoản trung ương và bán trái phiếu Kho bạc để thu hồi lại thanh khoản.

Thị trường tiền tệ là một bộ phận thiết yếu cho sự tài trợ trong ngắn hạn và việc điều hành chính sách tiền tệ. Với việc đưa vào lưu thông một đồng tiền chung kể từ 1 tháng giêng 1999, những thị trường tiền tệ quốc gia tất yếu sẽ biến mất để nhường chỗ cho một thị trường tiền tệ duy nhất mà hoạt động sẽ gần với hoạt động được mô tả ở trên.

▶ FERRANDIER R. & KOEN V., Marchés de capitaux et techniques financières, Paris, Économica, 4è ed., 1997. – Coll.: Banque de France, “Les interventions de la Banque de France sur le marché monétaire”, Note dinformation, n0 97, févr. 1994.

Anne LAVIGNE

Giáo sư đại học Orléans

Nguyễn Đôn Phước dịch

® Lãi suất; Ngân hàng trung ươngThanh khoảnTiền tệ.

Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001.

————————&&&———————–

“Giải ngố” về đường cong lợi suất – thứ khiến thị trường lao dốc trong phiên vừa qua

“Giải ngố” về đường cong lợi suất – thứ khiến thị trường lao dốc trong phiên vừa qua

(Nguồn: http://cafef.vn)

 

Đường cong lợi suất đảo ngược sẽ là chỉ báo đáng tin cậy cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, giống như những gì đã xảy ra trong năm 2007.

Nếu bạn đang tự hỏi đường cong lợi suất là gì và tại sao việc nó thay đổi hình dạng lại khiến thị trường tài chính ở cả hai bờ Đại Tây Dương “dậy sóng” thì cũng đừng lo lắng bởi bạn không hề cô đơn. Từ đầu năm đến nay, lượng tìm kiếm trên Google về “đường cong lợi suất đảo ngược” đã tăng vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay.

1. Đường cong lợi suất là gì?

Đó là 1 cách để thể hiện sự khác biệt giữa phần thưởng mà các nhà đầu tư có được khi chọn mua các trái phiếu ngắn hạn so với dài hạn. Thông thường thì thời gian đáo hạn càng dài thì rủi ro sẽ càng tăng lên, dẫn đến lợi suất càng cao và do đó đường cong lợi suất sẽ có chiều hướng đi lên.

2. Đường cong lợi suất đảo ngược là gì?

Một đường cong lợi suất sẽ đi ngang nếu như chênh lệch giữa trái phiếu dài hạn và ngắn hạn (ví dụ như loại kỳ hạn 30 năm và kỳ hạn 2 năm) giảm xuống bằng 0. Còn nếu mức chênh lệch bị âm, khi đó đường cong lợi suất bị đảo ngược.

3. Tại sao đường cong lợi suất lại quan trọng?

Ngược lại, đường cong lợi suất đảo ngược sẽ là chỉ báo đáng tin cậy cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, giống như những gì đã xảy ra trong năm 2007. Đặc biệt, mức chênh lệch giữa trái phiếu 3 tháng và trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm luôn đảo ngược trước 7 cuộc suy thoái mới nhất của kinh tế Mỹ.

4. Điều gì đang diễn ra?

Kể từ cuối năm 2018, thị trường đã lo ngại về nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái mà một phần nguyên nhân xuất phát từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính những dấu hiệu này cũng đã khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải ngừng theo đuổi lộ trình tăng lãi suất và sau đó là hạ lãi suất vào tháng trước.

Tuy nhiên, Fed cũng phát đi tín hiệu cho rằng lần hạ lãi suất này không nhất thiết phải là khởi đầu của 1 chu kỳ cắt giảm lãi suất. Tín hiệu này khiến lợi suất trái phiếu ngắn hạn bị neo lại, trong khi những nỗi lo về sức khỏe nền kinh tế lại khiến nhà đầu tư đổ xô đi tìm tài sản an toàn mà trái phiếu dài hạn là 1 bến đỗ. Do đó trái phiếu 10 năm của Mỹ tăng giá, đẩy lợi suất rơi xuống mức thấp hơn cả trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Lợi suất của loại kỳ hạn 30 năm thì chạm đáy kỷ lục.

Ở Anh, điều tương tự cũng diễn ra. Còn ở Đức, đường cong lợi suất đang ở trạng thái tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính.

Thu Hương

Theo Trí thức trẻ/Bloomberg

——————-&&&——————-

Triển khai Basel tại các ngân hàng Việt Nam: Tầm quan trọng của Dữ liệu và hệ thống CNTT

Triển khai Basel tại các ngân hàng Việt Nam: Tầm quan trọng của Dữ liệu và hệ thống CNTT

(Nguồn: https://vtc.vn)

(VTC News) – 3 năm trở lại đây, Basel mới trở thành chủ đề thực sự “nóng” tại Việt Nam khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành các văn bản yêu cầu các Ngân hàng Thương mại (NHTM) triển khai quản lý rủi ro theo Basel.

Để tạo hành lang pháp lý cũng như hướng dẫn các NHTM trong công tác triển khai Basel, NHNN đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN v/v quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài (NHNNg) và đang hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ đối với NH, Chi nhánh NHNNg.

Chương trình triển khai Basel là một chương trình lớn, kéo dài trong nhiều năm với nhiều yêu cầu đặc thù, phức tạp, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Do đó, để hoàn thành sứ mệnh được giao về bảo đảm hoàn thành tuân thủ các yêu cầu của Hiệp ước Basel theo lộ trình của NHNN, các NHTM. Đặc biệt là các ngân hàng tiên phong (trong đó có BIDV) đã, đang và sẽ phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn của quốc tế. Một trong những tiêu chuẩn ấy chính là vấn đề về dữ liệu và hệ thống Công nghệ thông tin (CNTT).

Với vai trò là một trong 10 Ngân hàng được NHNN giao triển khai thí điểm triển khai thực hiện Basel, BIDV đã và đang khẩn trương triển khai các dự án Basel nhằm đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn Hiệp ước Basel và Quy định của NHNN. Trong đó việc kiện toàn Dữ liệu và hệ thống CNTT là một trong những nội dung quan trọng mà BIDV ưu tiên thực hiện hàng đầu.

Khuyến nghị của Ủy ban Basel

Basel II đưa ra khuyến nghị cụ thể về các loại dữ liệu tùy vào từng phương pháp tính vốn yêu cầu. Có thể thấy rất rõ mức độ phức tạp của yêu cầu dữ liệu tỷ lệ thuận với mức độ phức tạp của các phương pháp tính toán được đưa ra.

Với Quản lý rủi ro hoạt động (QLRRHĐ), Basel II chỉ yêu cầu ngân hàng có dữ liệu thu nhập – chi phí của các khoản mục liên quan trong 3 năm liền kề đối với phương pháp Business Indicator Approach (BIA) và Standardised Approach (SA). Còn đối với phương pháp Advanced Measurement Approach (AMA), yêu cầu dữ liệu khắt khe hơn khi ngân hàng phải sử dụng kết hợp 4 loại dữ liệu với yêu cầu về chiều dài khá lớn (từ 5 năm đến 10 năm), bao gồm: tổn thất nội bộ (ILD); tổn thất bên ngoài (ED); phân tích kịch bản (SBA); môi trường kinh doanh và các yếu tố kiểm soát nội bộ (BEICFs).

Trong dự thảo mới nhất của Ủy ban Basel về tính vốn yêu cầu cho RRHĐ (Dự thảo Phương pháp chuẩn hóa trong rủi ro hoạt động – SMA, ban hành tháng 03/2016), yêu cầu về dữ liệu mặc dù đã đơn giản hơn so với AMA song vẫn yêu cầu kết hợp 2 loại dữ liệu: Dữ liệu thu nhập – chi phí và Dữ liệu tổn thất RRHĐ, trong đó dữ liệu tổn thất RRHĐ phải có độ dài tối thiểu từ 5 năm đến 10 năm.

Với QLRR Thị trường, theo phương pháp chuẩn hóa (SA) của Basel II, ngân hàng cần thu thập dữ liệu trạng thái danh mục và giá thị trường để định giá sản phẩm. Trong khi đó, phương pháp mô hình nội bộ (IMA) quy định Vốn yêu cầu được tính dựa theo các dữ liệu về giá trị VaR ngày liền trước, trung bình VaR 60 ngày liền trước và rủi ro cụ thể (specific risk charge – SRC). Sau Basel II, Ủy ban Basel ban hành văn bản BCBS158 về “Rà soát khung RRTT thuộc Basel II” (hay Basel 2.5), đưa ra 03 khái niệm mới: Giá trị chịu rủi ro trong khủng hoảng (stressed VaR), vốn cho rủi ro gia tăng (Incremental risk charge – IRC) và phương pháp đo lường rủi ro toàn diện (comprehensive risk measure – CRM).

Năm 2016, Ủy ban Basel tiếp tục đưa ra văn bản “Vốn yêu cầu tối thiểu cho RRTT” (Minimum capital requirements for market risk) trong đó đưa ra khái niệm Thâm hụt dự kiến (Expected Shortfall – ES) thay thế VaR để đo lường giá trị tổn thất ngoài dự kiến, thường phân bố ở phần đuôi của phân phối với độ tin cậy 97.5%.

Công thức, mô hình tính toán và các tiêu chuẩn định tính của các phương pháp được khuyến nghị bởi Ủy ban Basel cũng rất khác nhau, đòi hỏi hệ thống CNTT phải được phát triển, nâng cấp tương xứng để hỗ trợ tính toán các chỉ tiêu trên. Theo đó, với phương pháp BIA của RRHĐ hay SA của RRTT, thông thường các ngân hàng có thể sử dụng excel để thực hiện tính toán. Tuy nhiên, với các phương pháp phức tạp hơn như SA, AMA của RRHĐ hay IMA, IRC của RRTT, ngân hàng sẽ cần tới hệ thống CNTT chuyên biệt để hỗ trợ.

Cụ thể như đối với phương pháp SA của RRHĐ, yêu cầu về hệ thống trở nên phức tạp hơn khi các ngân hàng phải phân loại sản phẩm/hoạt động tại 8 lĩnh vực kinh doanh theo Basel II. Một số ngân hàng có thể lựa chọn thực hiện phân loại thủ công bằng excel, song việc này sẽ rất khó thực hiện nếu ngân hàng đó có danh mục sản phẩm, dịch vụ đa dạng hay có hoạt động ở nhiều nước trên thế giới.

Nhưng có lẽ phức tạp nhất phải kể đến AMA khi việc tính toán phải sử dụng đến các mô hình đo lường tiên tiến với khối lượng dữ liệu đầu vào lớn để tính toán tổn thất dự kiến (EL) và tổn thất không dự kiến được (UL). Để tích hợp và vận hành các mô hình đo lường này, các ngân hàng hoặc phải tự nghiên cứu xây dựng và phát triển các chương trình/ phần mềm xử lý hoặc đầu tư mua sắm giải pháp có sẵn trên thị trường. Việc thực hiện bằng excel đối với phương pháp này gần như là không khả thi.

Với RRTT, phương pháp IMA đặt ra yêu cầu cao đối với hệ thống CNTT hỗ trợ hơn khi phải tính VaR, backtest, stresstest, rủi ro cụ thể, tính tương quan giữa các sản phẩm, nhất là với các sản phẩm phức tạp (quyền chọn ẩn, cấu trúc…). Yêu cầu cao hơn nữa phải kể đến IRC khi việc tính toán phải xét đến các yếu tố rủi ro vỡ nợ và chuyển hạng nhóm nợ (cần đến mô hình đo lường PD, EL, UL…). Để tích hợp và vận hành mô hình đo lường rủi ro, các ngân hàng phải tự nghiên cứu xây dựng và phát triển các chương trình/ phần mềm để xử lý hoặc đầu tư mua sắm giải pháp có sẵn trên thị trường.

Trien khai Basel tai cac ngan hang Viet Nam: Tam quan trong cua Du lieu va he thong CNTT hinh anh 1

Yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước

Ngày 30/12/2016, NHNN đã chính thức ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN trong đó quy định cụ thể về phương pháp tính Vốn yêu cầu cho RRHĐ và RRTT cũng như hệ thống CNTT và dữ liệu phục vụ tính tỷ lệ an toàn vốn. Theo đó, các NHTM được đáp ứng cả yêu cầu về dữ liệu và hệ thống CNTT hỗ trợ phục vụ tính toán vốn yêu cầu, cũng như bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác hệ thống báo cáo định kỳ, đột xuất tới NHNN.

Về dữ liệu, NH cần có cơ cấu tổ chức và hệ thống quản lý dữ liệu, làm rõ chức năng nhiệm vụ của các bên, quy trình thu thập, đối chiếu dữ liệu nhằm bảo đảm dữ liệu của ngân hàng đủ về số lượng và chất lượng phục vụ các yêu cầu tính toán cho công tác QLRR.

Về hệ thống CNTT, hệ thống của ngân hàng cần được kết nối, quản lý tập trung toàn hàng, bảo đảm các yêu cầu về bảo mật, toàn vẹn, sẵn sàng của thông tin, có quy trình rà soát, kiểm tra, dự phòng, xử lý sự cố, bảo trì định kỳ, thường xuyên và có công cụ kết nối phục vụ tính tỷ lệ an toàn vốn và các chỉ tiêu QLRR liên quan khác.

Ngoài ra, riêng đối với QLRRHĐ, NHNN cũng đã ban hành Công văn 6643/NHNN-DBTK ngày 5/9/2016, trong đó yêu cầu các NHTM phải thực hiện báo cáo tổn thất hoạt động và tình hình xử lý các tổn thất hoạt động phát sinh định kỳ hàng tháng.

Dữ liệu và hệ thống CNTT tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay

Tại Việt Nam hiện nay, việc thu thập dữ liệu để triển khai tính Vốn yêu cầu theo Thông tư 41 và các phương pháp cơ bản của Hiệp ước Basel II là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu tính toán theo các phương pháp cao hơn như SA và AMA với RRHĐ, hay IMA với RRTT, dữ liệu vẫn là một bài toán khó đối với các ngân hàng.

Nguyên nhân chủ yếu là do ngân hàng không có đủ dữ liệu theo yêu cầu hoặc chất lượng dữ liệu còn tồn tại nhiều hạn chế về độ dài, tính đầy đủ, chính xác và sẵn sàng. Hạn chế về dữ liệu đầu vào chính là nguyên nhân trọng tâm của việc các NHTM chưa thể triển khai các mô hình đo lường tiên tiến để dự báo, cảnh báo rủi ro như mô hình đo lường tổn thất RRHĐ dự kiến (EL).

Bên cạnh đó, bộ phận tập trung dữ liệu chung của ngành ngân hàng như Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) hiện chỉ thiết kế cho dữ liệu tín dụng, chưa có thiết kế cho dữ liệu về RRTT và RRHĐ trong hệ thống. Đồng thời, các dữ liệu tín dụng tại CIC chỉ có thể đáp ứng một phần yêu cầu triển khai Basel của ngân hàng do một phần dữ liệu yêu cầu cần được thu thập từ ngân hàng và các NHTM chưa sẵn sàng cho việc chia sẻ dữ liệu tại một hệ thống dữ liệu chung như CIC. Vì vậy, nhất thiết phải có sự kết hợp dữ liệu của bản thân ngân hàng và CIC thì mới có thể đáp ứng đủ yêu cầu triển khai Basel của các NHTM hiện nay.

Những khó khăn trong công tác thu thập dữ liệu nói trên cũng dẫn tới hạn chế trong việc đầu tư/ xây dựng các giải pháp công nghệ hiện đại để hỗ trợ công tác QLRR. Các ngân hàng tại Việt Nam chủ yếu đầu tư một số giải pháp cơ bản cho công tác QLRR tín dụng mà chưa đầu tư nhiều cho các giải pháp hỗ trợ QLRR thị trường và hoạt động.

Các phần mềm tự phát triển đơn giản hay công cụ trên excel đang là giải pháp chính được hầu hết các ngân hàng sử dụng để hỗ trợ thu thập dữ liệu và tính toán các chỉ tiêu QLRR thị trường và hoạt động. Một số ít ngân hàng đã và đang mạnh dạn đầu tư các hệ thống Treasury mua ngoài của các tổ chức uy tín thế giới như Kondor của Misys, Treasury MX.3 của Murex để tính toán các chỉ tiêu đo lường RRTT

Hướng đi hiệu quả trong công tác triển khai Basel đối với hệ thống CNTT và dữ liệu

Như vậy, để tăng cường khả năng lượng hóa tổn thất RRHĐ, RRTT phục vụ mục đích cảnh báo và tính tỷ lệ an toàn vốn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý các loại rủi ro trọng yếu này, các NHTM tại Việt Nam trước tiên phải cải thiện được chất lượng dữ liệu đầu vào, đảm bảo dữ liệu thường xuyên được làm giàu, làm sạch, song song với đó là việc tăng cường ứng dụng và không ngừng phát triển, cải tiến hệ thống CNTT.

Theo đó, các ngân hàng phải bắt đầu từ việc xây dựng và nâng cao văn hóa quản lý rủi ro nói chung, phát triển hệ thống quy trình, quy định, chính sách về quản lý RRHĐ, RRTT một cách bài bản, triển khai thống nhất.

Đồng thời, ngân hàng cũng cần nghiên cứu cách thức thu thập và lưu trữ dữ liệu lâu dài. Đối với từng ngân hàng, cần thiết phải xây dựng khung quản trị dữ liệu tập trung toàn hàng để không chỉ tập hợp dữ liệu từ các hệ thống nguồn khác nhau đáp ứng yêu cầu quản lý của từng loại rủi ro, quản lý về chất lượng, số lượng, chủ động trong công tác làm giàu, làm sạch và chiết xuất dữ liệu.

Bên cạnh đó, đối với dữ liệu thị trường, các cơ quan quản lý cần xem xét hỗ trợ thông qua việc phối hợp với các công ty chuyên cung cấp dữ liệu tài chính (Reuters, Bloomberg…) để xây dựng nguồn dữ liệu chất lượng và đáng tin cậy hoặc nghiên cứu thiết lập diễn đàn chia sẻ sự kiện RRHĐ xảy ra tại các ngân hàng như một kênh cung cấp dữ liệu sự kiện RRHĐ bên ngoài mà các ngân hàng tại Việt Nam có thể tận dụng hiệu quả, ngay cả trong việc chạy các mô hình tính toán.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần lưu ý việc nghiên cứu xây dựng hay mua sắm giải pháp CNTT hỗ trợ vì nhiều mô hình QLRR hiện tại không thể thực hiện được bằng các phần mềm đơn giản như Excel, VBA hay Eview. Hơn thế, những biến động liên tục của thị trường tài chính ngân hàng toàn cầu ngày càng đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với hệ thống CNTT cần sẵn sàng tính toán để ngân hàng có căn cứ đưa ra những dự đoán, biện pháp đề phòng, hạn chế tối đa tổn thất có thể xảy ra trong các sự kiện kinh tế bất lợi.

Công việc phải thực hiện liên quan tới hệ thống dữ liệu và CNTT phục vụ triển khai Basel đối với các NHTM còn rất nhiều. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải có nguồn lực (nhân lực, vật lực) đủ mạnh để có thể thực hiện. Nhân lực bộ phận QLRRHĐ, QLRRTT nói chung cần được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận thông lệ quốc tế. Nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực định lượng RRHĐ, RRTT cần được bổ sung, tuyển dụng mới để thực hiện các chức năng khó như xây dựng, phát triển mô hình hay kiểm định mô hình.

NHÃ PHƯƠNG

Thị trường tài chính

Thị trường tài chính

(Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com)

Financial Markets

➨ Giải Nobel: MARKOWITZ, 1990 – MERTON, 1997 – MILLER, 1990 – SCHOLLES, 1997 –SHARPE, 1990

Thuật ngữ “thị trường tài chính” được dùng theo số ít hay số nhiều và không qui chiếu về những định chế chính xác, càng ít qui chiếu về những địa điểm mà về quá trình qua đó những cung và cầu tài trợ (còn gọi là những “nguồn lực tài chính” hay “tài sản tài chính”) ít nhiều trực tiếp đối mặt nhau.

Thị trường tài chính và tài chính trực tiếp đối lại ngân hàng thương mại và tài chính gián tiếp

Những nguồn lực thu được trên những thị trường tài chính từ những nhà đầu tư khác với những nguồn lực thu được theo logic tín dụng từ các ngân hàng. Thật vậy, trong truờng hợp những nguồn lực được tài trợ bằng tín dụng ngân hàng thì rủi ro được biểu trưng bằng người đi vay có mặt trong bảng tổng kết tài sản của ngân hàng (hay nhiều ngân hàng, nếu đó là một giao dịch trên những số tiền lớn). Cho nên những nguồn lực tài chính được huy động từ bên nợ của những bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng nhằm đối phó với những rủi ro có thể xảy ra và như thế phòng hộ cho những kí gởi trong các ngân hàng trước rủi ro mà ngân hàng gánh chịu vì hoạt động tín dụng của mình.

Việc các ngân hàng “biến đổi” những kí gởi thành tín dụng dựa trên những phương thức đặc biệt để chọn lọc hồ sơ và người đi vay. Còn việc tài trợ thông qua những thị trường tài chính theo một logic và những phương thức khác với những phương thức của tài trợ ngân hàng; sự khác biệt này làm cho Gurley và Shaw phân biệt, bằng một ngữ vựng biểu cảm, “tài chính gián tiếp” (hay ngân hàng) với “tài chính trực tiếp” (hay tài chính thông qua những thị trường tài chính).

Cần ghi nhận là ngữ vựng ít nhiều có tính đánh lừa, vì việc đối chiếu cung cầu của những nguồn lực tài chính trên những thị trường tài chính do những nhà môi giới chuyên nghiệp dàn xếp, được gọi bằng “ngân hàng đầu tư (investment bank), tuy nhiên những môi giới này (mặc dù mang tên là “ngân hàng”) không có thiên hướng ghi lâu dài trong bảng tổng kết tài sản của mình những rủi ro do người thụ hưởng những nguồn lực huy động được qua trung gian của họ sinh ra cho người đầu tư. Trong trường hợp của “tài chính trực tiếp”, chính các nhà đầu tư, chứ không phải là một ngân hàng, gánh chịu trực tiếp rủi ro. Vai trò của những ngân hàng đầu tư chủ yếu là thích nghi những công thức thu thập các nguồn lực tài chính với những yêu cầu của cân bằng có tính bảo hiểm của các nhà đầu tư.

Những thị trường tài chính tạo điều kiện dễ dàng cho việc đáp ứng nhu cầu đầu tư của những nhà đầu tư định chế cũng như việc đáp ứng nhu cầu tài trợ của những tác nhân khác trong nền kinh tế.

Trong nền kinh tế đương đại, những lực đẩy cung và cầu các nguồn lực tài chính chủ yếu là những nhu cầu của hai loại lớn tác nhân của nền kinh tế: (1) bên phía cầu, (2) bên phía cung, những định chế tiết kiệm, bảo hiểm và dự phòng có trách nhiệm bằng hợp đồng để đầu tư những số tiền do khách hàng giao trên những thị trường tài chính nhằm thoả mãn nhu cầu của những khách hàng này: nhu cầu phòng chống rủi ro trong trường hợp bảo hiểm, nhu cầu tích luỹ một di sản và rút ra thu nhập từ di sản đó trong trường hợp, ví dụ, những lương hưu bằng chế độ kinh doanh vốn.

Từ việc phân đoạn thị trường tài chính (số ít) đến những thị trường tài chính (số nhiều)

Nếu người ta thường nói đến thị trường tài chính theo số nhiều chứ không nói đến theo số ít đó là vì trong thực tiễn có sự đa dạng của những nhu cầu và sản phẩm tài chính, và do đó, có sự phân đoạn của thị trường tài chính thành những khoang chuyên biệt, đáp ứng những cách làm và vận dụng những kĩ thuật khác nhau, do những chuyên gia và định chế khác nhau vận hành. Chính sự phân đoạn này biện minh cho việc người ta nói đến những thị trường tài chính (số nhiều). Tuy nhiên ta cũng có cơ sở để nói đến thị trường tài chính (số ít) trong chừng mực mà sự phân đoạn thành những khoang khác nhau không có nghĩa là sự cách li. Trong nhiều trường hợp, cùng một biến cố sẽ có một tác động có cùng một bản chất đủ giống nhau trên những khoang khác nhau khiến ta có thể nói là: “Thị trường tiền tệ đã phản ứng cách này hay cách khác trước công bố này hay công bố khác”.

Trong thực tiễn, như thế ta có thể phân biệt: những thị trường cổ phiếu, những thị trường trái phiếu, những thị trường hối đoái (hay thị trường ngoại tệ), những thị trường tiền tệ, những thị trường phái sinh (quyền chọn, hợp đồng kì hạn …). Tuy nhiên ta có thể phân đoạn vào chi tiết thành những khoang có mức tách biệt sâu hơn, ví dụ: những trái phiếu của những doanh nghiệp tương đối có rủi ro của Tây Âu, những quyền chọn trên những cổ phiếu được niêm yết ở thị trường chứng khoán Paris, những trao đổi phương thức vay (hay thị trường hoán đổi), thị trường trái phiếu ngắn hạn do những doanh nghiệp phi tài chính Mĩ phát hành nhằm thoả mãn nhu cầu ngân quỹ (thị trường Mĩ của commercial paper), thị trường phái sinh về tín dụng (total return swaps, credit spread options), v.v..

Những lựa chọn đảm bảo tính thống nhất của thị trường tài chính và góp phần làm cho thị trường này trở nên “hữu hiệu”.

Và nếu có sự liên thông giữa các khoang khác nhau của thị trường tài chính, đó chủ yếu là do những lựa chọn vì nhà đầu tư cũng như người đi vay thường đối mặt với những đối chọn có được những đặc điểm về mặt lợi tức và rủi ro tương ứng với nhu cầu của họ, và như thế họ có thể lựa chọn can thiệp trên khoang thị trường này thay vì khoang khác (ví dụ, vay bằng euro thay vì bằng đôla, đầu tư vào cổ phiếu hơn là vào trái phiếu, v.v.).

Thông qua việc thoả mãn nhu cầu của các nhà đầu tư và những nhu cầu tài trợ, chức năng kinh tế của các thị trường tài chính là xác định giá của những tài sản tài chính. Một cách cơ bản, trên quan điểm của nhà đầu tư, những tài sản này là những hứa hẹn về những thu thập tương lai. Từ đó giá của chúng tuỳ thuộc vào những thông tin có được để đánh giá triển vọng hoàn thành những hứa hẹn này. Chính như vậy mà thông tin là quan trọng đến thế đối với các thị trường tài chính. Hơn nữa các thị trường tài chính càng “hữu hiệu” khi chúng càng có khả năng thể hiện trong giá của những tài sản tài chính tất cả thông tin sẵn có. Tuy nhiên, nói chung, các thị trường tài chính chỉ có khả năng xác định giá, chứ không xác định giá trị, của những tài sản tài chính, vì việc xác định giá trị đòi hỏi là ta biết dự đoán không sai lầm những thu nhập tương lai, một điều hiếm khi làm được.

Những thị trường tài chính, hiện thân của nền kinh tế thực tế. – Những số tiền được huy động trên các thị trường tài chính là khổng lồ nhưng sẽ là không có ý nghĩa khi so sánh chúng với những luồng kinh tế thực tế. Đặc biệt là vì những lựa chọn hầu hết được tiến hành trong lĩnh vực tài chính, và do đó thiên hướng của những lựa chọn này là riêng cho lĩnh vực tài chính: làm cho thông tin lưu thông và qua đó bảo đảm tính hiệu quả của những thị trường tài chính chứ không phải là trực tiếp đáp ứng một nhu cầu trong lĩnh vực thực tế.

Cũng cần nhận xét là người ta có xu hướng so sánh những dữ liệu về những số tiền lưu thông trên các thị trường tài chính với những dữ liệu về các luồng kinh tế thực tế trong lúc, trong đa số các trường hợp, những chuyển động và cân bằng trên các thị trường tài chính liên quan đến những đại lượng có chiều kích kho chứ không phải là những luồng. Ví dụ, thường người ta nói đến sức mạnh của những quĩ hưu trí bổ sung của Mĩ theo chế độ kinh doanh vốn mà một số ước lượng lên đến 20.000 tỉ đôla Hoa Kì; rõ ràng cần thấy là ở đây người ta nói đến những số tiền được tích luỹ và vốn hoá từ hơn hai mươi năm nay và điều không có mấy ý nghĩa là so sánh chúng với, như đôi lúc có người từng làm, ví dụ, GDP của Liên hiệp châu Âu, một đại lượng tượng trưng cho một luồng hàng năm.

Lời kết tội thường gặp đối với một sự tự chủ được giả định của các thị trường tài chính đối với nền kinh tế thực tế thường là không có cơ sở: một mặt, vì việc so sánh những số tiền có liên quan đây đó thường không có ý nghĩa; mặt khác vì những nhu cầu tài trợ và đầu tư được các thị trường tài chính thoả mãn quả thật là bắt nguồn từ lĩnh vực thực tế.

Những khuyết tật của các thị trường tài chính: dồn nén thời gian, cô đọng hành vi các tác nhân và ứng xử bầy đàn. – Mặc dù là hiện thân của lĩnh vực thực tế, nhưng các thị trường tài chính thường gây ngạc nhiên bởi cách chúng kiến giải những thông tin xuất phát từ lĩnh vực này. Điều này một phần là do việc các thị trường dồn nén thời gian trong qui trình ấn định giá của những tài sản tài chính: trong lúc trong nền kinh tế thực tế, thông tin được đón nhận vì những hệ quả tức thì của nó thì đối với các thị trường tài chính cùng một thông tin này được đón nhận trong toàn bộ những tác động đến vô tận trong tương lai của nó. Như thế các thị trường tài chính thường tạo cảm tưởng là chúng cực kì nhạy cảm.

Một lí do khác của những hành vi, thường không được người ta hiểu, của các thị trường tài chính là tính tương đối đồng nhất của những lập luận làm cơ sở cho các chuyên gia hoạt động trên những thị trường này. Kết quả của tính đồng nhất này là một hình thức ứng xử theo bầy đàn làm khuếch đại những phản ứng đối với những thông tin có khả năng làm thay đổi việc cảm nhận những thu hoạch sinh được trong tương lai từ những tài sản tài chính.

J.-J. Rousseau (1712-1778)

Việc kiểm tra tỉ mỉ tính hiệu quả của sự phân bổ các nguồn lực sản xuất và đóng góp của các thị trường tài chính vào phúc lợi của con người. – Các tác nhân – ngân hàng đầu tư, các nhà môi giới, các nhà phân tích tài chính – hoạt náo những thị trường tài chính nhân danh khách hàng của họ, đặc biệt là các nhà đầu tư định chế, có thiên hướng đảm bảo việc thực hiện những hứa hẹn thu nhập do các tài sản tài chính mang lại. Để làm điều này, phần lớn thời gian của họ được dành cho việc theo dõi tỉ mỉ hoạt động và chiến lược của những nhà“phát hành giấy”.

Một mặt, ta có thể, như một số người hoài niệm một trật tự theo kiểu Jean-Jacques Rousseau, chỉ thấy trong việc này một hình thức độc tài của những người mang đến tài trợ. Ngược lại, trên quan điểm kinh tế, không thể phủ nhận được là hoạt động của những thị trường tài chính, bằng cách loại trừ những hiện tượng kí sinh và không có năng lực đủ loại, góp phần mạnh mẽ vào tính hiệu quả của hoạt động sản xuất, kích thích tăng trưởng kinh tế với kết quả cuối cùng là sự gia tăng phúc lợi của con người.

Jacques RÉGNIER

Giáo sư thỉnh giảng đại học Panthéon-Assas (Paris 2)

Nguyễn Đôn Phước dịch

® Định giá chứng khoán; Đầu tư; Hạch toán kinh tế trong doanh nghiệp; Kinh tế toán học; Lí thuyết danh mục đầu tư chứng khoán; Qui luật cung cầu; Tiết kiệm; Tín dụng;

NguồnDictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001

——————&&&—————–

Công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh sẽ thay đổi ngành ngân hàng trong tương lai như thế nào?

Công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh sẽ thay đổi ngành ngân hàng trong tương lai như thế nào?

(Nguồn: http://cafef.vn)

Có ý kiến cho rằng sự ra đời của công nghệ blockchain và cụ thể là hợp đồng thông minh sẽ làm lu mờ vai trò của các ngân hàng trong các giao dịch. Liệu đó có phải là một lo lắng đúng đắn hay chỉ là lời quảng cáo được thổi phồng?

Mặc dù cho đến nay bitcoin đã ra đời được khá lâu, đồng tiền số này vẫn chỉ tồn tại trong những giao dịch mua đi bán lại đơn thuần. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu những giao dịch đó có thể được lập trình để được thực hiện tại một thời điểm có sẵn, trong một điều kiện nhất định, thậm chí bao gồm một nhóm các đối tác khác nhau được đăng ký trước? Và điều gì sẽ xảy ra nếu có thể sử dụng cùng một công nghệ để lập trình trước giao dịch ví dụ như mức chi trả của một sản phẩm phái sinh?

Sự ra đời của “Hợp đồng thông minh” trong kỷ nguyên blockchain

Trong một chừng mực nào đó, cái ngày tưởng chừng như rất xa vời ấy có thể hiện thực hóa bằng “hợp đồng thông minh”. Thuật ngữ “hợp đồng thông minh” lần đầu tiên được đề cập đến bởi một trong số những người được cho là cha đẻ của bitcoin – Nick Szabo vào năm 1994. Về cơ bản, nó có nghĩa là “tiền lập trình” hoặc chương trình máy tính tự động có thể thực hiện các điều khoản của hợp đồng. Những điểm mạnh của “tiền lập trình” vẫn đang được những người hào hứng với công nghệ này khám phá, nhưng hầu hết mọi người đều đồng ý rằng nó là một sự đảm bảo về tài chính trong giao kèo do bên thứ 3 nắm giữ mà ở đây là 1 mạng lưới gắn kết mọi người nhận dựa trên các sự kiện trong tương lai và các mã máy tính.

Cách dễ hiểu nhất để mô tả hợp đồng thông minh là hình dung công nghệ này như một máy bán nước tự động. Thường thì người làm hợp đồng phải tìm đến luật sư hay công chứng, trả tiền cho họ và chờ đợi để lấy giấy tờ tài liệu. Với hợp đồng thông minh, bạn chỉ cần thả một bitcoin vào máy bán hàng tự động (nền tảng blockchain) và bất cứ thứ gì bạn yêu cầu sẽ được thả trực tiếp vào tài khoản của bạn. Hơn nữa, hợp đồng thông minh không chỉ xác minh những quy định và nghĩa vụ giống như hợp đồng truyền thống mà nó còn tự động thực thi những điều trên.

Ví dụ, chìa khóa kỹ thuật số của một chiếc xe chỉ có thể hoạt động nếu người mua trả tiền bằng cách nộp tiền số vào hệ thống sổ cái (blockchain). Nếu quá hạn mà người mua không gửi tiền thì hợp đồng sẽ bị đóng lại và chìa khóa không hoạt động. Ngược lại, nếu đến hạn và người mua đã gửi tiền vào hệ thống mà người bán chưa gửi chìa khóa điện tử thì hệ thống cũng sẽ giữ lại tiền.

Công nghệ nguyên thủy của hợp đồng thông minh đã từng là một bài tập tư duy ngủ yên trong hơn một thập kỷ cho đến khi các lập trình viên tìm thấy một vật trung gian hữu ích để cho hợp đồng thông minh tồn tại – đó chính là mạng lưới blockchain. Ngày nay, số lượng tổ chức, công ty nghiên cứu về blockchain và ứng dụng của hợp đồng thông minh đã tăng lên đáng kể.

Hai blockchain phổ biến hiện nay có thể thực hiện hợp đồng thông minh đó là bitcoin và ethereum. Tuy nhiên, blockchain bitcoin có hạn chế không giải quyết được nhu cầu “vẹn toàn Turing” mà hầu hết các định chế tài chính cần có. Được đặt tên theo nhà toán học nổi tiếng Alan Turing, sự vẹn toàn này có được khi một hệ thống hay ngôn ngữ lập trình có thể được sử dụng để thực hiện bất kỳ một phép tính hay một chương trình tính toán nào. Mặc dù Bitcoin cũng có khả năng có các đoạn mã trong giao dịch để thực thi những điều kiện nhưng script trong Bitcoin khá đơn giản, ngược lại Ethereum lại cho phép các đoạn mã trong giao dịch có được khả năng của một ngôn ngữ lập trình hoàn chỉnh tức là có thể lập trình cho nó để xử lý bất cứ vấn đề gì.

Cuộc cách mạng “Hợp đồng thông minh” trong ngành ngân hàng

Báo cáo Capgemini năm 2016 với tựa đề “Hợp đồng thông minh trong dịch vụ tài chính: Từ quảng cáo đến đời thực” cho biết nhiều ngân hàng đi đầu đã bắt đầu nghiên cứu về hợp đồng thông minh và một vài trong số họ “lạc quan về một cuộc cách mạng đến từ hợp đồng thông minh và sự thay đổi toàn diện trong ngành ngân hàng trong vòng vài năm tới”.

Đầu năm nay, Mạng lưới FinTech và Zerado đã kết hợp phát hành sách trắng về hợp đồng thông minh cho các ngân hàng. Mặc dù thừa nhận thách thức hàng đầu mà hợp đồng thông minh phải vượt qua đó là cho phép hợp đồng truyền thống được mã hóa thành hợp đồng thông minh, sách trắng kết luận rằng “hợp đồng thông minh trên nền tảng blockchain có thể cung cấp cho các ngân hàng nhiều lợi ích trên diện rộng bao gồm giảm thiểu rủi ro, giao dịch đúng thời hạn, bớt đi trung gian và giảm thiểu chi phí”.

Một khi các ngân hàng áp dụng công nghệ hợp đồng thông minh và phát triển hạ tầng khả năng tương tác, hợp đồng thông minh có thể kích hoạt giao dịch bằng tiền giấy từ một tài khoản ngân hàng với đầy đủ chức năng cần thiết như đổi tiền và chuyển khoản được tiến hành tự động một khi điều kiện giữa hai bên đều được đáp ứng, đã được báo cáo với cơ quan thuế và xác minh tuân thủ theo yêu cầu của chính quyền.

Trên thế giới hiện nay đã xuất hiện một làn sóng startup blockchain mới hoạt động trong mảng ngân hàng. Một trong số đó là Bankera. Công ty này hỗ trợ cả giao dịch tiền giấy lẫn tiền số và cung cấp các dịch vụ ngân hàng như những ngân hàng truyền thống khác trong đó có thực hiện thanh toán và cung cấp thẻ ghi nợ.

Tờ The Next Web nhận định: “Mặc dù Bankera hoạt động như một ngân hàng truyền thống, bản chất nó được sinh ra từ một cái nôi số hóa có công tiên phong đưa tiền số vào làm tài sản ký quỹ vay nợ”.

Trên trang web của Bankera tuyên bố rằng tất cả các dịch vụ của phía này đều hỗ trợ cả tiền giấy lẫn tiền số như bitcoin, ethereum và ERC20.

Anh Sa

Theo Trí thức trẻ/Nasdaq, Cryptocoinsnews

——————&&&—————-