Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Đánh giá thông qua con số dễ ngụy tạo

Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Đánh giá thông qua con số dễ ngụy tạo

(Tác giả: Phùng Hồ Hải – Nguồn: https://thanhnien.vn/)

Trong kinh tế, không nước nào muốn “nhập siêu”. Nhưng hiện nay, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài trong việc đánh giá nghiên cứu khoa học.
Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Đánh giá thông qua con số dễ ngụy tạo

 

Phụ thuộc vào nước ngoài

Khoảng 10 năm trở lại đây đã có những thay đổi lớn trong hệ thống đại học (ĐH) ở Việt Nam. Các trường ĐH thuộc tốp đầu đều quan tâm nhiều hơn đến nghiên cứu khoa học, coi nghiên cứu khoa học như một nhiệm vụ của giảng viên. Nhà nước cũng có các chương trình đầu tư cho nghiên cứu khoa học thông qua Quỹ phát triển khoa học – công nghệ quốc gia (Nafosted). Gần đây đã bắt đầu xuất hiện quỹ tư nhân, như Vinif của Vingroup. Nguyên tắc làm việc của các quỹ này là tài trợ phi vụ lợi cho những nghiên cứu khoa học có ích cho sự phát triển kinh tế, xã hội và đất nước.

Nhà khoa học cần được trả lương xứng đáng

Việc nhà khoa học phải bươn chải kiếm sống là một điểm khác biệt rất lớn giữa Việt Nam so với thế giới. Ở Việt Nam, lương giảng viên căn bản là không đủ sống. Theo tôi, việc các trường ĐH trả lương cho nhà khoa học với giá rẻ mạt chính là hành vi bóc lột chất xám nghiêm trọng. Đây mới là nguồn gốc của vấn đề. Nếu được trả lương xứng đáng, mỗi nhà khoa học sẽ trân trọng nơi làm việc của mình và sẽ có rất ít nhu cầu ký thêm hợp đồng bên ngoài.
GS Phan Thành Nam (ĐH Ludwig-Maximlians, Đức)

Việc tài trợ nghiên cứu khoa học tất yếu dẫn tới yêu cầu đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học. Rõ ràng, bất kỳ đơn vị tài trợ nào cũng cần đánh giá được hiệu quả của các chương trình tài trợ. Đến đây, Việt Nam gặp bài toán khó, cũng như tất cả các nước đang phát triển khác, nền khoa học của chúng ta chưa tự đánh giá được mình! Đây không phải điều bất thường mà là thực tế của tất cả các nước chưa phát triển.

Để giải quyết bài toán tự đánh giá, cách chúng ta làm là sử dụng hệ tiêu chuẩn sẵn có ở nước ngoài. Điều này vừa hợp lý, vừa không hợp lý. Nó cũng giống như việc chúng ta nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài thì tự khắc sẽ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu đó. Trong kinh tế, không nước nào muốn “nhập siêu”. Nhưng hiện nay, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài trong việc đánh giá khoa học. Có thể đơn cử các hệ thống đánh giá khoa học thông qua chỉ số ảnh hưởng IF của WoS của Scopus hay các hệ thống đánh giá ĐH THE, QS, ARWU… Về cơ bản, các hệ thống này đều đánh giá chất lượng nghiên cứu hay đào tạo thông qua những con số. Mới nghe có vẻ khách quan, nhưng không phải lúc nào cũng chính xác và rất dễ ngụy tạo.

“Dây chuyền sản xuất” giữa “3 nhà”

Từ 200 năm nay, các nhà xuất bản (NXB) có đóng góp rất nhiều cho nhân loại qua việc quảng bá khoa học. Nhà khoa học tất nhiên là những người tạo ra khoa học, còn nhà trường là những nơi đào tạo ra nhà khoa học và cũng là nơi làm việc của họ. Đó là mô hình của xã hội phương Tây, về sau lan ra cả thế giới. Các trường ĐH tốt tại các nước tiên tiến đều có điểm chung là phi lợi nhuận và coi trọng nghiên cứu khoa học.
Nhưng ở Việt Nam, điều gì đã xảy ra xoay quanh “3 nhà” này?

Làm thế nào để các nhà khoa học ở Việt Nam có đủ thu nhập ?

Một câu hỏi lớn hơn, từ trước đến nay vẫn tồn tại, và càng trở nên nhức nhối hơn sau những ồn ào gần đây về việc “mua bán” bài báo khoa học, là: làm thế nào để các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, ở Việt Nam có đủ thu nhập và cảm nhận được sức lao động của mình được trân trọng, để họ không bao giờ phải dằn vặt trước lựa chọn mà họ biết là có thể vi phạm đạo đức khoa học. Một chiến lược đầu tư vào khoa học và con người đúng đắn không chỉ có tác dụng ngăn chặn các hành vi gian dối trong nghiên cứu, mà còn có ảnh hưởng dài hạn trong phát triển khoa học và phát triển đất nước.
GS Đàm Thanh Sơn (ĐH Chicago, Mỹ)

Các giảng viên, nhà khoa học cần phải có công bố khoa học, nhằm nghiệm thu đề tài nghiên cứu để được cấp nguồn tài chính khá quan trọng, giúp họ tồn tại và làm việc như một nhà khoa học. Lý do là lương cơ bản của họ không đủ sống, hoặc chỉ đủ để tồn tại. Đây là khác biệt quan trọng giữa Việt Nam và các nước phát triển. Ở các nước phát triển, lương trả cho một giảng viên ĐH luôn đủ để sống một cách sung túc, cho dù không giàu có. Kinh phí nghiên cứu khoa học nếu có là để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, không phải trả lương. Ở Việt Nam thì sử dụng mô hình “bù quỹ vào lương”, nhưng mô hình này đang bị lạm dụng.

Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Đánh giá thông qua con số dễ ngụy tạo  - ảnh 1
Một cách “lách luật” trong mô hình “bù quỹ vào lương” là tìm cách công bố trên những tạp chí chất lượng thấp. Đây không phải thực tế của riêng Việt Nam mà của tất cả các nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ… Trong cơ chế thị trường, một số NXB đánh hơi được nhu cầu “xuất bản dễ” từ giới khoa học, nên họ xây dựng các tạp chí đáp ứng nhu cầu này. Với nhiều mẹo mực, các NXB này không khó khăn gì để đáp ứng tiêu chí về chỉ số trích dẫn để có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng Web of Science (WoS), Scopus. Sau khi đã có được thứ hạng, họ thu lợi bằng cách “bán bài”. Giá đăng bài trên một tạp chí như vậy dao động từ 500 – 2.000 USD, phụ thuộc vào chỉ số trích dẫn – thứ hạng của tạp chí.
Một số trường ĐH cũng muốn thăng hạng nhanh chóng. Để phục vụ cho mục tiêu thăng hạng đó, họ “mua bài”. Họ ký “hợp đồng làm việc” với các nhà khoa học không hề liên quan gì đến mình, không nghiên cứu, không giảng dạy, chỉ với một điều kiện: ghi địa chỉ của trường vào trong công bố. Có trường còn “sát ván” hơn, không chỉ muốn thăng hạng mà còn “rút ruột đối thủ” – chỉ trả tiền cho những công bố mà tác giả chính ghi duy nhất địa chỉ nhà trường. Đến mức này thì rõ ràng là cạnh tranh rất không lành mạnh.
Chúng ta thấy đang có một “dây chuyền sản xuất” bao gồm các trường “mua bài” để có thành tích ảo, các NXB vụ lợi tạo ra các tạp chí dễ dãi về chất lượng để “bán bài” và các nhà khoa học tiếp tay, hưởng lợi từ những hoạt động trên.

Lỗi ở đâu ?

Chìa khóa cho sự trỗi dậy của dân tộc Việt Nam nằm ở đào tạo ĐH. Chất lượng đào tạo ĐH nằm ở trình độ và đạo đức của các giảng viên ĐH. Mà giảng viên thì phải nghiên cứu khoa học, bởi tinh thần của giáo dục ĐH là khai phóng. Sinh viên không chỉ học kiến thức mà quan trọng hơn là học cách tư duy, sáng tạo. Nếu người thầy không nghiên cứu, không suy nghĩ sáng tạo mỗi ngày thì không thể truyền đạt cho người học tinh thần sáng tạo được.

Nhiệm vụ của trường ĐH là đào tạo học sinh sau khi rời ghế nhà trường phổ thông trở thành những người nắm được các kiến thức khoa học để phục vụ xã hội, để họ là động lực chính đưa xã hội phát triển. Trách nhiệm xã hội của người thầy vì thế càng cao hơn, nếu anh không muốn gánh trách nhiệm đó, đừng làm thầy nữa. Nếu ai đó muốn trở nên giàu có, anh ta có nhiều nghề để chọn, chứ không nên chọn nghề tạo ra và truyền bá tri thức.
Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Đánh giá thông qua con số dễ ngụy tạo  - ảnh 2

Nhiều báo khoa học của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là sự “hợp tác”, mua bán từ các tác giả người nước ngoài

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Nhưng để xảy ra điều này, tôi cho rằng lỗi chính nằm ở các cơ quan quản lý cấp bộ, rồi đến cấp quản lý các trường ĐH, viện nghiên cứu. Lỗi của các cơ quan này là chưa tạo được môi trường khoa học lành mạnh, có cơ chế đánh giá công bằng, khiến thật giả lẫn lộn; người làm khoa học một cách có trách nhiệm (không chỉ với chuyên môn mà còn với xã hội) không có động lực phấn đấu. Vì vậy, rất cần các cơ quan quản lý như Bộ GD-ĐT, Bộ KHCN gấp rút xây dựng quy định pháp lý để ngăn chặn triệt để các hành vi mua bán bài để có thành tích ảo, loại bỏ các NXB không có chất lượng và chạy theo lợi nhuận trong bất cứ quy định nghiệm thu, đánh giá khoa học nào. Có như thế mới động viên được những lao động khoa học nghiêm túc, làm khoa học với tinh thần đóng góp cho xã hội, chứ không phải chỉ để có lợi cho bản thân.
Mặt khác, trong khi chưa xây dựng được cơ chế tiền lương hợp lý cho nhà khoa học, nhà nước cần đầu tư nhiều hơn vào quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đồng thời tiếp tục cải tổ hoạt động của quỹ theo hướng đánh giá khoa học thực chất hơn, thông qua chuyên gia cùng lĩnh vực; làm sao để những nhà khoa học có thể sống tốt nhờ lao động khoa học đích thực của mình.
———————-&&&———————-

 

Những kẻ cản trở đại nghiệp quốc gia

Những kẻ cản trở đại nghiệp quốc gia

(Nguồn: https://www.facebook.com/vannam.do.921/)

Nhiều năm qua, vì sao sức mạnh khoa học kĩ thuật của Mĩ luôn ở vị trí dẫn đầu? Khoảng cách thực sự giữa Mĩ và TQ là gì? Cái gì đã cản trở những sáng tạo khoa học của Trung Quốc? Chính phủ, giáo dục, giới khoa học và toàn xã hội cần thay đổi những gì? Dưới đây là chuyên đề phỏng vấn giáo sư Ngô Quốc Thịnh, chủ nhiệm khoa Lịch sử, ĐH Thanh Hoa. Trong giai đoạn bản lề hiện nay, quan điểm của ông thực sự sắc bén và mang tính thức tỉnh.
1. Khoảng cách thực sự giữa Mĩ và Trung Quốc là gì?
Đối với tiềm lực khoa học kĩ thuật của hai nước Trung Mĩ, tôi cho rằng chúng ta cần có nhận thức rõ ràng hơn. Sự phát triển của khoa học hiện đại là một kết cấu lập thể, bao gồm ba phương diện: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, và nghiên cứu phát triển thị trường. Sức mạnh KHKT tổng hợp của một quốc gia cũng được quyết định bởi ba yếu tố trên. Chỉ cần một yếu tố yếu kém thì sức mạnh KHKT của quốc gia đó sẽ bị thiên lệch. Tại sao ba phát minh lớn nhất thế kỉ 20 là vô tuyến điện, máy tính, internet đều thuộc về nước Mĩ? Bởi vì nguyên nhân quan trọng nhất là cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng lẫn nghiên cứu phát triển của họ đều cực mạnh. Đặc biệt, Mĩ luôn chú trọng và không tiếc tiền đầu tư tối đa cho nghiên cứu cơ bản. Sau thế chiến thứ II, Mĩ thành lập quỹ khoa học quốc gia (NFS), liên tục rót tiền cho nghiên cứu cơ bản. Tại sao Mĩ lại coi trọng khoa học cơ bản đến vậy? Vì khoa học cơ bản quyết định trình độ phát triển của lĩnh vực nghiên cứu khoa học nền tảng, quyết định việc quốc gia đó sản sinh ra được bao nhiêu phát minh gốc, khiến cho “phát minh gốc” đó giống như quả cầu tuyết càng lăn càng lớn thêm, những nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu phát triển cũng theo đó mà lớn mạnh. Như vậy, tiềm lực khoa học kĩ thuật của Mĩ ngày càng mạnh. Trong khi đó, sở đoản của Trung Quốc lại chính là thiếu nhận thức chính xác về nghiên cứu nền tảng và khoa học cơ bản. Truyền thống văn hóa của ta vốn không cổ vũ cho khoa học, chân lí và sáng tạo. Trong cả giai đoạn lịch sử cận đại và hiện đại hóa, thứ khoa học được chúng ta phát triển hầu như không phải là thứ khoa học đơn thuần phục vụ việc theo đuổi chân lí, phát triển sức sáng tạo cá thể, khao khát khám phá vũ trụ huyền bí. Phần lớn chúng ta phát triển thứ khoa học phục vụ mục đích cứu nước cứu dân, chấn hưng Trung Quốc, phục vụ nhu cầu văn hóa. Điều đó dẫn đến việc chúng ta thường nhìn khoa học từ góc độ thực dụng, góc độ lợi ích.
Với một số người, anh làm khoa học nghĩa là anh sẽ phải mang vinh quang về cho dân tộc như Trần Cảnh Nhuận, sẽ ích nước lợi nhà như Tiền Học Sâm, sẽ nhiều tiền như Viên Long Bình, nếu chẳng có hiệu quả gì thì còn gọi gì là khoa học! Do vậy, phát minh khoa học của chúng ta, từ trong cốt tủy luôn bao hàm tính ứng dụng. Công trình khoa học những năm gần đây đều mang tính ứng dụng như thế, được nhà nước nhắm đến, dùng tiền nhà nước đầu tư, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, sự phát triển của nó rất rõ ràng, ví dụ như đường sắt, hàng không…
Thiếu vắng khoa học cơ bản, chúng ta hầu như đều thiên vị cho những phát minh khoa học “mì ăn liền”, chính là những công trình tạo ra chút đột phá cục bộ trên cơ sở nền tảng khoa học cơ bản sẵn có, miễn là với mục tiêu thực dụng thì đều đạt được thành công nhất định. Nhưng những phát minh khoa học nền tảng chân chính đều cần trí tưởng tượng, nghiên cứu cơ bản mà yếu ớt thì năng lực sáng tạo nền tảng của chúng ta trước sau không khá lên nổi, giống như người ta đã xây nền cả rồi còn anh chỉ có thể cải tiến một chút dựa trên cơ sở đó, nhưng tất cả những cái đó chỉ là tạm thời, tuyệt đối không thể duy trì tiếp tục. Tất nhiên, ở giai đoạn quốc gia non nớt, chúng ta cần loại khoa học mô phỏng, bắt chước, cần loại kiểu sáng tạo “từ 1 đến 100”. Nhưng giờ đây, Trung Quốc đã trở thành nước lớn thứ hai trên thế giới, chúng ta càng cần hơn loại phát minh gốc “từ 0 đến 1”. Đây mới chính là yếu tố căn bản quyết định sức cạnh tranh của Trung Quốc. Do vậy, tôi cho rằng khoảng cách KHKT giữa ta và Mĩ tương đối lớn, chỉ có thay đổi quan niệm của chúng ta về khoa học, về nghiên cứu cơ bản, về văn hóa sáng tạo từ gốc rễ mới có thể thực sự rút ngắn được khoảng cách đó. Tất nhiên, con đường đó có thể rất gập ghềnh.
2. Ba nhân tố cản trở sức sáng tạo của Trung Quốc
Nhìn đường dài, dân tộc Trung Hoa muốn duy trì phát triển thì rất cần bồi dưỡng văn hóa khoa học. Trong nền văn hóa Trung Quốc, chúng ta dễ dàng nhìn thấy khoa học và kĩ thuật luôn được coi như nhau. Thực ra chúng có những khác biệt về bản chất: kĩ thuật thực ra là thứ giống như cá thấy thính thì lao vào. Còn khoa học lại là thứ chứa đựng tính sáng tạo, là cái gốc của tự do nhân tính; không có tự do phát triển cá tính, không có không gian tự do thì phát minh và sáng tạo chỉ là cái cây không gốc, dòng nước không nguồn mà thôi. Điều đó cần các nhà giáo dục, giới khoa học và toàn xã hội cùng nỗ lực. Tôi thấy có ít nhất 3 vấn đề tồn tại mà nên làm rõ.
1) Phương diện giáo dục: trong việc xây đắp nền văn hóa khoa học, chủ yếu có 3 điểm mấu chốt: Thứ nhất, mô hình giáo dục hiện nay và mô thức tư duy sáng tạo, đổi mới cần tương phản. Phương thức giáo dục phục tùng, học vẹt, thuộc bài hiện nay cần phải được cải cách ngay tập tức. Cụ Trịnh Dã Phu có câu nói rất hay: “La kéo cả đời cũng chả theo kịp thiên lý mã”. Thiên lí mã cần không gian tự do rộng lớn để phát huy năng lực của nó, còn lao động của con la tương đối đơn giản, giáo dục hiện nay của chúng ta đang đi theo khuynh hướng đáng sợ đó, biến bọn trẻ thành những con la mà không cho chúng trở thành thiên lí mã. Trịnh Dã Phu còn nói: “Phàm những học sinh đã tiếp thu nền giáo dục phổ thông và đại học của Trung Quốc đều không thể trở thành những nhà khoa học có những phát minh gốc trong tương lai”. Có thể cách nói của Trịnh Dã Phu khắc nghiệt, nhưng những vấn đề đằng sau đó, tôi cho rằng cực kì nghiêm trọng. Nếu tư tưởng giáo dục của chúng ta không phát huy cá tính của trẻ thì cải cách KHKT của Trung Quốc hoàn toàn không có nền tảng. Giống như chúng ta vẫn thường nói đùa là từ nhỏ đến lớn bắt các con nghe lời, áp đặt quy tắc, học đến tiến sĩ thì đột ngột bắt chúng sáng tạo, vậy chúng sáng tạo cái gì, sáng tạo bằng cách nào?
Thứ hai, đừng coi trường học là “chốn quan trường”: Hiện nay, rất nhiều hiệu trưởng điều hành trường học giống như vận hành hệ thống hành chính. Đây là vấn đề nghiêm trọng. Trường học giống như một kết cấu văn hóa, nó có chuỗi logic vận hành riêng, nhưng vấn đề lớn nhất của chúng ta hiện nay là vận hành kết cấu văn hóa này giống như hệ thống hành chính. Ví dụ hiệu trưởng cũng có nhiệm kì, tại sao chức vụ hiệu trưởng lại bị hạn chế bởi nhiệm kì? Hiệu trưởng là một chức vụ văn hóa đặc biệt. Một vị hiệu trưởng giỏi có thể làm hiệu trưởng cả đời, như vậy ông ta mới có thể thực hiện một cách triệt để lí trưởng giáo dục của mình tại cơ sở giáo dục của ông ta. Nếu cứ coi hiệu trưởng là một cán bộ cấp trường, cấp sở, liên tục luân chuyển như một viên chức thì làm sao có thể điều hành tốt trường học, hoặc nếu may mắn vận hành tốt thì cũng chỉ là một kiểu công xưởng sản xuất dây chuyền mà thôi.
Thứ ba, tư tưởng của các nhà giáo chưa khai phóng: thực ra, thay đổi tư tưởng giáo dục là việc rất khó khăn. Đội ngũ nhà giáo của chúng ta hiện nay đa phần được đào tạo bởi hệ thống tư tưởng giáo dục thủ cựu, cứng nhắc. Mặc dù xã hội kêu gọi đổi mới, nhưng những người thực hiện cụ thể vẫn là những nhà giáo dục đó, nếu họ không tự thay đổi bản thân thì việc đổi mới giáo dục là cực kì khó khăn. Hiện nay, lĩnh vực giáo dục đại học đang tiếp cận tương đối tốt với lí tưởng giáo dục tiên tiến, nhưng giáo dục phổ thông thì vẫn phong bế, nhiều “góc chết”, ví dụ những vụ bạo hành học sinh, trẻ em tự tử… đã phản ánh sự yếu kém trong giáo dục phổ thông của chúng ta, thậm chí đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
2) Phương diện cộng đồng các nhà khoa học: cộng đồng các nhà khoa học được coi là văn hóa khoa học. Hiện nay có một hiện tượng rất dở, đó là nội bộ cộng đồng các nhà khoa học nước ta đang dần biến thành một cơ cấu quan liêu. Ví dụ viện sĩ trở thành đội ngũ tiếp nhận và cung ứng tài nguyên học thuật chủ yếu, trở thành tiêu điểm lợi ích béo bở. Đây thực ra là vấn đề rất nghiêm trọng, viện sĩ tiền trong tay tiêu không hết, lúc nào cũng nghĩ đến việc tiêu tiền, còn nhà khoa học trẻ thì không kiếm đâu ra tiền, chẳng có tiền để tiêu, cộng đồng các nhà khoa học cần có cơ chế để cải cách. Tất nhiên, nước ta vài năm trở lại đây cũng đang cải cách, như quỹ khoa học tự nhiên quốc gia đã làm rất tốt, họ có cả một hệ thống cơ chế và chế độ đánh giá nặc danh. Nhà nước nên cổ vũ những cải cách tự thân như vậy, chứ không phải làm ngơ hoặc là cấm đoán. Tóm lại, nội bộ cộng đồng các nhà khoa học cần hình thành chế độ phân phối lực lượng hợp lí.
3) Phương diện xã hội: xã hội cần có nhận thức chính xác về khoa học. Tôi cho rằng, trên phương diện xã hội, ta cần có một phong khí chuẩn xác chứ không cần một tổ ong, kiểu như một nhà khoa học được coi trọng thì mỗi lĩnh vực nghiên cứu khoa học phải có những đột phá to lớn, nếu nhà khoa học thất bại liền cho rằng anh ra có vấn đề. Phần trên chúng ta nói về sáng tạo, chính là nhấn mạnh việc cần hướng ra thị trường, hướng ra mũi nhọn khoa học, nhưng thứ văn hóa khoa học còn cần hướng đến toàn dân, cần làm cho toàn dân có ý thức khoa học, tạo được không khí cổ vũ cho những sáng tạo.
3. Chủ nghĩa thực dụng đã giết chết sự sáng tạo của Trung Quốc
Hiện nay, chủ nghĩa thực dụng tồn tại phổ biến trong xã hội, là thứ cực kì độc hại cho bầu không khí sáng tạo.Từ gốc rễ của khoa học mà nói, tất cả những phát hiện và nghiên cứu mang tính sáng tạo đều là phi lợi ích. Giữ được một trái tim trong sáng đứng trên lợi ích mới có thể thâm nhập được vào trạng thái sáng tạo. Đừng cứ luôn nghĩ làm ra cái này có lợi gì, có tác dụng ra sao. Bởi những việc có lợi đều được tổng kết bởi kinh nghiệm của quá khứ, mà sáng tạo thì cần phá vỡ mọi rào cản của kinh nghiệm để khai mở một thứ hoàn toàn mới, do đó, cái tâm lợi ích quá nặng thì không bao giờ tạo ra được những thứ mang tính sáng tạo cao. Đây cũng lại là bộ phận thiếu khuyết trong văn hóa Trung Quốc, khuynh hướng văn hóa thực dụng của ta quả thật quá nặng. Tôi lấy một ví dụ điển hình, những danh hiệu trong cộng đồng các nhà khoa học của ta kì thực đều là hệ thống lợi ích do chúng ta chế tạo ra. Một số nước phát triển cũng có hệ thống giải thưởng nhưng nó là những tổ chức tự phát trong cộng đồng khoa học. Ví dụ như giải thưởng khoa học phương Tây không có chế độ khai báo, tôi chưa bao giờ nghe nói chủ nhân giải thưởng Nobel nào phải viết đơn đăng kí xét giải. Còn các hạng mục giải thưởng của TQ đều phải đăng kí xét giải, phải xin xét thưởng, theo quan điểm của tôi, đây là một kiểu xúc phạm nhân phẩm, bởi hành động đó biến nhà khoa học trở thành tôi đòi của công danh lợi lộc. Đăng kí xét thưởng còn tạo nên phong khí hư vinh, chính là tự mình khen mình, giới khoa học kĩ thuật của ta đầy rẫy những ví dụ như vậy, những việc giả dối cũng từ đó mà ra cả. Rõ ràng biết là giả mà vẫn khen, khen mãi khen mãi đến mức chính mình cũng tưởng đó là thật, cuối cùng tạo thành những ảnh hưởng tai hại khủng khiếp. Ngoài ra, khi xét giải, chúng ta còn phải nghiên cứu cân bằng khu vực, cân bằng ngành nghề, thậm chí là cân bằng các mối quan hệ giao tế, lâu dần, anh đạt giải mọi người cũng chẳng ghi nhận trình độ của anh mà cho rằng đó là kết quả của sự sắp xếp đó. Chỗ này luôn tồn tại các tuyệt chiêu, đến mức có một số loại người chuyên tung hứng giải thưởng, ví dụ như cấu kết với nhau, lần này anh bầu cho tôi, lần sau tôi bầu anh, hoàn toàn không có chút tác dụng khích lệ nào. Hiển nhiên, đây là hạn chế lớn của chế độ giải thưởng của giới khoa học. Nếu giải thưởng không được trao bằng trái tim phi lợi ích mà bằng chế độ sắp xếp, không phải bình bầu dựa trên thực tài mà do đơn vị sắp xếp cho anh thì giải thưởng đó còn có ý nghĩa gì, nó chỉ có ý nghĩa lợi ích chứ làm gì có chút vinh dự nào. Do vậy, cứ có cơ hội là tôi liền đề nghị, quy trình xét giải đừng bắt khổ chủ phải viết đơn xin mà chúng ta có thể để các chuyên gia đề xuất danh sách, sau đó thảo luận nội bộ, dần dần để cho giải thưởng đó tự hình thành thương hiệu. Giống như “Giải thưởng khoa học tương lai” hiện nay, do các chuyên gia trong ngành đề xuất, sau đó hội đồng các chuyên gia tiến hành bình xét, giải thưởng kiểu này mới là vinh dự to lớn cho các nhà khoa học. Nhưng thực tế thì, biết rõ rất nhiều giải thưởng quốc gia là kết quả của sự sắp xếp, trong hệ thống đánh giá môn học và trên bảng xếp hạng đại học, chúng ta lại chỉ thừa nhận giải thưởng quốc gia, đây chẳng phải là ta đang củng cố thêm lần nữa cho mục tiêu lợi ích sao? Anh làm khoa học là để theo đuổi chân lí, anh đạt giải không phải vì người khác nhận ra chân lí đó của anh mà là họ đang cảm ơn anh, khi biến nghiên cứu khoa học thành thương vụ kiếm tiền, dân tộc ấy còn có thể hi vọng được gì nữa. Do đó, muốn thực ra tạo ra một bầu không khí sáng tạo, thì cần chế độ thưởng phạt phân minh, để những phần thưởng xứng đáng đến được tay những nhà khoa học chân chính. Tất nhiên, vấn đề căn bản nhất vẫn là đào tạo được những con người yêu chân lí, hiếu kì trước những bí ẩn của vũ trụ, đó mới là nhân tố then chốt thúc đẩy sáng tạo trong KHKT.
4. Sự đổi mới của Trung Quốc cần nỗ lực của toàn dân
Vậy, làm thế nào để giải được bài toán khó của chủ nghĩa thực dụng trong văn hóa khoa học? Tôi cho rằng đó là một vấn đề mang tính hệ thống, dường như nút thắt có thể mở ra mọi vấn đề chính là kêu gọi toàn dân thức tỉnh.
Nhìn đại thể, đổi mới khoa học kĩ thuật chính là bộ phận hữa cơ của chuyển giao văn hóa. Gần 200 năm nay, mô hình chuyển giao xã hội Trung Quốc chính là từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ bảo thủ sang khai phóng. Cuộc chuyển giao này rất toàn diện, nhưng nó vẫn chưa hoàn thành. Từ đổi mới KHKT của xã hội TQ cho tới tạo lập chế độ KHKT đều dựa vào sự thành bại của cuộc chuyển giao chỉnh thể văn hóa, nếu chỉnh thể văn hóa không chuyển giao được thì KHKT cũng không thể nào chuyển giao thành công.
Nhìn tiểu tiết, nhà khoa học, nhà giáo dục cho tới tất cả mọi người đều có thể trực tiếp đóng góp một phần sức lực cho cuộc chuyển giao này.
Thứ nhất, nhà khoa học phải chủ động nói ra, có ý thức đề xuất quan điểm thảo luận. Nếu nhà khoa học không nói ra, một số ngậm miệng ăn tiền, một số khinh đời đen bạc, như vậy đều không hay. Rất nhiều sự việc không có phương án sẵn có, chỉ khi các nhà khoa học phát ngôn thì mới tạo ra tình thế cân bằng, vì vậy cần khuyến khích các nhà khoa học đưa ra ý kiến.
Thứ hai, giáo dục phải khai phóng, nhà nước nên tạo điều kiện cho giáo dục tư thục phát triển. Bàn đến văn hóa khoa học, tôi luôn nhấn mạnh tính quan trọng của giáo dục, ảnh hưởng của giáo dục vô cùng sâu rộng. Vào thời kì phát triển thần kinh não bộ của trẻ, nếu trói buộc sức sáng tạo của trẻ, giết chết tiềm năng của trẻ, 10 năm, 20 năm sau, rất có thể sẽ gây ra sự thoái hóa về sức sáng tạo và IQ của cả dân tộc. Trước mắt, cơ cấu giáo dục công lập của ta rất đồ sộ, quán tính lớn, cũng khó để có thể chuyển hướng.
Chúng ta có thể xếp giáo dục công lập vào bộ phận cơ bản, giúp cho tất cả mọi người đều có thể được tiếp nhận 9 năm giáo dục nghĩa vụ, sau đó phát triển thật mạnh giáo dục tư thục, từ đó thúc đẩy sự chuyển biến của tư duy giáo dục. Nếu giáo dục không khai phóng, văn hóa sáng tạo khoa học lâu dài của chúng ta sẽ chịu tổn thất nặng nề.
Thứ ba, bất kể thân phận xã hội của anh là gì, nếu là một người Trung Quốc, anh phải lí giải được đầy đủ thực chất của cạnh tranh hiện đại là gì, cạnh tranh có nghĩa là gì. Có một thực tế cần nói rõ, quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc là bị ép buộc, nó không phải là kết quả của phát triển văn hóa tự thân mà là do văn minh phương Tây mang vào. Do vậy có vài vấn đề khiến chúng ta không khỏi cảm thấy khó xử. Nhưng chúng ta phải hiểu được chỗ khó xử ấy, nhận thức rõ ràng rằng trong chỗ khó xử ấy có những gì ta có thể tiếp nhận, những gì trong thâm tâm ta không bằng lòng nhưng vẫn phải tiếp nhận, những gì ta không thể tiếp nhận, hoặc những gì cần tránh. Đây là việc vô cùng quan trọng.
Trong giai đoạn bản lề hiện nay, nếu không có suy nghĩ sáng suốt và nhận thức đúng đắn về cục diện văn minh nhân loại, cục diện thế giới và cục diện văn hóa Đông Tây thì rất có thể chúng ta sẽ mất lạc lối trong cuộc đổi mới và chuyển giao mạnh mẽ này.
Tôi nghĩ, đây cũng chính là ý nghĩa của chủ đề văn hóa khoa học mà chúng ta bàn đến hôm nay.
———————-&&&———————

Những tấm lòng cao cả [Review]

Những tấm lòng cao cả

Cuốn sách Những tấm lòng cao cả (1886) của nhà văn Edmondo De Amicis – người đã đấu tranh cho độc lập đất nước vào năm 20 tuổi, đấu tranh cho công bằng xã hội vào năm 40 tuổi – là thiên tiểu thuyết viết dưới dạng nhật ký của cậu bé mười tuổi người Ý tên là Enricô. Một tác phẩm mà khi đã đọc đến trang cuối cùng, đọng lại trong lòng người lại là những bài học giản dị nhất nhưng lại sâu sắc nhất – không chỉ dành riêng cho con trẻ mà còn cho tất cả chúng ta.

Đọc Những tấm lòng cao cả, chúng ta sẽ hiểu thêm về tâm sức của “những người chở đò” – những thầy cô giáo đã dành cả đời cống hiến, mặc dù bản thân sống thiếu thốn, nhưng trong lòng luôn ấp ủ một ước mơ duy nhất: dạy dỗ thế nào cho học trò của mình thành đạt thành người có ích. Hơn nữa, ta còn hiểu được sự cần thiết và quan trọng của mối liên hệ giữa gia đình + nhà trường + xã hội để giáo dục con em mình trở thành một công dân tốt.

“Đừng để con rắn ghen tị luồn vào trái tim, đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim.”

Vấn đề tiếp theo là, làm thế nào để điều chỉnh hành vi/đạo đức của người lớn trong: công việc (chẳng hạn giảng dạy, NCKH), quan hệ, …?! Cần có hai bước:

Bước 1. Mỗi cá nhân cần (liên tục) xây dựng “bộ luật” của chính mình: hành vi nào là được; hành vi nào là KHÔNG được.

Bước 2. Tuân thủ nghiêm ngặt “bộ luật” do mình đề ra.

Ghi chú:

  • Bước 1 không quá khó, điểm nào không biết thì phải tìm hiểu (ví dụ dùng google). Cần phải có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để chỉ đón nhận những gì tốt đẹp.
  • Bước 2 khó hơn, phải biết vượt qua cám dỗ của bản thân và những tác động từ bên ngoài. Cần phải có được sự bền chí để là người dũng cảm.
  • Khi “bộ luật” có điểm không hợp lý, phải chỉnh sửa ngay.

(Tham khảo: Internet)

———————–&&&———————-

Đạo văn

Đạo văn

(Tác giả: Vũ Hà Văn – Nguồn: https://hocthenao.vn)

Hiện tượng đạo văn ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trên báo chí, và nhận được sự quan tâm của xã hội. Trong bài này, chúng tôi muốn bàn tới khía cạnh học thuật của hiện tượng này.

Các hành động đạo văn thường được nhắc tới như sau.

Phát hiện: Trong bài báo của A và B có những đoạn giống hệt nhau. (Bằng chứng rõ ràng: bản sao của hai bài báo.) Vì bài của A viết trước của B, và xác suất hai người khác nhau viết một câu dài (hay một đoạn văn vài ba câu) giống hệt nhau là hầu như bằng không, chắc chắn B đã đạo văn của A.

Kết luận: Đạo văn là không thể chấp nhận được trong nghiên cứu khoa học. B cần phải được xử lý.

Hai bước này gần như rất logic và thống nhất với nhau. Nhưng thật ra giữa chúng có một bước ẩn. Đó là ta đã đồng nghĩa việc bài báo có những câu giống nhau với việc sao chép kết quả nghiên cứu. Việc không thể chấp nhận được trong khoa học là việc sao chép kết quả và phương pháp nghiên cứu mà không có trích dẫn.

Để có thể hiểu rõ mối liên quan giữa việc đạo văn một cách hình thức (hai bài báo có những đoạn giống hệt nhau) và sự kiện tác giả B sao chép kết quả và phương pháp nghiên cứu của A, có lẽ chúng ta cần đi sâu thêm một chút.

Trước khi nói về đạo văn, trước hết ta cần chỉ rõ: văn là gì ? Trong khuôn khổ bài viết này, văn là môt bài báo khoa học. (Chúng tôi xin nói thêm đạo văn trong khoa học và văn học có những chỗ khác nhau, nhưng ta sẽ không bàn ở đây.)

Một bài báo khoa học thường có cấu trúc như sau:

(1) Mở bài: Giới thiệu vấn đề, lịch sử của vấn đề, các kết quả đã có, các phương pháp đã được dùng vv.

(2) Thân bài: Giới thiệu kết quả mới, so sánh với các kết quả cũ.

(3) Thân bài: Thảo luận về phương pháp dẫn đến kết quả mới, độ tin cậy của phương pháp. Một số ngành, như toán, đòi hỏi chứng minh chặt chẽ.

(4) Cuối bài: thảo luận các vấn đề liên quan, phương hướng nghiên cứu trong tương lai.

Trên thực tế, rất hay có trùng hợp ở phần mở bài. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu về chuối, Tiến sĩ A viết

….Trong bài báo”Một số nghiên cứu cơ bản về chuối”, tạp chí Chuối cả nải, số 21, năm 1978, các tác giả X,Y, Z, sử dụng phương pháp ngoại cảm và tích phân trong không gian đa chiều, đã chứng minh một cách tường minh rằng chuối khi chín vỏ sẽ màu vàng, tuy vậy trên một số quả chuối nhất định, vỏ có thể màu vàng chanh.

Vài năm sau, trong một nghiên cứu mới hơn về chuối, tiến sĩ B viết lại y hệt câu này.

Vậy đây có đích xác là một hành động không thể chấp nhận được ?

Bài báo của XYZ là môt bài rất nổi tiếng trong chuối học, và kết quả của họ là kinh điển. Nếu cả ông A và B viết về kết quả kinh điển này giống nhau, không phải chuyện quá ngạc nhiên. Thật ra viết khác nhau mới là lạ.

Phần mở bài, nếu mục đích là liệt kê lịch sử của một vấn đề đã được nghiên cứu lâu, thì các tác giả viết trùng nhau nhiều là điều dễ hiểu. Nếu vấn đề của tác giả A nghiên cứu là hoàn toàn mới và thú vị, do chính ông ấy nghĩ ra, và một thời gian sau, ông B đặt lai vấn đề này với những từ ngữ y hệt như của ông A, và coi nó như mới, khi đó là lúc vấn đề trở nên nghiêm trọng. Và nó nghiêm trọng ngay cả khi ông B không dùng những câu y hệt như của A.

(2) Nếu kết quả hai bài báo giống hệt nhau thì sao ? Bạn sẽ bảo, ồ thế thì đạo đứt đuôi rồi còn gì.

Nếu kết quả của bài báo A là “chúng tôi thực hiện tiêm Vaxin 456F tại Nigeria, và trong số 124 hà mã được tiêm, 32 con có phản ứng rõ rệt, cụ thể là béo lên rất nhanh”, và ông B viết lại y hệt câu này như một kết quả của ông ấy, trong khi chưa bao giờ đặt chân đến châu Phi
(và rất có thể cũng chưa bao giờ nhìn thấy hà mã) thì chính xác, hành động của ông không thể được chấp nhận.

Nhưng trường hợp sau thì sao ?

Ông A “Chúng tôi chứng minh giả thiết “rùa đi rất chậm” của giáo sư C, đặt ra năm 1902, là hoàn toàn đúng, trên cả hai phương diện lý thuyết và thực nghiệm.”

Ông B “Chúng tôi chứng minh giả thiết “rùa đi rất chậm” của giáo sư C, đặt ra năm 1902, là hoàn toàn đúng, trên cả hai phương diện lý thuyết và thực nghiệm.”

Trong trường hợp này, kết quả chỉ là giả thiết là đúng hay sai thôi.
Nếu A và B cùng chứng minh môt giả thiết, thì kết quả của họ (nếu cùng đúng) giống nhau là điều tất nhiên. Nếu đây là môt giả thiết nổi tiếng, thì chắc chắn họ buộc phải trích dẫn kết quả của nhau, vì tất cả các nhà nghiên cứu trong ngành sẽ biết về các kết quả này. Nếu họ chưa làm, biên tập của tạp chí mà họ gửi bài chắc chắn sẽ nhắc nhở họ.

Nếu giả thiết không có gì thú vị, khả năng A và B chả biết gì về nghiên cứu của nhau là có, vì rất có thể cả hai cùng không tin là có người thứ hai trên đời quan tâm đến vấn đề này. Và gần như chắc chắn
biên tập cũng không biết gì về vấn đề này hết để có thể nhắc nhở họ.

(3) Phương pháp và lý luận: Thật ra đây mới là phần đạo văn dễ xảy ra nhất. Và nó không xảy ra ở dạng mà ta nêu ra ở đầu bài, tức là ông nọ sao chép y bản chính toàn bộ lý luận của ông kia vào. Làm như vậy quả thật quá dốt, và tác giả xứng đáng được xử lý.

Cái nguy hiểm thật sự của đạo văn trong khoa học, thật ra là đạo ý tưởng.

Ý tưởng mới hay phương pháp mới chính là phần quan trọng và tinh tuý nhất trong nghiên cứu. Nhưng nó cũng là thứ khó đóng khung nhất.
Bởi ý tưởng có thể thể hiện qua rất nhiều cách, mà nhìn qua chúng có vẻ khác nhau. Một nhà nghiên cứu, cả đời may mắn có 2,3 ý tưởng hay phương pháp mới mà thôi. Trong âm nhạc, một nhạc sĩ cũng chỉ sáng tác theo 2,3 phong cách. Đôi khi cả đời chỉ một phong cách cũng có rất nhiều. Nicolas Cage là một diễn viên nổi tiếng, nhưng trong phần lớn các phim, anh chỉ thoại theo một kiểu.

Tác giả lấy ý tưởng người khác, xào nấu theo một cách khác, hoặc thay đổi một vài chi tiết, và lấy đó làm ý tưởng chủ đạo của mình, cái này mới thật sự là vấn đề lớn trong khoa học, gây ra vô số tranh cãi. Học trò thầy giáo nhiều khi không nhìn mặt nhau là thường. Trong khi đó, các bài báo của họ không có câu nào trùng nhau hết.

Cách tự vệ của nhiều nhà nghiên cứu là đặt cho ý tưởng (phương pháp) mới của họ môt cái tên dễ nhớ, như “chuối lượng tử” (tên khoa học đầy đủ: xác định độ dày của vỏ chuối bằng phương pháp lượng tử), gần như một dạng đăng ký bằng phát minh.

Cách này có thể thành công, nếu ý tưởng mới rất đặc biệt, hoặc nhà nghiên cứu nọ là một cây đa cây đề không ai dám trêu vào, hoặc nhiều năng lượng đi vòng quanh quả đất quảng bá cho công trình của mình. Nếu không, rất dễ ý tưởng đó sẽ được nhắc lại, dưới một dạng hơi khác, và với một cái tên khác.

Qua đây ta có thể thấy việc đạo văn trong khoa học phức tạp hơn lộ trình hai bước nêu ở đầu bài một chút, và trong rất nhiều truờng hợp, cần đến ý kiến của các chuyên gia. Nếu tuân thủ theo lộ trình 2 bước trên một cách cứng nhắc, thì có một ngày gần đây các chương trình máy tính sẽ trở thành các quan toà, và điều đó chưa chắc mang lại lợi ích cho khoa học.

(Các tên gọi và trích dẫn trong bài này hoàn toàn là tưởng tượng. Bất kỳ sự trùng hợp nào là ngẫu nhiên. Tác giả cũng xin thành thật xin lỗi hà mã vì đã gọi chúng là béo.)

——————&&&—————–

Năm căn bệnh trong khoa học

Năm căn bệnh trong khoa học

(Nguồn: http://tuanvannguyen.blogspot.com)

Đọc bài này (1) của John Antonakis, tổng biên tập tạp chí Leadership Quarterly, thấy hay và thấm thía. Ông liệt kê 5 căn bệnh trong khoa học mà ông đặt tên theo kiểu chơi chữ làSignificosis, Neophilia, Theorrhea, Arigorium, và Disjunctivitis.

1. Significosis là cách chơi chữ từ “significance” trong thống kê học, và osis là tiếp vĩ ngữ y khoa có nghĩa là trang thái rối loạn. Người mắc “bệnh” này thường có xu hướng đi tìm những kết quả có ý nghĩa thống kê (có nghĩa là “statistically significant”). Những kết quả như thế giúp cho nhà khoa học nâng cao khả năng công bố bài báo. Một kết quả với P thấp hơn 0.05 có khi được xem như là một giấy thông hành cho công bố quốc tế. Nhưng trong thực tế, ít ai biết rằng 1/3 những kết quả như thế (P thấp hơn 0.05) là sai, tức là dương tính giả. Nhìn thấy nó có ý nghĩa thống kê đó, nhưng trong thực tế thì chẳng có ảnh hưởng hay tác động gì cả. Do đó, công bố những bài báo chỉ dựa vào “ý nghĩa thống kê” làm cho nền khoa học mắc bệnh. Đó có thể xem significosis là bệnh “rối loạn thống kê”.

2. Neophilia cũng là một cách sáng tạo chữ mới từ neo (có nghĩa là “mới”) và philia có nghĩa là “yêu thích”). Do đó, neophilia là bệnh yêu thích cái mới. Trong thực tế, rất hiếm khi khoa học tìm ra cái mới, vì trước đó đã có quá nhiều phát hiện. Đại đa số các nghiên cứu khoa học ngày nay chỉ mang tính “incremental”, tức là thêm kiến thức một chút so với kiến thức cũ, chứ rất rất hiếm các nghiên cứu dạng “breakthrough” hay đột phá. Nhưng bất cứ nhà khoa học nào cũng muốn tìm cái mới. Cái mới có thể là một phát hiện động vật mới, bệnh lí mới, hay nói chung là kết quả mới. Cái mới giúp cho nhà khoa học nâng cao khả năng bài báo được công bố trên các tập san khoa học lừng danh. Vì thế, giới khoa học tìm cách nâng tầm nghiên cứu của mình để sao cho nó có cái mới, và cách vặn vẹo đó dẫn đến tình trạng rất nhiều nghiên cứu phát hiện ra “cái mới”, nhưng khi người khác không được lặp lại bởi các nhóm nghiên cứu độc lập. Có thể nói rằng hầu hết (có thể 90%) các kết quả nghiên cứu công bố trên các tập san khoa học hiện nay là sai hoặc không tái lập được. Do đó, Neophilia có thể xem là bệnh “Ái tân”.
3. Theorrhea cũng là một cách chơi chữ hay, vì theoros có nghĩa là suy nghiệm, và tiếp vĩ ngữ orrhea trong y khoa có nghĩa là “chảy”. Do đó, bệnh này có thể hiểu là bệnh “tiêu chảy lí thuyết.” Khoa học chẳng những yêu cái mới, mà còn yêu lí thuyết, giả thuyết. Đọc bài báo khoa học nào cũng thấy tác giả cố gắng đề ra một giả thuyết mới, một lí thuyết mới. Bài báo bắt đầu bằng một giả thuyết được đánh giá cao hơn bài báo kiểu “bước đầu đánh giá”. Nhưng trong thực tế, những cái gọi là lí thuyết mới đó chỉ là hoa ngữ thôi, chứ chẳng phải lí thuyết thật sự, và cũng chẳng bao giờ được kiểm định cả. Do đó, sự hiện diện của quá nhiều lí thuyết dỏm làm cho môi trường khoa học bị dơ bẩn, và dẫn đến … tiêu chảy.
4. Arigorium tôi đoán là lấy từ tên của một lang băm, Jose Arigo, người tự cho rằng ông có khả năng làm phẫu thuật tâm thần. Có lẽ tác giả muốn dùng tên ông này để chỉ những nghiên cứu không có cơ sở lí thuyết vững vàng, mà chỉ dựa trên những kết quả bề ngoài. Đa số các nghiên cứu khoa học xã hội, kể cả kinh tế học, là những nghiên cứu “soft”, hiểu theo nghĩa dữ liệu không có độ chính xác cao. Khoa học xã hội không có cái xa xỉ với máy móc thiết bị đắt tiền để đo lường hiện tượng tự nhiên; họ phải dựa vào bộ câu hỏi hay những phương tiện bán định tính như thế. Do đó, để nâng tầm “khoa học”, giới khoa học xã hội thường sáng chế ra những phương pháp phân tích thống kê phức tạp. Những phương pháp này dựa trên nhiều giả định, và ít khi nào nói lên các mối liên hệ nhân quả. Vì không nói lên mối liên hệ nhân quả, nên nhiều phát hiện trong nghiên cứu khoa học chỉ mang tính ngẫu nhiên, như lang băm Arigo chữa bệnh bằng tay vậy.
5. Disjunctivitis có lẽ là lấy từ chữ disjunction có nghĩa là rời rạc, và itis là tiếp vĩ ngữ trong y khoa có nghĩa là viêm. Do đó, bệnh này có thể dịch là bệnh “viêm lượng phẩm”. Có thể hiểu là bệnh mất cân đối giữa lượng và phẩm. Vì áp lực công bố, nên nhiều nhà khoa học có xu hướng công bố nhiều bài báo khoa học, nhưng phẩm chất thì rất kém. Có thể nói rằng rất nhiều bài báo khoa học hiện nay là thừa thải, hay nói theo dân gian Việt Nam chúng ta là “không mợ thì chợ vẫn đông”, tức là có hay không có bài báo thì khoa học vẫn chẳng có ảnh hưởng gì. Lí do là những công trình này chỉ lặp lại những gì người khác đã làm mà không có cái gì mới. Nhưng nhà khoa học, đặc biệt là từ các nước đang phát triển, phải công bố càng nhiều càng tốt, kể cả công bố trên tập san dỏm. Công bố để được bảo vệ luận án, được giải thưởng (như “chiến sĩ thi đua” ở Việt Nam chẳng hạn), và được đề bạt. Nhưng công bố bất chấp phẩm chất như thế không làm cho khoa học tiến bộ thêm, chẳng tạo ra được kiến thức mới, mà chỉ làm cho khoa học thêm vẩn đục.
Sau khi đã chẩn đoán bệnh, vậy câu hỏi là làm gì để điều trị bệnh? Tác giả đề ra 8 liệu pháp:
1. Nghiên cứu nên có cơ sở lí thuyết tốt; 
2. Sáng tạo trong đo lường; 
3. Thiết kế nghiên cứu thực tiễn; 
4. Làm nghiên cứu định tính có phẩm chất cao; 
5. Chú ý đến các yếu tố nhiễu và bias;
6. Minh bạch trong báo cáo và dữ liệu;
7. “Khai báo” những mâu thuẫn về lợi ích; và 
8. Thành thật trong khoa học.
Tôi nghĩ đây là những liệu pháp hoàn toàn khả thi. Riêng liệu pháp minh bạch trong nghiên cứu, tôi và đồng nghiệp bên VN đang có kinh nghiệm. Số là bài báo đang được bình duyệt và xác suất cao là sẽ được chấp nhận, nhưng ban biên tập đã viết cho chúng tôi gợi ý là công bố toàn bộ dữ liệu! Các bạn thử tưởng tượng nhóm nghiên cứu bỏ ra cả hai năm trời, mai phục ngày và đêm “bắt” bệnh nhân cho được, với kết quả hơn 4000 bệnh nhân, mà bây giờ họ muốn mình công bố cho họ xem. Cái nguyên lí đằng sau sự minh bạch là tuyệt vời vì nó giúp cho khoa học thêm liêm chính và sẽ làm cho những nhà khoa học ăn gian biến mất, nhưng nguyên tắc này gây nên vấn đề đạo đức khoa học.
Tôi nghĩ những người trong cuộc ngày nay không còn nghi ngờ gì nữa: khoa học đang rơi vào khủng hoảng. Khủng hoảng niềm tin. Người ta càng ngày càng ít tin khoa học vì có quá nhiều kết quả nghiên cứu không được lặp lại, quá nhiều nghiên cứu vô bổ không sản sinh ra kiến thức mới, và hệ quả là làm cho khoa học trở nên sai và lẫn lộn. Nếu điều trị dứt 5 căn bệnh này (bệnh rối loạn thống kê, ái tân, tiêu chảy lí thuyết, Arigo, và bệnh viêm lượng phẩm) thì may ra có thể cứu vãn được khoa học và khôi phục niềm tin ở công chúng.
—-
(1) http://www.sciencedirect.com/…/article/pii/S104898431730070X
On doing better science: From thrill of discovery to policy implications
——————-&&&—————-

Các nhà kinh tế đưa ra các quy tắc đạo đức

Các nhà kinh tế đưa ra các quy tắc đạo đức

(Tác giả: BEN CASSELMAN – Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com)

CHICAGO – Một nhóm các nhà kinh tế hàn lâm hàng đầu đã thông qua các quy tắc xung đột lợi ích để đáp lại những phê phán cho rằng ngành kinh tế học không những thất bại trong việc dự đoán cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, mà trong thực tế có thể còn giúp tạo ra nó.

Chính sách mới này quyết định không đi tới cùng trước lời kêu gọi của một số người trong ngành kinh tế học về những hướng dẫn chung về mặt đạo đức.

Nhiều nhà kinh tế còn làm tư vấn cho các công ty, các chính phủ và các tập đoàn khác, những công việc ngoài lãnh vực học thuật chính thức của họ. Các nhà phê bình, cả bên trong và bên ngoài ngành kinh tế học, đã biện luận rằng các mối quan hệ đó – thường có lợi và đôi khi không được công bố – có thể đã gây ảnh hưởng đến công trình nghiên cứu của các nhà kinh tế, khiến họ, trước tiên, bỏ lỡ những dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng sắp xảy đến và tiếp đó khuyến nghị những giải pháp về chính sách chỉ phục vụ cho lợi ích của các khách hàng của họ, với cái giá mà nền kinh tế nói chung phải gánh trả.

Charles Ferguson (1955-)

Những phê phán nổi bật nhất đã được đưa ra trong bộ phim “Inside Job (Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế)” năm 2010, bộ phim đã giành được giải thưởng Oscar về phim tài liệu hay nhất năm 2011. Bộ phim nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa các nhà kinh tế lỗi lạc với các công ty và các chính phủ, để rồi sau đó sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính. Giám đốc Charles Ferguson đã cáo buộc các nhà kinh tế hàn lâm là những người “tham nhũng“, những người đã góp phần trực tiếp vào cuộc khủng hoảng.

Theo quy định mới của Hiệp hội Kinh tế Mỹ (AEA, American Economic Association) được thông qua tại cuộc họp thường niên ở đây tuần trước, các nhà kinh tế sẽ phải thông tin các mối quan hệ tài chính và các xung đột lợi ích tiềm tàng khác trong các bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học. Những người ủng hộ chính sách mới này biện luận rằng những thông tin được công bố ấy sẽ giúp khôi phục lại niềm tin vào giới kinh tế học, bằng cách cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách và công chúng có thêm thông tin để đánh giá sự tư vấn của các nhà kinh tế.

Michael Woodford (1960-)

Người dân, khi nghe những gì chúng ta nói, có quyền được biết chúng ta là ai, chúng ta vướng mắc những gì, lý do vì sao những vướng mắc ấy tồn tại để có thể bị cho là đáng ngờ,” Michael Woodford, giáo sư Đại học Columbia, ủy viên ban điều hành của Hiệp hội, người đã nhất trí thông qua chính sách, đã nói. “Hầu như chắc chắn đã có một số suy nghĩ ngây ngô nào đó. Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng: “Vâng, chúng tôi nghĩ chúng tôi là những người không thể chê vào đâu được, nên đó là điều hiển nhiên“.

Một vài nhà kinh tế đã biện luận trong nhiều năm rằng kinh tế học cần có những hướng dẫn rõ ràng về mặt đạo đức giống như bên các ngành y học, kỹ sư và các lĩnh vực khác. Nhưng vấn đề không được cộng đồng kinh tế rộng rộng lớn hơn hưởng ứng.

John Y. Campbell (1958-)

Trưởng khoa kinh tế của Đại học Harvard John Campbell, người được thấy trong bộ phim “Inside Job” lúng túng bảo vệ ngành kinh tế học, hôm chủ nhật cho biết rằng những phê phán của công chúng cho thấy cần phải minh bạch hóa nhiều thông tin hơn. Nhưng ông cũng lưu ý một sự khác biệt giữa các lĩnh vực như y học, nơi mà các nhà nghiên cứu có thể ngăn chặn những dữ liệu nào không hỗ trợ cho kết quả mong muốn của họ hoặc của các nhà tài trợ của họ, thì trong kinh tế học, đa số các nghiên cứu đều dựa trên những thông tin công khai có sẵn. Và ông bác bỏ quan điểm cho rằng xung đột lợi ích góp phần vào sự thất bại trong việc đoán trước cuộc khủng hoảng. “Phần thưởng đối với các nhà kinh tế khi dự đoán hoặc cảnh báo đúng một cuộc khủng hoảng là rất lớn“, ông Campbell nói.

George Demartino
David Colander (1947-)

Tuy nhiên, bộ phim đã làm cho một số nhà kinh tế phải tự vấn lương tâm. Tại một buổi họp chuyên đề về đạo đức nghề nghiệp ở đây vào hôm thứ bảy, David Colander, nhà kinh tế học của trường Middlebury College, đã kêu gọi xây dựng một bộ quy tắc đạo đức dựa trên bộ quy tắc đã được Hiệp hội quốc gia các kỹ sư chuyên nghiệp thông qua. George Demartino, giáo sư tại Đại học Denver, dẫn đầu buổi hội thảo, thậm chí đã biện luận rằng việc thông qua một “lời thề của các nhà kinh tế” rộng lớn hơn sẽ giải quyết được những vấn đề như đạo đức của việc tham mưu cho các nhà độc tài và trách nhiệm của các nhà kinh tế đấu tranh vì người nghèo. Giáo sư Deirdre McCloskey, thuộc Đại học Illinois, nói với hội nghị rằng các nhà kinh tế thường hành động giống như các luật sư, đấu tranh vì một quan điểm nào đó mà không quan tâm đến bằng chứng.

Deirdre McCloskey (1942-)

Cái tội chủ yếu, đặc biệt trong kinh tế học Mỹ, là biện hộ mà không quan tâm đến chân lý,” Bà McCloskey cho biết.

Chính sách mới này không giải quyết những vấn đề lớn như vậy, mà thay vào đó, bám lấy những vấn đề mà thông tin được minh bạch hóa ít gây tranh cãi hơn.

Theo chính sách này, sẽ được ban hành vào năm sau, các tác giả khi gửi bài nghiên cứu cho các tạp chí khoa học phải thông tin cho các biên tập viên của tạp chí tất cả các nguồn tài trợ cho việc nghiên cứu và tất cả các quan hệ tài chính “đáng kể” với các nhóm hoặc cá nhân có một “quyền lợi tài chính, ý thức hệ hoặc chính trị” trong nghiên cứu. Chính sách định nghĩa thuật ngữ “đáng kể” là một sự hỗ trợ tài chính dành cho tác giả và cho các thành viên trực hệ trong gia đình một số tiền tổng cộng bằng ít nhất 10.000 USD trong vòng ba năm qua. Các tạp chí, sau đó, sẽ công khai những gì mà các biên tập viên của họ cho là “xung đột lợi ích tiềm tàng có liên quan.”

Gerald Epstein
Ben Casselman

Về mặt chính thức, chính sách này chỉ áp dụng cho bảy tạp chí được hiệp hội AEA xuất bản, nhưng các nhà xuất bản học thuật khác có khả năng làm theo. Chính sách này cũng kêu gọi các nhà kinh tế áp dụng các nguyên tắc tương tự trong các cuộc phỏng vấn với báo chí, các lời chứng với chính phủ và các công trình phi học thuật khác.

Gerald Epstein, giáo sư tại Đại học Massachusetts tại Amherst, người trước đây đã phê phán việc các nhà kinh tế thiếu minh bạch, trong một email đã gọi chính sách này là “một bước tiến lớn về phía trước.” Ông cho biết lời kêu gọi bạch hóa thông tin trong các công trình phi học thuật, mặc dù không bị bắt buộc, là điều đặc biệt quan trọng vì nó giúp “thiết lập các chuẩn mực ứng xử mà các đồng nghiệp, báo chí, sinh viên và người dân có thể giúp các nhà kinh tế có trách nhiệm giải trình.”

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Economists Set Rules on Ethics, The Wall Street Journal, January 9, 2012.

————&&————

Làm sao để dạy tốt (1)

Làm sao để dạy tốt (1)

(Tác giả: Nguyễn Tiến Dũng – Nguồn: zung.zetamu.net)

Xem tiếp các phần sau:

Làm sao để dạy tốt (2)

Làm sao để dạy tốt (3)

Làm sao để dạy tốt (4)

Làm sao để dạy tốt (5)

Làm sao để dạy tốt (6)

Làm sao để dạy tốt (7)

Lời giới thiệu

He who opens a school door, closes a prison  — Victor Hugo

Năm học 2012-2013 khá là đặc biệt ở chỗ tôi: đây là lần đầu tiên mà khoa Toán Toulouse nhận người Việt Nam vào làm phụ giảng (ATER — attaché temporaire d’enseignement et de recherche). Mà là nhận không phải một bạn, mà là liền một lúc 4 bạn VN làm ATER năm nay ! Vấn đề dạy học bỗng chốc trở nên có tính thời sự đặc biệt: để giữ uy tín và phát triển hợp tác Pháp-Việt về toán lâu dài ở Toulouse, một điều quan trọng là 4 bạn ATER này phải dạy học làm sao cho hay, hoặc ít ra là làm sao cho khỏi bị sinh viên kêu ca phàn nàn nhiều.

Không chỉ có 4 bạn ATER, mà phần lớn các bạn khác đang học thạc sĩ hay nghiên cứu sinh cũng là những người sẽ đi theo con đường nghiên cứu và giảng dạy, và nhiều bạn trong số đó cũng đã từng dạy học ở các trường đại học ở VN trước khi sang Toulouse làm NCS. Bởi vậy vấn đề “làm sao dạy học cho tốt” liên quan trực tiếp đến hầu hết các bạn.

Trong tình hình như vậy, tôi thấy rằng cần có gặp gỡ thảo luận thường xuyên với các bạn VN ở Toulouse về vấn đề dạy học, ít nhất là 2 tuần một lần cả nhóm ngồi lại trao đổi các triết lý, kinh nghiệm, kỹ năng dạy học.

Buổi trao đổi đầu tiên về việc này đã diễn ra vào chiều hôm thứ sáu 07/09/2012, với sự tham dự của mười mấy bạn trẻ.

Tôi sẽ đăng tải lên đây nội dung các buổi trao đổi này, với hy vọng giúp ích được cho nhiều bạn khác trong việc dạy học.

Dạy học là một nghề cao quí

In a completely rational society, the best of us would aspire to be teachers and the rest of us would have to settle for something less, because passing civilization along from one generation to the next ought to be the highest honor and the highest responsibility anyone could have. – Lee Iacocca

Trước khi bàn đến việc làm sao để dạy tốt, có lẽ không thừa khi khẳng định lại một lần nữa rằng, dạy học là một nghề cao quí, và một khi đã dạy học thì cần làm sao để khỏi hổ thẹn với sự cao quí đó.

Không chỉ giáo viên mới có trách nhiệm dạy học, mà dạy học là sứ mệnh của hầu hết những người có tư tưởng, trình độ cao trong xã hội. Những nhân vật vĩ đại trong lịch sử cũng đều là những người thầy. Khổng Tử, Plato, v.v., cho đến Einstein, Dalai-Lama đều là những người thầy, qua các lời nói và hành động của họ mà họ đã truyền đạt lại được những tư tưởng lớn cho các thế hệ tiếp nối. Các nhà khoa học lớn, ngoài sứ mệnh nghiên cứu khoa học còn một sứ mệnh khác là đào tạo đội ngũ khoa học mới qua việc giảng dạy của mình. Các bác sĩ cũng vậy, ngoài việc chữa bệnh, còn có việc đào tạo các bác sĩ mới, v.v. Không có dạy học, thì  không có sự nối tiếp và phát triển của xã hội.

Giá trị của người thầy

A teacher affects eternity; he can never tell where his influence stops — Henri Brooks Adams

Như Henri Adams đã nói, một người thầy ảnh hưởng đến muôn vàn thế hệ, ông ta không thể biết được ảnh hưởng của ông ta sẽ dừng ở đâu. Những giá trị mà một người thầy truyền đạt được cho các học trò trực tiếp của mình, sẽ tiếp tục được các học trò truyền đạt cho thế hệ tiếp theo, rồi cứ thế tiếp tục truyền đạt mãi.

“Tài sản” lớn nhất của một người thầy không nằm ở nhà cửa tiền nong mà người thấy đó có được, mà nằm ở chính các thế hệ học trò mà người thầy đã đào tạo được. Một trong những niềm vui và niềm tự hào lớn nhất của người thầy là có được các học trò giỏi, thành đạt, có tình nghĩa, ở các nơi khác nhau. Một người thầy đã có được nhiều học trò như vậy thì “đâu cũng là nhà”, đi đâu cũng được các học trò cũ quan tâm chăm sóc.

Giá trị của người thầy không tính được bằng tiền. Nhưng nếu ta cứ thử tạm lấy thước đo tài chính để hình dung mức độ ảnh hưởng, thì cũng ra được những con số rất lớn. Ví dụ, một người thầy đã từng có một nghìn học trò được thầy quan tâm hàng năm trời. Vì được học thầy mà cuộc sống và sự nghiệp của học trò được tốt lên (so với nếu không được học thầy, hay học thầy khác tồi hơn), ước tính chênh lệch đó là 1000 USD/ trò. Như vậy ảnh hưởng tốt của thầy lên đến các học trò trực tiếp của mình cũng ở mức tính theo triệu USD. Tất nhiên, kiểu tính toán này thô thiển và không thể hiện được toàn bộ giá trị của người thầy, nhưng nó cũng đã cho thấy giá trị của một người thầy tốt là rất lớn.

Tất nhiên, để có được giá trị lớn, thì phải là một người thầy tốt, vì một người thầy tồi thì đem lại được ít giá trị cho học trò, cho xã hội, hoặc thậm chí cá biệt có thể làm hại học trò. Bởi vậy, một khi đã làm thầy, cần luôn cố gắng để trở thành người thầy tốt. Kể cả khi mà việc dạy học bị trả thù lao thấp, hay là dạy không công đi nữa, thì cũng không vì thế mà người thầy có thể “tự cho mình” quyền dạy ẩu, dạy chán. Một người thầy mà làm như vậy sẽ là tự hạ thấp giá trị của mình, và hạ thấp thì dễ nhưng nâng nên lại thì khó hơn. Bởi vậy, bất kể dù lương lậu ra sao, đã dạy là nên cố gắng dạy tốt. Những người dạy tốt có giá trị lớn trong xã hội, và không sớm thì muộn sẽ được xã hội đánh giá đúng mức, và sẽ có được thu nhập xứng đáng.

Chất lượng ngày càng quan trọng

Our future depends on the quality of education of our children today — Arnold Schwarzenegger

Một người thầy tốt thì đem lại giá trị rất lớn cho xã hội. Nhưng giá trị xã hội của một người thầy “làng nhàng”, dạy không hay, thì không được cao. Đặc biệt có những người dạy điều sai điều xấu cho học trò, khi đó thì không những không có giá trị, mà còn là giá trị âm, làm hại học trò và xã hội. Muốn có giá trị cao, thì phải có chất lượng tốt. Điều này đặc biệt đúng trong giáo dục.

Nhiều khi học sinh phải học một người thầy dở trong giờ học chính thức vì không có lựa chọn nào khác. Nhưng đối với học ngoại khóa hay trường tư có thể sẽ có nhiều lựa chọn hơn, và khi đó những người dạy tốt sẽ sớm thu hút được người đến học còn người dạy tồi không thu hút được người học trừ khi dùng những mánh khóe bắt ép. Ngay ở Toulouse, tôi có từng chứng kiến những trường hợp có hai giáo sư cùng dạy một môn ở hai giảng đường khá nhau (vì đông sinh viên nên chia ra thành vậy), chỉ sau một thời gian ngắn phần lớn các sinh viên ở giảng đường của giáo sự dạy chán chạy sang  ngồi học bên giáo sư dạy hay.

Trong thời đại thông tin, sự phân biệt giá trị giữa chất lượng thấp và chất lượng cao ngày càng rõ rệt. Ví dụ, một người thầy có khả năng giảng một bài thật hay, thật dễ hiểu và sinh động. Nếu thầy chỉ giảng cho một lớp học, thì thường có vài chục hay cùng lắm là vài trăm học sinh được tham dự bài giảng rất hay đó. Nhưng cùng với công nghệ thông tin, bài giảng rất hay này có thể được thu lại đưa lên internet, và không chỉ là vài trăm, mà là vài chục nghìn hay thậm chí vài trăm nghìn người sẽ được trực tiếp thưởng thức bài giảng hay này. Nhìn từ khía cạnh kinh tế, một bài giảng hay để trên internet như vậy sẽ có giá trị cho xã hội lên đến hàng nghìn hay hàng chục nghìn USD. Trong khi đó, những bài giảng dở thì chẳng ai muốn nghe, chẳng có giá trị gì mấy, nếu không nói là chỉ làm mất thời giờ của người nghe giảng. Khi mà học sinh không có lựa chọn về thầy, thì thầy dạy dở học sinh cũng phải cố mà đi học. Nhưng khi xã hội mở ra, lựa chọn nhiều hơn, có thể qua máy tính, video, internet những người thày dạy rất hay thay vì học trực tiếp người dạy dở, thì nói chung họ sẽ chọn lựa học thầy dạy hay dù là có ít được tiếp xúc trực tiếp.

Đối với các tài liệu và dụng cụ học tập, ví dụ như sách giáo khoa, cũng vây: chất lượng ngày càng trở nên quan trọng. Khi có thể được chọn lựa sách học, thì sẽ không còn chỗ đứng cho những sách viết dở, khô khan, rắm rối, giáo điều, trong khi đó những sách viết hay, hấp dẫn, giải thích đúng bản chất và dễ hiểu, sẽ được nhiều học sinh chọn lựa, trở nên có giá trị cao.

 Trước hết là thương yêu trò

The best teachers teach from the heart, not from the book — author unkown

Làm sao để trở thành công, đạt chất lượng cao trong việc dạy học ?

Có rất nhiều điểm trong triết lý giáo dục, phương pháp giảng dạy, tư cách người thầy, v.v. mà muốn trở thành một người dạy học tốt chúng ta sẽ phải tuân theo. Nhưng qui tắc đầu tiên có lẽ là: người thầy tốt trước hết phải là người thương yêu học trò.

Muốn thành công trong bất cứ nghề gì thì phải yêu nghề đó. Điều này đặc biệt đúng trong giáo dục. Không thể nói là yêu nghề giáo, nếu như không có tình yêu thương dành cho học trò.

Trong lúc thảo luận, một bạn T nêu câu hỏi: Thế nào là yêu thương học trò ?

Tình yêu thương học trò thể hiện ở chỗ nào ? Theo tôi, nó thể hiện trong toàn bộ các hành động, lời nói của chúng ta trong quan hệ đối với học trò, chứ không phải là ta cứ nói “tôi yêu học trò”  thì có nghĩa là ta yêu học trò.

Cảm thông với các khó khăn của học trò, lắng nghe và trả lời các câu hỏi của học trò, cố gắng dạy cho đúng cho hay, cho học trò những lời khuyên tốt nhất cho trò chứ không phải là cho mình, không sỉ nhục học trò, không bắt nạt hay ăn chặn học trò, cố gắng hiểu nguyên nhân vì sao học trò lại “dốt, lại “hư”  để tìm cách giúp học trò tốt lên, v.v. Tất cả những điều đó là thể hiện sự yêu thương học trò. Người Pháp có một câu nói rất hay: thời gian là tình yêu. Yêu ai tức là dành thời gian cho người đó. Yêu học trò, tức là dành thời gian quan tâm đến học trò. Hãy dành nhiều thời gian cho học trò, cho việc chuẩn bị bài giảng, cho việc tìm hiểu về giáo dục học, cho việc rèn luyện các kỹ năng dạy học của mình, cho việc cập nhật kiến thức, v.v. Khi đó sẽ càng ngày càng trở thành một người thầy tốt.

Người Do Thái có nhiều châm ngôn rất hay, trong đó có  câu truyện sau: Một ông bố có con hư hỏng, ăn cắp, tội phạm, v.v., đến gặp một cha đạo Do Thái để hỏi phải làm gì với con bây giờ, có nên từ nó không. Ông cha đạo nói: “Ông phải yêu con hơn nữa”. Tình yêu thương mới có sức mạnh làm cho con người ta tốt lên.

Người thầy cũng vậy. Khi gặp một học trò dốt, trò hư, thì sỉ nhục nó là “sao mày hư thế, dốt thế” chẳng có tác dụng làm cho nó giỏi lên hay ngoan lên. Thay vì mắng nó chung chung “cho sướng mồm, cho hả cơn giận”, nếu có thể bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân vì sao nó “hư”, nó “kém”, rồi giải thích cho nó cụ thể hơn là “nó kém điểm nào, tư cách không tốt điểm nào, có thể làm thế nào cho tốt lên” thì có ích cho học trò hơn.

Tất nhiên, nói chung không thể đòi hỏi thầy phải yêu trò nhiều như là bố mẹ yêu con. Bố mẹ có thể hy sinh rất nhiều thứ vì con, và không thể đòi hỏi thầy cũng phải hy sinh như vậy vì trò. Nhưng người thầy tốt có thể chấp nhận hy sinh những thứ không quan trọng lắm (ví dụ như bớt giải trí), khi có trò cần đến mình. Một bạn đồng nghiệp của tôi là giáo sư ở bên Anh có nói: “A student is sacred“. Đấy cũng là quan niệm của nhiều nơi trên thế giới về học trò: đã nhận ai làm trò, là phải có trách nhiệm rất lớn với người đó.

Một bạn C. đặt câu hỏi ngược lại: Thế trò có phải yêu thầy không ?

Theo tôi, quan hệ thầy/trò là một quan hệ không đối xứng, trong đó người thầy ở thế chủ động hơn là người trò. Việc trò có yêu thầy, yêu trường hay không chủ yếu phụ thuộc vào việc trò được thầy, được trường đối xử ra sao. Nếu người thầy thực sự thương yêu trò, dạy những điều tốt, dạy hay, thì hầu hết các học trò sẽ nhận thấy điều đó, và kể cả trò “dốt”, trò “hư” cũng sẽ yêu thầy. Còn nếu trò ghét thầy, thì lỗi chủ yếu nằm ở thầy chứ không phải ở trò: khi một giáo viên tỏ ra khinh miệt, ghét bỏ, bất cần học trò, thì tất nhiên khó đòi hỏi học trò phải yêu giáo viên đó.

—————–&&—————–

“Bỏ phiếu bằng chân”

“Bỏ phiếu bằng chân”

(Tác giả: Nguyễn Quang A – Nguồn: laodong.com.vn)

“Bỏ phiếu bằng chân” là lặng lẽ (hoặc thi thoảng ồn ào) rời khỏi nơi nào đó, một cửa hàng, một nơi làm việc, thậm chí một nước, để bày tỏ thái độ. Đó là một lựa chọn, một quyền đôi khi rất mạnh và rất hữu hiệu của con người mà khỏi phải tranh cãi, nêu lý lẽ dài dòng.

Về mặt kinh tế học, hiện tượng này đã được Albert Hirschman nghiên cứu kỹ trong cuốn  “Exit, Voice, and Loyalty” (Đi khỏi, Tiếng nói, và Lòng trung thành) xuất bản năm 1970 của ông. Người tiêu dùng, người mua, với quyền lựa chọn của mình, có thể lặng lẽ chuyển sang mua hàng hay dịch vụ của nhà cung cấp khác mà khỏi phải to tiếng phản đối nhà cung cấp cũ. Đấy là một cơ chế thúc đẩy phát triển rất mạnh mẽ của thị trường và cũng có thể áp dụng ở các lĩnh vực khác. Nếu họ ý thức được sức mạnh của “quyền bỏ phiếu bằng chân” này họ có thể góp phần làm thay đổi xã hội một cách mạnh mẽ.

Người ta có thể dùng quyền bỏ phiếu bằng chân của mình không chỉ khi đối mặt với các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ, đối với các đối tác, mà cả với những người sử dụng lao động và thậm chí đối với cả chính quyền nữa.

Trong bài “Nghịch lý lương” của tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, tác giả [hay/và tòa soạn] đã nhấn mạnh, “Lương của 1 vị tiến sỹ, trưởng phòng nghiên cứu khoa học có thâm niên trên 20 năm cũng chỉ bằng lương của một “osin” trong gia đình trung lưu hiện nay và thấp hơn lương trung bình của một lái xe taxi…”.

Đúng là hết sức nghịch lý. Không rõ vị tiến sỹ mà tác giả lấy làm điển hình ấy có ý thức được quyền “bỏ phiếu bằng chân” của mình hay không? Vị ấy hoàn toàn có thể lựa chọn bỏ cái “cơ quan” ấy, để đi làm ở chỗ khác có lương cao hơn, bằng cách đó báo động cho cơ quan rằng chính sách lương của nó có vấn đề, và việc cảnh báo ấy là có ích về mặt xã hội.

Như tác giả cũng nhắc đến, có thể lương thì thấp, còn thu nhập thì ngất ngưởng ở các cơ quan nhà nước khiến cho vị tiến sỹ ấy rất vui lòng làm việc ở đó. Hay vị tiến sỹ ấy thực ra cũng chẳng có năng lực gì nên mới cam chịu làm việc 20 năm ở một cơ quan như thế, và trong trường hợp ấy lẽ ra lương cho vị tiến sỹ chỉ nên trả bằng một phần ba lương của “Ôsin” để cảnh báo vị ấy đừng ngồi đó làm mất chỗ của người khác. Trong các trường hợp này vị tiến sỹ chẳng có gì phải than phiền.

Thậm chí người ta có thể rút lui, “bỏ phiếu bằng chân”, để từ chối quyền làm chủ, quyền sở hữu. Các bạn bè hùn vốn lập công ty trách nhiệm hữu hạn để làm ăn. Lúc nảy ra tranh chấp, hay khó khăn, một người có thể chuyển nhượng phần hùn của mình cho người khác để rút lui mà khỏi phải cãi cọ om sòm. Việc này không phải lúc nào cũng dễ. Liệu có ai nhận chuyển nhượng không? Họ có trả giá xứng đáng không? Điều lệ của công ty có cho phép đối tác ngăn cản sự chuyển nhượng như vậy hay không? Và vân vân. Công ty cổ phần và việc niêm yết công ty trên thị trường chứng khoán giúp các “ông chủ” rút lui, “bỏ phiếu bằng chân” dễ dàng hơn rất nhiều (và đó cũng là một lý do cho sự tồn tại của thị trường chứng khoán, tạo ra cách để các ông bà chủ rút lui một cách văn minh).

Sự di cư cũng có thể có khía cạnh “bỏ phiếu bằng chân” của nó. Tại địa phương mà công việc làm ăn khó khăn, hay người ta không ưa chính sách của chính quyền sở tại, hay vì nhiều lý do khác, và người ta rời bỏ đến chỗ khác định cư, làm ăn. Thông tin về di cư cũng là thông tin hữu ích để đánh giá về mặt chính sách ở nơi đó có thuận lợi hay không, có tạo ra môi trường “đất lành chim đậu” hay không. Cũng có khi sự quẫn bách buộc người ta phải di cư, và đó là một trong những biểu hiện cực đoan của quyền bỏ phiếu bằng chân.

Tất nhiên, lựa chọn, quyền “bỏ phiếu bằng chân” là chỉ là một trong những lựa chọn, một trong những quyền, mà chúng ta có thể có, và nhiều khi là những lựa chọn bất đắc dĩ. Tuy nhiên, đó là lựa chọn và quyền hết sức mạnh mẽ. Khi người dân ý thức được quyền đó của mình, họ sẽ có thêm khả năng lựa chọn, quyền tự do (hiểu theo khía cạnh quyền được lựa chọn) của người đó tăng lên. Nhất là khi quyền tự tổ chức, cũng là một quyền con người cơ bản, được đảm bảo, hay được giành lấy qua đấu tranh, thì quyền biểu quyết bằng chân khó có thể bị bất cứ ai bỏ qua.

Những người tiêu dùng có thể tổ chức (một cách tự phát hay có ý thức) việc tẩy chay. Khi nghe nói về thịt lợn nạc có thể do người chăn nuôi sử dụng thuốc kích thích “siêu nạc”, các bà nội trợ do e sợ mà ít mua thịt lợn, đó cũng là cách “bỏ phiếu bằng chân” tự phát, không có tổ chức, nhưng có thể rất hiệu quả hay có thể gây tác hại khôn lường như làm phá sản những người chăn nuôi tử tế. Nếu những người chăn nuôi không lập các tổ chức của chính mình để ngăn nhau, giám sát nhau đừng sử dụng các chất kích thích như vậy hay cố giữ an toàn vệ sinh thực phẩm, loại trừ các thành viên sử dụng thuốc kích thích, thì họ đã bỏ qua cách tốt nhất để chống việc “bỏ phiếu bằng chân” của người tiêu dùng gây hại cho họ. Nhà nước nên có chính sách ủng hộ việc làm đó.

Có thể thấy, chính sách của nhà nước là hết sức quan trọng để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền này của mình. Từ việc cho phép các tổ chức xã hội dân sự phát triển, đến việc cung cấp thông tin, cũng như các biện pháp khác để người dân có thể thực hiện, hay đấu tranh để đòi thực hiện các quyền con người, trong đó có quyền “bỏ phiếu bằng chân”, của mình, cũng như để khắc phục các tác hại mà việc sử dụng quyền ấy khi thiếu thông tin xác đáng gây ra. Làm được vậy là góp phần dắc lực vào sự phát triển đất nước.

—————&&—————-

Người Việt dạy đút lót, người Mỹ dạy gì?

Người Việt dạy đút lót, người Mỹ dạy gì?

(Tác giả: Lê Đỗ Huy – Nguồn: vietnamnet.vn)

Một ngày cuối năm, tôi nhập một hội “trí ngủ”, ngồi nói chuyện giáo dục. Chị Lady Borton người Mỹ bảo trường học ở Việt Nam và ở Mỹ chỉ có một khác biệt: “Trường ở Việt Nam dạy đút lót, còn trường Mỹ không dạy…”.

Nghĩ nhức cả đầu. Bật ti vi lên. Bản tin bắt đầu bằng chuyện máy bay ở Nga lại rơi. Sau đó, đến tin một sinh viên trường Hàng không Nga nhất định không chịu trả tiền “đi thày” (dù là rất ít), và rơi vào tình trạng bị cô lập, vì tất cả mọi người đều nghĩ khác anh ta. Người bạn Nga của tôi nói: “Máy bay cũ quá vẫn dùng thì rơi. Nhưng nếu sinh viên ra trường kiểu này thì sắp tới chắc máy bay mới cũng rơi”.

Trong lúc mày chơi nhởn, cháu à, mày đã đỗ vào đại học rồi.Báo Cá sấu, Liên Xô, 1982.

Thật vậy. Trường học, học viện, giảng đường đại học Nga cũng ngập dưới “phong bì”. Thậm chí còn có mốt thanh toán bằng… “vốn tự có”. Nhưng tôi “xem bói cho người” làm gì.

Tôi bật sang chương trình TV Việt, trong đầu bỗng hiện ra dòng suy tưởng thô thiển nhưng có hướng đích:

  • Sinh viên y khoa “mua điểm” – thành “bác sĩ” phẫu thuật, sẽ cắt nhầm thận, thậm chí cắt tất tật thận;
  • Kỹ sư sắp ra trường  “đút” giảng viên – xe máy lại cháy;
  • Sinh viên cầu đường “đi thày” – đường sạt lở, cầu sụp;
  • Cử nhân kinh tế tương lai “mua điểm” – kinh tế khủng hoảng kinh niên;
  • Sinh viên sư phạm quên “nói không” với phong bì – “trồng” nên những tình nguyện viên đút lót;

Nếu tất cả các trường đều có phong trào “lo lót”, e ngày mai cuộc sống chỉ còn một dạng hoạt động: mọi người đi lòng vòng, lì xì lẫn nhau suốt năm. Nhưng con người phải học cách sống sao đó không cần ăn?

Chắc không cần học cách tồn tại không ăn, vì lúc đó chúng ta cũng đã đạt trình độ hoàn toàn vô cảm, nên chắc chẳng cảm thấy đói đâu.

“Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả:

-Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy.

-Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy.

-Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy.

-Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đấy.

-Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy.

Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.

—–Nelson Mandela—–

————–&&————–