Trường học không tệ như bạn nghĩ

Trường học không tệ như bạn nghĩ

(Nguồn: http://www.trangps.com)

Trường học không tệ như bạn nghĩ, ngược lại, đó là một trong những phát minh tuyệt vời nhất của con người. Nghe tôi nói đến đó, bạn tôi không tin nổi vào mắt mình. Lời khen dành cho trường học lại được phát ra từ mồm của một đứa bỏ đại học từ giữa năm hai như tôi. Vì đâu mà một đứa từ chán ghét trường học lại bỗng chốc hình thành nên những quan niệm thân thiện dành cho nó đến như vậy?

Khi trường học đã là một điều gì quá đỗi bình thường trong cuộc sống của con người, thì hình như, đến độ tuổi 22 này, tôi mới bắt đầu tự hỏi “Ai là người đã phát minh ra trường học?”. 3 tuổi, tôi bắt đầu tự đi bộ đến trường mẫu giáo với một vài đứa loắt choắt trong làng. 6 tuổi, tôi bước vào lớp 1. 11 tuổi, tôi lên lớp 6. 15 tuổi, tôi bước vào cấp 3. 18 tuổi, tôi vào đại học. Tiến trình đó diễn ra nhịp nhàng và hiển nhiên đến nỗi, người ta không có thời gian mà ngừng lại và để mà nghĩ xem vì sao mình phải đi học. Và vì sao trường học ra đời? Và điều gì sẽ xảy ra nếu trường học không xuất hiện trên cõi đời này?
Ta đi học và ta đang tạo ra một sự khác biệt giữa ta và động vật. Động vật chẳng học hành gì cả, chúng cứ thế lớn lên. Con người khác động vật ở chỗ chúng ta tồn tại lý tính. Hồi 3 tuổi, tôi đã bắt chước mẹ tôi ngân nga vài lời bài hát. 4 tuổi, tôi bắt đầu học vẽ. 6 tuổi, tôi biết đọc và biết viết. Trước khi tồn tại trường học, loài người chúng ta dường như tồn tại một bản năng tìm tòi và nghiên cứu, dù ít hay nhiều. Nhà thơ Goethe đã từng nói: “Kẻ nào không biết rút ra bài học của ba ngàn năm thì chỉ sống lần hồi qua ngày”. Và dường như, con người học để không cảm thấy hổ thẹn với chính mình, họ học vì họ là con người. Nhưng trường học xuất hiện từ bao giờ thì lại là câu hỏi khó đưa ra lời đáp trả chính xác. Nhưng thay vì rơi vào vòng luẩn quẩn của câu hỏi trường học xuất hiện từ bao giờ, tôi nhớ đến nhà triết học đầu tiên mà loài người biết tới là Thales (624 TCN – 548 TCN). Thales là người du lịch nhiều. Người ta kể lại rằng ông đã tính chiều cao của một kim tự tháp tại Ai Cập bằng cách đo bóng của nó đúng vào lúc bóng của chính ông trùng với tầm vóc thực của ông. Ông cũng là người dự báo chính xác hiện tượng nhật thực vào năm 585 TCN. Rõ ràng, niềm đam mê học của con người đã xuất hiện từ rất rất sớm. Bạn hẳn còn nhớ Sokrates, nhân vật bí ẩn nhất trong lịch sử triết học. Ông không hề viết dù chỉ một dòng, và cuộc đời ông được chúng ta biết đến phần lớn nhờ Plato, vốn là học trò của ông và đã trở thành nhà triết học vĩ đại nhất lịch sử. Như vậy, có vẻ như, mối quan hệ thầy trò được hình thành trước khi trường học ra đời. Nhưng, cái hình thành trước cả mối quan hệ thầy trò đó chính là niềm khao khát được học của con người và khao khát truyền tải kiến thức của con người đến những cá nhân khác. Con người sẽ không có động lực để truyền thụ kiến thức cho một người không sẵn sàng tiếp thu. Trong tác phẩm “Giết con chim nhại”, bố Anticus nói rằng: “Con sẽ không thể thay đổi được bất kỳ ai trong số họ bằng cách nói đúng, tự họ phải cảm thấy muốn học hỏi, và khi họ không muốn học, thì con không thể làm gì ngoài việc im miệng hoặc nói thứ ngôn ngữ của họ”. Một con người không thể là một người thầy nếu không có học trò, và một con người không thể là một học trò nếu như bản thân anh ta không có nhu cầu học hỏi từ người khác. Như vậy, mối quan hệ thầy trò phải hình thành dựa trên ý chí của cả hai bên. Có thể một bên đến trước, một bên đến sau, nhưng dường như tồn tại một sự đồng điệu nào đó để cả hai tiếp tục hành trình học hỏi lẫn nhau này. Tôi nhấn mạnh “học hỏi lẫn nhau” vì tôi nghĩ rằng một người thầy cũng có thể học từ học trò của mình, dù ít hay nhiều.
Và ngay lúc này, tôi đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “trường học đầu tiên xuất hiện như thế nào?”. Chính triết gia vĩ đại Plato đã thành lập ngôi trường đầu tiên mang tên Academy ở Athens (nơi mà ông chủ trì cho tới khi qua đời) vào năm 385 TCN và trường bị đóng cửa vào năm 529 CN bởi Hoàng đế La Mã Justinian I – người lo sợ rằng ngôi trường là nguồn gốc của chủ nghĩa ngoại giáo và là một mối đe dọa với Cơ đốc giáo. Trong hơn 900 năm hoạt động, chương trình giảng dạy của Academy gồm thiên văn học, sinh học, tóan học, lý thuyết chính trị và triết học. Plato từng khát khao Academy là nơi nuôi dưỡng những nhà lãnh đạo tương lai, khám phá ra cách xây dựng một chính quyền tốt hơn cho các thành bang Hy Lạp. Trong thế giới tri thức, tôi không bao giờ quên được câu nói: “Phẩm chất duy nhất cần thiết để trở thành một triết gia giỏi là ngạc nhiên”. Và suy rộng ra, phẩm chất duy nhất cần thiết để trở thành một con người thực thụ là khả năng tò mò khai phá bản năng tìm tòi, nghiên cứu của chính mình. Vì vốn dĩ, việc học hỏi thuộc về bản năng của con người. Nếu một người nào đó nói rằng họ không nhất thiết phải học, họ không nhất thiết phải có tri thức giữa cuộc sống này, phải chăng là vì họ quá đỗi bất hạnh? Và họ mới chính là những người cần được khai mở tri thức nhiều nhất, chẳng qua bản năng của họ đã bị đục mờ, và bạn – với tư cách người khai mở tri thức cho họ, cần phải ra sức nạo vét, đẩy tan phần đục mờ ấy cho họ.
Trong chuyến thăm ngắn ngày của tôi đến Côn Đảo, nơi mà người ta ví là địa ngục trần gian, tôi nhận ra rằng nhà trường sinh ra ngay từ chính địa ngục ghê sợ và vô nhân đạo ấy. Một nơi ám nặng mùi tử thần, ám nặng mùi máu tanh, nơi mà mỗi người Việt Nam yêu nước bị hành hình tàn bạo, sống không ra sống, chết không ra chết, và thậm chí một cái chết còn sướng hơn cảnh phải sống đày đọa như thế, thì họ vẫn học hỏi lẫn nhau. Người ta vẫn khâu tay những túi vải, người ta vẫn dạy nhau những chữ cái để không quên hình hài tiếng mẹ đẻ, người ta vẫn vang lên những tiếng hát tự hào dân tộc. Hồi tưởng lại khung cảnh năm nao, lòng tôi bỗng trào dâng niềm xúc động nghẹn ngào. Trường học vẫn mọc lên giữa cảnh tù đày, máu tanh và oan ức. Câu chuyện ấy truyền cảm hứng mạnh mẽ đến việc học của mỗi chúng ta trong ngày hôm nay.
Vậy thì cớ sao, ngày hôm nay, người trẻ chúng ta dễ dàng chán ghét trường học đến như vậy? Có lẽ, đó cũng là một câu hỏi gây nhiều nhức nhối trong tâm trí tôi. Vì chính tôi là một người bỏ học ở trường đại học.
Để được lý giải, đọc tiếp bài: “Cách học tốt nhất là tự tạo dựng trường học cho chính mình

——————–&&&——————–

Bình luận về bài viết này